Thursday, March 31, 2022

NHỮNG TRÙNG PHẠT KINH TẾ NGA VÌ CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC UKRAINE (Nguyễn Quốc Khải)

 



Những trừng phạt kinh tế Nga vì chiến tranh xâm lược Ukraine

Nguyễn Quốc Khải

01/04/2022

https://www.voatiengviet.com/a/nh%E1%BB%AFng-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-kinh-t%E1%BA%BF-nga-v%C3%AC-chi%E1%BA%BFn-tranh-x%C3%A2m-l%C6%B0%E1%BB%A3c-ukraine/6509879.html

 

https://gdb.voanews.com/02870000-0aff-0242-b5eb-08da13423f4b_w650_r1_s.jpg

Hình mẫu một ống dẫn dầu trên đồng tiền Ruble của Nga. Hình minh họa.

 

 

Trong lịch sử thế giới, chưa bao giờ có một kế hoạch cấm vận quy mô và khốc liệt như đang áp dụng vào Nga.

 

                                                                *

 

Hơn một tháng đã trôi qua một cách chậm chạp, sau khi quân Nga ngang nhiên tràn vào lãnh thổ Ukraine, một nước có chủ quyền và được cả thế giới công nhận. Ước mơ chiếm được thủ đô Kyiv trong vài ngày của Tổng Thống Vladimir tan thành mây khói. Hàng ngàn binh sĩ Nga thiệt mạng, gần 20 sĩ quan cao cấp tử trận và hàng trăm xe tăng, xe bọc sắt bị tiêu hủy hoặc bị quân đội Ukraine tịch thu.

 

Không phải chỉ có vậy. Bài phân tách sau đây sẽ bàn về những thiệt hại kinh tế Nga đang phải lãnh đủ. Nga với 142 triệu dân (2021) và tổng sản lượng nội địa (GDP) của 2020 là $3,876 tỉ (theo thời giá 2017), từ một nền kinh tế chỉ huy chuyển qua kinh tế tư bản quốc doanh với một khu vực tư nhân giới hạn sau khi Liên Xô xụp đổ. Kinh tế Nga đã thực hiện được mức phát triển tốt đẹp vào những năm 1998-2008. Tiếp theo là giai đoạn kinh tế trì trệ. Cuộc xâm chiếm Crimea vào 2014 đã đẩy Nga vào cuộc suy thoái kinh tế. Cuộc xâm lăng Ukraine vào 2022 sẽ làm kinh tế lún sâu vào một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy vì những biện pháp trừng phạt kinh tế của khối các nước dân chủ.

 

NHỮNG BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT KINH TẾ

 

1. Tài chánh

 

Đóng băng những tích sản của Ngân Hàng Trung Ương của Nga bao gồm $630 tỉ ngoại tệ dự trữ ở bên ngoài nước Nga.

 

Hoa Kỳ, Anh, và Liên Âu cấm cá nhân và các cơ sở kinh doanh giao dịch với Ngân Hàng Trung Ương Nga, Bộ Tài Chánh và những quỹ tài sản (dự trữ tiền của chính phủ).

 

Không cho phép các ngân hàng Nga sử dụng hệ thống giao dịch tài chánh quốc tế SWIFT (Society for worldwide Interbank Financial Telecommunication), khiến cho việc thanh toán tiền bạc giữa các ngân hàng và giữa các nước khó thực hiện nhanh chóng.

 

2. Năng lượng

 

Hoa Kỳ cấm nhập cảng dầu khí của Nga.

 

Anh Quốc sẽ dần dần chấm dứt nhập cảng dầu khí của Nga vào cuối năm 2022.

 

Liên Hiệp Âu Châu hiện nhập cảng 25% dầu và 40% khí đốt từ Nga, không hoàn toàn cấm nhập cảng, nhưng sẽ dần dần giảm bớt lệ thuộc và sẽ độc lập với Nga trước năm 2030.

 

Đức đã tạm ngưng cấp cho phép mở đường ống dẫn dầu Nord Stream II từ Nga.

 

https://gdb.voanews.com/02870000-0aff-0242-5237-08da134b2958_w650_r0_s.jpg

Các nước đóng không phận với Nga.

 

3. Thương mại

 

Hoa Kỳ, Anh, Liên Hiệp Âu Châu và một số nước khác cấm xuất cảng qua Nga một số sản phẩm như phi cơ và thiết bị, những hàng hóa dân dụng nhưng có lợi ích quân sự như hóa chất hay laser.

 

33 quốc gia gồm Liên Hiệp Âu Châu, Hoa Kỳ, Canada, Anh, Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và một số nước khác cấm các phi cơ Nga bay qua không phận của những nước này, ngoại trừ trường hợp ngoại giao và nhân đạo.

 

4. Cá nhân

 

Hoa Kỳ, Anh, và Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt một số tỉ phú Nga thân cận với Điện Kremlin bao gồm Tổng Thống Vladimir Putin và Ngoại Trưởng Sergei Lavrov. Du hành bị cấm và tích sản của họ bị đóng băng.

 

Tỉ phú Nga Mikhail Fridman, hiện đang cư ngụ tại London, Anh quốc, với một tài sản trị giá $10.4 tỉ, than phiến rằng, ông như bị giam lỏng tại nhà vì lệnh cấm vận. Ông không tiếp cận những chương mục ngân hang, không dung được thẻ tín dụng, và máy ATM để rút tiền. Ông đang làm đơn xin chính phủ Anh cho chi tiêu 2,500 Bảng Anh ($3,275) mỗi tháng.

 

5. Công ty tư nhân

 

Rất nhiều công ty Tây phương đã tự nguyện tạm ngưng một phần hay toàn phần các hoạt động tại Nga. Chính quyền Nga tìm cách ngăn chặn các công ty rời bỏ Nga nhưng không thành công.

 

1.    Xe hơi: Ford, General Motors, Toyota, Volkswagen, Nissan.

 

2.    Hàng Không: Boeing, Airbus.

 

3.    Kỹ nghệ cao: Airbnb, Amazon. Apple, Facebook, Hitachi, IBM, Intel, Microsoft, Netflix, Nintendo, Roku, Sony, Spotify, Twitter, YouTube.

 

4.    Cố vấn: Accenture, EY, Deloitte, KPMG International, PricewaterhouseCooper.

 

5.    Năng lượng và kim loại: BP, Equinor, Exxon, BP, Shell, Rio Tinto, TotalEnergies.

 

6.    Tài chánh: Norway’s, Mastercard, Visa, American Express, Moody’s, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Western Union, Citigroup, Paypal.

 

7.    Thực phẩm: AB InBev, Burger King, Coca-Cola, Heineken, McDonald’s, Nestle, PepsoCo, Starbucks, Yum Brands.

 

8.    Khách sạn: Hyatt, Marriott, Hilton.

 

9.    Công nghệ: 3M, Dow, General Electric, John Deere, Caterpillar, Alstom.

 

10. Truyền thông và giải trí: DirecTV, Disney, WarnerMedia.

 

11. Thương mại: Crocs, Estée Lauder, H&M, Ikea, Imperial Brands, Inditex, Mothercare, Mondelez, Procter & Gamble, Unilever.

 

12. Vận chuyển: UPS, Fedex, Maersk, MSC Mediterranean Shipping Company.

 

https://gdb.voanews.com/093e0000-0a00-0242-7ff4-08da134b583e_w650_r0_s.jpg

Hối suất Ruble/$US từ 28 tháng Giêng đến 29 tháng Ba.

 

HẬU QUẢ CỦA HÌNH PHẠT KINH TẾ

 

1. Đồng Ruble mất giá.

 

Vào 23-2-2022 hối suất Ruble / US Dollar là 81.277. Khi Putin xua quân Nga vào Ukraine, Ruble tiếp tục mất giá trong trong tuần lễ đầu. Một đồng Rub trị giá không tới 1 xu của USD. Ngân Hàng Trung Ương Nga phải can thiệp bằng cách tăng lãi xuất từ 9.5% lên đến 20% vào ngày 28-2-2022 nhưng đã không thành công. Đồng Rub tiếp tục mất giá trong hai tuần kế tiếp. Một USD có thể đổi được 142.64 Rub vào ngày 7-3-2022. Chính quyền Nga đã phải thi hành một số biện pháp khác để nâng giá đồng Rub như bắt buộc những công ty xuất cảng dầu khí chỉ được giữ 20% ngoại tệ, đổi số tiền còn lại qua Rub. Dự trữ ngoại tệ thường được dùng để bảo vệ đồng bạc nội địa, nhưng dự trữ ngoại tệ tổng cộng khoảng $640 tỉ để ở các ngân hang ngoại quốc đã bị đóng băng. Nga có một số vàng dự trữ đáng kể. Tuy nhiên vàng không thể dùng để bảo vệ đồng Rub vì hiện nay chính quyền Nga không thể bán vàng lấy USD, Euro, hay Yen.

 

https://gdb.voanews.com/093e0000-0a00-0242-9a97-08da134b8163_w650_r0_s.jpg

Lãi suất của Ngân Hàng Trung Ương Nga.

 

2. Thị trường chứng khoán

 

Vào ngày 24-2-2022, khi Nga xâm lược Ukraine, chỉ số chứng khoán mất 1/3 giá trị. Khi các biện pháp trừng phạt kinh tế áp dụng, đồng Rub phá sản, thị trường chứng khoán Nga buộc phải đóng cửa. Đúng một tháng sau, vào ngày 24-3-2022, thị trường chứng khoán của Nga mở cửa lại, 4 giờ mỗi ngày, nhưng chỉ có 33 trong số vài trăm chứng khoán được phép mua bán với nhiều giới hạn. Những người đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế trên thị trường chứng khoán Nga nhưng hiện nay không được bán cổ phần của họ cũng như không được bán Rub để đổi lấy USD.

 

3. Kỹ nghệ hàng không

 

Trước đây hãng hàng không quốc doanh Aeroflot có những chuyến bay đến 146 địa điểm khác nhau. Kể từ ngày chiến tranh xâm lược xẩy ra, công ty này giảm bớt một nửa số đường bay vì hai lý do: (1) Liên Hiệp Âu Châu, Hoa Kỳ, Canada, và Anh không cho máy bay Nga bay qua không phận của họ; (2) Máy bay Nga sẽ bị tịch thâu vì cấm vận. Phi cơ Nga không những bị cấm bay đến Âu Châu và Bắc Mỹ. mà còn không thể đến những địa điểm phải bay qua không phận bị cấm.

 

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, công ty hàng không Nga bay phi cơ làm tại Nga và những công ty hàng không Tây phương dùng phi cơ sản xuất ở phương Tây. Nhưng trên 30 năm qua, kỹ nghệ hàng không thế giới hoàn toàn kết hợp. Các công ty hàng không Nga ngày nay sử dụng phần lớn phi cơ của Boeing và Airbus. Theo luật cấm vận, Boeing và Airbus không được phép cung cấp dịch vụ bảo trì và thiết bị phi cơ cho công ty hàng không Nga. Do đó, các công ty hàng không Nga sẽ phải đối phó với sự an toàn và thiếu máy bay ngay cả cho những đường bay quốc nội. Không thể mua phụ tùng mới, các công ty Nga sẽ phải hi sinh một số máy bay để lấy phụ tùng cũ ra thay thế.

 

Ngoài ra, các công ty hàng không Nga còn thuê của các hãng cho mướn ở Âu châu khoảng 500 phi cơ, chiếm khoảng 80% tổng số phi cơ. Cũng theo luật cấm vận, các công ty cho mướn phi cơ đến ngày 28-3-2022 phải hủy bỏ tất cả hợp đồng cho thuê và thu hồi những phi cơ này. Cho tới này các hãng cho thuê phi cơ đã lấy lại vài chục chiếc. Số phi cơ còn lại vẫn còn nằm trên đất Nga. Chính quyền Nga xem ra không chịu trả lại những phi cơ đang thuê mướn.

 

Quả thật, kỹ nghệ hàng không Nga đang gặp khá nhiều khó khăn, nhưng chưa hết. Do hậu quả của cấm vận, các công ty hàng không Nga bị cắt đứt mọi tiếp cận với ngân hàng Tây phương và hệ thống mua vé. Hành khách không thể sử dụng những thẻ tín dụng như Visa, MasterCard, hay American Express để thanh toán chi phí.

 

4. Kỹ nghệ dầu khí.

 

Nga là một nước sản xuất và xuất cảng dầu thô nhiều thứ ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Saudi Arabia theo U.S. Energy Information Administration. Nga cũng là một nước sản xuất khí đốt lớn thứ nhì sau Hoa Kỳ nhưng là một nước có số lượng dự trữ và xuất cảng khí đốt lớn nhất thế giới. Dầu và khí đốt xuất cảng là nguồn lơi tức lớn của Nga. Trong năm 2021, lợi tức dầu khí chiếm 45% ngân sách quốc gia. Ngoài ra, Nga còn là nước sản xuất lớn thứ nhì về than và nước xuất cảng nhiều than thứ ba trên thế giới.

 

Vào ngày 8-3-2022, chính quyền Biden đã quyết định cấm nhập cảng dầu, khí đốt và than của Nga. Năm vừa qua, Hoa Kỳ đã nhập cảng gần 700,000 thùng dầu thô và dầu tinh luyện của Nga mỗi ngày. khoảng 3% tổng số dầu Hoa Kỳ nhập cảng vào 2021. Theo Nhà Trắng, quyết định này sẽ ngưng cung ứng cho Nga hàng tỉ Mỹ kim để tài trợ chiến tranh ở Ukraine. Ngoài ra Hoa Kỳ cũng ngăn cấp công ty Hoa Kỳ đầu tư mới vào khu vực năng lượng của Nga và tài trợ những công ty ngoại quốc đầu tư để sản xuất năng lượng ở Nga.

 

https://gdb.voanews.com/093e0000-0a00-0242-2cee-08da134ba43a_w650_r0_s.jpg

Giá dầu thô thế giới, 4/2021 - 3/2022.

 

5. Lạm phát và suy thoái kinh tế

 

Theo một nghiên cứu của Goldman Sachs, một công ty đầu tư và dịch vụ tài chánh đa quốc gia, kinh tế Nga sẽ giảm 10% trong năm 2022. Đây là một suy thoái lớn nhất kể từ thời kỳ đen tối vào đầu thập niên 1990. Trước khi có chiến tranh xâm lăng, kinh tế Nga dự trù tăng 2%. Mức lạm phát ở Nga sẽ tăng lên đến 20% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, một cư dân ở Moscow cho biết giá đã tăng 20% - 30%. Xuất khẩu và nhập cảng sẽ giảm 10% và 20%.

Dầu xuất cảng, một nguồn lợi tức chính của Nga, có thể giảm xuống còn 3 triệu thùng mỗi ngày, tương đương với 38% mức xuất cảng trước chiến tranh.

 

Cấm vận của thế giới không những ảnh hưởng đến kinh tế của Nga mà còn gây ra những thiệt hại cho dân Nga. Alexey Skripko, một cư dân ở Moscow, đã nhanh chóng mua được một máy computer khá tốt để bàn với giá 70,000 rubles (khoảng $1,000). Ngày hôm sau, giá chiếc máy này là khoảng 90,000 rubles. Bây giờ hơn 100,000. Ít lâu sau ông Skripko và gia đình đã chạy qua Armenia vì lo sợ chiến tranh do Tổng Thống Putin gây ra.

 

Konstantin Sonin, giáo sư kinh tế gốc Nga tại University of Chicago, cho hay giá đường tăng 37% ở một vài vùng và trung bình 14% trên toàn quốc trong tuần lễ kết thúc vào 18-3-2022. Một vài nơi đã xẩy ra xô xát giữa những người tiêu thụ vì dành mua đường. Chính phủ Nga đã phải cấm xuất cảng đường.

 

KẾT LUẬN

 

Trong lịch sử thế giới, chưa bao giờ có một kế hoạch cấm vận quy mô và khốc liệt như đang áp dụng vào Nga. Giáo Sư và Kinh Tế Gia Tiệp Tomas Sedlacek nhận xét rằng “Những biện pháp trừng phạt kinh tế Nga rất thành công, rất nhanh chóng. Đáng kể hơn hết đây là một thông điệp căn bản rằng toàn thế giới, thế giới Tây phương tiến bộ sẵn sàng và đoàn kết để tấn công với võ khí kinh tế bởi vì đây là cách những quốc gia văn minh phát động một cuộc chiến tranh - nếu cần thiết. Họ không giết nhau nhưng tiến hành một chiến tranh kinh tế và chiến tranh kinh tế này đang có lợi cho chúng ta.”

 

Nga sẽ không thể gia nhập vào thế giới văn minh như GS Tomas Sedlacek nói để tiến bộ nếu những nhà lãnh đạo Nga không từ bỏ tư duy độc đoán hun đúc hàng thế kỷ từ thời Nga Hoàng qua Liên Xô. Hi vọng chế độ Putin sẽ sớm cáo chung và một trào lưu dân chủ thực sự sẽ ngoi lên ở Nga và sẽ mang lại hòa bình cho Âu Châu và thế giới. Vài quốc gia chư hầu trung thành mới của Putin sẽ rơi rụng tả tơi.

 

--------------

THAM KHẢO

 

1. Sergey Aleksashenko, “How much damage will sanctions do to Russia?” Aljazeera, March 3, 2022.

 

2. BBC, “Ukraine: What sanctions are being imposed on Russia?” March 24, 2022.

 

3. CIA World Book, “Russian economy,” March 10, 2022.

 

4. CNN Business staff, “Here are the companies pulling back from Russia,” CNN, March 15, 2022.

 

5. Bill Chappell, “Russia’s central bank doubles a key interest rate as sanctions spark economic turmoil,” NPR, February 28, 2022.

 

6. Max Fisher, “Russia’s other contest with the West: Economic endurance,” The New York Time, March 9, 2022.

 

7. Stephen Gadel, Jason Karaian,”Who’s buying stocks?” The New York Times, March 26, 2022.

 

8. Nicholas Gordon, “Russia’s flag carrier, Aeroflot, is canceling its international flights to stop foreign governments seizing its planes,” Fortune, March 7, 2022.

 

9. Julie Johnson, Danny Lee, “Owners fear planes ‘are gone forever’ after Russia shields them from seizure,” Bloomberg, March 8, 2022.

 

10. Jim Puzzanghera, “It’s going down the drain: Sanctions are taking toll on Russia’s economy,” Boston Globe, March 26, 2022.

 

11. Harry Robertson, “Russia’s economy will shrink a huge 10% this year, Goldman Sachs says – Its worst construction since the dark days of the 1990s,” Business Insider, March 21, 2022.

 

12. Greg Rosalsky, “How sanctions are pining down the Russian economy,” NPR, March 8, 2022.

 

13. David Schaper, “Growing sanctions on Russia could cripple Russian airlines,” NPR, March 11, 2022.

 

14. Tomas Sedlacek, “I am proud of how fast the West agreed on sanctions,” english.radio.cz, March 03, 2022.

 

15. Alina Selyukh, “How everyday Russians are feeling the impact from sanctions,” NPR. March 2, 2022.

 

16. Huileng Tan, “Sanctioned Russian oligarch Mikhail Fridman says he is ‘practically under house arrest’ and has to eat at home as his credit cards have been blocked,” 17. Business Insider, March 29, 2022.

 

17. Derek Thompson, “Russia’s looming economic collapse,” The Atlantic, March 2, 2022.

18. Ben Walsh, “The unprecedented American sanctions on Russia, explained,” March 9, 2022.





No comments: