Điều
gì sẽ xảy ra nếu Nga đưa ra một thỏa thuận?
Liana
Fix và Michael Kimmage - Foreign
Affairs
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
28/03/2022
https://nghiencuuquocte.org/2022/03/28/dieu-gi-se-xay-ra-neu-nga-dua-ra-mot-thoa-thuan/
Làm thế nào để kết
thúc một cuộc chiến mà không ai có khả năng chiến thắng?
Hai cuộc thế chiến hồi thế kỷ 20 đã cho chúng
ta một nguồn vô tận các tiền lệ và so sánh. Giai đoạn trước Thế chiến 2 đã sản
sinh ra phép so sánh Munich, ám chỉ quyết định năm 1938 của Anh và Pháp, cho
phép Đức Quốc xã sáp nhập một phần lãnh thổ Tiệp Khắc. “Munich” sau đó
đã trở thành một từ viết tắt của “chính sách xoa dịu.” Trong khi đó, giai đoạn
hậu Thế chiến 2 tạo ra phép so sánh Nuremberg, khơi gợi về các phiên tòa xét xử
công khai những nhà lãnh đạo còn sống của chế độ Đức Quốc xã, mà khi đó đã bị
đánh bại hoàn toàn. “Nuremberg” bây giờ là viết tắt của “đầu hàng vô điều
kiện.”
Ngược lại, sự kết thúc của Thế chiến 1 lại
không rõ ràng và không đầy đủ. Berlin không thất thủ vào tháng 11/1918. Thay
vào đó, chính phủ đã tiến hành chiến tranh bị buộc phải giải thể và Hoàng đế
Wilhelm phải sống lưu vong. Các điều khoản khắc nghiệt để đổi lấy hòa bình – gồm
yêu cầu bồi thường chiến tranh và việc quy kết mọi tội lỗi cho nước Đức – đã trở
thành tiền đề cho sự trỗi dậy của Adolf Hitler và cho sự bùng nổ của Thế chiến
2. Và đó là câu chuyện đằng sau phép so sánh “Versailles”: viết tắt của
một hòa ước mà sau đó lại dẫn đến chiến tranh.
Giờ đây, câu hỏi là, cuộc chiến tranh lớn đầu
tiên của châu Âu trong thế kỷ 21 sẽ có đặc tính như thế nào? Chính khách và học
giả người La Mã Cicero cho rằng một nền hòa bình phi nghĩa vẫn tốt đẹp
hơn một cuộc chiến chính nghĩa. Các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Ukraine và
Nga sẽ giúp kiểm tra khẳng định này.
Sự kháng cự dũng cảm của người Ukraine đã ngăn
cản bước tiến của quân Nga. Khi ra lệnh xâm lược Ukraine, Tổng thống Nga
Vladimir Putin đã hành động một cách bốc đồng. Nếu bây giờ ông ta chịu sử dụng
tư duy chiến lược, ông sẽ cố gắng cắt giảm tổn thất và tìm cách kết thúc cuộc
chiến. Các mục tiêu chính trị lớn hơn của ông ta đều đã nằm ngoài tầm với.
Putin không thể kiểm soát Ukraine, và sẽ phải chật vật mới có thể giành được
lãnh thổ của một quốc gia phản đối sự chiếm đóng của Nga. Moscow chỉ có một con
đường quân sự tốn kém và nhiều rủi ro đang chờ phía trước, cùng với các lệnh trừng
phạt sẽ đặt ra những gánh nặng lớn cho chế độ của Putin. Nhưng dù điều gì xảy
ra ở Ukraine, Nga vẫn sẽ là một cường quốc hạt nhân, và vẫn sẽ duy trì lực lượng
quân sự thông thường lớn nhất châu Âu.
Ukraine đã thể hiện sự phòng thủ đáng gờm,
nhưng nước này không thể đảo ngược sự thống trị quân sự của Nga, hoặc ngăn chặn
các cuộc pháo kích và ném bom vào dân thường cũng như các mục tiêu quân sự. Hành động ngoại giao cân bằng của
Ukraine – giữa việc duy trì chủ quyền quốc gia và chấm dứt một cuộc chiến tàn
khốc – sẽ đặc biệt khó khăn. Vũ khí từ Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ củng
cố vị thế đàm phán của Ukraine. Nhưng nếu họ không tham gia trực tiếp vào cuộc
chiến, và điều đó là chắc chắn, thì Ukraine sẽ không được hưởng một chiến thắng
hoàn toàn, và Nga sẽ không phải chịu một thất bại hoàn toàn.
Nếu hai bên có thể đạt được một thỏa thuận, cả
Ukraine và Nga đều phải chấp nhận chỉ đạt được lợi ích một phần và mong manh. Trong cuộc chiến này, sẽ không
có Munich, không có Nuremberg, không có Versailles.
Lịch sử gần đây cho chúng ta thêm một so sánh
(không đáng mừng) cho các bên: Minsk, ám chỉ các thỏa thuận đàm phán đạt
được tại thành phố của Belarus vào năm 2014 và 2015, nhằm chấm dứt giao tranh
giữa Ukraine và phe ly khai do Nga hậu thuẫn, vốn là phần mở đầu cho cuộc chiến
hiện tại. Cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine đã chứng tỏ sự bất cập
của các thỏa thuận Minsk, đại diện cho một hình thức quản lý khủng hoảng khiến
tất cả mọi người khó chịu mà chẳng làm hài lòng ai, trì hoãn và thậm chí còn
làm trầm trọng thêm các vấn đề cơ bản của Ukraine.
Mỹ và châu Âu không có chiến tranh với Nga, và
không thể áp dụng mô hình Nuremberg hoặc Versailles cho cuộc xung đột đang diễn
ra ở châu Âu. Vì vậy, nhiệm vụ của họ là phải làm tốt hơn thỏa thuận Minsk. Các biện pháp trừng phạt của
phương Tây đối với Nga, và các đợt hỗ trợ quân sự cho Ukraine đã thực sự mang lại
đòn bẩy. Washington và các đồng minh châu Âu nên sử dụng và mở rộng đòn bẩy
này, sao cho tương ứng với hành động tiếp tục vi phạm chủ quyền Ukraine của
Nga. Liên minh xuyên Đại Tây Dương không thể ra lệnh cho Putin. Họ chỉ
có thể hỗ trợ Ukraine hướng đến một hòa ước mà nhiều khả năng sẽ không làm họ
hoàn toàn hài lòng. Thực tế khiêm tốn này cần trở thành điểm khởi đầu cho chính
sách và ngoại giao.
Tại sao Minsk thất
bại?
Thông qua đàm phán Minsk, Putin hy vọng đảm bảo
sự trung lập của Ukraine như ý muốn của Nga, và thỏa hiệp chủ quyền của Ukraine
bằng cách tạo ra một khu bán tự trị ở miền đông nước này. Thế nhưng, sau khi thỏa
thuận Minsk được ký kết, Ukraine đã củng cố mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn
với Mỹ, NATO, và các nước Tây Âu. Một đường dây liên lạc được hình thành ở miền
đông của đất nước, giữa vùng còn lại của Ukraine và vùng đất do Nga kiểm soát.
Với chi phí đáng kể, Nga đã chiếm một lãnh thổ chẳng mang lại cho nước này đòn
bẩy thực sự nào đối với tương lai địa chính trị của Ukraine.
Trong khi đó, Mỹ và các nước châu Âu đã áp đặt
các lệnh trừng phạt đối với Nga, cam kết sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này
cho đến khi Nga rút quân khỏi miền đông Ukraine và kết thúc chiến tranh, dù
lính Nga vẫn không bị khuất phục trên chiến trường. Putin không thể bình thường
hóa quan hệ với Mỹ và các đồng minh, trừ khi ông tuân theo các điều khoản trong
các thỏa thuận Minsk, điều mà ông không có ý định thực hiện. Nhưng các lệnh trừng phạt không
gây bất ổn cho Nga, và cũng không đủ mạnh để buộc Moscow chấp nhận các điều khoản
của phương Tây.
Sự thất bại của Minsk có nhiều nguyên nhân.
Các bên ký kết hiệp định là Pháp, Đức, Nga, và Ukraine. Paris và Berlin tuy
hùng hồn nói về thỏa thuận nhưng lại chẳng làm gì nhiều để thực hiện nó, và tác
động của các lệnh trừng phạt cứ thế suy yếu theo từng năm. Washington cũng tự
mãn và lười biếng hệt như vậy. Hỗ trợ quân sự của Mỹ chỉ đổ vào Ukraine khi
chính quyền của Tổng thống Donald Trump đồng ý viện trợ vũ khí sát thương – với
các điều kiện đi kèm đủ để Trump bị luận tội thao túng quan hệ với Ukraine. Tuy
nhiên, bất chấp mọi hứa hẹn trước đó, Ukraine không bao giờ có cơ hội gia nhập
NATO, hoặc bất kỳ liên minh nào khác: không có cam kết hiệp ước nào, từ Mỹ hoặc
từ một cường quốc nào khác, từng xuất hiện.
Cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 của Putin được
thúc đẩy bởi một tầm nhìn phục thù về mối quan hệ lịch sử của Ukraine với Nga,
và từ sứ mệnh mà ông tự trao cho mình là chấm dứt địa vị nhà nước của Ukraine.
Nhưng cuộc xâm lược cũng được thúc đẩy bởi thất vọng thực tế của Putin về thỏa
thuận Minsk. Dù quân đội Nga đã giành chiến thắng trong các trận chiến năm 2014
và 2015, nhưng Điện Kremlin lại thua trong cuộc chiến về tương lai của Ukraine.
Putin tin rằng nhanh chóng lật đổ chính phủ ở Kyiv sẽ làm thay đổi tình trạng
đó, và kéo Ukraine quay trở lại với Nga, trừng phạt các đối tác châu Âu và Mỹ của
Kyiv. Theo dự đoán của ông, hành động xâm lược sẽ không dẫn đến một cuộc chiến
tranh rộng lớn hơn, bởi châu Âu và Mỹ chỉ cam kết hời hợt với Ukraine. Nếu họ
cam kết thực sự, họ đã chẳng để thỏa thuận Minsk trôi vào quên lãng.
Thất hứa
Thành công bất ngờ của Ukraine đã khiến Điện
Kremlin phải suy nghĩ lại về mục tiêu chiến tranh của mình. Putin bắt đầu cuộc
xâm lược với mục tiêu lớn nhất là lật đổ chính phủ Ukraine. Cuộc chiến là nhằm
“phi phát xít hóa” Ukraine, theo cách nói kỳ lạ của Putin, vốn có nghĩa là thay
đổi chế độ. Nhưng nếu xét đến những tổn thất to lớn của Nga trên chiến trường,
việc chiếm Kyiv có lẽ đã trở nên bất khả thi đối với các lực lượng Nga, và bằng
cách loại bỏ vấn đề phi phát xít hóa khỏi cuộc trao đổi, Putin đã ra dấu rằng
ông có thể chấp nhận chính phủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky làm đối
tác hợp pháp trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, đây cũng có thể là một cái bẫy dành
cho Kyiv, một khoảng tạm dừng trước khi Nga quay trở lại với một loạt các yêu
sách leo thang. Putin bằng mọi giá sẽ sử dụng bất cứ lãnh thổ nào mà lực lượng
Nga đã chiếm được trong những tuần gần đây làm lá bài thương lượng.
Vào lúc này, Putin có thể có ba mục tiêu cốt
lõi. Một là chính thức hóa việc sáp nhập Crimea vào Nga, mà theo Putin là thành
tựu cơ bản trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Có lẽ việc sáp nhập các vùng
Donetsk và Luhansk, chỉ một phần lãnh thổ của hai vùng này bị chiếm đóng trước
cuộc xâm lược năm 2022, cũng được xếp vào nhóm mục tiêu này. Thêm nữa, Nga cũng
có thể thúc đẩy việc chiếm được một hành lang đất liền từ Moldova đến Mariupol,
tùy thuộc vào diễn biến của cuộc chiến.
Mục tiêu thứ hai là xác lập tính trung lập của
Ukraine, có thể được hiểu là nước này sẽ không có khả năng gia nhập NATO, hay
tham gia các liên minh hiệp ước mà nước này lựa chọn, hoặc cũng có thể hiểu là
“phi quân sự hóa,” như lời Putin, nghĩa là hủy bỏ năng lực quân sự của Ukraine.
Thật ra, Putin có thể đang mong đợi cả hai điều này. Trong một kịch bản ít quyết
liệt hơn, trung lập có thể đồng nghĩa với việc hạn chế một số hệ thống vũ khí
nhất định và cấm đặt các căn cứ nước ngoài ở Ukraine. Cuối cùng, Putin sẽ muốn
hạn chế hoặc ngăn chặn sự hội nhập của Ukraine vào các thể chế châu Âu, đặc biệt
là các thể chế có liên quan đến Liên minh châu Âu.
Về phần mình, Zelensky muốn đảm bảo hoàn toàn
chủ quyền và quyền tự chủ của nước mình. Về lý thuyết, điều này bao gồm việc
rút toàn bộ quân đội Nga khỏi Ukraine, trao trả Crimea cho Ukraine, và để
Ukraine tự do làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế với Mỹ và châu Âu. Tuy
nhiên, những kết quả đó đồng nghĩa Nga sẽ phải thua trong cuộc chiến. Dù chúng
ta không thể tin tưởng Putin sẽ tôn trọng các văn bản mà ông ta ký, và cũng
không nên nhượng bộ trước cuộc chiến đầy tội lỗi của ông ta, nhưng không thể loại
ông ta ra khỏi các cuộc đàm phán. Nga có thể trong tay vũ khí hóa học, vũ khí
sinh học, và vũ khí hạt nhân chiến thuật, chưa kể đến việc áp dụng thêm lực lượng
quân sự thông thường. Dưới áp lực này, Zelensky phải xác định mức độ thỏa hiệp
mà ông và các công dân Ukraine có thể chấp nhận. Tổng thống Ukraine phải cẩn trọng so sánh những lợi ích của
một nền hòa bình phi nghĩa với những lợi ích của một cuộc chiến chính nghĩa
nhưng tàn khốc.
Zelensky có một số lợi thế trong vấn đề Crimea
và tư cách thành viên NATO. Việc Nga sáp nhập Crimea là một sự vi phạm chủ quyền
của Ukraine. Tuy nhiên, nước Nga nói chung, chứ không chỉ nước Nga của Putin, gần
như không bao giờ có thể trả lại bán đảo này cho Ukraine. Ngoài ra, tầm quan trọng
của Crimea đối với người Ukraine có lẽ thấp hơn so với tầm quan trọng của các
khu vực khác hiện đang nằm dưới sự kiểm soát một phần của Nga, điều có thể khiến
việc chấp nhận trên thực tế sự kiểm soát của Nga ở Crimea trở nên dễ dàng hơn.
Và dù NATO có thể quyết định chấp nhận Thụy Điển hoặc Phần Lan là thành viên,
nhưng NATO sẽ không chấp nhận Ukraine – bất chấp những lời hứa trước đó của họ.
Zelensky đã thể hiện sự sẵn sàng xem xét các lựa chọn thay thế ngoài tư cách
thành viên NATO, và yêu cầu đảm bảo an ninh từ phương Tây – nghĩa là hứa sẽ thực
thi bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào với Nga, đảm bảo rằng mọi thỏa thuận sẽ
không trở thành lời nói suông.
Đối với Kyiv, các đảm bảo an ninh ràng buộc về
mặt pháp lý – liên quan đến Mỹ, Nga, các nước châu Âu, và nhiều khả năng là Thổ
Nhĩ Kỳ – là rất quan trọng. Những đảm bảo như vậy sẽ tương đương với việc mở rộng
Điều 5 của NATO cho Ukraine: cam kết tiến hành chiến tranh, nếu chủ quyền của
Ukraine hoặc các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào giữa Ukraine và
Nga bị vi phạm. Một cam kết như vậy chắc chắn sẽ là một bước đi đầy kịch tính,
và đặt ra tiền lệ cho Mỹ và các đồng minh, những nước đã cố gắng tránh bị lôi
kéo vào cuộc chiến. Putin có thể không đồng ý – hoặc có thể đồng ý không thật
lòng. Nhưng những đảm bảo có tính ràng buộc – trái ngược với bản ghi nhớ
Budapest năm 1994 không được thực thi, mà Nga đã vi phạm lần đầu vào năm 2014
qua việc chiếm Crimea – sẽ cung cấp cho tất cả các bên một giải pháp cho vấn đề
cốt lõi về an ninh Ukraine. Các đảm bảo an ninh song phương hoặc đa phương thực
sự sẽ tốt hơn chính sách của NATO là mở cửa cho các nước nói chung nhưng lại
đóng cửa với Ukraine. Putin có thể xem giải pháp này – hủy bỏ bất kỳ cơ hội nào
để Ukraine gia nhập NATO – là một chiến thắng. Đồng thời, một đảm bảo an ninh
do Mỹ hậu thuẫn cho Ukraine có thể ngăn cản Nga tấn công Ukraine một lần nữa.
Thỏa hiệp
Có lẽ các bên sẽ đạt được một thỏa thuận lớn
có lợi cho Ukraine, nếu Nga tiếp tục tổn thất đáng kể trên chiến trường. Tuy
nhiên, nhiều khả năng cuộc chiến này sẽ không dễ dàng đem lại một hòa ước bền vững.
Nếu Nga nhượng bộ, nước này có lẽ sẽ chỉ nhượng bộ một nền hòa bình tạm thời.
Putin dường như không có khả năng học hỏi từ những sai lầm của mình. Tuy nhiên,
một nền hòa bình tạm thời cũng giúp bảo vệ chính phủ của Zelensky, mang lại một
lệnh ngừng bắn kéo dài, và không xâm phạm vĩnh viễn độc lập, chủ quyền, và quyền
tự chủ của Ukraine (theo định nghĩa của Kyiv). Dù không công bằng, nhưng nó là
lựa chọn phù hợp hơn mọi lựa chọn thay thế khác trong thực tế.
Chiến tranh đã khiến chính sách đối ngoại của
Nga trở nên không thể biện minh. Putin đang theo đuổi những tham vọng mà nền
kinh tế Nga và chính thể Nga sẽ không thể hiện thực hóa. Dù Putin về cơ bản sẽ
không điều chỉnh lại mục tiêu, nhưng nước Nga không thể thoát khỏi thực tế rằng
mục tiêu của họ đã vượt xa khả năng của họ. Đến một lúc nào đó, Putin sẽ phải đối
mặt với “Waterloo chính trị” của mình do hậu quả của cuộc chiến này. Và khi
hành động quá khích của ông ta phải trả giá ở Moscow, và nhà độc tài phải ra
đi, cơ hội của Ukraine trong việc đạt được một nền hòa bình hơn mức tạm thời có
thể sẽ xuất hiện.
-------------
Liana
Fix là Nghiên cứu viên thường trú của Quỹ German Marshall, ở Washington,
D.C.
Michael
Kimmage là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ và là
Nghiên cứu viên khách mời của Quỹ German Marshall. Từ năm 2014 đến năm 2016,
ông phục vụ trong Nhóm Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi ông chịu
trách nhiệm khu vực Nga/Ukraine.
Nguồn: Liana Fix và
Michael Kimmage, “What
If Russia Makes a Deal?”, Foreign Affairs, 23/03/2022.
No comments:
Post a Comment