Monday, March 28, 2022

ĐIỂM QUA MỘT VÀI CUỘC CHIẾN XÂM LƯỢC MÀ LIÊN XÔ (và NGA) ĐÃ TỪNG PHÁT ĐỘNG (Vincente Nguyen - Luật Khoa)

 



 

Điểm qua một vài cuộc chiến xâm lược mà Liên Xô (và Nga) đã từng phát động

VINCENTE NGUYEN  -  Luật Khoa

28/03/2022

https://www.luatkhoa.org/2022/03/diem-qua-mot-vai-cuoc-chien-xam-luoc-ma-lien-xo-va-nga-da-tung-phat-dong/

 

Liên Xô/ Nga có phải là một quốc gia “yêu hòa bình, ghét chiến tranh”? Lịch sử nói không.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/03/image0-5-e1645705763647-1024x576.jpeg

Vladimir Putin (trái), người nắm quyền ở Nga trong hơn hai thập niên qua, và Joseph Stalin, người từng nắm quyền ở Liên Xô trong hơn ba thập niên. Ảnh: The New European.

 

“Còn Mỹ thì sao?”

 

Đó là câu hỏi quen thuộc gần đây được một số người đặt ra mỗi khi nghe ai đó lên án hành vi xâm lược của Nga đối với Ukraine.

 

Bên cạnh đó, nhiều người ngộ nhận rằng Nga (cũng như trước đó là Liên Xô) là một chính quyền vô cùng “yêu hòa bình, ghét chiến tranh”, rằng họ sẽ không bao giờ can thiệp, đánh nhau, giết người, hy sinh mạng quân lính, v.v. chỉ vì tư lợi như Mỹ.

 

Chiến tranh Ukraine đối với Nga là trường hợp đặc biệt, bởi vì NATO đã “ép” họ vào đường cùng.

 

Vậy sự thật lịch sử ra sao?

 

Bài viết này sẽ cố gắng tổng hợp một số cuộc chiến mà cả Liên Xô lẫn Nga đã từng tham gia một cách đơn phương, có tính xâm lược, không được người dân địa phương chào đón, đồng thời tạo ra thương vong khủng khiếp.

 

 

1. Xâm lược và chiếm đóng hàng loạt quốc gia trong Đệ nhị Thế chiến

 

Một trong những “dấu son” đáng nhớ nhất để phản biện lại tính “chính nghĩa” của Liên Xô trong Đệ nhị Thế chiến có lẽ phải kể đến Hiệp ước Molotov – Ribbentrop (Molotov – Ribbentrop Pact), được ký kết giữa lãnh đạo Liên Xô và lãnh đạo Đức Quốc xã vào tháng Tám năm 1939. [1]

 

Tại thời điểm đó, cả hai phe cánh đều cho rằng họ chỉ ký kết những điều khoản không xâm phạm nhằm bảo vệ nhau, nhưng những gì xảy ra sau đó nhanh chóng cho thấy tham vọng lãnh thổ và sự hiếu chiến của chính quyền “nhân dân” Liên Xô.

 

Ba Lan bị cắt làm đôi thành vùng ảnh hưởng của hai quốc gia, và Đức cũng thừa nhận “vùng ảnh hưởng” của Liên Xô đối với các quốc gia Lithuania, Latvia, Estonia, và Phần Lan.

 

Giới lãnh đạo Liên Xô thừa nhận những điều khoản bí mật của Hiệp ước Molotov – Ribbentrop vào năm 1989, và đến tháng 12 cùng năm thì ra nghị quyết phủ nhận hiệu lực của văn bản này. [2] Như vậy, có thể khẳng định tính phi nghĩa và sự toa rập của Liên Xô – Stalin vào những ngày đầu của Đệ nhị Thế chiến với thế lực Đức Quốc Xã.

 

Tháng Chín năm 1939, Hồng quân Liên Xô xâm lược Ba Lan; [3] và vào tháng 11 năm 1939, mũi dùi tấn công chuyển hướng tới Phần Lan. [4]

 

Đối với Ba Lan, nước này vừa bị quân Đức tấn công ở mặt trận phía Tây và rút về phía Đông để cố thủ thì chỉ vài ngày sau, các quân đoàn của Hồng quân Liên Xô cũng tràn vào đây. Kết quả là Liên Xô chiếm đóng diện tích Ba Lan cùng hơn 13 triệu dân đang sống ở đây.

 

Ở Phần Lan, mọi việc không được suôn sẻ như Liên Xô tưởng tượng.

 

Cuộc chiến Mùa đông (Winter War) mà quân dân Phần Lan phát động kiềm chân nửa triệu Hồng quân trong suốt nhiều tháng liền. Tuy nhiên, Phần Lan cuối cùng phải nhượng bộ lãnh thổ theo yêu cầu của Liên Xô.

 

Những tham vọng địa chính trị vô minh của lãnh đạo Liên Xô đều phải trả giá rất đắt bằng mạng sống của chính người dân họ.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/03/59CCCA8D-88CB-4862-A113-2EE6E8A544AC_w1534_r0_s_d2-1024x713.jpg

Xác lính Liên Xô nằm chết trên chiến trường Phần Lan vào tháng 2/1940. Ảnh: RFE/RL.

 

Nếu cuộc chiến tại Ba Lan “chỉ tiêu tốn” của Hồng quân vài ngàn nhân mạng, sự chống trả kiên cường của quân dân Phần Lan buộc giới tướng lĩnh Liên Xô dường như đã “quyết tâm” hy sinh một lực lượng nhân mạng khổng lồ. Theo nhiều thống kê, số lượng quân Liên Xô mất mạng trong cuộc chiến ở Phần Lan ít nhất là 50.000 quân và cao nhất là gần 300.000 (bao gồm tất cả các lý do như bị thương không được chữa trị kịp thời, chết cóng, thiếu lương thực, v.v.). [5]

 

Việc sẵn sàng “nướng quân” cho các tham vọng chính trị nói lên nhiều điều về tính “chính nghĩa” trong các hành động quân sự của Liên Xô.

 

2. Can thiệp quân sự vào nội bộ các quốc gia Đông Âu

 

Không chỉ thực hiện chiến tranh xâm lược, chính quyền Liên Xô cũng luôn sử dụng vũ lực để kiểm soát độ vâng lời của người dân một quốc gia, tước đi quyền tự định đoạt vận mệnh của người dân nước đó. Trong đó, có thể kể đến hành động trấn áp cuộc nổi dậy của Đông Đức năm 1953, đàn áp cuộc cách mạng Hungary năm 1956 và hành vi xâm lược Tiệp Khắc (Czechoslovakia) vào năm 1968.

 

Sau Đệ nhị Thế chiến, Liên Xô tiếp quản Đông Đức. Tại đây, hàng loạt các chính sách về tập thể hóa, quốc hữu hóa bị áp đặt lên vùng lãnh thổ này, dẫn đến sự thất bại của hệ thống kinh tế quốc gia, từ nông nghiệp cho đến công nghiệp. Các hoạt động đàn áp của chính quyền Liên Xô đối với nhà thờ Công giáo và các nhóm dân cư phản đối việc hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội bằng vũ lực ở Đông Đức đều gặp phải những phản ứng rất gay gắt. [6]

 

Khi khủng hoảng lương thực và nhu yếu phẩm tại Đông Đức lan rộng từ mùa xuân năm 1953, chính quyền Tây Đức và Hoa Kỳ tận dụng cơ hội này để bắt đầu các chương trình hỗ trợ nhân đạo từ phía bờ Tây. Đáp trả, chính quyền Đông Đức cắt các chuyến tàu và kiểm soát những tuyến đường đến tiếp nhận hàng cứu trợ.

 

Đến tháng Sáu năm 1953, hơn một triệu người dân Đông Đức tràn ra các đường phố để phản đối các chính sách áp đặt nhưng thiếu hiệu quả của chính quyền Liên Xô trên vùng lãnh thổ này.

 

Quân đội Liên Xô can thiệp vũ lực nhằm giải tán cuộc biểu tình ở Đông Berlin, tước đi tính mạng của hơn ba trăm người, khiến hàng ngàn người bị thương. [7]

 

Vụ can thiệp “thành công” này tạo nền tảng và tiền lệ cho các cuộc can thiệp quân sự khác bên trong khối Đông Âu, mà đáng kể nhất là vào Hungary năm 1956 và vào Tiệp Khắc năm 1968.

 

Năm 1956, người dân Hungary nổi dậy làm cách mạng, chống lại chính phủ cộng sản. Imre Nagy, một nhà lãnh đạo có xu hướng cải cách trước đó đã bị trục xuất khỏi đảng cầm quyền nay được đưa trở lại nắm quyền với các lời hứa sẽ tiến hành bầu cử tự do, thiết lập nền tư pháp độc lập, tư hữu hóa đất đai và đưa Hungary ra khỏi Khối Warsaw, trở thành một nước trung lập. [8]

 

Cuối năm đó, Liên Xô đưa xe tăng tiến vào Hungary để đàn áp cuộc cách mạng. Hàng chục ngàn người Hungary bị bắt giữ, bỏ tù hoặc hành hình. Imre Nagy bị xử tử. Theo thống kê, cuộc tấn công xâm lược của Liên Xô đã gây ra cái chết của 2.500 người Hungary và khiến hơn 17.000 người bị thương. [9]

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/03/15_957530-1024x677.jpg

Xe tăng Liên Xô tiến vào Budapest, Hungary vào năm 1956. Ảnh: Michael Rougier – The LIFE Picture Collection/ Getty Images.

 

Tương tự, vào năm 1968, những người Tiệp Khắc trải qua một cuộc cách mạng tự do ngắn ngủi (còn được gọi là Mùa xuân Prague). Nhà lãnh đạo mới của nước này đưa ra những cải cách khuyến khích tự do ngôn luận, đảm bảo các quyền dân sự và tiến hành dân chủ hóa đất nước. [10]

 

Liên Xô xem đây là hành động phản cách mạng. Vào tháng Tám năm 1968, quân đội Liên Xô tràn vào và nhanh chóng chiếm đóng Tiệp Khắc, phế truất lãnh đạo của nước này, đưa những người “cộng sản gộc” lên nắm quyền trở lại. Công cuộc cải cách mới chớm nở bị dập tắt.

 

3. Xâm lược và ủng hộ hoạt động ly khai tại Moldova

 

Chiến tranh Transnistria diễn ra trong giai đoạn 1992 giữa lực lượng ly khai thân Nga và chính quyền trung ương Moldova.

 

Ngay sau khi Liên Xô chính thức tan rã và hàng loạt các quốc gia cộng hòa thành viên tuyên bố độc lập, Moldova cũng kỳ vọng điều tương tự. Tuy nhiên, với nỗ lực duy trì ảnh hưởng “địa chính trị” của mình ở các nền cộng hòa cũ, “hạt giống” ly khai được các lực lượng Nga rải mầm khắp nơi, và Chiến tranh Transnistria có lẽ là vụ mùa thu hoạch đầu tiên của nhà cựu đế quốc Á – Âu này. [11]

 

Cuộc chiến bắt đầu với việc lực lượng quân sự ly khai ủng hộ Nga tại Transnistria tấn công đồn cảnh sát Moldova tại Dubasari vào tháng Ba năm 1992, sát hại các cảnh sát viên bên trong đồn. Quân đội Moldova nhanh chóng đưa quân vào các khu vực đòi ly khai và đánh bại một số nhánh quân ly khai.

 

Tuy nhiên, cán cân lực lượng thay đổi khi quân đoàn 14 của Liên Xô cũ tham gia vào xung đột (trớ trêu thay là với rất nhiều cảm tình viên và lực lượng quân sự Ukraine). [12] Chính quyền Moldova chịu thương vong lên đến hàng ngàn người và buộc phải chấp nhận hiện trạng chia cắt quốc gia.

 

4. Xâm lược và ủng hộ hoạt động ly khai tại Georgia

 

Hành vi xâm lược của Nga đối với Georgia đánh dấu cuộc chiến đầu tiên giữa các quốc gia châu Âu trong thế kỷ thứ 21.

 

Vào tháng Tám năm 2008, sau một thời gian dài xung đột với các lực lượng ly khai tại Abkhazia và South Ossetia, Tổng thống Georgia đương nhiệm là Mikheil Saakashvili quyết định đưa lực lượng quân đội chính quy của mình vào bên trong khu vực South Ossetia với mong muốn thống nhất đất nước. [13]

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/03/pasted-image-0-1-1024x612.jpg

Đoàn xe quân sự Nga tiến vào vùng lãnh thổ South Ossetia của Georgia vào tháng 8/2008. Ảnh: AP/ Musa Sadulayev.

 

“Đáp trả” một hành động quân sự bên trong lãnh thổ quốc gia khác mà không có bất kỳ biện giải nhân đạo hay vấn đề gì khác, chính quyền Nga đưa một lực lượng quân sự hơn 10.000 người vào bên trong lãnh thổ Georgia ở cả khu vực Abkhazia và South Ossetia, thực hiện oanh kích trên diện rộng nhằm vào cả các vùng sâu bên trong lãnh thổ chính thức của Georgia.

 

Với chênh lệch quân sự quá lớn, cuộc chiến kết thúc chỉ sau năm ngày, sau khi EU và NATO hỗ trợ đối thoại. Cho đến nay, Nga tiếp tục chiếm đóng 20% lãnh thổ Georgia với kỳ vọng sáp nhập dần dần toàn bộ các khu vực yêu cầu tự trị vào lãnh thổ Nga. [14]

 

                                                           ***

Trên đây chỉ là một vài cuộc chiến có tính chất xâm lược mà Nga/ Liên Xô từng thực hiện trong suốt lịch sử của họ.

 

Nếu xét theo quy mô, đúng là Nga vẫn chưa đủ khả năng tham gia nhiều vào các xung đột toàn cầu như Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tham vọng lãnh thổ và các hạt giống ly khai mà Nga gieo trồng khắp các quốc gia nhỏ khác, theo người viết, sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về dài hạn cho sự đoàn kết, thống nhất và tương lai của xung đột trong một số khu vực.

 

Đáng tiếc, đó là điều mà nhiều người Việt Nam sẽ không bao giờ thừa nhận.


 

Chú thích

 

1.  German-Liên Xô Nonaggression Pact | History, Facts, & Significance. (2022). Encyclopedia Britannica. 

https://www.britannica.com/event/German-Liên Xô-Nonaggression-Pact

 

2.   BENN, D. W. (2011). Russian historians defend the Molotov—Ribbentrop Pact [Review of “Pakt Molotova—Ribbentropa” v voprosakh i otvetakh. [The Molotov—Ribbentrop pact: questions and answers]; Partitura Vtoroi Mirovoy. Kto i kogda nachal voinu? [The script of the Second World War: who started the war and when?], by A. Dyukov & N. A. Narochnitskaya]. International Affairs (Royal Institute of International Affairs 1944-)87(3), 709–715. 

http://www.jstor.org/stable/20869721

 

3.  History.com Editors. (2020, September 15). Liên Xô Union invades Poland. HISTORY. 

https://www.history.com/this-day-in-history/Liên Xô-union-invades-poland

 

4.  Russo-Finnish War | Summary, Combatants, & Facts. (2022). Encyclopedia Britannica. 

https://www.britannica.com/event/Russo-Finnish-War

 

5.  L. (2020, September 6). What were the Red Army losses during the Winter War? Finland at War. 

https://www.finlandatwar.com/what-were-the-red-army-losses-during-the-winter-war/

 

6.  Milestones: 1953 to €“1960 Office of the Historian. (2022). The Office of Historian. 

https://history.state.gov/milestones/1953-1960/east-german-uprising 

 

7.  Rodden, J. The Tragedy of “June 17”: East Germany’s “Workers’ Uprising” at Sixty. Soc 51, 169–174 (2014). 

https://rdcu.be/cJT7H 

 

8.  The Hungarian Uprising, 1956 – The Cold War origins 1941–56 – Edexcel – GCSE History Revision – Edexcel. (2022). BBC Bitesize. 

https://www.bbc.co.uk/bitesize/guides/z3h9mnb/revision/11

 

9.  Hungary – The Revolution of 1956. (2022). Encyclopedia Britannica. 

https://www.britannica.com/place/Hungary/The-Revolution-of-1956

 

10.  Prague Spring | Czechoslovak history. (2022). Encyclopedia Britannica.

 https://www.britannica.com/event/Prague-Spring

 

11.  B. (2022, March 2). Moldova Marks 30 Years Since War with Russia-Backed Transnistria Rebels. Balkan Insight. 

https://balkaninsight.com/2022/03/02/moldova-marks-30-years-since-war-with-russia-backed-transnistria-rebels/ 

 

12.  Duffy, M. (2021, August 3). Moldova and the Transnistria Conflict: Still a Regional Cold War? E-International Relations. 

https://www.e-ir.info/2021/08/03/moldova-and-the-transnistria-conflict-still-a-regional-cold-war/

 

13.  Pruitt, S. (2018, September 4). How a Five-Day War With Georgia Allowed Russia to Reassert Its Military Might. HISTORY. 

https://www.history.com/news/russia-georgia-war-military-nato 

 

14.  Detsch, J. (2020, August 11). 12 Years After Russian Invasion, Georgia Sees No End in Sight. Foreign Policy. 

https://foreignpolicy.com/2020/08/10/russia-invasion-georgia-12-years-no-end-ambassador-david-bakradze-interview/




x

No comments: