Thursday, September 27, 2018

XẤC XƯỢC LEO THANG (Trân Văn)




27/09/2018

Ông Trần Đại Quang đã mồ yên, mả đẹp trong lăng mà ông chuẩn bị cách nay vài năm ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Đặt quốc tang mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam dành cho ông Quang và lăng Chủ tịch thứ tám của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh những suy nghĩ, nhận định mà dân chúng Việt Nam bày tỏ trên mạng xã hội, diễn đàn điện tử suốt từ cuối tuần trước đến nay, ai cũng có thể cảm nhận tường tận thế nào là: Trăm năm bia đá cũng mòn, Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ!

Tuy nhiên bia miệng dẫu dữ dội và đáng bận tâm vì phản chiếu một cách trung thực nhân tâm – yếu tố quyết định sự tồn vong của thể chế chính trị hiện hành - vẫn không làm những người cộng sản nao núng. Dựa vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe và những thông tin đây đó trên mạng xã hội, có lẽ từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ còn vài quốc tang nữa và theo thời gian, sẽ còn nhiều lăng nữa dù đối tượng không nằm trong diện được hưởng quốc tang.

Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chưa báo tang ông Đỗ Mười nhưng thông tin, hình ảnh về lăng Đỗ Mười ở làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội đã tràn lan trên mạng xã hội. Người ta còn chia sẻ với nhau thông tin về những lăng khác đã được đủ loại viên chức từ cao tới thấp chuẩn bị sẵn cho mình. Một lăng của ông Lê Khả Phiêu ở xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Một lăng của ông Nguyễn Đức Bình (1) ở phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh,…

Công văn cấp đất làm lăng cho ông nguyễn Đức Bình.

Bởi Luật Đất đai hiện hành qui định rạch ròi rằng, sử dụng đất làm nghĩa trang phải đáp ứng các điều kiện như phải quy hoạch thành khu tập trung, phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, phải xa khu dân cư, phải hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường và tiết kiệm đất và trong thực tế từng có hàng ngàn trường hợp bị xử lý nghiêm khắc vì biến đất nông nghiệp thành nghĩa trang, nên thiên hạ mới thắc mắc về Lăng Chủ tịch thứ tám của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (?), không những không bận tâm kiểm tra giám sát, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam còn điều động nhân lực, chi tiền trải nhựa, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng con đường chạy qua lăng, bảo vệ trật tự cho công trường để kịp táng ông Quang cho đúng lịch! Ngoài hai chữ xấc xược, có từ nào phù hợp hơn để diễn đạt điều đó?

Ai cũng biết thu nhập hợp pháp và chính đáng của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam ở mức nào và ai cũng thấy những viên chức ấy sống xa hoa ra sao. Khoan bàn đến “của chìm”, chỉ “của nổi” (dinh thự, xe hơi, đồng hồ kính đeo mắt,…) và lối sinh hoạt của họ đã đủ lôi dân chúng từ choáng váng này tới choáng váng khác. Xa hoa không chỉ là bằng chứng đối lập với “cần, kiệm, liêm chính”, khi xa hoa trở thành một thứ chuẩn mực, một phong trào phổ biến trên diện rộng trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nợ nần chồng chất, dân chúng càng ngày càng lầm than, rên xiết dưới đủ thứ gánh nặng thì đó là một bằng chứng khác về sự xấc xược.

Thiên hạ đã bàn nhiều về một Việt Nam với bốn ngàn năm văn hiến có rất nhiều danh nhân, một Việt Nam mà trong bốn ngàn năm dựng và giữ nước, có vô số “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai hoang”, vô số anh hùng liều thân để giữ gìn lãnh thổ, mở mang bờ cõi đã bị những người cộng sản Việt Nam xóa bỏ gần như sạch sẽ. Những đình, đền, chùa, miếu,… ghi dấu văn minh, văn hóa một thời nếu không bị đập bỏ, thì cũng bị biến thành kho chứa phân, chỗ cất nông cụ, những con đường, những ngôi trường,… mang tên tiền nhân, danh nhân, anh hùng dân tộc bị những người cộng sản gạt đi để thay bằng tên đồng chí, đồng đội của họ, hết Bơ, Bánh,… tới Đường, Sữa,… mà chẳng mấy người biết là ai. Đó là một sự xấc xược không chỉ với tiền nhân. Chẳng lẽ dân tộc này chỉ cần biết, nhớ lịch sử Việt Nam từ 1930?

Sự xấc xược ấy không ngừng leo thang, văn minh, văn hóa, lịch sử dân tộc đang được những viên chức đủ cấp trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam viết lại bằng những tiến vật trị giá hàng tỉ, bằng biển đồng, bia đá trong các cơ sở thờ tự mới, lưu danh hết viên chức này tới viên chức khác, những nhà thờ tổ, nhà thờ tộc nguy nga, bề thế nhằm chứng tỏ sự… hiển hách của một dòng họ. Sự… hiển hách đó đang được minh họa cho rõ nét hơn bằng chuỗi lăng – nhà lưu niệm sắp sửa mọc lên khắp nơi và được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hỗ trợ tận tình.

Nếu tất cả công dân đều bình đẳng, đều phải “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” thì những chuyện kiểu như chính quyền tỉnh Hà Tĩnh “giao Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn UBND thị xã Hồng Lĩnh và gia đình Giáo sư Nguyễn Đức Bình” hoàn tất thủ tục giao - nhận 2.000 mét vuông đất ở khu vực Rú Năm, tổ dân phố Quỳnh Lâm, phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh để “xây lăng và nhà lưu niệm Giáo sư Nguyễn Đức Bình” trong “thời gian sớm nhất” có hợp lý và hợp tình không? Có bao nhiêu công văn kiểu như công văn số 2755/CV-XD do UBND tỉnh Hà Tĩnh phát hành ngày 17 tháng 6 năm 2016? Không biết! Chỉ có thể chắc chắc là không ít. Đó là một sự xấc xược khác cả với đương đại và hậu thế.

Nếu không biết Giáo sư Nguyễn Đức Bình là ai, đừng hoang mang! Ít nhất cũng có 98% người Việt chẳng biết gì về ông ta, cũng chẳng rõ thân thế - sự nghiệp, công trạng của ông ta với xứ sở, dân tộc này ra sao. Tuy nhiên vì từng là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN, Chủ tịch Hội đồng Lý luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN nên đương nhiên ông ta có cả một chỗ trong lịch sử, lẫn một lăng kèm nhà lưu niệm, thậm chí tên ông ta có thể sẽ được đặt cho vài con đường, vài ngôi trường. Khi lăng – nhà lưu niệm là phong trào, bạn sẽ thấy cả lăng những viên chức cấp tỉnh, thành phố, quận huyện, phường xã như đã từng thấy hệ thống nhà thờ tổ, nhà thờ tộc của họ ở khắp nơi.

Thông thường, xấc xược là hệ quả tất nhiên từ tự tin – không đủ tự tin rằng thách thức kiểu nào cũng không cần phải bận tâm về giá phải trả, chắc chắn xấc xược sẽ không leo thang. Khi xa hoa hiển lộ khắp nơi và giờ tới phong trào xây lăng – dựng nhà lưu niệm, đó chính là bằng chứng rõ ràng nhất về sự tự tin vào khả năng “muôn năm trường trị” của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam. Bia miệng có dữ dội tới đâu thì sự sợ hãi của đám đông, lo đụng vào vách “thù địch”, chạm tới trần “phản động” vẫn giúp hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam duy trì được “sự ổn định chính trị”. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã đưa được ông Hồ Chí Minh vào chính điện nhiều ngôi chùa thì hà cớ gì những thành viên đủ cấp trong hệ thống ấy không dám mơ vài chục năm nữa, con cháu các bạn sẽ chiêm bái, quét dọn những lăng mới, trầm trồ về sự hiển hách của những dòng họ mới, nổi lên từ hỗn hợp trộn bằng máu, mồ hôi, nước mắt của cha ông chúng?

Chú thích

(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Đức_Bình_ (giáo_sư)







No comments: