Nguyễn Đình Cống
29/09/2018
Khái niệm Giai cấp công nhân (GCCN) là giai cấp lãnh
đạo cách mạng thuộc về Chủ nghĩa Mác Lê nin (CNML). Chủ nghĩa này sai lầm và
khái niệm giai cấp lãnh đạo là bịa đặt. Khái niệm trên được viết trong sách
báo, được tuyên truyền, nhưng chưa xẩy ra trong thực tế.
Người ta ngụy biện, cho rằng GCCN là giai cấp lãnh đạo
vì: 1- Nó đại diện cho nền sản xuất tiên tiến nhất; 2- Có tinh thần cách mạng
cao nhất, nhờ có tính tổ chức, kỷ luật; 3-Có tư tưởng và CNML soi đường; 4-
GCCN lập ra đảng Cộng sản là đội tiên phong; 5-Lịch sử giao cho GCCN sứ mệnh
đánh đổ tư bản, đế quốc; 6-GCCN có bản chất quốc tế.
Để đánh đổ các lập luận 1 và 5 là quá đơn giản. Phản
bác lại các lập luận 2; 3; 4; 6, vạch ra sự ngụy biện tuy có khó hơn, nhưng khi
biết phân tích và so sánh thì cũng dễ đạt được.
Lịch sử nhân loại cho biết trong các cuộc cách mạng,
các phong trào quần chúng hoặc những việc làm phải huy động nhiều người, có tổ
chức, khi cần có sự lãnh đạo thì đó là sự lãnh đạo của một số ít người, thường
là những người có tư tưởng, có khả năng tổ chức. Họ đề ra đường lối, lập ra đảng
hoặc đoàn thể chính trị, chọn ra người đứng đầu, cử ra những người phụ trách việc
nọ, việc kia, vận động quần chúng ủng hộ. Nếu chủ trương đấu tranh vũ trang thì
còn cần lập ra quân đội.
Lãnh đạo là việc làm cụ thể, khó khăn, phức tạp. Đó
không thể là việc làm của bất kỳ một giai cấp nào, vì giai cấp không phải là một
tổ chức. Nói rằng cách mạng cần có một giai cấp lãnh đạo là bịa đặt cấp một.
Cho rằng GCCN là giai cấp lãnh đạo là bịa đặt cấp 2, cao hơn. Đến lượt cho rằng
GCCN Việt Nam lãnh đạo cách mạng là bịa đặt cấp 3, cao hơn nữa. Sự bịa đặt này
là do lặp lại một cách sáo vẹt CNML, là sản phẩm của những trí tuệ hạng thấp,
quen thói nô lệ, không chịu suy nghĩ, không phân biệt được đúng sai.
Trên thế giới, khái niệm GCCN lãnh đạo đã tan biến
theo sự sụp đổ của Liên xô và các nước Đông Âu. Nhưng ở VN nó vẫn tồn tại dai dẳng.
Trước đây nghe Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nói về sứ mệnh lãnh đạo cách mạng của
GCCN VN tôi đã bị ớn lạnh, nhưng cho qua khi nghĩ rằng ông ta chỉ có trình độ để
nói như vậy. Gần đây, tại Đại hội Công đoàn VN lần thứ XII (25 tháng 9/2018)
ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vài lần nhắc đến GCCN Việt Nam đại diện cho nền
sản xuất tiên tiến và là giai cấp lãnh đạo, làm cho tôi không nhịn được cười.
Tại diễn đàn đại hội, ông chăm chú nhìn vào bài viết
sẵn và đọc: “Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chúng ta tiếp tục kiên định
quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền
phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất
tiên tiến, hiện đại; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã
hội …”
Ở thế kỷ 21, với nền sản xuất dùng công nghệ 4.0 mà
còn đọc như sáo vẹt câu trên, lại tự hào là người có bằng cấp cao, nắm được lý
luận thì thật đáng lo ngại cho tương lai ĐCSVN.
Về đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến. Đúng
là VN hàng năm xuất cảng nhiều ô tô hiện đại, nhiều điện thoại di động cao cấp.
Con số tiền xuất khẩu được kể vào cho GDP của VN, nhưng VN chỉ được cái danh hảo.
Tiền thu được là tài sản của Toyota và Samsung. Sản phẩm hiện đại do công nhân
VN làm ra, nhưng công nghệ do tư bản nước ngoài làm chủ. Nếu không dùng công
nghệ của Samsung thì hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu công nhân VN cũng không thể
làm được một chiếc điện thoại, tự công nhân VN không làm nổi một chiếc đinh ốc
tinh vi. Thế thì họ đại diện cho nền sản xuất tiên tiến chỗ nào? Hay là nhờ vào
số công nhân đi xuất khẩu lao động trên nhiều nước?
Về lãnh đạo: Nói rằng lãnh đạo thông qua đội tiên
phong Đảng CS là một cách nói liều, nói bừa, bịp bợm. Việc ĐCS tự nhận là “Đội
tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc …”
không đúng với bản chất. Hãy nghe TBT phát biểu; “Nhân dịp này, tôi cũng đề
nghị các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức
chính trị – xã hội các cấp cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách
nhiệm đối với việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy vai trò, tiềm năng
của giai cấp công nhân Việt Nam”.
Giai cấp lãnh đạo gì mà đời sống cơ cực, trình độ thấp
kém, đến nỗi phải nhờ người khác chăm lo, giáo dục. Rồi nữa, ông Trọng còn than
thở: “Hiện nay xã hội vẫn băn khoăn trước tình trạng một bộ phận công nhân,
người lao động có biểu hiện phai nhạt về chính trị, chỉ lo nhiều đến những vấn
đề lợi ích kinh tế, đời sống cụ thể trước mắt, ít quan tâm đến những vấn đề cơ
bản, lâu dài, có tính chiến lược như ý thức giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính
trị, vai trò, sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm của giai cấp công nhân…”. Giai
cấp lãnh đạo mà như thế thì lãnh đạo được ai, làm được gì?
Xin hãy nhìn vào sự thật. Tuy rằng dân trí chưa cao
nhưng không còn quá thấp để chấp nhận những lời ngụy biện và lừa bịp. Nói, viết
ra những điều như trên chỉ chứng tỏ sự kém cỏi về trí tuệ hoặc sự đểu giả, định
tiếp tục lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin. Thực tế không hề có giai cấp lãnh đạo,
nó chỉ là một khái niệm giả dối. Thực tế GCCN không hề đại diện cho nền sản xuất
tiên tiến, người ta bịa ra và dùng để lừa bịp nhau. Đành rằng việc lừa bịp này
chẳng ảnh hưởng mấy đến sự phát triển của xã hội, nhưng cũng xin vạch ra để cảnh
báo một hiện tượng để mọi người suy nghĩ.
No comments:
Post a Comment