Monday, September 24, 2018

BẮC KINH LÊN ÁN MỸ ÁP THUẾ LÊN 200 TỶ ĐÔLA HÀNG NHẬP TRUNG QUỐC (tổng hợp)




Đăng ngày 24-09-2018

Chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục nóng lên. Hôm nay, 24/09/2018, loạt trừng phạt mới đánh vào hàng nhập từ Trung Quốc mà Washington loan báo hồi tuần trước chính thức có hiệu lực. Trước mắt, tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ áp thuế 10%, nhưng trên 200 tỷ hàng Trung Quốc nhập khẩu, tỷ lệ này sẽ tăng dần lên 25% vào tháng 01/2019.

Để trả đũa, Trung Quốc đã loan báo áp thuế trên 60 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Mỹ. Và hôm nay, một tiếng đồng hồ sau khi lệnh trừng phạt mới của Washington bắt đầu có hiệu lực, Bắc Kinh đã cho công bố một quyển sách trắng gần 40.000 từ, tố cáo những « phương pháp côn đồ » của Mỹ.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường thuật :

« Thông báo của Quốc Vụ Viện Trung Quốc được dự kiến công bố hồi 12 giờ trưa nay. Nhưng rốt cuộc phải đợi thêm một tiếng đồng hồ nữa mới thấy Tân Hoa Xã phát hành quyển sách trắng nhằm « làm rõ sự thật về quan hệ kinh tế và thương mại Trung-Mỹ ».

Đối với Trung Quốc, sự thật không thể rõ ràng hơn : Washington bị buộc tội sử dụng các « chiêu thức » của « trò sách nhiễu thương mại », và muốn « hù dọa » Trung Quốc trên bình diện kinh tế.

Thông điệp gồm 36.000 chữ này nhắc lại rằng các rào cản thuế quan Mỹ đang « phá hoại nghiêm trọng » các mối quan hệ kinh tế song phương, rằng cuộc chiến "tàu chở container" đang trực tiếp đe dọa trật tự thương mại thế giới.

Quyển sách trắng này là tuyên bố đầy đủ và chính thức đầu tiên của chính phủ Trung Quốc về tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong sách trắng, Bắc Kinh kêu gọi Washington hợp tác tìm giải pháp, cho dù trong thực tế họ có dấu hiệu không thực sự tin vào đàm phán.

Hiện có rất ít chuyên gia Trung Quốc tin vào chuyển biến tích cực trước khi kết thúc cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ. Phái đoàn của phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã hủy bỏ chuyến đi Washington trong tuần này. »

Trong cuộc đọ sức thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra gay gắt, chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump tin chắc vào chiến thắng. Thế nhưng, theo ghi nhận của thông tín viên RFI Eric de Salve từ San Francisco, ngay tại Hoa Kỳ, ngày càng có nhiều tiếng nói bày tỏ lo ngại về hậu quả đối với nền kinh tế Mỹ :

« Tổng cộng, ông Donald Trump đã áp thuế trên một nửa hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Được đà tăng trưởng mạnh của kinh tế Mỹ khuyến khích, ông Trump không hề cho thấy ý định lơi tay. Hôm qua, 23/09, ngoại trưởng Mỹ thậm chí còn cho rằng chắc chắn Hoa Kỳ sẽ chiến thắng trong cuộc chiến thương mại này.

Washington hy vọng rằng điều đó sẽ buộc Bắc Kinh cân bằng cán cân thương mại với Mỹ, bằng cách mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của ngân hàng Morgan Stanley, cuộc đọ sức mang tính chất bảo hộ mậu dịch này, trên nguyên tắc là để bảo vệ kinh tế Mỹ, lại có nguy cơ làm tăng trưởng mất đi ít ra là 0,1% ngay trong năm nay.

Các công ty, xí nghiệp Mỹ ngày càng lo lắng hơn. Đầu tháng 09 này, đại tập đoàn phân phối Wallmart cho biết sẽ phải tăng giá trên một loạt mặt hàng tiêu dùng do việc áp thuế. Trước đó, cuối tháng 08, sau khi nghe gần 400 công ty Mỹ lệ thuộc vào hàng nhập Trung Quốc, chính quyền Mỹ đã bãi bỏ thuế quan trên 300 mặt hàng nhập từ Trung Quốc.

Một lãnh vực khác cũng bị cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tác động : Đó là nông nghiệp. Cuối tháng 07, ông Donald Trump đã quyết định tháo khoán khẩn cấp 12 tỷ đô la để giúp đỡ các nông dân Mỹ bị vạ lây trong cuộc đọ sức giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu hành tinh. »

-----------------------
RFA
2018-09-24

Hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỉ đô la Mỹ nhập vào Hoa Kỳ bắt đầu phải chịu thuế bắt đầu từ ngày 24 tháng 9. Như vậy tính đến thời điểm này trong năm nay, tổng thống Donald Trump cho áp thuế đối với 12% tổng số hàng nhập khẩu vào nước Mỹ.

Bắc Kinh lên tiếng cáo buộc Washington ‘dọa nạt thương mại’ khi mà cuộc chiến mậu dịch giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục bế tắc.

Bất chấp nỗi lo mỗi lúc một gia tăng về những tác động đối với kinh tế Hoa Kỳ, tổng thống Donald Trump còn đe dọa sẽ cho đánh thuế đối với tất cả hàng hóa của Trung Quốc nhập vào thị trường Mỹ nếu như Bắc Kinh không thay đổi chính sách mà theo ông Trump là gây hại cho công nghiệp Hoa Kỳ. Đặc biệt là vấn đề Trung Quốc ăn cắp công nghệ Mỹ.

Bắc Kinh vào ngày thứ hai 24 tháng 9 phản bác cho rằng những cáo cuộc mà tổng thống Donald Trump nêu ra đối với Trung Quốc là giả tạo và mọi biện pháp dọa nạt gây áp lực như thế chỉ vì quyền lợi của Mỹ mà thôi.

Những cáo buộc của Bắc Kinh được đưa ra trong Sách Trắng của Hội Đồng Nhà nước Trung Quốc với những cáo buộc ngược lại là Hoa Kỳ theo chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ mậu dịch và bá quyền về kinh tế.

Trước đó vào ngày chủ nhật 23 tháng 9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong trả lời phỏng vấn Hãng FOX News tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ chiến thắng trong cuộc chiến mậu dịch với Trung Quốc.

Ông Mike Pompeo nói rõ Mỹ sẽ đạt được kết quả trong cuộc thương chiến này là buộc Trung Quốc phải có hành xử minh bạch, thượng tôn pháp luật, không ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, nếu như muốn trở thành một cường quốc thế giới.

----------------------

25/09/2018

Ngày càng nhiều các nhà sản xuất ở châu Á chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nhà máy khác trong khu vực sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các công ty như SK Hynix của Hàn Quốc, Mitsubishi Electric, Toshiba Machine Co., và Komatsu của Nhật Bản bắt đầu lên kế hoạch di chuyển sản xuất kể từ tháng 7 năm nay, khi vòng thuế đầu tiên được ban hành và công tác di dời khâu sản xuất hiện đang được tiến hành, đại diện các công ty và những người thạo tin cho Reuters biết.

Các công ty khác như công ty sản xuất máy vi tính Compal Electronics của Đài Loan và LG Electronics của Hàn Quốc đang có những kế hoạch bổ sung phòng trường hợp chiến tranh thương mại tiếp tục và sâu rộng hơn.

Đại diện các công ty và những nguồn khác tiết lộ tin này với điều kiện ẩn danh vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Các công ty nhỏ hơn cũng đang thăm dò các giải pháp. Công ty sản xuất trang bị y khoa của Hàn Quốc IM Healthcare chuyên chế tạo các sản phẩm như máy lọc không khí cũng đang nghiên cứu việc chuyển sang Việt Nam hay về Hàn Quốc nếu cuộc chiến thương mại gia tăng cường độ, một nguồn tin biết trực tiếp vấn đề này cho hay.

Phản ứng nhanh chóng đối với thuế quan của Mỹ thực hiện được nhờ nhiều nhà sản xuất lớn có cơ sở tại nhiều nước và có thể chuyển ít nhất một phần sản xuất mà không cần xây thêm nhà máy.

Một số chính phủ, nhất là Đài Loan và Thái Lan, đang tích cực khuyến khích các công ty rời khỏi Trung Quốc.

Tại Đài Loan, chính phủ đang tích cực khuyến khích các công ty chuyển việc sản xuất khỏi Trung Quốc. Tháng trước, Đài Loan hứa sẽ tăng tốc “Chính sách di chuyển về phía Nam” hiện có để giảm bớt sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc bằng cách khuyến khích các công ty chuyển các chuỗi cung cấp về Đông Nam Á.

Thái Lan cũng hy vọng hưởng lợi từ “luồng công nghệ và đầu tư rời khỏi Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại”, ông Kanit Sangsubhan, Tổng thư ký Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC), Văn phòng Thái Lan, cho biết. Văn phòng này đang điều hợp một dự án trị giá 45 tỉ đô la để thu hút đầu tư vào Thái Lan.

Thuế quan đe dọa vai trò của Trung Quốc như một căn cứ sản xuất chi phí thấp. Sự thu hút của một thị trường tăng trưởng nhanh khiến các công ty thành lập những nhà máy và chuỗi cung cấp tại Trung Quốc trong vài thập niên qua.

Một số chính phủ châu Á hy vọng sẽ được lợi về kinh tế và chiến lược từ cuộc tranh chấp Mỹ-Trung.








No comments: