Thursday, September 27, 2018

THƯƠNG MẠI : TRUMP LIÊN TIẾP TUNG ĐÒN, BẮC KINH KHÓ KHĂN CHỐNG ĐỠ (Trọng Nghĩa - RFI)




Phát Thứ Năm, ngày 27 tháng 9 năm 2018

Từ hôm 24/09/2018, cuộc đọ sức thương mại Mỹ-Trung đã gay gắt thêm một mức. Quyết định của Mỹ áp thuế trên 200 tỷ đô la hàng nhập từ Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực. Để trả đũa, Bắc Kinh cũng thực hiện việc tăng thuế trên 60 tỷ đô la hàng đến từ Hoa Kỳ.

Trong cuộc chiến tranh thương mại này, Hoa Kỳ là bên chủ động tấn công, liên tiếp tung đòn. Trong chương trình Giải Mã – Décryptage – của RFI ngày 20/09/2018, bà Valérie Niquet và Cécilia Bellora hai chuyên gia thông thạo vấn đề, đã phân tích rõ thêm về nguyên nhân thúc đẩy tổng thống Mỹ khởi động cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc, khả năng chống đỡ của Bắc Kinh trước các đòn tấn công dồn dập của Mỹ, và thành bại của hai bên trong cuộc đọ sức chưa từng thấy này.

Đối với cả hai chuyên gia, vấn đề giảm thâm thủng mậu dịch đối với Trung Quốc chỉ là phụ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang tăng tốc. Vấn đề chủ yếu thực ra tính chất đơn phương của Bắc Kinh trong giao dịch thương mại, biết lợi dụng sự mở cửa của Mỹ và cả của Liên Hiệp Châu Âu để thâm nhập thị trường của đối tác, nhưng ngược lại thì vẫn đóng cửa thị trường của mình đối với nước ngoài.

Cốt lõi vấn đề vượt xa những con số

Đối với bà Cécilia Bellora, chuyên gia về thương mại quốc tế tại Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế của Pháp – CEPII cốt lõi của vấn đề không đơn thuần là các số liệu về thâm thủng thương mại khổng lồ mà Hoa Kỳ phải gánh chịu trước Trung Quốc :

« Trong thực tế, vấn đề thực thụ vượt xa khuôn khổ của các con số. Cán cân thương mại song phương không có ý nghĩa gì lắm trên bình diện kinh tế. Vấn đề cốt lõi hiện nay là vai trò của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong nền kinh tế, vai trò các khoản trợ cấp mà chính quyền Trung Quốc bơm vào các doanh nghiệp nói chung, chứ không riêng gì cho các xí nghiệp quốc doanh.
Điểm thứ ba liên quan đến vấn đề bảo vệ sở hữu tri thức và việc Trung Quốc ép buộc các tập đoàn nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Chính vấn đề chuyển giao công nghệ này là lãnh vực mà Hoa Kỳ tấn công, ít ra là đã nêu thành lý do chính thức để áp thuế quan.
Đó là những vấn đề căn bản mà toàn bộ các đối tác thương mại của Trung Quốc đều đặt ra đối với Bắc Kinh… »

Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế chỉ huy núp dưới vỏ bọc tự do

Theo bà Valérie Niquet, nhìn chung, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới hiện nay phải cải tổ để có được những biện pháp đối phó với những lệch lạc về cơ cấu của nền kinh tế Trung Quốc. Chuyên gia Pháp giải thích :

« Kinh tế Trung Quốc là vẫn còn là một nền kinh tế chỉ huy dưới vỏ bọc tự do. Có những doanh nghiệp, như trường hợp của Hoa Vi trong lãnh vực điện tử, trên danh nghĩa là độc lập, nhưng thực ra vẫn gắn chặt với nhà nước và quân đội Trung Quốc, được hưởng những khoản trợ cấp dưới những hình thức hoàn toàn không minh bạch. Đối với nhiều người, hệ thống Trung Quốc vẫn còn là một hố đen bí hiểm.

Ngay cả lãnh vực tài chánh cũng vậy, Trung Quốc vẫn rất khép kín, không mở rộng ra quốc tế, đồng nhân dân tệ vẫn là một ngoại tệ không chuyển đổi được…

Trung Quốc có hàng loạt những công cụ mà Đảng Cộng Sản và nhà nước Trung Quốc có thể sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp của họ, đầu tư ồ ạt, kể cả ở nước ngoài, vào những lãnh vực mà họ thấy là cần thiết cho việc phát triển công nghệ của họ, với cả một hệ thống pháp lý có thể nói là không độc lập vì lệ thuộc hoàn toàn vào quyền lực tối cao của Đảng Cộng Sản.

Tóm lại Trung Quốc không có luật lệ giống như những nước khác. Khác với Liên Xô hồi xưa, Trung Quốc ngày nay có một trọng lượng to lớn trong nền kinh tế toàn cầu, vẫn là đầu tàu kéo nền kinh tế châu Á, cho dù tăng trưởng Trung Quốc ngày nay có khựng lại đôi chút.
Trong tình hình đó, hoặc là Trung Quốc phải thích ứng, hoặc là để cho xảy ra những hậu quả rất tại hại. »

Chống trả khó khăn vì vẫn lệ thuộc vào xuất khẩu qua các nước lớn

Để buộc Trung Quốc thích ứng, tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng đến vũ khí thuế quan. Đối với chuyên gia Niquet, thái độ cứng rắn của Mỹ đang đẩy Trung Quốc vào một tình thế khó khăn :

« Cần phải thấy rõ là cho dù Trung Quốc đang cố gắng tái cân bằng cơ cấu, thúc đẩy tiêu thụ nội địa để tránh lệ thuộc vào xuất khẩu, tăng trưởng GDP của Trung Quốc vẫn còn bị xuất khẩu chi phối nặng nề, nhất là xuất khẩu qua thị trường của các nước phát triển.

Dạo sau này, người ta đã nói rất nhiều đến những thị trường mới cho hàng hóa Trung Quốc, như khu vực Trung Á, Châu Phi, nhưng xuất khẩu qua những nước đó hoàn toàn không thể so với xuất khẩu qua các thị trường lớn và đã trưởng thành như Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, và một chừng mực nào đó, Nhật Bản.

Trong tình hình đó, Trung Quốc sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong việc phản công lại Mỹ, vì cho dù có áp thuế quan lên hàng nhập khẩu từ Mỹ, thì tác động của biện pháp này trên nền kinh tế Mỹ vẫn yếu hơn rất nhiều so với ảnh hưởng của thuế Mỹ đánh trên hàng nhập Trung Quốc đối với nền kinh tế Trung Quốc, tác hại trên tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc và giá cả, với những hệ quả đáng lo ngại.

Người ta nói rất nhiều đến Trung Quốc, tân cường quốc thế giới, Trung Quốc, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, nhưng nhìn chung Trung Quốc vẫn còn là một nước có thể nói là đang phát triển, ít ra là trong nhiều lãnh vực. Mức sống tại Trung Quốc chẳng hạn, hoàn toàn không thể so sánh được với Mỹ và nếu giá cả tăng cao, điều đó sẽ đè rất nặng trên người tiêu thụ Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới đây đã tỏ vẻ rất lo ngại về ảnh hưởng của các biện pháp mà Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc, và nói đến các khó khăn đối với kinh tế Trung Quốc, vốn đã rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại từ một vài năm nay.

Tóm lại, đó là nguy cơ đối với Trung Quốc trong bối cảnh chiến thuật của tổng thống Mỹ Donald Trump là đánh rất mạnh ngay từ đầu - cho dù sau đó ông ấy hoàn toàn có thể lùi bước và tạo ra một sức ép đủ mạnh trên một nền kinh tế vốn không đủ sức để chống lại các biện pháp mà Mỹ đang áp dụng. »

Bắc Kinh còn có thể làm gì khác để chống đỡ ? Có ý kiến cho rằng hiện có nhiều doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, nên Bắc Kinh có thể dùng yếu tố đó để gây khó cho Washington ? Trên vấn đề này, bà Niquet không đồng ý :

« Không đâu, bởi vì Bắc Kinh đang tìm cách thu hút giới đầu tư ngoại quốc vào một số lãnh vực, đặc biệt là vì vấn đề tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Trung Quốc luôn luôn tìm cách tránh làm cho các công ty nước ngoài, trong đó có cả các doanh nghiệp Mỹ, sợ hãi, nhất là trong bối cảnh là tại nhiều tỉnh Trung Quốc, các công ty ngoại quốc là tác nhân trung tâm trong việc cung cấp công ăn việc làm cho người dân. Đây là trường hợp của các công ty Đài Loan hay Đông Nam Á chẳng hạn...

Tóm lại, Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra biện pháp trả đũa, và điều đó cho thấy các giới hạn trong sức mạnh của Bắc Kinh. Trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vào lúc này, thực tế cho thấy là kinh tế Mỹ thì tăng trưởng mạnh, đặc biệt mạnh vào đầu năm nay, còn ở Trung Quốc thì tăng trưởng chậm lại và mọi người đang cảm thấy một mối lo ngại nào đó từ giới lãnh đạo Bắc Kinh… »

Mục tiêu sâu xa của Donald Trump khi khởi chiến

Theo hầu hết các nhà phân tích, khi liên tiếp tung đòn áp thuế trên hàng nhập từ Trung Quốc, ngoài việc đòi Bắc Kinh phải nỗ lực cân bằng lại cán cân thương mại với Washington, tổng thống Mỹ Donald Trump còn muốn buộc Trung Quốc thực hiện một số cải tổ cơ cấu.
Trên vấn đề này, chuyên gia kinh tế Cécilia Borella nhận xét :

« Có hai yếu tố. Một là tìm cách đạt được một giao dịch cân bằng, tức là có được một cán cân thương mại cân bằng, với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những quan hệ song phương, sự cân bằng của một cán cân thương mại không hề đến từ chính sách thương mại mà xuất phát từ các chính sách kinh tế vĩ mô. Do vậy, mục tiêu mà tổng thống Trump đề ra có nguy cơ không đạt được.

Bên cạnh đó, còn có ý muốn thúc đẩy Trung Quốc tiến hành những cải cách cơ cấu, để giải quyết nhiều vấn đề, chẳng hạn như việc trợ cấp cho các doanh nghiệp, bắt buộc các công ty ngoại quốc chuyển giao công nghệ…

Nhưng cùng lúc, tổng thống Trump lại phát đi những tín hiệu không rõ ràng. Ngay vào tháng Năm vừa qua, bộ trưởng Tài Chính Mỹ đã loan báo thỏa thuận theo đó Trung Quốc đồng ý mua thêm hàng hóa Mỹ, nhưng sau đó ba ngày thì ông Trump lại cải chính tin trên. Cách đây mấy hôm, cũng bộ trưởng Tài Chính loan báo là đàm phán thương mại với Trung Quốc có tiến triển, nhưng cùng lúc, Nhà Trắng lại phát đi tín hiệu cho biết là có thêm các biện pháp áp thuế trên 200 tỷ đô la hàng nhập khác từ Trung Quốc. »

Đối sách “gây áp lực tối đa” liệu có thành công ?

Tuy nhiên, đối với bà Valérie Niquet, cho dù trên bề mặt, chủ trương của Washington có vẻ thiếu nhất quán, nhưng trong thực tế, quyết tâm của tổng thống Donald Trump khá rõ ràng:

« Mơ hồ trong cách biểu đạt, nhưng không mơ hồ lắm trong quyết tâm đạt được, nếu có thể, một sự cải cách thực thụ của hệ thống kinh tế Trung Quốc, cho phép tiến tới một thế cân bằng về thương mại.

Tôi không chắc rằng ông Trump sẽ đạt được những điều mong muốn, nhưng dẫu sao thì ta cũng thấy là chủ trương gây áp lực tối đa đó đã có thể tác động nhất định trên Trung Quốc, và ta sẽ thấy được một số chuyển biến từ phía Bắc Kinh theo hướng duy trì một mức trao đổi thương mại thỏa đáng với Washington, sao cho bảo vệ được tính vững chắc của nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời là của chế độ.

Theo bà Niquet, vấn đề khó khăn đối với Mỹ hiện nay nằm trên hai điểm. Trước hết là việc Trung Quốc - từ ngày ông Tập Cận Bình lên cầm quyền - đã chuyển hướng nhà nước hóa trở lại nền kinh tế, thay vì tự do hóa. Một điểm khác gây khó khăn cho Mỹ là ngoài việc đánh vào Trung Quốc - điều cũng phù hợp với lợi ích của nhiều nước khác - Washington còn đánh vào cả Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, những đồng minh thân thiết nhất của Mỹ, làm tổn hại đến lập luận của Hoa Kỳ.







No comments: