Felix
K. Chang - Viện NC Chính sách Đối Ngoại HK
Dịch giả: Nhật Minh
24/09/2018
Ngày 31 tháng 8, tàu tấn công đổ bộ Albion của
Hải quân Hoàng gia [Anh] thực hiện quyền tự do hải hành bằng cách đi qua quần đảo
Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Đã thành thông lệ, Bắc Kinh chỉ đạo
các tàu chiến Anh rời khỏi và Bộ Ngoại giao Trung Quốc ban hành tuyên bố, yêu cầu
Vương quốc Anh kết thúc những “hành động khiêu khích” như vậy.
Nhưng lần này, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng phụ hoạ, cảnh
báo chọc thẳng vào London rằng, những hành động của Anh có thể có hậu quả lớn
hơn. Chúng có thể cản trở các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại
tự do giữa Trung Quốc và Vương quốc Anh tại thời điểm mà việc rút khỏi Liên
minh châu Âu đã khiến cho nước Anh dễ bị tổn thương về kinh tế.
Không nghi ngờ gì, Trung Quốc rất nhạy cảm với các
tàu chiến của các nước khác tiến hành tự do hải hành gần các đảo mà nó chiếm
đóng ở Biển Đông, đặc biệt sau khi Hải quân Hoa Kỳ khôi phục lại các hoạt động
này ở Biển Đông vào năm 2014. Kể từ đó, Hoa Kỳ đã định kỳ gửi tàu chiến của
mình đi qua vùng biển này và kêu gọi các đồng minh cũng làm như vậy. Gần
đây, một số nước đồng minh của Mỹ đã hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ – trớ trêu
thay, sau khi quân đội Trung Quốc quân sự hoá các hòn đảo, khiến cho việc tiến
hành những hoạt động như vậy trở nên nguy hiểm hơn.
Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên gửi tàu
chiến đến Biển Đông. Có khả năng tranh chấp riêng của Nhật Bản với Trung
Quốc trên quần đảo Senkaku (hoặc Điếu Ngư, theo cách gọi của Trung Quốc) ở Biển
Hoa Đông đóng một phần vai trò về quyết định của nước này. Vào năm 2017,
Nhật Bản đã gửi tàu chiến lớn nhất, tàu khu trục trực thăng Izumo,
thực hiện chuyến hải hành kéo dài ba tháng trong khu vực.
Đã có thêm nhiều tàu chiến quốc tế thách thức
các yêu sách biển của Trung Quốc vào năm 2018. Mặc dù Úc đã từng cho máy bay quân sự bay qua vùng trời
khu vực này trước đó, nước này vẫn gửi một tàu khu trục và một tàu tiếp tế tới
Biển Đông vào tháng 4 năm 2018. Ngay sau đó, Pháp đã đưa một tàu khu trục nhỏ
và một tàu tấn công đổ bộ đi qua Biển Đông. Tàu Albion theo
sau vào tháng Tám. Và vào tháng 9, Nhật đã phái tàu Kaga, là
tàu chị em của Izumo, hai tàu khu trục, và đáng chú ý là tàu ngầm để huấn luyện với nhóm chiến
đấu tàu sân bay Ronald Reagan của Hải quân Hoa Kỳ trên Biển
Đông.
Trong hầu hết những lần như vậy, Trung Quốc đã phái
máy bay hoặc tàu chặn các tàu chiến quốc tế và chỉ đạo họ rời
đi. Nhìn chung, theo Bộ Quốc phòng Úc, Trung Quốc thực hiện cảnh báo
một cách “chuyên nghiệp“. Nhưng khi đối phó với các quốc
gia nhỏ hơn, như Philippines, các cảnh báo của Trung Quốc mang tính đe dọa nhiều
hơn. Thay vì thông điệp lịch sự “Hãy rời ngay lập tức để tránh bất
kỳ hiểu lầm nào,” chính quyền Trung Quốc đã cảnh báo máy bay và tàu
Philippines “Rời khỏi ngay lập tức hoặc bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về tất
cả các hậu quả“. Những cảnh báo như vậy đã khiến cho ngay cả vị
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vốn thân thiện với Trung Quốc cũng phải phản ứng.
Các cảnh báo của Trung Quốc đã chứng tỏ không hề có
sự giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông kể từ khi Trung Quốc và các nước láng giềng
Đông Nam Á đồng ý về một khung Bộ quy tắc ứng xử vào năm 2017. Sau một năm làm
việc, họ đã đổi khung đó sang một cái tên vụng về: Văn bản đàm phán Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông Duy
nhất.
Nếu được hoàn tất và chấp thuận bởi tất cả các bên
trong tranh chấp, văn bản sẽ là cơ sở cho một quy tắc ứng xử mới cho Biển
Đông. Nhưng ẩn trong các chi tiết có bóng dáng của sự quỷ quyệt; và
các nước tham gia vào các cuộc đàm phán về văn bản vẫn còn có cách nhìn xa nhau
về một loạt các vấn đề: từ cách xác định ranh giới địa lý của Biển Đông cho tới
cách giải quyết tranh chấp giữa những bên có yêu sách.
Một trong những vấn đề hóc búa nhất là vai trò của
các bên thứ ba. Với mức tăng trưởng kinh tế và quân sự tương đối, Trung Quốc
luôn tìm cách gạt bên thứ ba ra ngoài. Trong khi đó, các quốc gia nhỏ hơn
thì muốn cân bằng Trung Quốc với các nước như Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Bây giờ khi mà về mặt quân sự, Trung Quốc có năng lực
“kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống ngoại trừ chiến tranh
với Hoa Kỳ”. Trung Quốc có thể đàm phán về một văn bản cuối cùng cho Bộ
quy tắc ứng xử ở một vị trí có sức mạnh thậm trí còn lớn hơn trước. Bắc
Kinh dường như ngày càng sẵn sàng sử dụng sức mạnh này khi các nước phản đối
Trung Quốc.
Người ta có thể chắc rằng sẽ có thêm nhiều cảnh báo
trong tương lai. Với lời cảnh báo gần đây của Trung Quốc đối với Vương quốc
Anh, sẽ thật thú vị để theo dõi xem liệu London có theo được tới cùng cam kết đưa những tàu sân bay mới nhất của mình, Nữ
hoàng Elizabeth và Hoàng tử xứ Wales, tới Biển Đông sau
khi chúng được xây lắp hoàn chỉnh sẵn sàng cho hoạt động.
No comments:
Post a Comment