Ngô Nhân Dụng
September 25, 2018
Tổng Thống Donald Trump chắc tính toán đến năm 2019
Chủ Tịch Tập Cận Bình không chịu đựng được áp lực của cuộc chiến tranh quan thuế,
sẽ xin hàng. Với thành tích đó, qua năm 2020, ông Trump sẽ đắc cử lần nữa.
Tất nhiên, ông Tập Cận Bình không nghĩ như vậy.
Đây là điểm khác biệt giữa tâm lý người Mỹ và người
Trung Hoa. Người Mỹ muốn kết quả nhanh, người Tàu kiên nhẫn đợi. Giá cổ phiếu
các công ty Mỹ lên xuống tùy theo mức lợi tức lên xuống sau mỗi ba tháng. Dân Mỹ
bỏ phiếu bầu mỗi hai năm hoặc bốn năm cho nên các nhà chính trị cũng được dân
phán xét theo thành tích bốn hoặc hai năm.
Hai năm, hoặc bốn năm mà chưa thấy thành tích nào
thì dân Mỹ cho đại biểu về vườn. Dân Mỹ vẫn quen như thế.
Hôm Thứ Ba, 25 Tháng Chín, Tổng Thống Donald Trump mới
tự đánh giá mình, trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ông nói rằng chưa đầy hai
năm mà chính quyền của ông đã thành công hơn tất cả các chính phủ Mỹ trước đây
(trong hơn 200 năm). Nói xong, ông mỉm cười và cả hội trường cũng bật cười!
Người Trung Hoa thì khác. Hồi ông Chu Ân Lai còn sống,
khoảng 1970, có nhà báo Pháp hỏi ông đánh giá thế nào về cuộc cách mạng dân quyền
ở Pháp? Ông thủ tướng Tàu trả lời: Còn sớm quá, chưa thể đánh giá được. Cách mạng
1789 đã xảy ra gần 200 năm trước!
Như vậy thì ông Trump muốn cuộc chiến mậu dịch kết
thúc trong vòng một, hai năm; còn ông Tập Cận Bình có thể chấp nhận kéo dài,
bao lâu cũng được.
Câu hỏi là: Liệu ông Tập Cận Bình chịu đựng được bao
lâu?
Trong cuộc đấu này, ông Trump nắm những quân bài tốt
hơn, cứ nhìn vào các con số thì thấy. Ví thử hai nước đấu trận quan thuế đến
cùng, đưa đến việc giao thương bế tắc, thì bên nào sẽ bị gục trước?
Khi ông Trump bắt đầu đánh thuế trên $34 tỷ, rồi $16
tỷ hàng của Tàu đầu tiên, ông Tập bèn đánh trả trên những số lượng tương xứng.
Ông Trump nâng thêm $200 tỷ và đe dọa thêm $267 tỷ, ông Tập chỉ có thể đánh trả
$50 hay $60 tỷ. Ông Tập thiếu bài để đấu lại, vì mỗi năm Mỹ chỉ bán cho Tàu mỗi
năm $150 tỷ thôi, mua của Tàu $500 tỷ.
Hơn nữa, kinh tế Trung Quốc, tính bằng Tổng Sản Lượng
Nội Địa (GDP), tùy thuộc 38% vào xuất nhập cảng; còn ngoại thương chỉ chiếm 27%
kinh tế Mỹ. Như vậy thì những cú đá Trump đánh vô hàng Tàu sẽ đau hơn là các cú
đấm Tập đánh vào hàng Mỹ. Cuộc chiến sẽ đánh diễn ra như một cuộc chiến tranh
hao mòn, mỗi bên tấn công bên kia; thành lũy bên nào đổ trước thì phải thua.
Hai bên đã dàn trận, những phát súng đầu tiên đã nổ.
Dựa trên các con số thuần túy kinh tế ta thấy Tập Cận Bình yếu hơn hẳn Donald
Trump, và sẽ còn yếu nữa trong một, hai năm tới. Ông Trump cũng tấn công cầm chừng,
mới nã súng 10% thuế quan trên $200 tỷ, nhưng sẽ dùng trọng pháo 25% vào đầu
năm 2019 nếu ông Tập chưa quy hàng. Sau đó, mới đánh trên tất cả các mòn hàng Mỹ
mua từ nước Tàu. Trong khi đó, coi bộ ông Tập Cận Bình hết các mục tiêu để tấn
công.
Ông Tập Cận Bình có thể chờ viện binh đến cứu hay
không? Cùng lắm Trung Cộng có thể dựa vào Nga; còn Châu Âu, Nhật Bản, Nam Hàn,
chắc sẽ đứng về phía Mỹ.
Nhưng ông Tập Cận Bình vẫn có thể chờ. Vì tuy Tàu chỉ
bắn được vào một số nhỏ các mục tiêu ở Mỹ so với những thiệt hại do Mỹ gây ra
cho Tàu, nhưng người Mỹ sẽ cảm thấy đau hơn, vì họ không chịu đau giỏi như dân
Trung Hoa.
Trong nước Mỹ, con số những xí nghiệp và người tiêu
thụ bị thiệt hại vì chiến tranh mậu dịch không nhiều nhưng họ rất lớn tiếng. Mới
đau một chút họ đã kêu trời kêu đất lên. Và họ có quyền dùng lá phiếu để chọn
người đại biểu.
Còn trong nước Tàu, tiếng nói của người dân rất yếu ớt.
Mà khi có người kêu than, thì chính quyền cộng sản có thể bịt miệng ngay.
Hơn nữa, những người ở nước Tàu bị thiệt hại vì chiến
tranh mậu dịch xưa nay vẫn bị đảng Cộng Sản coi thường. Đó là những xí nghiệp hạng
nhỏ hay hạng trung đang sống nhờ xuất cảng. Phần lớn đó cũng là các nhà kinh
doanh tư; xưa nay vẫn bị đảng Cộng Sản gạt ra bên lề. Các ngân hàng lo cho các
doanh nghiệp nhà nước vay, còn các xí nghiệp tư phải vay chợ đen. Những xí nghiệp
lớn, có vai trò chiến lược, đều nằm trong tay đảng Cộng Sản, lại thường không sống
nhờ xuất cảng qua Mỹ. Nếu mất thị trường Mỹ họ có thể đi tìm các thị trường Phi
Châu, Châu Mỹ La Tinh, nơi người tiêu thụ không khó tính lắm.
Cả hai chính phủ đều có thể tìm cách trợ giúp những
nhà sản xuất và người tiêu thụ bị thiệt hại vì chiến tranh mậu dịch. Chính phủ
Trump đã trợ cấp các trại trồng đậu nành mấy tỷ đô la. Nhưng chính những nhà
nông được trợ cấp đó không hài lòng. Họ không tin nhà nước Mỹ có thể tiếp tục
trợ cấp mãi mãi vì có ngày chính phủ sẽ thay đổi; trong khi đó họ có thể sẽ mất
các khách hàng bên Tàu mãi mãi. Ngược lại, ông Tập Cận Bình có thể tùy thích muốn
trợ cấp ai cũng được, bao lâu cũng được, mà không trợ cấp cũng chẳng sao.
Khi nói rằng Mỹ đánh thuế nhập cảng trên $500 tỷ
hàng mua từ nước Tàu, chúng ta thấy con số $500 đó lớn thật. Nhưng cũng nên biết
rằng nếu người Tàu bán bớt một tỷ đô la hàng qua Mỹ thì tất cả một tỷ đó đều do
người Tàu làm ra. Rất nhiều hàng hóa đem từ Tàu qua Mỹ bán mà trong đó có những
bộ phận đem từ các nước khác tới, kể cả nước Mỹ. Thí dụ trong mỗi chiếc iPhone
bán ra, người trong nước Tàu chỉ nhận được 1% giá bán, còn phần lớn là do người
Mỹ thu lợi, rồi đến người Nguyên, Nam Hàn.
Cho nên, trong cuộc đấu tay đôi này, khi tính về thiệt
hại tương đối giữa hai bên, ông Trump sẽ bị áp lực của dân chúng, còn ông Tập
có thể bất cần. Ông Trump phải kết thúc thắng lợi trong vòng một, hai năm. Ông
Tập chờ bao lâu cũng được.
Cuộc chiến cuối cùng sẽ là chiến tranh tâm lý. Bên
nào chịu đựng giỏi, chịu đựng được lâu, bên đó sẽ thắng. Người Trung Hoa chịu
đau giỏi hơn người Mỹ không? Có lẽ họ chịu sống cực khổ giỏi hơn.
Một lý do khiến ông Tập Cận Bình vững bụng hơn ông
Donald Trump trong cuộc đấu này, là tâm lý dân Trung Hoa do lịch sử tạo ra từ
hai trăm năm trước. Người Trung Hoa không bao giờ quên nước họ đã chịu nhục nhã
trước các nước Tây phương từ thế kỷ 19. Cộng Sản Trung Quốc vẫn tiếp tục vận dụng
tâm lý bài ngoại đó để thống trị hơn một tỷ dân dễ dàng hơn. Trung Cộng vẫn rêu
rao là Mỹ đang tìm cách bao vây nước Tàu, không cho ngoi lên hàng cường quốc
(có một phần đúng)!
Nếu trong cuộc chiến tranh mậu dịch này người dân
Trung Hoa bị thiệt hại, thì đảng Cộng Sản sẽ tuyên truyền kích thích họ thù
ghét người nước ngoài hơn, để chạy tội cho đảng Cộng Sản!
Vậy bao giờ cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ-Hoa mới chấm
dứt?
Nó có thể kết thúc trước năm 2020, nếu ông Tập Cận
Bình bằng lòng hợp tác giúp ông Donald Trump thắng cử. Đây không phải là điều
không thể xảy ra được. Ông Tập Cận Bình có thể tặng ông Donald Trump một bàn thắng
dễ thấy trước mắt và dễ đem ra khoe nhất, để đổi lại một nhượng bộ khác có giá
trị lâu dài hơn.
Nhưng dù chiến tranh mậu dịch có tạm ngưng, thì cuộc
chiến tranh thực sự trên mặt trận kinh tế giữa hai nước không thể nào tránh được
và sẽ kéo dài. Ít nhất cho tới khi chế độ Cộng Sản ở Trung Quốc chấm dứt. Trong
bài tới, mục này sẽ giải thích tại sao. (Ngô Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment