Ngô Nhân Dụng
November 3, 2017
Mọi người trông đợi rất nhiều về chuyến thăm vùng
Đông Châu Á của Tổng Thống Donald Trump. Vì kể từ khi ông nhậm chức người ta
không biết chắc chính sách của chính phủ Mỹ đối với vùng này ra sao.
Ông Trump vẫn đề cao khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết –
America First.” Ông cắt giảm gần một phần ba ngân sách ngoại giao. Hơn nữa, ông
luôn tìm cách làm ngược các đường lối của người tiền nhiệm. Cựu Tổng Thống
Obama đã cổ động “chuyển trục về Á Châu.” Ông Trump không bao giờ lặp lại những
tiêu ngữ đó. Các nước vùng này lo ngại Trung Cộng sẽ có cơ hội bành trướng mạnh
bạo hơn. Bây giờ họ hy vọng ông Trump sẽ xác định nước Mỹ vẫn đóng một vai trò
chủ động và tích cực, dù có nói chuyển trục hay không.
Chính phủ Trump vẫn quan tâm đến hai chuyện: Bom
nguyên tử của Bắc Hàn và tự do hàng hải trong vùng biển Đông Nam Á. Quyền lợi của
Mỹ xung khắc với Trung Cộng ở cả hai nơi. Trong hồ sơ Bắc Hàn thì họ có nhiều
điểm tương đồng hơn. Cả hai đều nói muốn ông Kim Jong Un ngưng thí nghiệm bom
nguyên tử, và tạo áp lực kinh tế để đạt mục tiêu đó. Nhưng hai bên không thể đồng
ý trong các biện pháp cụ thể hơn.
Để tạo áp lực trên cả Trung Cộng lẫn Bắc Hàn, Tổng
Thống Trump có thể vận động Nhật Bản và Nam Hàn. Nhưng ở cả hai nước này, dư luận
vẫn còn phân vân không biết ông Trump muốn gì. Khi tranh cử năm ngoái, ông nói
rất nhiều lần rằng nước Mỹ phải chi tiêu quá nhiều trong việc bảo vệ an ninh
hai đồng minh này. Khi cầm quyền, ông vẫn nhắc lại ý kiến muốn hai nước đó phải
góp tiền chi phí. Nhưng ông Trump cũng từng nói cả hai nước này nên có bom
nguyên tử. Đây có thể là một thứ “đòn nhứ” cho Trung Cộng và Bắc Hàn coi và lo
lắng. Tháng Chín vừa qua, ông Trump cho Nam Hàn và Nhật Bản được mua thêm nhiều
vũ khí tân tiến của Mỹ. Mối giao thiệp với Nhật Bản có vẻ thuận thảo hơn.
Chuyến đi của Tổng Thống Trump mở đầu với trạm dừng
chân ở Tokyo. Chính phủ Nhật có cơ hội chứng tỏ cho cả thế giới thấy liên minh
Nhật-Mỹ luôn luôn vững chắc, nhất là cho Trung Cộng và Bắc Hàn ngó. Ông Trump đặt
nặng quan hệ cá nhân với các người lãnh đạo nước khác. Thủ Tướng Shinzo Abe là
người lãnh đạo mgoại quốc đầu tiên đến Tòa Bạch Ốc sau khi ông Donald Trump nhậm
chức. Từ đó, hai người đã gặp nhau năm lần và điện thoại 15 lần, kể cả những lần
ở Sân Cù Mar-a-Largo. Có lúc ông Trump còn thân mật, bông đùa với ông Abe trong
điện thoại, sau khi ông Kim Jong Un phóng hòa tiễn qua đầu nước Nhật, hỏi rằng
sao người Nhật không bắn? Hai người sẽ chơi golf với nhau lần nữa ngày Chủ Nhật
tới.
Với Nam Hàn, quan hệ lạnh nhạt và nhiều xung khắc
hơn. Trong khi chính phủ Mỹ nhiều lần nói đến hành động “Đánh phủ đầu” Bình Nhưỡng,
tổng thống Nam Hàn lên ti vi trấn an dân chúng rằng ông không muốn có chiến
tranh. Ông Moon Jae-in quan tâm đến sinh mạng của đồng bào ông, hàng triệu người
sẽ chết nếu chiến tranh nổ lại. Ông đã từ chối không trả tiền cho các giàn hỏa
tiễn THAAD Mỹ đang thiết lập, như ông Trump muốn, nói thẳng rằng THAAD ở đó là
do nhu cầu an ninh của nước Mỹ.
Chính phủ Seoul sẽ tiếp đón tổng thống Mỹ với lễ
nghi trang trọng nhất, nhưng chắc chắn họ giữ vững lập trường. Mọi người chờ đợi
nghe ông Trump sẽ nói gì khi đọc diễn văn tại Quốc Hội Nam Hàn vào ngày Thứ Tư
tới. Hải Quân Mỹ đã đưa ba hàng không mẫu hạm tới bán đảo Cao Ly trước khi ông
Trump phát biểu. Ông sẽ đến thăm binh sĩ Mỹ đóng tại Camp Humphreys, hơn 60 cây
số phía Nam thủ đô Hán Thành (Seoul). Quan điểm hai bên sẽ không thay đổi sau
chuyến thăm viếng này.
Bắc Kinh sẽ là trạm dừng chân quan trọng nhất. Ngoại
Trưởng Rex Tillerson và ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), đại sứ Trung Quốc tại
Washington, xác nhận Bắc Hàn là vấn đề lớn nhất trong cuộc hội kiến giữa ông
Trump và ông Tập Cận Bình. Đối với Trung Cộng, ý kiến này đã là một thắng lợi,
vì chính phủ Mỹ sẽ không mạnh tay trong câu chuyện khiếm hụt mậu dịch.
Thứ Hai tuần trước, ông Trump nồng nhiệt chúc mừng
khi ông Tập được bầu lại với vai trò “đặc biệt cao hơn.” Nhưng khi ông Tập Cận
Bình muốn trở thành một Mao Trạch Đông mới, ông ta sẽ không muốn nhượng bộ bất
cứ nước nào trong chương trình đưa Trung Quốc lên hàng lãnh đạo thế giới, như
ông hứa hẹn với hơn một tỷ người dân.
Thứ Năm tuần này, báo chí Bắc Hàn tiết lộ ông Tập Cận
Bình đã báo tin muốn bang giao hai nước được củng cố hơn trước. Điều đó nghĩa
là gì thì chỉ có hai đồng chí cộng sản này hiểu với nhau! Ông Trump chắc sẽ
không hỏi ông Tập vụ này.
Trên hình thức, Bắc Kinh đã thi hành các nghị quyết
của Liên Hiệp Quốc cấm vận Bắc Hàn. Liệu tổng thống Mỹ có thể yêu cầu ông Tập Cận
Bình mạnh tay hơn với ông Kim Jong Un hay không? Có thể đoán rằng họ sẽ nói nhiều
hơn, nói mạnh hơn, nhưng sẽ làm rất ít. Tướng H.R. McMaster, cố vấn anh ninh
Tòa Bạch Ốc, công nhận hiện nay Trung Cộng vẫn giữ cho 90% nền ngoại thương của
Bắc Hàn.
Để đổi lại việc tiếp đón trọng thể, ông Tập Cận Bình
sẽ tìm cách để tổng thống Mỹ sử dụng những thuật ngữ ngoại giao của Bắc Kinh,
được coi là Tư Tưởng Tập Cận Bình: “Không xung đột, không đối đầu, tương kính,
và hai bên cùng có lợi.”
Ông Trump đã có lần hô những khẩu hiệu này, một cách
vô tình, sau khi gặp ông Tập. Nhưng đối với tâm lý dân Trung Hoa, riêng việc lập
lại các khẩu hiệu đó, trên khán đài Bắc Kinh, đã là một thắng lợi của “Tư Tưởng
Tập Chủ Tịch” vĩ đại; địa vị cao hơn hơn chủ trương ngoại giao mềm mỏng mà Lý
Luận Đặng Tiểu Bình trước đây đã đề cao.
Dân chúng Mỹ sẽ theo dõi coi tổng thống của họ có đạt
được nhượng bộ nào từ phía Bắc Kinh trong vấn đề mậu dịch hay không. Hai ngày
trước khi lên đường, Tổng Thống Trump đã nhắc tới số khiếm hụt thương mại $347
tỷ mỗi năm, coi là vừa kinh hoàng, vừa mất mặt. Nhưng không ai tin rằng ông
Trump sẽ còn đe dọa đánh thuế 45% trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc, như ông đã
hô hào khi tranh cử.
Bắc Kinh có một số “quân bài” để giở ra để lấy lòng
ông Trump, giúp ông những “thành công” để ghi trong các thông điệp Tuýt
(Twitter). Họ sẽ nới lỏng một số hạn chế đối với các công ty Mỹ làm ăn ở bên
Tàu, sẽ mở cửa cho các công ty Tàu đầu tư thêm vào nước Mỹ, sẽ hứa hẹn ngăn chặn
việc ăn cắp kỹ thuât, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ…
Nhưng ông Tập Cận Bình sẽ không quên nhắc nhờ tổng
thống nước Mỹ hãy bắt giải tỷ phú Quách Văn Quý (Guo Wengui) đang tị nạn ở Mỹ,
vì ông này đang đe dọa sẽ khui hết những vụ tham nhũng trong giới lãnh đạo Bắc
Kinh. Nhà tỷ phú này cũng là một thân chủ của câu lạc bộ Sân Cù Mar-a-Lago,
đóng đủ lệ phí $250,000 một năm.
Sau chuyện mậu dịch, thắc mắc thứ nhì là tổng thống
Mỹ sẽ nói gì với chủ tịch Trung Cộng về hành động bành trướng của họ tại Biển
Đông nước ta. Nếu ông Trump đưa được một câu về vấn đề này trong thông cáo
chung, thì ông có thể coi như đã đạt một thắng lợi. Khó lòng buộc ông Tập Cận
Bình nhượng bộ, nhưng có thể bắt ông ta công nhận quyền lợi hai nước vẫn còn
xung khắc nặng trên con đường biển quan trọng nhất trong vùng Đông Á. Ngôn ngữ
“nặng” đến đâu, còn tùy trận đấu giữa các nhà ngoại giao hai nước. Nhưng khi
hai bên còn nói đến mối xung đột lâu dài đó, thì người Việt Nam còn hy vọng quyền
lợi đất nước mình chưa bị bỏ quên.
Tổng Thống Trump đến Việt Nam dự hội nghị APEC và
thăm viếng chính thức. Việc ông Trump đến Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt, sau khi
đã qua Bắc Kinh. Ông có thể nói những lời khó nói ở bên nước Tàu. Với tính hay
nói mạnh miệng, và không ngại nói những ý kiến trước sau ngược với nhau, ông
Trump có thể tạo nên một cảm tưởng phấn khởi cho người Việt Nam, thấy nước Mỹ
là nguồn hy vọng lớn để ngăn chặn Trung Cộng bành trướng.
Hy vọng khiêm tốn nhất là ông Trump sẽ quả quyết nước
Mỹ không từ bỏ vùng Biển Đông, mặc cho nước khác muốn làm gì thì làm. Trong
chuyến đi này, hai bên có thể tiến thêm vài bước nhỏ trong hợp tác an ninh.
Tháng Năm vừa qua, Mỹ đã giao cho Việt Nam một số tàu thủy trong việc bảo vệ hải
phận, chứng tỏ vẫn tiếp tục con đường mà chính phủ Obama đã khởi đầu.
Nhưng chính phủ Trump chắc sẽ không nêu vấn đề nhân
quyền ở Việt Nam, cũng như ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Trước khi ông
Trump đến, ông Nguyễn Phú Trọng đã cho bắt giữ nhiều nhà vận động tự do dân chủ
ở Việt Nam, và đe dọa những người khác.
Khi ông Trump có mặt ở nước ta, công an mật vụ sẽ
còn mạnh tay hơn nữa. Ông Trump có thể sẽ yêu cầu Cộng Sản trả tự do cho một số
nhà tranh đấu, như Trần Huỳnh Duy Thức, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần
Thị Nga… Nhưng sau đó không biết Bộ Ngoại Giao Mỹ có theo dõi những hồ sơ này
hay không.
Câu chuyện nổi bật ỏ Hà Nội thuộc lãnh vực kinh tế,
thương mại. Chính quyền Hà Nội đã khéo vận động cho ông Nguyễn Xuân Phúc thành
người cầm quyền đầu tiên trong vùng được ông Trump tiếp kiến vào Tháng Năm. Họ
không ngần ngại hứa bỏ nhiều tỷ đô la mua máy bay Mỹ, đúng như điều ông Trump
muốn.
Lần này, họ sẽ khôn ngoan không yêu cầu ông Trump
làm sống lại thỏa ước TPP – Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương mà ông Trump đã xé
ngay khi tựu chức; nhưng vẫn có thể xin những điều kiện tương tự như trong thỏa
ước đó trong việc thương mại với Mỹ. Trong một chuyến công du, ông tổng thống Mỹ
không thể cho thỏa mãn tất cả những ước muốn đó, nhưng chắc sẽ có những bước đầu
được mở ra.
Sau Việt Nam, chặng đường ông Trump thăm ông Duterte
ở Philippines chắc sẽ gây nhiều hứng thú nhất cho khán giả ti vi thế giới. Hai
ông tổng thống đều đặc biệt, không biết họ sẽ biểu diễn những gì trên màn ảnh.
Trước khi ông Trump lên đường, Tướng H.R. McMaster
đã nêu ra mấy mục tiêu của 10 ngày công du. Đứng đầu là hồ sơ Bắc Hàn. Thứ nhì
là cổ động cho một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific) mở cửa và tự do.
Và thứ ba là thực hiện “Thương mại công bằng có ăn có trả.”
Ông Trump sẽ không đạt được những thành quả lớn ngay
trong một chuyến đi; nhưng hy vọng ông sẽ thực hiện được nhiều bước tiến nho nhỏ.
Như vậy cũng đáng công cho một người rất ghét làm công việc ngoại giao. Ông
Trump sẽ “Tuýt” thêm, cho mọi người biết tất cả các thành tích đó. Chỉ hy vọng
ông không “Tuýt” câu nào trái ngược với các bản thông cáo chung trong chuyến đi
này. (Ngô Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment