Wednesday, November 1, 2017

CHUYẾN TÀU CỦA CUỘC CÁCH MẠNG NGA (Adrien Jaulmes - Le Figaro)




Adrien Jaulmes (Le Figaro)
Phong Uyên lược dịch
01/11/2017

Lời người dịch: Gần đến ngày kỷ niệm cuộc Cách mạng tháng Mười Nga (25-10-1917), tôi xin lược dịch một bài nói về cuộc cách mạng này của Adrien Jaulmes, ký giả nhật báo Pháp Le Figaro đăng trong 5 số liên tiếp hồi tháng 8 vừa qua. Theo kết luận của tác giả, cái gọi là cuộc cách mạng không tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại, chỉ là một cuộc đảo chính cướp quyền của Lénine.

Tôi cũng xin nhắc lại, cuộc cách mạng thật sự lật đổ Nga hoàng của Nga là cuộc cách mạng tháng Hai. năm 1917. Cuộc cách mạng này bắt đầu từ ngày 23 tháng Hai 1917 kéo dài cho tới ngày 3 tháng Ba 1917 (8-16 tháng Ba 1917 theo lịch cũ Nga). Trong 8 ngày liên tiếp xẩy ra những cuộc biểu tình cả mấy trăm ngàn người xuống đường, những cuộc tổng đình công, binh sĩ nổi loạn... Riêng ngày 27-2-1917, 150 ngàn lính đóng đồn ở Petrograd ngả theo những người nổi loạn sau cuộc đàn áp ngày 26-2 theo lệnh của Sa hoàng làm hơn 150 người chết. Ngày 2-3-1917, Nga hoàng tuyên bố thoái vị.

Riêng ở Petrograd, số người chết trong cuộc cách mạng tháng Hai là 1443 so với 5 người chết trong cái gọi là cuộc Cách mạng tháng Mười.

Sau đây là phần tôi lược dịch:

"Tháng 3 năm 1917 Lénine, chủ một đảng cách mạng cực đoan nhỏ tý, còn sống trong cảnh bần hàn ở Zurich Thụy Sĩ. Tám tháng sau, tháng 10-1917, Lénine nghiễm nhiên trở thành chủ nhân ông của nước Nga, một nước 160 triệu dân, có diện tích chiếm một phần sáu đất đai có người ở trên trái đất. Trong khoảng thời gian tám tháng đó, khi chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất còn trong giai đoạn khốc liệt, xẩy ra một chuyện quá là huyễn hoặc: Với sự giúp đỡ của chính phủ Đức hoàng, Lénine được Đức đưa trở về Nga, xuyên qua Đức và mấy nước Bắc Âu. Cuộc hành trình tám ngày, từ 27-3 đến 3-4 1917, đã làm thay đổi bộ mặt thế giới.

Một nhà cách mạng sống ở Thụy Sĩ

Trong khi cả Âu châu còn chìm đắm trong cuộc chiến tranh Thế giới Thứ Nhất, Thụy Sĩ trung lập giống như một hòn đảo thanh bình. Cuộc sống của Lénine cũng rất là thanh thản: Mỗi ngày người ta thấy một người thấp mập (1,65m), với một bộ râu hung hung, ngồi trong phòng đọc sách của Thư viện Trung tâm, cặm cụi làm việc giữa một chồng sách và bao giờ cũng ra về đúng bữa ăn trưa. Nhà ông ở số 14 Spiegelgasse, một con đường nhỏ, gồm 2 phòng thuê lại của một cặp vợ chồng thợ giầy. Trên mặt nhà ngày nay còn một bảng ghi: "Ở đây sống từ 21 tháng Hai 1916 đến 2 tháng Tư 1917, Lénine, thủ lãnh cách mạng Nga".
Năm 1917, Lénine sống hoàn toàn cô lập. Sợi dây độc nhất Lênin liên lạc với thế giới bên ngoài là báo chí. Vladimir Ilitch Oulianov (tên thật của Lénine), sống 17 năm, với vợ là Ndejda Kroupskaia, hết ở Anh lại ở Pháp hay Thụy Sĩ. Chỉ có một thời gian rất ngắn Lênin trở lại Nga khi cuộc cách mạng 1905 vừa xẩy ra thì đã đổ bể. Sau đó, Lénine chỉ còn vài mối liên lạc xa xăm với đất nước nơi mình sinh trưởng.

Tuy không hề được đại chúng biết, nhưng vì viết nhiều bài và in nhiều tác phẩm cổ động khuynh đảo dưới nhiều bút hiệu khác nhau, nên trong giới cách mạng lưu vong Lênin. cũng đóng một vai trò quan trọng. Không giỏi hùng biện, nhưng trong những cuộc tranh luận nẩy lửa giữa những lý thuyết gia Mácxít, Lênin cũng là một địch thủ đáng gờm. Lập trường của Lénine thiên về phái cực đoan nhất trong những xu hướng cực tả. Năm 1903, trong Hội nghị thứ Hai đảng Dân chủ-Xã hội Thợ thuyền Nga họp ở London, phái của Lénine được đa số khi đưa ra kiến nghị: mọi đảng viên phải tự đặt dưới "quyền chỉ đạo" của một tổ chức cách mạng chứ không phải chỉ tham dự suông tổ chức này. Phái của Lénine lấy tên là "Bônsêvíc" (Đa số), coi phe đối thủ với mình là thiểu số (Mensêvíc).

Chiến tranh Thứ Nhất đặt Lénine vào một vị thế còn triệt để hơn nữa. Năm 1915, trong một làng hẻo lánh ở Thụy Sĩ, có một cuộc họp chừng 30 đảng viên các đảng xã hội Âu châu, Lénine còn đi xa hơn cả những người hiếu hòa nhất trong buổi họp: Lénine cổ xúy chống mọi cuộc chiến tranh và khi lâm trận, tự động thua trận, đồng thời cổ động nội chiến cách mạng ở ngay trong lòng các nước tham chiến.

Nhưng những đề nghị phản chiến này rất ít được hưởng ứng ở những nước đế quốc tham dụ chiến tranh. Trong một buổi họp giữa những người cách mạng ở Zurich tháng Một năm 1917, Lénine thất vọng, than thở "những người già nua như bọn mình chắc không còn đó nữa khi những cuộc chiến có tính cách quyết định của cách mạng xẩy ra. Nhưng hi vọng bọn trẻ sẽ thắng trong cuộc chiến tranh vô sản sẽ tới". Trong khi chờ đợi, Lénine trở lại phòng đọc sách thư viện và kết thúc năm thứ 47 của một cuộc đời buồn tẻ.

Ngày 15-3 1917, Lênin quá là ngạc nhiên khi nghe tin cách mạng ở Nga đã bùng nổ. Một thanh niên cách mạng người Ba Lan tới gõ cửa nhà số 14 Spiegelgasse, nói với Lênin "Ông có biết tin là có một cuộc cách mạng vừa mới xẩy ra ở Nga không?"

Sự giúp đỡ đầy vụ lợi của Đức

Cuộc biểu tình ngày 8 tháng Ba ở Petrograd trở thành cuộc nổi loạn. Nga hoàng Nicolas II không làm chủ được tình thế nữa, phải thoái vị ngày 15 tháng Ba 1917. Cuộc cách mạng đã tạo một cú sốc khá mãnh liệt trong lòng Âu châu đang trong chiến tranh. Đối với Lênin, đây là một cơ hội để thực hiện cuộc cách mạng mà Lênin đã sửa soạn cả từ mấy chục năm nay. Nhưng làm sao trở về Nga được? Thụy sĩ, nơi ẩn náu của Lênin bỗng nhiên trở thành nhà tù.

Nhưng xẩy ra một sự bất ngờ : Một nhân vật đầy tính cách lãng mạn, Alexander Helphand (hay Gelfand), đem đến cho Lênin một giải pháp. Được biết dưới tên chiến đấu Parvus, anh chàng cách mạng trẻ này đã nổi tiếng bên cạnh Trotski khi còn là một trong những người cầm đầu cuộc nổi dậy năm 1905. Parvus sau đó qua Istanbul sống, làm nghề buôn bán súng đạn, trở thành giầu có. Anh chàng cách mạng trẻ tuổi ngày xưa bây giờ béo phị, tiền của đầy người, quần áo bảnh bao, ở những khách sạn sang trọng, uống sâm banh, hút xì gà, bao gái đẹp, sống như một nhà đại tư bản. Parvus, tuy vẫn giữ phản xạ của một người đã làm cách mạng, cũng luôn luôn có những cuộc tiếp xúc với giới ngoại giao Đức ở cấp bậc cao nhất. Parvus đề nghị với Lênin nên trở về Nga bằng con đường xuyên qua lãnh thổ Đức.

Bộ trưởng bộ Ngoại giao Đức Arthur Zimmermann, thấy đây là cơ hội tốt để giật dây Lênin, làm lũng đoạn guồng máy chiến tranh chống Đức của Nga. Loại Nga ra khỏi vòng chiến, một nửa tổng số quân được huy động để đánh Nga, Đức có thể đem về hỗ trợ chiến trường phía Tây, chọc thủng tiền tuyến Anh - Pháp trước khi Mỹ, mới khai chiến với Đức ngày 6 tháng Tư, có thì giờ đổ quân tiếp viện hai nước đồng minh của mình. Với mưu chước này, Đức hi vọng sẽ nắm chắc phần thắng. Zimmermann đánh điện cho tổng bảng doanh quân đội Đức yêu cầu cho quân hộ tống các người cách mạng Nga khi đi qua lãnh thổ Đức. Yêu cầu được chấp thuận. Nhờ Đức, Lênin đã có được phương tiện trở về Nga.

Huyền thoại gắn chì niêm phong cửa toa tàu

Sự Lênin từ Thụy sĩ về Nga xuyên qua Đức trong một toa tàu cửa bị niêm phong gắn chì đóng kín, trở thành một huyền thoại.

Khi Lênin chấp thuận đề nghị của chính phủ hoàng gia Đức trở về Petrograd qua ngả Đức đúng lúc cuộc cách mạng xẩy ra, Lênin biết dư có thể bị kết tội thông đồng với một nước thù địch. Không phải chỉ là một lý thuyết gia Mácxít, mà còn là một người thông hiểu pháp lý, Lênin đặt một điều kiện khá độc đáo: Toa tàu mà Đức cung cấp cho Lênin và các bạn đồng hành để trở về Nga phải được hưởng quyền lãnh ngoại. Cửa toa tàu phải được niêm phong "gắn chì" đóng kín để không tiếp xúc được với chính quyền nơi tàu đi qua. Toa tàu trở thành một sứ quán lưu động, tạo một hư cấu là tuy đi qua Đức mà không đặt chân xuống nước Đức. Người Đức, vì muốn đem trở lại Nga một người cách mạng để loại kẻ địch phía Đông lớn nhất của mình ra khỏi vòng chiến, nên chấp thuận điều yêu cầu lạ lùng này. Fritz Platten, một người cộng sản Thụy sĩ, đứng làm trung gian giữa chính quyền Đức và Lênin trên đường di chuyển.

Ngày thứ Hai 9 tháng Tư 1917, 32 người bạn đồng hành hẹn nhau ở khách sạn Zahringer Hof ở Zurich. Lênin đi cùng với vợ và cũng là cộng tác viên của mình là Nadedja Kroupskaia. Nhưng Lênin còn đèo thêm cô bồ gặp mấy năm trước ở Paris là Inessa Armand. Cô gái trẻ đầy lãng mạn này, lai nửa Pháp nửa Anh, được dậy dỗ từ khi còn con nít ở Nga, là một chiến sĩ cộng sản và cũng là một bạn tình đam mê. Cái lạ là vợ Lênin, Nadedja chấp nhận cuộc sống bộ ba với người tình của Lênin.

Đi cùng với bộ ba đó còn một bộ ba khác là Zinoviev,, người bạn trung thành, cánh tay mặt của Lênin, Zinaida người vợ, đứa con trai Stepan 9 tuổi và người vợ cũ của Zimoviev, Olga Ravitch.

Rất mau chóng chuyến đi bị tiết lộ. Một nhóm người Nga chống đối đã chờ sẵn Lênin và nhóm tùy tùng ngay ở trước nhà ga Zurich. Khi Lênin đến, tất cả đều đồng thanh hô lớn: " Đồ phản bội! Tay sai của Đức! ". Đúng 15 giờ 10, tàu bắt đầu chạy.

Cái gọi là toa tàu gắn dấu chì chỉ bắt đầu được móc vào khi đổi qua tàu Đức ở Gottmadingen, bắt đầu địa phận Đức. Gọi là toa tàu gắn chì thật ra chỉ là một toa tàu chở hành khách màu xanh gồm 8 ô, 3 hạng nhì, 5 hạng ba. Một toa chở hành lí được móc theo. Hai sĩ quan Đức bận binh phục, đại úy von der Planitz và trung úy von Buhring tháp tùng những người hành khách đặc biệt này.. Chỗ ngồi của những người này là ô cuối cùng hạng ba. Một đường kẻ bằng phấn ở ngoài hành lang, phân chia địa giới Nga và Đức. Không ai được băng qua đường kẻ này ngoài chú trung gian người cộng sản Thụy sĩ Fritz Platten. Hàng rào ngăn hành khách Đức và các vị hành khách Nga đặc biệt này, chỉ là cái vạch phấn.

Đêm ngày 11 tháng Tư, tàu dừng ở Berlin. Zimmermann, người cầm đầu Ngoại giao của Đức hoàng coi sự trở về của Lênin là vũ khí có sức tàn phá mãnh liệt nhất được đem ra dùng để công phá đế quốc Nga, không biết có nhân cơ hội gửi một phái viên mật tới gặp Lênin không.

Ngày thứ Sáu lễ Phục sinh, Lênin và tùy tùng lên tàu ở ga Stockholm đi Phần Lan rồi qua biên giới Phần Lan - Nga. Lénine trở lại Nga sau 12 năm xa cách , từ khi cuộc cách mạng 1905 bị uổng tử và sau 6 ngày rời Zurich. Khi qua biên giới, hải quan Nga hỏi, Lênin trả lời mình là một nhà báo. Một điện tín đến từ Petrograd khẳng định: nước Nga dân chủ mới không từ chối sự trở về của bất cứ một người công dân Nga nào.

Trở về Petrograd trong vinh quang

Sau cuộc hành trình xuyên Âu châu còn đang trong khói lửa với sự giúp đỡ của chính phủ một nước thù địch, Lênin lo sợ sẽ bị chính phủ lâm thời bắt ngay khi đặt chân xuống ga Phần Lan Petrograd. Không ngờ khi tàu vừa tới, Lênin đã thấy một đám đông đứng chờ sẵn hoan hô mình. Đảng Bônsêvíc đã tụ tập được cả trăm người lính và đảng viên đón mừng lãnh tụ của mình trở về. Có một đội nhạc hòa tấu bản Marseillaise. Lênin gạt những bó hoa và cắt đứt những bài diễn văn chào mừng ra về. Nhưng vừa ra khỏi nhà ga thì có rất đông người nhẩy tới ôm Lênin như một vị anh hùng. "Vladimir Ilitch... người mà mấy bữa trước còn trú ngụ ở nhà một người thợ giầy, đã được cả trăm bàn tay nâng lên một xe bọc sắt", nhà văn Stefen Zweig viết như vậy trong cuốn Toa xe lửa gắn chì... "Những đèn rọi được đặt ở những nhà chung quanh và trên một bức thành cạnh đấy, rọi xuống Lênin và cũng từ chiếc xe hơi bọc sắt, Lênin đọc bài diễn văn đầu tiên trên thế giới. Đường phố rung chuyển và chả bao lâu nữa sẽ bắt đầu "mười ngày làm rung động thế giới". Quả trái phá Lênin đã bắn trúng đích, làm sụp đổ một đế quốc."

Bài diễn văn của Lênin được rất ít người biết đến, nhưng hình ảnh con tàu Lênin tới ga Phần Lan đã rất nhanh chóng được tô vẽ thành một truyền thuyết cộng sản.

Đầu tàu số 293 kéo toa tàu Lênin sơn màu xanh và vàng, được trưng bày như một thánh tích trên một ke của nhà ga. Công trường trước mặt ke trở thành một công viên mang tên Lênin.

Giống như đa số những người cách mạng, những người Bônsêvíc cũng không bao giờ chê, không ở những điện đài đẹp đẽ. Đảng Bônsêvic đặt đại bản doanh ở biệt thự của nữ diễn viên ba lê Mathilde Kchessinskaia, người tình của Sa hoàng Nicolas II. Lênin ở phòng góc tầng 1 biệt thự này. Ngay từ năm 1929, biệt thự này đã trở thành bảo tàng Cách mạng. Tên mới được đổi bây giờ là Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Chính trị Nga.

Từ sau khi Sa hoàng thoái vị, cùng nổi lên ở Petrograd hai quyền hành cạnh tranh nhau. Cả hai cùng sống chung trong điện Tauride, ngày xưa của Potemkine, một bộ trưởng rất được nữ hoàng Catherine II sủng ái. Mỗi quyền hành ở một chái: Chái bên phải thuộc Ủy ban Lâm thời Quốc hội (Douma). Chái bên trái thuộc Sô Viết. Lẽ ra Douma nắm giữ chính quyền thật sự và Sô Viết chỉ giữ chính quyền hình thức, thì ngược lại, chính quyền Douma chỉ là hình thức và chính quyền Sô Viết mới là thật sự đối với dân ngoài đường phố.

Óc lạnh như tiền và đầy tính toán

Chưa bao giờ nước Nga có một chính quyền phóng khoáng như chính quyền lâm thời Nga sau khi Nga hoàng thoái vị. Quyền phổ thông đầu phiếu được ban hành, đàn bà được đi bỏ phiếu, án tử hình bị bãi bỏ. Nga trở thành "nước phóng khoáng nhất thế giới".

Lênin, óc lạnh như tiền và đầy tính toán, rất ghét cái cách mạng kiểu tư sản này, và theo lí luận mácxít, cho đó chỉ là một giai đoạn đi trước cuộc cách mạng vô sản phải xẩy ra ở những nước trên đường mở mang như nước Nga thời đó. Lênin kêu gọi lật đổ tức thì cái chính phủ lâm thời này. Lênin cũng biết điểm yếu của chính phủ này là chấp nhận tiếp tục chiến tranh với Đức bên cạnh các nước đồng minh.

Sự tuyên truyền của Lênin đối với những người dân quê bị ép đi lính, rất là giản dị và kiến hiệu: Người Bônsêvíc hứa hẹn hòa bình, bánh mì và ruộng đất. Ngoài cái lợi của tuyên truyền hứa hẹn, người BSV còn có nguồn tài chính rất lớn. "Lênin có một hoa bài chủ: tiền của Đức, Nhà sử học người Mỹ Sean McMeekin viết: "Sau khi Lênin trở về, với số tiền này, người BSV mua một nhà in... và phổ biến sự tuyên truyền của họ khắp cùng mọi nơi".

Là một lý thuyết gia rất giỏi cổ võ những hành động hung bạo, nhưng Lênin lại không phải là người biết hành động. Ngày 4 tháng Bẩy, thủy thủ căn cứ hải quân Kronstadt, được coi là đội quân xung kích của đảng Bônsêvíc, hùa theo quân những trung đoàn đỏ quân khu Petrograd nổi loạn. Trước khi tiến về điện Tauride để lật đổ chính phủ lâm thời, quân nổi loạn đợi chỉ thị của Lênin. Lênin ngần ngừ, không biết nói gì với đám quân này đang đứng chờ lệnh của mình.

Không có người cầm đầu, cuộc nổi loạn bị thất bại. chính phủ lâm thời phản ứng kịp thời. Báo chí kết tội những người Bônsêvíc thông đồng với Đức. Lệnh bắt Lênin và những nngười đồng chí được ban ra. Những nhân vật chánh của đảng Bônsêvíc đều bị bắt, trong số đó có Kamenev và Trotsky. Lênin và Zinoviev chạy được qua Razliv; một thành phố nằm trong lãnh thổ Phần Lan khi đó, ở nhà một đảng viên BSV tên là Emilianov.

Nhưng Lênin thấy Razliv quá gần Petrograd, không đủ an toàn, nên bỏ nơi này đi Helsinki, tới ở nhà một sếp cảnh sát. Ông này là một cảm tình viên cộng sản.

Cuộc đảo chính cướp quyền tháng Mười

Petrograd là một thành phố lý tưởng cho mọi cuộc cách mạng. Những đại lộ rộng lớn Nevski, Liteyni, đường Shpalernava, chụm vào nhau đúng trung tâm thành phố như những nan hoa của một bánh xe, rất thuận tiện cho những cuộc xuống đường. Nhưng địa thế thành phố cũng rất thuận tiện cho những cuộc đàn áp: Những cầu mở vượt qua sông Neva rộng lớn cũng có thể được nhấc lên khiến những đám đông không thể qua sông được. Sự điều động quân đội trên những đại lộ rộng lớn này. cũng dễ dàng hơn là trên những đường chật hẹp. Những đám đông tập trung trên những quảng trường rộng lớn bao quanh những dinh thự điện đài, cơ sở của chính quyền, cũng dễ trở thành điểm bắn cho quân bảo vệ.

Nhưng hầu như không có sự giao tranh nào cũng như không có sự chuyển động quân đội quan trọng nào khi xẩy ra cuộc cướp quyền của Lênin tháng Mười năm 1917. Trong cuốn Cách mạng Nga, Orlando Figes viết "Trong lịch sử rất ít những biến cố bị những huyền thoại làm sai lạc như biến cố ngày 25 tháng Mười 1917. Cái được gọi là Cách mạng xã hội tháng Mười trong huyền thoại Sô Viết, thật ra chỉ diễn tiến ở quy mô nhỏ nhất - chả khác gì một cuộc đảo chính quân sự - lọt qua mắt của tuyệt đại dân chúng thành phố Petrograd."

Nhưng những người viết lịch sử lại là những kẻ chiến thắng. Cuộc đảo chính biến thành "cuộc Cách mạng tháng Mười". "Tuyên truyền đã thành công, nhà sử học chuyên về thành phố Petrograd, người tổ chức những cuộc viếng thăm lịch sử, nói tiếp theo: Tháng Mười đã che khuất cuộc cách mạng tháng Hai, khiến nhiều người cứ đinh ninh rằng chính Lénine đã lật đổ Sa hoàng."

Sự cướp chính quyền được tổ chức rất kỹ lưỡng. Đảng Bônsêvíc đã gượng lại được sau sự thất bại của cuộc nối dậy hồi tháng Bẩy 1917 vì sự ngần ngừ của Lênin, khiến Lênin phải chạy trốn qua Phần Lan. Tuy vẫn bị truy tầm vì bị kết tội thông đồng với Đức, những người BSV đã lợi dụng một rối rắm chính trị xẩy ra hồi tháng Tám 1917, khi tân thủ tướng Alexandre Kerenski mới lên cầm quyền: Kerenski nghi ngờ tướng Korninov đem "sư đoàn hung bạo" của mình về làm một cuộc đảo chính phản cách mạng, nên kêu gọi những "vệ binh đỏ" (chịu ảnh hưởng của BSV) về để bảo vệ thủ đô. Những người BSV lợi dụng cơ hội này, tái vũ trang và kéo nhau trở về Petrograd.

9 tháng sau cuộc cách mạng tháng Hai lật đổ Sa hoàng, địa dư chính trị thủ đô Petrograd đã có nhiều thay đổi: Kerenski tọa lập trong cung điện Mùa đông bên bờ sông Neva của Sa hoàng. Một quốc hội lâm thời có nhiệm vụ sửa soạn bầu cử được tọa lập ớ điện Mariiinski. Những người Bôn sê víc thì chiếm làm đại bản doanh cả một tầng của viện Smolny, rất rộng lớn, ngày xưa là ký túc xá của các thiếu nữ con nhà quý phái, nằm ở hữu ngạn sông Neva.
Bị truy nã, vì tội thông đồng với Đức, Lênin vẫn phải ẩn trốn. Từ Phần Lan bí mật trở về Petrograd, Lênin trốn trong một căn hộ, viết hết bức thư này đến bức thư khác, kêu gọi những đồng chí của mình nổi dậy lật đổ chính phủ. Leon Trotsky, người chủ chốt trong cuộc nổi dậy, được bầu làm chủ tịch Ủy ban quân sự cách mạng Sô Viết.

Chương trình của Trotski

Lực lượng bảo vệ cung điện mùa Đông của Kerenski chỉ vỏn vẹn một vài chú Cosaques, một nhóm sinh viên sĩ quan và một tiểu đoàn phụ nữ, biểu tượng của chính phủ. Trotski , trước hết, nhằm những mục tiêu thực tế hơn : Nhà ga, trung tâm điện thoại và những nhà máy điện.

Tối ngày 24 tháng Mười, Lênin đợi đến phút cuối cùng mới ra khỏi nơi ẩn trú của mình. Đeo tóc giả, cạo nhẵn bộ râu trứ danh của mình, lấy tàu điện xuyên qua thành phố rất vắng bóng người, đi đến viện Smolny. Nhưng những người bảo vệ không nhận ra được, không cho vào. Người chủ BSV đành phải lẩn vào đám đông tìm cách lọt được vào phòng họp Ủy ban Trung ương, lên tiếng hô hào các bạn bè. Thấy mọi người còn ngần ngừ, Lênin lớn tiếng cảnh cáo phải chiếm quyền ngay không chần chờ gì nữa..

Rạng đông ngày 25 tháng Mười, mọi sự đều diễn tiến đúng theo chương trình của Trotski. Vệ binh đỏ chiếm không bắn một phát đạn những điểm chiến lược của Petrograd: những cầu trên sông Neva, pháo đài Pierre và Paul, điện Mariinski, trung tâm điện thoại. Cuối buổi sáng Kerenski cuống cuồng, trưng dụng một xe hơi, đích thân bỏ thành phố đi tìm cứu viện. Trong thành phố mọi sự đều yên lặng. "Các rạp hát, các tiệm ăn, tàu điện vẫn hoạt động như thường ngày. Cuộc nổi dậy có thể kết liễu trong khoảng 6 giò nếu không vì sự bất tài trò hề của những người nổi loạn, đã kéo dài thêm 15 giờ". Figes viết như vậy.

Sự tổ chức rất hoàn hảo của Trotski bị kẹt ngay khi đem ra thực hiện: Đúng 10 sáng Lênin tuyên bố chính phủ đã bị lật đổ và đã trao quyền cho các Sô Viết. Nhưng vấn đề là chính phủ lâm thời vẫn tại vị. Trong đại sảnh của cung điện Mùa Đông, điện thoại bị cắt đứt, các bộ trưởng vẫn ngồi chờ Kerenski đi tìm quân cứu viện trở về.

Lệnh tấn công được ban ra, bị hoãn lại nhiều lần. Người ta chờ pháo đài Pierre và Paul ở bên kia bờ sông, bật đèn đỏ ra lệnh, nhưng không kiếm được đèn đỏ. Đại bác của pháo đài cũng không bắn được vì súng và đạn khác nhau. Khi thủy thủ tuần dương hạm Aurore ( theo Bônsêvic ) được lệnh đem tàu tới đậu trước cung điện nã pháo, thì tàu chỉ có đạn giả. Cuối cùng phải đợi tới 21 giờ 40, khi nghe tiếng đạn giả nổ, cuộc tấn công mới bắt đầu. Chỉ khi đó pháo đài Pierre và Paul mới tìm được đạn thích hợp. Nhưng đa số đạn bắn đều không trúng đích và rơi xuống sông.

Tới tối khuya, cung điện Mùa Đông rút cục cũng bị chiếm khi những nữ chiến sĩ tiểu đoàn phụ nữ quyết tử và nhóm sinh viên sĩ quan đầu hàng. Một tốp vệ binh đỏ tới bắt các bộ trưởng ngay tại bàn họp lúc 2 giờ 10 sáng ngày 26 tháng Mười 1917. Ngay sau đó, bắt đầu một cuộc cướp phá và một cuộc say rượu bí tỉ kéo dài suốt đêm, được tiếp tế bằng kho rượu vang gần như vô tận của Sa hoàng. Ngoài chuyện đó, cuộc đảo chính gần như không làm đổ một giọt máu. Theo sử gia người Mỹ, Richard Pipes, "Tất cả mọi tổn thất cộng lại là năm người chết, nhiều người bị thương, đa số vì đạn lạc".

Nhưng kết quả vẫn là: Petrograd hoàn toàn dưới quyền kiểm sát của những người Bônsêvíc. Trong viện Smolny, Lênin, trước đó 9 tháng, sống trong một căn hộ bé nhỏ ở Zurich, nay đứng đầu chính phủ Nga. Người trí thức luôn luôn tức giận, nhà cách mạng ngồi trong thư viện suốt thời gian lưu lạc, vì một sự bất ngờ của lịch sử, đã trở thành chủ nhân ông của một trong những nước lớn nhất thế vgiới. Chế độ mới đã rất mau chóng trở thành một chế độ độc tài tàn bạo, nhưng Lênin, ít nhất cũng đã giữ được một lời hứa : ngày 15 tháng chạp, Lênin cử Trotski đi điều đình với Đức. Hòa ước được ký tháng Ba năm 1918 ở Brest-Litovsk. Tuy Lênin hay Trotski không để tên mình, nhưng Nga đã phải nhường cho Đức tất cả phần đất thuộc Âu châu của Sa hoàng, từ Ba Lan cho tới Ucraine. Chưa đầy một năm sau khi đưa Lênin trở lại Nga trong một toa tàu đặc biệt, chính phủ của Đức hoàng đã thắng cuộc quá cả mọi mong ước. Nước Nga bị loại ra khỏi vòng chiến. Mùa Xuân năm 1918, Đức mở một trận tổng tấn công Pháp, chỉ mau một chút xíu nữa là đã thành công.

Trong điện Smolny rộng lớn với những hành lang dài tới 200 mét, ở trên lầu văn phòng nhỏ bé của Lênin vẫn được giữ nguyên, với cái điện thoại bằng nhựa và cái giường nhỏ bằng sắt. Cũng trong tòa nhà này, được trả lại cho thành phố làm cơ sở hành chánh, năm 1990 bắt đầu một cuộc đời chính trị của Vladimir Poutine, một cố vấn không tên tuổi trong số những cố vấn của thị trưởng thành phố Petrograd."






No comments: