ROBERT BURNS -
AP News
DCVOnline
dịch
WASHINGTON (AP) – Đây là một câu hỏi hiếm khi được nêu ra trước khi Donald
Trump tranh cử Tổng thống: Nếu tổng thống ra lệnh tấn công trước bằng vũ khí hạt
nhân, thì có bất kỳ ai có thể ngăn ông ấy lại hay không?
Hoả tiễn đầu đạn hạt nhân. Nguồn AP
Câu trả lời là không.
Không phải Quốc hội. Không phải là Bộ trưởng Quốc
phòng. Và như đã quy định, không phải là những sĩ quan có bổn phận thi hành mệnh
lệnh.
Bruce Blair, cựu sĩ quan phóng vũ khí hạt nhân và
chuyên gia về chỉ huy và kiểm soát hạt nhân nói, “Nghi thức ra lệnh sử dụng vũ
khí hạt nhân đã cho mỗi tổng thống [Mỹ] quyền lực xoá bỏ văn minh nhân loại.”
Hè năm ngoái Bruce Blair viết trong tờ Washington Post,
Trump “có quyền không ai kiểm soát được để ra lệnh tấn công trước bằng vũ khí hạt
nhân chống lại bất kỳ quốc gia nào ông ta muốn, và chỉ cần ra một lệnh miệng
cho phòng chiến tranh của Ngũ giác đài.”
Hoặc, như trước đó – Phó Tổng thống Dick Cheney giải
thích hồi tháng 12 năm 2008, tổng thống “có thể tung ra một kiểu tấn công tàn
phá mà thế giới chưa bao giờ thấy. Ông không cần phải bàn thảo với ai. Ông cũng
không phải gọi Quốc hội. Ông không phải hỏi ý tòa án.”
Và thế giới đã thay đổi nhiều hơn trong mười năm
qua, với Bắc Hàn như hiện nay, đe dọa chiến tranh hạt nhân đã lớn hơn và trực
tiếp hơn là có vẻ như có thể xảy ra. Bản chất của thế giới chính trị Mỹ cũng đã
thay đổi và đối thủ của Trump – ngay cả trong đảng Cộng hoà của ông – đã đặt
câu hỏi liệu ông có quá nhiều quyền lực sử dụng vũ khí hạt nhân hay chăng.
Thượng nghị sĩ Bob Corker của Tennessee, một trong
những người chỉ trích Trump mạnh mẽ nhất, đứng đầu cuộc họp tại một phòng điều
trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm thứ Ba sẽ nghe lời khai của một cựu
chỉ huy của bộ chỉ huy chiến tranh và các nhân chứng khác. Chủ đề là “Quyền ra
lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân.”
Corker cho biết nhiều nhà lập pháp đã nêu ra những
câu hỏi về luật pháp và quyền hạn của tổng thống để tuyên bố chiến tranh và việc
sử dụng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Corker nói rằng bây giờ mới có cuộc thảo luận này là
quá chậm.
Alex Wellerstein, một sử gia về Khoa học tại Viện
Công nghệ Stevens đã nghiên cứu và viết rất nhiều về quyền sử dụng hạt nhân của
tổng thống, cho biết ông hy vọng cuộc thảo luận “có thể làm sáng tỏ hơn về các
khía cạnh của các thủ tục sử dụng vũ khí hạt nhân của tổng thống mà tôi nghĩ thực
sự cần phải được biết đến và cần được bàn luận.”
Ông nói hệ thống của Hoa Kỳ đã phát triển bằng truyền
thống và tiền lệ nhiều hơn là dựa trên luật pháp. Alex Wellerstein viết trong một
trao đổi email,
“Công nghệ của bom hạt nhân tự nó không buộc phải có
loại sắp xếp này. Đây là sản phẩm của hoàn cảnh. Tôi nghĩ rằng hệ thống của
chúng ta được tạo ở những hoàn cảnh rất khác với thế giới chúng ta đang sống hiện
nay, và có lẽ chúng ta nên xem xét sửa đổi hệ thống này.”
Khi được hỏi về điều này trong một cuộc trao đổi ngẫu
nhiên tại Ngũ giác đài, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã miễn cưỡng mô tả vai
trò của ông trong việc ra quyết định tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Ông nói,
“Tôi là cố vấn chính của tổng thống về việc sử dụng vũ lực.” Khi được hỏi liệu
ông có cảm thấy thoải mái với hệ thống hiện nay hay không, ông trả lời vắn tắt,
“Có.”
Một số chi tiết về quyền tuyên bố chiến tranh hạt
nhân của tổng thống vẫn là điều bí mật và do đó công chúng không hiểu rõ. Hệ thống
này được xây dựng để ra quyết định nhanh chóng chứ không phải để tranh luận. Đó
là vì tốc độ được xem là điều cần thiết trong cuộc khủng hoảng với một nước có
vũ khí nhân như Nga. Không giống như Bắc Hàn, Nga có đủ vũ khí hạt nhân để tiêu
diệt Hoa Kỳ trong vài phút.
Hoả tiễn tầm xa của Nga có thể tới Hoa Kỳ trong khoảng
30 phút. Nếu phóng từ tàu ngầm ở bờ gần Hoa Kỳ chúng có thể vào lục địa Mỹ
trong 15 phút. Theo một báo cáo tháng 12 năm 2016 của chuyên gia vũ trang hạt
nhân thuộc Vụ Nghiên cứu Quốc hội Amy Woolf về việc Hoa Kỳ có để đối phó với khủng
hoảng đã mất một số thời gian vì những thủ tục hành chính, tổng thống sẽ chỉ
còn ít hơn 10 phút để thu thập thông tin, xem lại các lựa chọn và đưa ra quyết
định của mình.
Khi tổng thống quyết định mở cuộc tấn công hạt nhân
– hoặc để trả đũa khi bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân trước – sẽ triệu tập một
cuộc họp khẩn cấp với Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Liên quân và
các cố vấn khác. Chỉ huy Bộ Chỉ huy Chiến lược Hoa Kỳ, nay là Tường Không quân
Hoa Kỳ John Hyten, sẽ tóm lược về các lựa chọn tấn công cho tổng thống rõ, và tổng
thống sẽ đưa ra quyết định của mình.
Tổng thống sẽ thông báo quyết định của ông và truyền
lệnh của ông bằng một thiết bị gọi là bóng đá hạt nhân; đó là một vali do một tuỳ
viên quân sự giữ. Trong vali đó là các dụng cụ truyền thông và một cẩm
nang các kế hoạch chiến tranh đã chuẩn bị trước.
Một tuỳ viên quân sự của Toà Bạch ốc mang vali đựng
mã số khẩn cấp.
Nếu tổng thống quyết định ra lệnh tấn công, ông sẽ tự
xác định mình với giới chức quân đội tạiNgũ giác đài với mật mã dành riêng cho
ông. Những mã số này được ghi trên một thẻ gọi là bánh bích quy luôn ở bên mình
của tổng thống. Sau đó, tổng thống sẽ truyền lệnh khai hoả cho Ngũ giác đài và
Bộ chỉ huy Chiến lược.
Blair, cựu sĩ quan phóng hoả tiễn hạt nhân, nói rằng
không có cách nào để đảo ngược lệnh của tổng thống. Và sẽ không thể huỷ cuộc tấn
công khi hoả tiến đã rời giàn phóng.
Mặc dù được đưa vào sử dụng và được chỉ định cho
quân đội sử dụng nhưng bom hạt nhân vốn là một vũ khí chính trị, với khả năng hủy
diệt gần như không thể tưởng tượng được. Điều đó giải thích tại sao hệ thống kiểm
soát việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ đã được thiết kế để tập trung quyền
lực ra quyết định từ vị trí quyền lực chính trị cao nhất: tổng thống.
© 2017 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ
DCVOnline.net
*
Nguồn: Could
anyone stop Trump from launching nukes? The answer: No. AP News, November
13, 2017.
No comments:
Post a Comment