Thursday, March 23, 2017

BẠCH THƯ NGOẠI GIAO 2017 CỦA ÚC (Ls Nguyễn Văn Thân)




Ls Nguyễn Văn Thân
Tác giả gửi tới Dân Luận
23/03/2017

Vào tháng 8 năm ngoái, Ngoại Trưởng Julie Bishop công bố ý định soạn thảo Bạch Thư Ngoại giao dưới sự chỉ đạo của Frances Adamson, Thư Ký và người phụ nữ đầu tiên đứng đầu Bộ Ngoại Giao Úc. Đây là Bạch Thư Ngoại Giao thứ ba. Bạch Thư đầu tiên được ban hành vào năm 1997 với tựa đề ''In the National Interest'' vào năm 1997 và văn bản thứ hai vào năm 2003 với tựa đề ''Advancing the National Interest'' dưới thời của Thủ Tướng John Howard. Chính quyền Turnbull cũng đã ban hành Bạch Thư Quốc Phòng vào tháng 2 năm ngoái mà điểm chính là gia tăng ngân sách quốc phòng hàng năm lên 30 tỷ Mỹ kim tương đương 2% GDP, và tăng cường lực lượng hải quân để đối phó với chính sách hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Vào cuối năm ngoái, chính quyền đã công bố là sẽ chi 50 tỷ Mỹ kim mua 12 chiếc tàu ngầm diesel tối tân của Pháp dự trù là sẽ đóng xong và trao cho hải quân Úc vào năm 2030.

Úc cũng như các quốc gia tại Châu Á - Thái Bình Dương đang đối diện với hai vấn đề của thế kỷ là sự thách thức ngôi vị lãnh đạo của Hoa Kỳ trong khu vực này từ một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và thứ hai là xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy bài bác toàn cầu hóa. Chỉ trong 10 năm qua cũng đã có nhiều biến cố đáng kể chẳng hạn như Cuộc Khủng Hoảng Tài Chánh Toàn Cầu năm 2008, Mùa Xuân Ả Rập với bao kỳ vọng ấm áp bỗng biến thành những mùa đông dài ảm đạm, sự xuất hiện của Nhà Nước Hồi Giáo, Brexit và chính sách ngoại giao hiếp đáp của Trung Quốc đối với các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực Biển Đông.

Nhưng có lẽ hiện tượng Donald Trump là động cơ thúc đẩy mạnh nhất đòi hỏi chính quyền phải nghiêm chỉnh xét lại sách lược ngoại giao một cách toàn diện. Rõ ràng là chính quyền cũng như giới ngoại giao ưu tú của Úc không ngờ và không chuẩn bị đủ cho trường hợp Trump thắng cử trở thành tổng thống làm lãnh tụ của thế giới tự do. Chiến lược an ninh của Úc từ nhiều thập niên qua đã dựa trên quan hệ đồng minh an ninh và quân sự với Mỹ cũng như các cơ chế quốc tế đa phương với những luật lệ và tập quán đã được thiết lập chủ yếu là bởi thế giới tự do. Nhưng hình thức trật tự này đang bị đe dọa bởi một vị tổng thống Mỹ không mấy tôn trọng các cơ chế quốc tế đa phương và muốn áp dụng chính sách ngoại giao dựa trên nguyên tắc "nước Mỹ trên hết". Trong khi đó, Nga và Trung Quốc thì ngày càng dạn dĩ dơ cao nanh vuốt ra thế giới bên ngoài.

Ngoại Trưởng Julie Bishop cho biết là Bạch Thư 2017 dự trù được công bố trước cuối năm nay sẽ là nền tảng cho kế sách ngoại giao trong một thập niên tới. Mục đích chính không phải là tiên liệu những biến cố quan trọng. Ví dụ nhưng không ai có thể tiên đoán được Brexit. Nhưng là để chuẩn bị tư thế chủ động và tích cực thích ứng thay vì bị động và phản ứng chạy theo thời cuộc. Bạch Thư cũng sẽ phác họa ngân sách và phương tiện dành cho Bộ Ngoại Giao Úc. Vào đầu tháng 3 này, Ngoại Trưởng Bishop đã triệu hồi 113 sứ thần gồm có đại sứ, lãnh sự quán từ khắp mọi nơi trên thế giới về nước để tham khảo ý kiến đóng góp vào tiến trình thành lập Bạch Thư 2017.

Một thực trạng khó xử là Úc lệ thuộc vào Hoa Kỳ về vấn đề an ninh nhưng phải dựa vào Trung Quốc vì quyền lợi kinh tế. Mối lo ngại lớn của những nhà ngoại giao và chiến lược là sẽ có một ngày nào đó Úc không thể tiếp tục bắt cá hai tay mà phải có sự chọn lựa rõ ràng. Với tính khí bất thường của Donald Trump, ngày phán xét có thể sẽ đến sớm hơn và bất cứ lúc nào. Chúng ta đang đi vào thời kỳ bấp bênh và thế giới chuyển động với một tốc độ đáng kể.

Từ 1976, Úc đã ban hành 7 bạch thư quốc phòng nhưng đây chỉ là bạch thư ngoại giao thứ ba. Vấn đề quan trọng là đề đạt mục tiêu phù hợp với khả năng và tận dụng khả năng để đạt được những mục tiêu chiến lược đó. Trong quá khứ, có nhiều lần Úc bày tỏ quá nhiều tham vọng vượt quá khả năng mà cũng không có đủ quyết tâm để theo đuổi. Chính sách ngoại giao và chiến lược vì vậy mà trở nên rời rạc và không mạch lạc. Úc có nhiều ý tưởng lớn nhưng không đủ khả năng thúc đẩy hoặc hoàn tất. Có lúc Úc kêu gọi các quốc gia khác nên làm những việc gì đó mà chính Úc lại không làm. Tổng Thống Teddy Roosevelt ăn nói nhỏ nhẹ nhưng cầm cây roi lớn. Úc thì lớn tiếng nhưng không có roi trong tay. Cũng có lúc vì lười biếng và ỷ lại vào sức mạnh của Mỹ nên Úc chẳng làm gì cả.

Hiện tượng trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy chống đối toàn cầu hóa và các hiệp định thương mại tự do là một thách thức lớn. Sự bế tắc của các vòng đàm phán WTO có nghĩa là thỏa thuận thương mại trong khu vực ngày sẽ càng chiếm vai trò quan trọng. TPP không có Mỹ thì coi như vứt đi. Chỉ còn lại RCEP. Nhưng làm đối tác kinh tế của 15 quốc gia Châu Á mà trong đó Trung Quốc sếp sòng sẽ đặt ra những vấn đề gì với đồng minh quân sự Hoa Kỳ? Bạch Thư 2017 phải trả lời những câu hỏi hóc búa này.

Một điểm khác là trong quá khứ, Úc có lợi thế hơn các quốc gia láng giềng về mặt khoa học kỹ thuật. Nhưng họ đang theo sát và thu ngắn khoảng cách. Chẳng hạn như nền kỹ nghệ sản xuất xe hơi của Úc sẽ biến mất nhưng lại xuất hiện tại Nam Dương va Thái Lan. Bất lợi nhất là về mặt dân số. Úc không có tầm cỡ để đóng vai anh chị vị dân số và thị trường quá nhỏ so với các quốc gia trong khu vực. Với 25 triệu dân, thị trường của Úc chưa bằng 1/10 của Nam Dương.

Trong chuyến viếng thăm Úc vào đầu tháng hai vừa qua, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói với đồng nhiệm Julie Bishop là "Úc có thể tiếp tục làm đồng minh của Mỹ và cùng lúc là đối tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc". Không biết quan điểm này có được xét lại không nếu có xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông. Trong một trận đối đầu như vậy, Úc dưới Hiệp Ước Liên Minh phải có trách nhiệm tham gia và yểm trợ Hoa Kỳ.

Gs Hugh White là người thường có quan điểm nhân nhượng đối với Trung Quốc đã đưa ra đề nghị 5 điểm cho sách lược ngoại giao Úc trong thập niên tới. Thứ nhất là khuyến khích Mỹ duy trì sự hiện diện quan trọng nhưng hợp tác và thân thiện với Trung Quốc. Thứ hai là nhường bớt chỗ cho Trung Quốc đảm nhiệm một vai trò lớn hơn. Thứ ba là chào đón sự trở lại của Nhật như là một siêu cường tại Đông Á. Thứ tư là bảo vệ quyền lợi của các tiểu quốc và trung cường chẳng hạn như Úc và sau cùng là gìn giữ và thực thi tập quán quốc tế đã được xây dựng từ hơn nửa thế kỷ qua làm nền tảng duy trì an ninh và hòa bình trong khu vực và trên toàn thế giới. Nói chung thì 5 điểm này cũng không có gì để gây tranh cãi. Nhưng cho Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn là lớn hơn thế nào? Trong khi tất cả mọi quốc gia trong khu vực đều rất hài lòng với vai trò lãnh đạo và hầu như hoàn toàn tin tưởng Mỹ vì họ biết rằng Mỹ không có ý đồ lấn chiếm hoặc hiếp đáp thì không thể nói như vậy được đối với Trung Quốc. Gs Hugh White cũng có vẻ xem nhẹ tầm cỡ của Ân Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới. Trong thời gian qua, khuynh hướng ngoại giao thực dụng xem nhẹ những giá trị và nguyên tắc căn bản về quyền con người dường như có vẻ thắng thế điển hình là trong mối bang giao giữa Úc và Trung Quốc cũng như giữa Úc và Việt Nam. Các cuộc đối thoại nhân quyền hầu như trở thành chiếu lệ hoặc chỉ là những màn trình diễn không có thực chất. Nhưng mà quyền con người là nền tảng của an ninh và hòa bình thế giới lâu dài. Khi vấn đề không được giải quyết ngay từ nguyên nhân gốc rễ thì mọi giải pháp chỉ mang tính giai đoạn và chấp vá.

Mức độ ảnh hưởng của Úc trên trường quốc tế dựa vào viện trợ nhưng trong thời gian vừa qua thì ngân sách viện trợ đã bị cắt giảm rất nhiều. Bất cứ tham vọng đáng kể nào mà Bạch Thư 2017 đề ra mà chính quyền không tăng ngân sách viện trợ đều trở thành vô nghĩa. Không chỉ cần thiết gia tăng viện trợ mà quan trọng hơn là bảo đảm đồng tiền đạt được mục tiêu chớ không rớt vào túi của giới quan chức tham nhũng. Úc viện trợ cho Việt Nam 86 triệu trong năm tài khóa 2015-2016 và 83.6 triệu trong 2016-2017. Mục tiêu viện trợ gồm có 3 điểm: phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao kỹ năng của công nhân và yểm trợ phụ nữ gồm có các sắc tộc thiểu số nâng cao đời sống kinh tế. Tóm lại đều là ở phần ngọn và cũng quá ít ỏi khó có thể dẫn đến những thành quả đáng kể. Không có khoảng viện trợ nào dành cho quyền lao động và bảo vệ môi trường là hai vấn đề cấp bách trong bối cảnh hiện nay.

Dù sao đi nữa, Bạch Thư Ngoại Giao 2017 là một sự kiện quan trọng và cần thiết với tình hình thế giới phức tạp. Không thể bỏ qua ý nghĩa của Bạch Thư Quốc Phòng 2016. Chính sách ngoại giao, chiến lược, an ninh và quốc phòng phải mang tính phù hợp và hỗ tương để tránh cảnh trống đánh xuôi, kèm thổi ngược. Tính tới thời hạn chót là cuối tháng hai thì Bộ Ngoại Giao đã nhận hơn 8,700 đệ trình góp ý trong tiến trình soạn thảo bạch thư. Thấy vậy chớ người dân Úc cũng rất quan tâm và có đầu óc chiến lược chớ không thờ ơ như một số người suy đoán.

Ls Nguyễn Văn Thân






No comments: