Monday, March 27, 2017

MỸ : "ĐỘI QUÂN NGẦM" CỦA TRUMP THAO TÚNG CHÍNH QUYỀN (Trọng Thành - RFI)




Đăng ngày 27-03-2017 

Nắm quyền lãnh đạo hành pháp, nhưng không đủ người để chi phối toàn bộ các hoạt động của bộ máy chính quyền, chính phủ Donald Trump tìm cách cài người vào các ban, bộ, để « đặt chính quyền Mỹ trong vòng kiểm soát ». Cuối tháng Giêng 2017, tân tổng thống Mỹ tuyên bố bổ nhiệm 520 người làm nhiệm vụ « cầu nối » (beachhead), tuy nhiên từ chối công bố danh tính. Le Figaro, ngày 27/03/2017, có phóng sự điều tra : « Đội quân xung kích của Donald Trump ».

Cặp mắt của tổng thống Mỹ Donald TrumpẢnh : REUTERS/Kevin Lamarque

Le Figaro lấy ví dụ về hai gương mặt trong số những người được lựa chọn làm « tai mắt » của tân tổng thống Mỹ. Người thứ nhất là Danny Tiso, 18 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học, được bổ nhiệm làm « trợ lý đặc biệt » của bộ trưởng Lao Động. Thành tích duy nhất của người thanh niên này là từng đứng ra tổ chức một vài cuộc tập hợp tranh cử của ứng viên Trump hồi năm ngoái. Bị trang mạng điều tra ProPublica phát hiện, Danny mới chấp nhận trở lại con đường học tập.

Nhân vật thứ hai là Sid Bowdidge, 60 tuổi, nguyên hành nghề xoa bóp, được cử làm « trợ lý đặc biệt » của bộ trưởng Năng Lượng. Ngày 09/03, nhân vật này buộc phải rời vị trí, sau khi nhiều trang mạng cho biết ông ta từng gửi đi một thông điệp lên mạng hồi 2015, kêu gọi « tiêu diệt » người Hồi Giáo.

Các tai mắt của Donald Trump có nhiệm vụ tham gia vào « các cuộc họp bàn về các vấn đề chiến lược », truyền lệnh cho các nhân viên, không thông qua Quốc Hội.

Theo mạng ProPublica, hiện Trump đã có khoảng 400 « tai mắt » như vậy. Ngoài những người tham gia hỗ trợ tranh cử, còn có các cựu trợ lý nghị sĩ, các thành viên của mạng Breitbart News, một trang mạng cực hữu do cố vấn của tổng thống Steve Bannon lãnh đạo, các chuyên gia của viện tư vấn theo xu hướng bảo thủ Heritage Foundation, rất có ảnh hưởng đối với tổng thống, cũng như hàng chục nhân vật vận động hành lang (cho dù ông Trump từng tuyên bố sẽ đuổi sạch những người vận động hành lang để làm trong sạch bộ máy).

Trump thiếu 4.000 người « trung thành » và « có năng lực »
Theo Le Figaro, thách thức lớn khác đối với ông Trump là tìm ra được, trong bộ máy chính quyền, những người trung thành với các quan điểm của tổng thống và ê kíp cầm quyền. Ước tính ông Trump phải có khoảng 4.000 người « trung thành » và « có năng lực », được bổ nhiệm lãnh đạo, thì mới có thể kiểm soát được hoạt động của 2,8 triệu công chức.

Đa số những người làm việc trong bộ máy hiện nay có thái độ chống lại chủ nghĩa dân túy của tân tổng thống, vốn coi bộ máy chính quyền là đối tượng tấn công. Nghi ngờ cao độ, Nhà Trắng đã bổ nhiệm « các ủy viên chính trị » đến gần như mọi bộ, ngành để kiểm soát công khai các hoạt động tại đây.

Hồi cuối tháng trước, cố vấn của tổng thống Steve Bannon tóm tắt chính sách đối với bộ máy chính quyền Mỹ hiện tại, đó là cần phải « tháo dỡ » bộ máy, bị tân tổng thống lên án là quan liêu. Để bôi đen đối tượng này, ê kíp của tổng thống Mỹ gọi tất cả những ai chống đối là tham gia vào một « Nhà nước ngầm ».

Trên thực tế, chính cái mà ông Trump gọi là « Nhà nước ngầm » ấy đã « ghi điểm », khi ngăn chặn một sắc lệnh về nhập cư của tân tổng thống (kỳ thị người Hồi Giáo), buộc cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Michael Flynn phải từ chức, bộ trưởng Tư Pháp phải chấp nhận tách khỏi cuộc điều tra về nghi vấn có các đồng lõa giữa chính quyền Nga và ê kíp tranh cử của ứng viên Donald Trump.

Tuy nhiên, nỗ lực « tháo dỡ » bộ máy chính quyền của tân tổng thống vẫn tiếp tục, với khoảng 90 quy định mới liên quan đến hàng loạt lĩnh vực, từ tài chính đến môi trường, ngừng tuyển mộ công chức mới, và cắt giảm mạnh ngân sách cho bộ máy.

Cuộc tấn công của ông Trump nhắm vào bộ máy chính quyền, dẫn đến tình trạng nổi bật hiện nay là nhiều bộ không có đủ người phụ trách, do ứng cử viên không được tân chính quyền chấp nhận. Ví dụ như 30 vị trí quan trọng nhất trong bộ Ngoại Giao hiện hoàn toàn không có người đảm nhiệm.

Bảo hiểm y tế Obamacare : « Viên thuốc đắng » với Trump
Vẫn về chính trị nước Mỹ, thất bại của Donald Trump trong nỗ lực hủy bỏ chế độ bảo hiệm y tế cho người nghèo của người tiền nhiệm, là đề tài được hầu hết các báo chú ý. Libération có bài « Nhà Trắng buộc phải nuốt viên thuốc đắng ». Theo Libération, vụ này « đặt câu hỏi về năng lực của ông Trump và khả năng của ông ta trong các đàm phán với chính nội bộ của mình ».
Libération vạch ra một nghịch lý là trong nhiệm kỳ trước, từ 2011 đến 2016, phe Cộng Hòa đã từng bỏ phiếu mang tính biểu tượng hơn 60 lần để thể hiện thái độ phản đối Obamacare, thế mà giờ đây, khi quyền nắm trong tay, họ lại không thể hủy bỏ được luật này.
Theo Libération, không hủy bỏ được bảo hiểm Obamacare, giờ đây tân tổng thống Mỹ đang nhìn sang một hướng khác, đó là chờ đợi bảo hiểm này « bị vỡ », và như vậy trách nhiệm sẽ được đổ cho đối lập Dân Chủ.
Còn theo Les Echos, thất bại nói trên làm suy yếu ông Trump, và đe dọa các dự kiến cải cách tương lai của tân chính phủ. Theo một quan niệm phổ biến tại Mỹ, chính quyền mới chỉ có thời gian khoảng 200 ngày để yêu cầu Quốc Hội thông qua các luật mới.
Theo Le Monde, cho dù vẫn còn được sự ủng hộ của đông đảo cử tri vốn đã bỏ phiếu bầu ông, Donald Trump hiện là tổng thống Mỹ nhận được sự ủng hộ thấp nhất trong lịch sử, trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ. Một thăm dò dư luận của đại học Quinnipiac, Connecticut, công bố hôm 22/03, có đến hơn 70% người trả lời cho rằng ông Trump và ê kíp của ông thường xuyên đưa ra các nhận định « không dựa trên bằng chứng ».

Bóng ma Putine ám ảnh châu Âu
« Chủ nghĩa Putin, bóng ma ám ảnh châu Âu » là xã luận của Le Monde. Le Monde chú ý đến sự kiện tổng thống Nga Putin tổ chức cuộc gặp lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen đúng vào thời điểm mà lãnh đạo 27 nước châu Âu kỷ niệm 60 năm hiệp ước Roma, hiệp ước tạo nền móng cho Liên Hiệp Châu Âu.
Cuộc gặp lãnh đạo cực hữu Pháp được chính quyền Nga cho truyền hình trực tiếp để chứng tỏ mọi sự là « hoàn toàn minh bạch ». Tổng thống Nga tuyên bố « hoàn toàn không muốn can thiệp » vào chuyện nội bộ của nước Pháp, nhưng đồng thời lại ca ngợi lãnh đạo cực hữu Pháp là « đại diện cho một phong trào chính trị đang phát triển nhanh chóng tại châu Âu ».
Le Monde đặt câu hỏi : Điều gì trong mô hình chính trị của nước Nga Putin được lãnh đạo cực hữu Pháp cổ vũ ? Đó là một chế độ độc đoán sát hại đối lập chính trị ? Bất chấp luật pháp quốc tế, sáp nhập lãnh thổ của láng giềng, trường hợp bán đảo Crimée (của Ukraina) ? Hay lập trường ủng hộ chế độ Syria của Assad, là tác giả của bao tội ác, mà dựa vào đó mà chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo thánh chiến phát triển ? Hay xu thế co cụm về dân tộc và tôn giáo, lấy điều gọi là đạo Thiên Chúa của người da trắng làm nền tảng ?
Riêng về nội bộ nước Nga, Le Figaro chú ý đến cuộc biểu tình bất ngờ chống chế độ độc tài tại Nga, với quy mô lớn chưa từng thấy kể từ năm 2012, được tổ chức ngày hôm qua, Chủ nhật 26/03, bất chấp lệnh cấm của chính quyền. Biểu tình diễn ra tại 80 thành phố. Riêng tại thủ đô Matxcơva, có khoảng 8.000 người xuống đường, theo cảnh sát, 30.000 người theo đối lập.

Bầu cử Hồng Kông : « Bàn tay vô hình » của Bắc Kinh
Về Trung Quốc, Le Figaro chú ý đến cuộc bầu cử tại Hồng Kông, đưa một nhân vật được Bắc Kinh hậu thuẫn lên nắm quyền, bất chấp việc người đắc cử không được dân chúng ủng hộ.
Một luật sư ủng hộ dân chủ, thành viên ủy ban bầu cử, Michael Vilder, nhận xét : cho đến nay, các lãnh đạo Hồng Kông thông thường đều được lòng đông đảo dân chúng. Bà Carrie Lam là người bị ghét bỏ nhiều nhất.
Ngay cả những người vốn thân Bắc Kinh cũng tỏ ra thất vọng. Nghị sĩ Michael Tian đã trông đợi chính quyền Trung Quốc để ngỏ cho việc tranh cử tự do giữa các ứng cử viên ít tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử, nhưng việc này đã không xảy ra, cho dù Bắc Kinh có toàn quyền chấp thuận hay không chấp thuận người đắc cử.
Ông lên án đã có một « bàn tay vô hình » can thiệp, buộc một ứng cử viên khác phải rút đi để bảo đảm bà Carrie Lam chắc chắn chiến thắng.
« Bàn tay vô hình », trên thực tế, chính là Văn phòng đại diện Hoa Lục tại Hồng Kông. Theo nhiều báo chí địa phương, cơ quan này đã gây áp lực để các « đại cử tri » phải chụp ảnh lá phiếu bầu để chứng tỏ là họ đã bỏ phiếu cho bà Carrie Lam.
Theo luật sư Michael Vilder, phản ứng của giới trẻ sắp tới có thể là sẽ dữ dội. Hôm chủ nhật, đảng Demosisto, do các cựu sinh viên tranh đấu cho dân chủ lập ra, tuyên bố sẽ tổ chức một phong trào bất tuân dân sự kể từ ngày 1/7 tới, ngày bà Carrie Lam chính thức nhậm chức, và cũng là dịp kỷ niệm 20 năm ngày Hồng Kông được trao lại cho Trung Quốc.

Brazil : 61 nhà tranh đấu môi trường bị giết hại
Trong lĩnh vực môi trường, báo Le Monde, báo động tình trạng những người bảo vệ sinh thái bị sát hại ở Brazil. Chỉ riêng trong năm 2016, đã có 61 nhà tranh đấu bị giết. Theo tổ chức phi chính phủ Global Witness, Brazil giữ kỷ lục đáng buồn trong lĩnh vực này. Từ 2010 đến 2015, có ít nhất 207 người bảo vệ nhân quyền, bảo vệ đất đai, hay bảo vệ rừng hy sinh.
Theo Ủy ban về đất, một tổ chức Công Giáo Brazil, tình hình hiện đang trở nên trầm trọng hơn. Chính quyền Brazil bị cáo buộc đồng lõa với các thủ phạm, đứng về phía các công ty đa quốc gia tước đoạt đất đai của nông dân.

Pháp : Hoạt động từ thiện tăng, bất chấp khủng hoảng
Về nước Pháp, theo báo Công Giáo La Croix, bất chấp tình trạng kinh tế khó khăn hơn, lòng hảo tâm của người Pháp không suy giảm.
Theo một nghiên cứu mới nhất của Recherches và Solidarités, người dân Pháp đã dành từ 4,4 tỉ đến 4,6 tỉ euro cho các hoạt động từ thiện trong năm 2015, tăng 4% so với năm trước. Theo một số thống kê khác, nếu tính cả thời gian hoạt động thiện nguyện, số tiền lên đến 20 tỉ euro.
Tính trung bình, người cao tuổi và khá giả đóng góp nhiều hơn. Nhưng nếu so theo thu nhập trung bình, thì mức độ đóng góp của người trẻ dưới 30 tuổi không thua người cao tuổi.
Theo số liệu của văn phòng luật sư Fidal, số lượng các hội hoạt động trong lĩnh vực thiện nguyện lên đến 4.546 vào cuối năm 2016, tăng 66% so với năm 2011.
France Stratégie, một cơ quan tư vấn làm việc với chính phủ Pháp, đề nghị chính quyền thay đổi chế độ thuế đối với tài sản thừa kế và quà biếu tặng, để khuyến khích hoạt động từ thiện. Đặc biệt là giảm mạnh thuế đối với các khoàn tiền cho tặng được nhận trước tuổi 40, để giảm bớt trường hợp những người 80 – 90 tuổi mới truyền lại của cho con cháu, lúc đã 60 – 70 tuổi.

Trang nhất các báo
Thất bại của tổng thống Mỹ Donald Trump trong mưu toan phá bỏ bảo hiểm y tế Obamacare, đe dọa xét lại quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ là một số chủ đề quốc tế trang nhất của các nhật báo Pháp hôm nay.
Về thời sự trong nước, hồ sơ chính của Les Echos quan tâm đến tính khả thi về kinh tế của cương lĩnh tranh cử của ứng cử viên tổng thống Macron, trong khi đó Libération chú ý đến Văn hóa, một lĩnh vực bị « quên lãng » trong cuộc tranh cử tổng thống Pháp.





No comments: