Wednesday, March 29, 2017

MỸ : CHỐNG LẠI ĐẢNG TRƯỞNG KHÔNG BỊ KỶ LUẬT, MÀ THIÊN HẠ "CHÊ CƯỜI", NGHI NGỜ NĂNG LỰC CỦA ĐẢNG TRƯỞNG (Trần Hồng Phong)




Trần Hồng Phong - Bình luận án
Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

Ở xứ cộng sản như Trung Quốc hay Triều Tiên . . . , việc đảng viên nào dám chống lại đảng trưởng (Tổng bí thư), thông qua các hình thức như phản đối miệng, hay bỏ phiếu chống ... gần như chắc chắn sẽ bị kết luận là phản đảng, hay phản chế độ. Thậm chí có thể bị kết án về tội phản bội Tổ Quốc. Hình phạt, sự trừng trị chắc chắn rất tàn khốc, gồm cả khả năng bị tước đoạt mạng sống. Điều này quý vị có thể tìm thấy một cách dễ dàng trong nhiều tư liệu sách báo.
- Không thể "xử lý kỷ luật" các đảng viên Cộng Hòa chống lại mình (trong việc thông qua dự luật chăm sóc y tế mới tháng 3/2017 tại Hạ Viện, tổng thống Trump chỉ có thể bày tỏ sự thất vọng và "bất ngờ")

Tuy nhiên, ở những nước tư bản, như Mỹ, hay Anh, Pháp, Nhật ...chẳng hạn (đành phải không thể nói khác đó là những nền kinh tế đứng đầu thế giới, quyền tự do cá nhân được tôn trọng ở mức độ cao) thì việc đảng viên chống lại trưởng đảng (Tổng thống) chắc chắn sẽ không bị sao cả. Đảng viên sẽ không bị kỷ luật, không bị xem là kẻ phản bội. (Mà thậm chí có thể còn được chính các đảng viên khác, dư luận xã hội ... - khen ngợi, ủng hộ - tùy theo đó là việc chi). Điều đáng nói hơn, là trong những trường hợp như vậy, thay vì "xử" đảng viên, thì dư luận có quyền và thường "chê cười", châm chọc về năng lực hay uy tín của người đảng trưởng (Tổng thống). 

Thất bại của Tổng thống Donal Trump hôm 24/3/2017 vừa qua, trong việc dự định xóa bỏ và thay thế (Repeal and replace) chính sách y tế Obamacare (do cựu Tổng thống Obama đưa ra) bằng chính sách (dự luật) Chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA) là minh chứng cụ thể và gần nhất, về những điều tôi nhận thấy như nói ở trên.

"Xóa bỏ và thay thế Obamacare" là khẩu hiệu tranh cử hàng đầu của ứng cử viên Trump của đảng Đảng Cộng hòa. Trong suốt 18 tháng vận động tranh cử, người ta thống kê ông đã nhắc điều đó 68 lần trong các buổi nói chuyện tranh cử và 435 lần trên trang Twitter của mình.

Thế nhưng, ông Trump đã bị một vố thất bại rất lớn (từ diễn đạt trên báo chí quốc tế và tại Mỹ) khi không thể đưa dự luật mới ra bỏ phiếu, dù chỉ mới qua cửa ải đầu tiên là Hạ Viện, do sự chống lại nhưng mang ý nghĩa quyết định thắng - thua, từ chính các đảng viên trong đảng Cộng Hòa của ông.

Nguồn tin trên báo chí cho hay trong số 430 thành viên Hạ viện (193 bên Dân chủ và 237 Cộng hòa), có hơn 30 nghị sĩ Cộng hòa thuộc nhóm trung dung và bảo thủ, đã nói thẳng là sẽ bỏ phiếu nói "không" với dự luật do vị đảng trưởng Trump của mình đưa ra.

Quyết định của nhóm này, cùng với toàn thể các thành viên phía đảng Dân chủ, đã khiến ông Trump đành phải bẽ bàng hủy cuộc bỏ phiếu quan trọng, vì biết chắc sẽ thất bại, khi không có được 216 phiếu thuận cần thiết. Ông Trump đã bày tỏ sự thất vọng và thừa nhận bị "bất ngờ” khi có nhiều đảng viên trong đảng không ủng hộ mình.

Dư luận đánh giá đây là một thất bại cay đắng của Tổng thống Donald Trump, người thường tự hào với khả năng đàm phán của mình. 

Qua sự việc, có thể thấy tại Mỹ chả có đảng viên Cộng Hòa nào đến mức phải "sợ", hay bị bắt buộc phải "nghe theo" ông đảng trưởng Trump. Dù ông đang là nhân vật quyền lực nhất, rằng có tin nói ngay sát giờ bỏ phiếu, khi biết có dấu hiệu “phản kháng” của các hạ nghị sĩ, ông Trump đã tung ra con bài tẩy: "các vị phải bỏ phiếu vào ngày 24-3 nếu không thì không bàn đến chuyện này nữa"! (ý nói: tôi đưa ra dự luật mới chẳng qua là vì các vị! Hê). 

Kết quả là trái đắng đã đến với ông Trump. Đây là một thất bại khó tả, bởi chưa bao giờ bên Cộng hòa có được thế đa số như lúc này tính từ năm 1928.

Thất bại của ông Trump cũng là dịp để mọi người, kể cả từ trong nội bộ đảng Cộng Hòa đàm tiếu, cười đùa, hay phân tích theo hướng chê bai, nghi ngờ về uy tín và năng lực lãnh đạo của ông Trump.

Nhiều nhà phân tích cho rằng ông Trump, qua thất bại trên, đã thể hiện sự yếu kém trong khả năng thuyết phục. Thay vì có nhiều cách khác hay hơn, thì ông lại tỏ thái độ "đe dọa" các đảng viên của mình. Điều này là vô nghĩa.

Cũng có ý kiến cho rằng chỉ qua hơn 2 tháng giữ cương vị tổng thống, đã cho thấy năng lực của ông Trump hoàn toàn không "siêu" như nhiều người kỳ vọng. 

Về phía đảng Dân Chủ, thì dĩ nhiên họ vui mừng với vụ hoãn Trumpcare. Bà Hillary Clinton (đối thủ tranh cử tổng thống 2016 với ông Trums) đã đăng ảnh cười rất tươi và viết trên Twitter :“Hôm nay là một thắng lợi của 24 triệu người suýt bị mất bảo hiểm y tế”! 

Chốt lại: Nếu quý vị tham gia vào một đảng phái chính trị nào ở các nước đa đảng và tư bản, quý vị có thể an tâm khi "chống" lại đảng trưởng hay Tổng thống. (Tất nhiên là "chống" về mặt quan điểm, bỏ phiếu). - nhưng nếu ở Trung Quốc hay Triều Tiên v.v. - quý vị đừng bao giờ thực hiện điều ấy, dù chỉ là trong ý tưởng!





No comments: