-------------------
23 Mar 2017
“Cuộc
đấu tranh này, nếu thân nhân của những người tù mà hết lòng vì nó thì thật sự
nhà tù là một trường học cực kỳ lớn đối với chính họ. Sau ba năm qua, tôi thấy
mình đã lớn lên rất nhiều, cứng cỏi hơn rất nhiều, nhìn rõ mọi chuyện và hiểu
con người, hiểu cuộc đời hơn. Tôi đã bước qua khỏi nỗi sợ hãi và bây giờ tôi
không sợ nữa”. Bà Lê Thị Minh Hà, vợ blogger Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), chia sẻ
những kinh nghiệm và cảm xúc của bà, nhân một năm phiên xử sơ thẩm ông Vinh và
người trợ lý, cô Thúy.
Bà Lê Thị Minh Hà gặp
gỡ ông Martin Patzelt, nghị sĩ, thành viên Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Đức năm
2014 để vận động sự ủng hộ cho Anh Ba Sàm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Đây
là một trong rất ít lần bà Minh Hà dành thời gian nhiều đến thế cho một tờ báo.
Không phải vì bà sống khép kín hay có điều gì khiến bà không thích báo chí, mà
chỉ là do bà Hà vốn khá thận trọng.
Bà
cũng thận trọng cả trong chuyện tìm người để tâm sự và nhờ cậy giúp đỡ, đến mức
nhiều người có thể nghĩ rằng bà khó gần. Ít ai tiếp xúc gần với bà đủ để được
bà chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức của một phụ nữ có thân nhân đi tù vì
“tội chính trị”, và càng không đủ để hiểu được những khó khăn của người ở trong
hoàn cảnh ấy.
Sinh
năm 1958, thời trẻ, bà Lê Thị Minh Hà là một cô gái Hà Nội học cùng trường Đại
học An ninh với ông Nguyễn Hữu Vinh và Bộ trưởng Công an hiện nay là ông Tô
Lâm.
Họ
là bạn cùng khóa, và điều đó tạo nên một trong những nét kịch tính nhất của vụ
án Ba Sàm: Đây là một vụ án “bạn bắt bạn” – Tô Lâm là một trong những người
chịu trách nhiệm cao nhất trong việc bắt Nguyễn Hữu Vinh, và một trong các luật
sư bào chữa cho ông Vinh là Trần Đình Triển thì cũng từng học cùng cả Tô Lâm lẫn
vợ chồng Vinh-Hà.
Ông
Vinh là con của cụ Nguyễn Hữu Khiếu – nguyên ủy viên Trung ương Đảng, cựu đại sứ
Việt Nam tại Liên Xô. Bà Hà cũng là con nhà gia thế: Bà là cháu của cựu Bộ trưởng
Công an Lê Minh Hương. Gia đình dòng dõi, được đào tạo bài bản trong Đại học An
ninh thời kỳ tốt nhất của nó, thời trẻ bà chẳng khác nào một tiểu thư Hà Nội.
Thế
mà ở tuổi trung niên, cô tiểu thư Hà Nội ấy đã trở thành một trong các nhân vật
nổi bật nhất trong một vụ án chính trị nổi tiếng.
Sinh viên Nguyễn Hữu
Vinh của trường Đại học An ninh, đầu thập niên 70. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Bà
đã bay từ Đức về Việt Nam để tham gia vào cuộc chiến đấu với những gì bà cho là
bất công, sai trái của hệ thống hành pháp và tư pháp; đã tìm hiểu từng mẩu
thông tin nhỏ nhất về công việc của chồng mình; đã học nấu từng món ăn dành
riêng cho người đi tù; đã nhẫn nhịn, khéo léo cả với những quản giáo cấp thấp
nhất; và đã đối mặt với một bộ máy rất biết cách kiểm soát thông tin.
Ngày
anh bị bắt
Ngày
ông Nguyễn Hữu Vinh bị bắt (thứ hai, 5/5/2014) tình cờ lại đúng là ngày đi làm
đầu tiên con trai ông – Nguyễn Hữu Phúc, mà cả nhà vẫn gọi là Bi.
Những
năm ấy bà Hà đang sống ở Đức. Chủ nhật 4/5, bà đã gọi về dặn con dâu (chị dâu của
Bi) “mua sẵn cái bánh ngọt với bó hoa để em nó đi làm về thì mấy bố con chúc mừng
em”.
Nhưng
cả ngày thứ hai, bà liên lạc mà không thấy ai nhấc máy. Tới 5h chiều, quá sốt
ruột, bà gọi về lần nữa mới nghe Bi nói: “Ở nhà đang xảy ra chuyện, mà con
không thể nói với mẹ được”.
“Lúc
đó tôi hiểu ngay là ông Vinh đã bị bắt” – bà Hà nhớ lại. “Làm gì có chuyện gì
mà thằng bé lại không nói với mẹ được”.
Nhà
chỉ có hai anh em Tý và Bi. “Bọn trẻ còn ngây thơ đến mức độ hỏi công an xem bố
mình bị đưa đi đâu, công an bảo: ‘Cần gặp hay làm cái gì thì đến số 7 Nguyễn
Đình Chiểu’, thế là chúng nó cứ đinh ninh bố ở đấy. Chúng bàn nhau mang quần áo
cho bố, rồi mai sẽ gặp xem bố thế nào”.
Ngay
sau khi biết tin chồng, bà Hà đặt vé máy bay về nước. Ở xa đã quá lâu, bà thật
sự chẳng biết chồng mình đang làm cụ thể những việc gì, giao dịch với những ai.
Bà chỉ tin chắc một điều rằng ông là một nhà báo, có tài viết và rất yêu nước.
Bà
thử theo dõi xem báo nào đưa tin về vụ bắt ông: Tờ đầu tiên là trang mạng
nguyentandung.org, và sau đó đến báo Công an Nhân dân. Chỉ một mẩu tin ngắn là
blogger Ba Sàm bị bắt, và khắp các nơi đều đăng lại từ bản tin của công an. Khoảng
5 ngày sau đó, trang Ba Sàm hoạt động trở lại.
Những
lần “nắn gân” đầu tiên
Trên
máy bay, bà Hà nghĩ miên man. Bà nghĩ tới việc sẽ có rất nhiều luật sư và nhà
báo tìm đến, và việc của bà là phải chọn ra luật sư với những tiêu chuẩn có thể
“tương thích với ông Vinh”. Điều bà không ngờ là khi bà về tới Việt Nam, đã
không có nhà báo nào tìm gặp bà, và luật sư thì chỉ có vài người, trong đó có
ông Trần Vũ Hải.
Bà
đến số 7 Nguyễn Đình Chiểu để hỏi thông tin về ông Vinh, và cuối cùng được “hướng
dẫn” việc gửi đồ tiếp tế cho ông Vinh ở trại B14.
Nhà báo Nguyễn Hữu
Vinh trong phiên toà sơ thẩm ngày 23/3/2016. Bà Lê Thị Minh Hà ngồi đằng sau,
bên trái ảnh. Ảnh: TTXVN.
Tại
địa chỉ số 7 Nguyễn Đình Chiểu này, bà gặp một nhân viên của Cơ quan An ninh Điều
tra Bộ Công an, tên D. Người này sau đó đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho bà,
“khuyên” rằng nếu cả bà và ông Nguyễn Hữu Vinh cùng “hiểu ra vấn đề” thì chỉ hết
thời gian tạm giữ, công an sẽ đình chỉ điều tra. Chỉ cần “nhận sai một tí
thôi”.
Bà
Hà cười: “D. lạ nhỉ? Chắc anh chưa học xong an ninh, chưa tốt nghiệp trường
mình (Học viện An ninh) đúng không? Theo anh, sai một tí là sai gì? Chỉ có một
là phạm luật mà hai là không, chứ làm gì có chuyện sai một tí”.
D.
cười xuê xoa: “Ừ thì cứ nhận là do mình đã dễ dãi quá… Nhận thì nhẹ tội”.
Bà
Hà nghiêm giọng: “Ông Vinh làm gì, nhận hay không nhận, là quyền của ông ấy.
Tôi chẳng liên quan. Đấy là việc ông ấy tự quyết định. Còn tôi chỉ yêu cầu duy
nhất một điều: Ai làm gì ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của ông ấy thì có
là em tao, tao cũng không tha”.
D.
đổi giọng: “Chị với ông Vinh ly thân rồi, đúng không?”.
Bà
Hà: “Anh đưa cho tôi xem văn bản nào quy định là ly thân thì không được tham
gia vụ này xem nào. Cứ cho là có cái văn bản như thế, nghĩa là nó sai. Nếu nó
sai mà có đầy đủ thủ tục pháp lý trước đấy thì tôi vẫn ký nhận nó, nhưng sau đấy
tôi sẽ kiện. Vớ vẩn”.
D.
im lặng.
Sau
đó, bà Hà “được phép” viết thư cho chồng. Bà viết ngắn gọn, đại ý: “Em đã về. Nếu
có thể làm gì cho anh thì em sẽ làm. Tất cả mọi chuyện trong gia đình, chuyện
con cái, em sẽ lo hết”.
Bà
nói, không biết lá thư ấy có được chuyển tới tay ông Vinh không.
(Còn
tiếp)
*
*
24 Mar 2017
“Tôi
đã phải tìm hiểu tất cả mọi thứ từ đầu. Từ việc tự đọc trên mạng để biết ông
Vinh làm gì, người ta nghĩ về ông ấy như thế nào, đến việc nghiên cứu về các luật
sư và tìm cách tiếp cận rồi mời họ. Chẳng có ai bảo tôi, hướng dẫn tôi phải làm
gì cả, chỉ có một cách là phải đọc, phải suy nghĩ, rồi tự hình thành hướng đi”
– bà Lê Thị Minh Hà, vợ của ông chủ trang “Thông tấn xã vỉa hè” Nguyễn Hữu Vinh
(tức blogger, người tù nổi tiếng Ba Sàm), thổ lộ, cũng như dành lời khuyên cho
những người có hoàn cảnh tương tự bà.
Bà Lê Thị Minh Hà (phải)
và bà Thuyên (mẹ của cô Nguyễn Thị Minh Thuý đầu xuân 2017). Ảnh: Nguyễn Lân Thắng.
Một
trong những điều bà Hà muốn biết ngay lập tức là tình trạng giam giữ ông Vinh.
Tuy nhiên cũng phải đến buổi tối ngày thứ 8, tức là trước khi ông Vinh bị chuyển
từ tạm giữ sang tạm giam, bà mới “được” công an báo “ngày mai chị gửi đồ cho
anh ấy”.
Chỉ
trong vài tiếng của buổi sáng hôm sau, bà phải chạy hộc tốc đi mua hơn 50 ký đồ
để tiếp tế cho chồng.
“Thì
mình đâu biết họ quy định thế nào đâu, cứ mua thật nhiều thôi, nghĩ là để cho
ông ấy ăn dần. Bao nhiêu là đồ hộp, thạch, dưa chuột muối… Lại gửi thêm cả cuốn
từ điển to đùng nữa. Lỉnh kỉnh hết túi này tới túi nọ. Mang vào B14, họ cứ cằn
nhằn: Sao mua nhiều thế này? Khổ, lúc ấy mới được lập sổ thăm gặp cho các lần
tiếp tế sau. Về sau tôi cũng biết là họ chẳng chuyển hết cho ông Vinh đâu, họ ở
giữa giữ lại chứ”.
Rồi
bà Hà bắt đầu tính chuyện thuê luật sư cho chồng. Điều đáng chú ý là trước khi
bà kịp mời ai, đã có một luật sư tự nhận là người bảo vệ ông Nguyễn Hữu Vinh. Vị
này gặp bà Hà và kể: “Anh ấy (ông Vinh) khai dại lắm chị ạ, sơ hở lắm, nhiều
lúc toát cả mồ hôi, tôi phải khuyên anh ấy đi rửa mặt cho tỉnh”.
Bà
Hà không kìm được sự khó chịu khi nghe nhận xét về chồng mình như vậy. Sau đó,
bà lại biết thêm rằng vị luật sư nọ được dùng điện thoại (nghe và gọi) trong
phòng hỏi cung, ngay trước mặt cán bộ điều tra.
“Vậy
là mình hiểu. Như thế chứng tỏ công an biết nhân vật này và cho anh ta vào để dễ
bề định hướng ông Vinh mà thôi”. Một cách sử dụng “quân xanh quân đỏ” cũng khá
đặc thù trong ngành công an.
Bà
Hà từ chối vị luật sư đó và đi tìm người khác.
Cần
luật sư có gốc công an
Trái
ngược với suy nghĩ ban đầu của bà Hà, đã nhiều người từ chối bà. Có những ý kiến
như “chẳng hiểu vụ này thuê luật sư để làm gì, đây là án chính trị, án bỏ túi,
án chỉ đạo”.
Thậm
chí có người còn lo ngại “tham gia cãi cho ông Vinh rồi công an nó cho vào tầm
ngắm thì chẳng còn làm ăn gì được”. Bà Hà nhớ lại thời gian đó và nói thẳng rằng
bà “rất buồn và thất vọng”.
Tuy
nhiên, cuối cùng bà vẫn tìm được luật sư. Đội ngũ bào chữa cho Ba Sàm và Nguyễn
Thị Minh Thúy có thể nói là hùng hậu, với sự tham gia của 6 luật sư (Trần Quốc
Thuận, Trần Văn Tạo, Trần Đình Triển, Trần Vũ Hải, Nguyễn Hà Luân, và Hà Huy
Sơn). Trong đó, ba ông Trần Quốc Thuận, Trần Văn Tạo và Trần Đình Triển có điểm
chung là đều có gốc an ninh, người từng trong ngành an ninh, hoặc từng làm việc
rất sâu trong bộ máy nhà nước.
“Việc
đầu tiên tôi đề ra là phải có luật sư từ ngành công an mà ra, tức là có học qua
Học viện Cảnh sát hoặc Học viện An ninh, hoặc đã đi làm công an rồi mới làm luật
sư. Họ cùng với các luật sư khác phối hợp thì mới làm được vụ này”, bà Hà nói.
(Thật
tiếc, suy tính của bà Hà – một cựu sĩ quan an ninh – càng đúng bao nhiêu thì
càng chứng tỏ nền tư pháp Việt Nam chịu sự khống chế của công an nặng nề bấy
nhiêu.)
Luật sư Trần Quốc Thuận
(trái) và bà Lê Thị Minh Hà sau phiên toà sơ thẩm vụ án Ba Sàm, ngày 23/3/2016.
Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Có
luật sư rồi, mới đến công việc quan trọng nhất là làm sao để có thông tin về
thân chủ.
Bà
Hà và các luật sư bàn tính với nhau và cố gắng sắp xếp để cứ khoảng 2-3 tuần, lại
có luật sư vào trại giam gặp ông Vinh để trao đổi, cập nhật thông tin giữa hai
bên. Điều này phải được làm một cách cực kỳ khôn khéo, bởi mọi cuộc thăm gặp của
luật sư với ông Vinh cũng như Minh Thúy đều bị công an, quản giáo theo dõi rất
chặt chẽ.
Trong
luật quốc tế, bị cáo có quyền có phương tiện hỗ trợ thỏa đáng để chuẩn bị cho
việc bào chữa, được tạo điều kiện trao đổi, tham vấn luật sư, cũng như được luật
sư đến thăm, mà không bị can thiệp, không bị kiểm duyệt, và được giữ kín tuyệt
đối.
Theo
nguyên tắc 18(4) của Tập hợp Các Nguyên tắc Bảo vệ Tất cả Mọi Người Khỏi Tất cả
Các Hình thức Giam giữ và Cầm tù, trao đổi giữa người bị bắt và luật sư có thể
được tiến hành trong tầm nhìn, nhưng không phải trong tầm
nghe của cơ quan hành pháp (tức là công an và điều tra viên). Tuy
nhiên, đó là luật quốc tế, còn ở Việt Nam thì quyền của bị cáo là một cái gì đó
khá xa xỉ.
Vì
thế, có thể hình dung các luật sư và ông Nguyễn Hữu Vinh đã phải biết cách trò
chuyện và hiểu nhau đến như thế nào.
Giám
sát tiến trình tố tụng, sẵn sàng lên tiếng
Một
điều mà bà Lê Thị Minh Hà hết sức khuyến cáo thân nhân của những người tù làm,
là giám sát chặt chẽ quy trình và thủ tục tố tụng, sẵn sàng chỉ ra các sai phạm,
và luôn có ý kiến bằng văn bản.
“Mình
phải là người giám sát và cung cấp thông tin cho luật sư để họ biết là đã quá
thời hạn bao lâu. Không thể coi chuyện quá thời hạn là chuyện đương nhiên được.
Phải rất quan tâm đến các loại thời hạn và thủ tục, phải theo dõi sát sao xem hồ
sơ đi đâu, đang ở đâu”.
Bà
Hà chia sẻ: Trong vụ án Ba Sàm, các thông báo của Viện Kiểm sát hay Tòa đều cụ
thể (ví dụ trả hồ sơ để điều tra lại, hoặc hoãn xử); tuy vậy, bao giờ thông báo
cũng được gửi đến luật sư rất chậm, còn gia đình thì hầu như không nhận được
gì. Điều đó khiến các luật sư rơi vào tình trạng thiếu thông tin – cũng như mọi
vụ án khác ở Việt Nam, nơi tư pháp không độc lập và luật sư không được bình đẳng
với công tố.
“Như
thế là sai. Đáng lẽ họ phải thông báo đầy đủ cho luật sư và gia đình. Để đối
phó, là thân nhân thì mình chỉ có hai cách thôi. Một là mình nhờ luật sư theo
dõi tiến trình giúp. Trong mọi vụ án chính trị, chúng ta phải có một luật sư
giám sát. Hai là mình tự đọc, tự tra cứu, xem thời hạn là khi nào, đến thời hạn
ấy thì ai có quyền gì, nghĩa vụ gì. Mình phải nắm vững tất cả những cái đó, phải
lập cả sổ để theo dõi”.
Bà
Hà còn chia sẻ thêm một “mẹo”: “Khi nào gần tới thời hạn thì ta có thể thể thử,
ví dụ bằng cách gửi đơn xin thăm gặp, đơn khiếu nại… gửi đến những nơi mà ta
nghi là đang giữ hồ sơ và thông tin. Nếu họ không trả lời thì ta phải đến tận
nơi hỏi kết quả. Hầu hết đơn từ của tôi được trả lời theo hai cách: Hoặc là “hồ
sơ đang nằm ở cơ quan xyz, do đó, chúng tôi không có thẩm quyền giải quyết”, hoặc
là “đã tiếp nhận hồ sơ vào ngày… tháng… năm…”.
Phải
biết quyền của mình!
Ngay
cả bản thân người bị bắt cũng phải nắm vững quy trình và hiểu rõ quyền của mình
để có thể tự bảo vệ.
Bà
Hà khẳng định: “Nếu mỗi một người bị bắt, dù oan dù không oan, mà thấy quyền của
mình bị vi phạm, và đều đòi hỏi quyền đó, thì tự khắc cơ quan tố tụng phải giật
mình và phải biết rằng bây giờ người ta hiểu cả đấy, mình không thể làm sai được”.
Bà
lý giải: “Lâu nay, người bị bắt bị ngược đãi một phần là do chính họ. Người Việt
Nam vốn không quen đòi hỏi quyền của mình – quyền yêu cầu nhà nước phải làm
đúng. Như vậy, đương nhiên là bọn làm sai nó lờ đi. Cứ mỗi ngày sai một tí và rồi
làm xói mòn cả hệ thống tư pháp”.
“Phải
xác định đó là do lỗi của chính chúng ta, của người dân, không của ai khác”, bà
Hà nói.
“Nhiệm
vụ của chúng ta là phải giám sát xem họ sai chỗ nào, sai đâu là phải nhắc nhở đấy.
Nếu họ làm sai quá thì ta tố cáo. Nếu họ làm đúng thì ta cũng có lời khen. Từ
đó, chính quyền sẽ tự ý thức được mà không dám làm sai nữa”.
(Còn
tiếp)
*
*
25 Mar 2017
Tâm
lý phổ biến của mọi người là coi án chính trị là “án bỏ túi, án theo chỉ đạo,
có cãi cũng chẳng thắng nên quan trọng nhất là làm sao giảm số năm tù”. Trái
ngược với tâm lý này, cả ông Vinh và bà Hà đều không đặt nặng vấn đề bản án.
Nhà báo Ba Sàm (Nguyễn
Hữu Vinh) tác nghiệp trong một sự kiện ở Hà Nội. Ảnh: anhbasam.wordpress.com.
Khi
còn tự do, ông Vinh đã duy trì trang Ba Sàm với tinh thần quyết liệt “khai dân
trí, phá vòng nô lệ”. Ông từng tâm sự với nhiều độc giả rằng ông muốn theo đuổi
đến cùng con đường làm báo độc lập để khai dân trí.
Bà
Hà hiểu rõ mong muốn đó của ông, và bà tin ông cũng có suy nghĩ như bà: Ngay cả
việc đi tù cũng phải được tận dụng để mang lại kiến thức cho người dân; đi tù
cũng phải có ý nghĩa, quyết không để những năm tháng ngồi tù là uổng phí.
Vì
lý do đó, không trao đổi trực tiếp được nhưng cả hai vợ chồng dường như đều thống
nhất một thông điệp: Phải cố gắng lột tả hết những khía cạnh vi phạm nhân quyền
của hệ thống tư pháp không độc lập. Xác định đối tượng hướng đến là 4 triệu đảng
viên, trong đó có cả các cán bộ của ngành tư pháp Việt Nam – những người chưa
bao giờ được biết đến hoặc mơ hồ về tư pháp độc lập, nhà nước pháp quyền.
“Cho
nên khi trao đổi với luật sư, bao giờ mình cũng nêu yêu cầu số 1 là: Chúng ta cần
đối diện với vụ án này như là đứng trước phiên tòa của một nhà nước pháp quyền
vậy. Phải dùng lý lẽ để chỉ ra những cái sai của hệ thống, còn việc tù bao
nhiêu năm, không quan trọng. Các bác đừng quan tâm đến số năm tù mà hãy quan
tâm đến chuyện nếu mình là luật sư của một nhà nước pháp quyền thì mình phải
bào chữa như thế nào”.
Chuẩn
mực tố tụng
Vụ
án Ba Sàm có lẽ là vụ án điển hình trong lịch sử tư pháp Việt Nam về vi phạm tố
tụng.
Với
con mắt của một sĩ quan an ninh được đào tạo bài bản từ xưa, bà Lê Thị Minh Hà
đọc bản kết luận điều tra và đánh giá các điều tra viên “vô cùng thiếu kiến thức
về tố tụng, phạm những lỗi sơ đẳng về nghiệp vụ”, chẳng hạn, không lập biên bản
hiện trạng của hiện trường trước khi bắt ông Vinh.
“Phải
có biên bản trước khi khám xét, để ghi nhận cái gì đang ở trong tình trạng nào.
Động tác ấy phải được làm đầu tiên và thể hiện bằng văn bản. Nhưng bên an ninh
đã bỏ qua thủ tục bắt buộc, rất quan trọng ấy. Ngay từ bước đầu tiên đã sai rồi,
thì toàn bộ các khâu sau đều coi như sai hết, không có hiệu lực”.
Các
luật sư cũng chỉ ra nhiều sai phạm tố tụng khác, mà như bà Hà tóm tắt: “Bản kết
luận điều tra rất mơ hồ và có những chỗ nói là không có điều kiện xác minh,
trong khi ai cũng thấy là rất dễ và hoàn toàn có thể xác minh. Tất cả tác giả của
các bài viết vẫn còn đây. Hai công ty VDC và FPT thì không được quyền và không
có thẩm quyền giám định mà vẫn được đưa vào, rồi Hoàng Kong Tư là người có liên
quan mà lại được ra quyết định bắt”.
Phiên toà phúc thẩm vụ
án Ba Sàm tại Toà Cấp cao tại Hà Nội, ngày 22/9/2016. Ảnh: Báo Công Lý.
Tuy
thế, phiên tòa sơ thẩm, rồi phúc thẩm vẫn diễn ra với cáo trạng dựa hoàn toàn
vào kết luận điều tra của cơ quan an ninh, và áp đặt mức án 5 năm và 3 năm tù
cho Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy.
Nhưng
bà Hà cũng không buồn. Nói đúng hơn, ở bà có một hỗn hợp nhiều cảm xúc.
Buồn
và vui
Giống
như thân nhân của nhiều gia đình tù nhân lương tâm khác, bà Hà từng phải trải
qua cảm giác bị xa lánh, bị đối xử lạnh nhạt. Có một số người thay đổi thái độ,
họ tránh mặt bà hoặc nếu buộc phải tiếp thì cư xử rất gượng ép. Một số khác thì
thờ ơ, tỏ ra không muốn dính vào vụ việc. “Có người còn cho là ông Vinh điên,
đang yên đang lành thì đi đấu tranh. Với năng lực của ông ấy thì nếu không chống
phá, đã có thể lên cấp tướng rồi, giữ trọng trách cao, bản thân sung sướng mà vợ
con cũng đỡ khổ”.
Bà
cũng đã rất đau đớn sau phiên sơ thẩm (23/3/2016). Bà nói nhiều về những sai
trái, bất công của nó: Một phiên tòa mà mọi luận điểm quan trọng luật sư đưa ra
đều bị từ chối tranh tụng, đại diện Viện Kiểm sát rất kiệm lời, thẩm phán chủ tọa
Nguyễn Văn Phổ thì không có kiến thức về công nghệ thông tin (trong khi xét xử
một vụ án liên quan đến công nghệ thông tin). Ban đầu tòa xử Nguyễn Thị Minh
Thúy 24 tháng, sau thấy thái độ của cô “bất hợp tác” quá thì tăng lên 36 tháng.
Những
điều ấy quả là xúc phạm và gây đau lòng, phẫn nộ cho một người từng được đào tạo
và làm việc trong ngành an ninh và tư pháp, như bà Hà.
Tuy
nhiên, bên cạnh cảm giác cô độc và bị xa lánh, bà Hà cũng được nhiều người tìm
đến và chia sẻ, như giới truyền thông quốc tế, bà con giáo dân ở Hà Nội, những
người hoạt động nhân quyền-dân chủ từ nhiều vùng trong cả nước, và bloggers. Ba
Sàm Nguyễn Hữu Vinh đã là tù nhân lương tâm đầu tiên của Việt Nam được có một
cuốn sách viết riêng về ông, và là sách song ngữ Việt-Anh.
Sách “Anh Ba Sàm” bắt
đầu được xuất bản độc lập qua Amazon ngay trước phiên toà sơ thẩm. Ảnh: NXB Trẻ
Hà Nội.
Đặc
biệt là bà được nhiều bạn bè, đồng nghiệp cũ trong ngành an ninh ủng hộ. Bà kể,
thậm chí còn có điều tra viên tâm sự với bà: “Bọn cháu ở quê, làm an ninh thì
cô biết đấy, tiền lương của bọn cháu chỉ đủ trả tiền nhà thôi. Vụ này bọn cháu
chẳng muốn làm đâu, nhưng buộc phải làm”.
Có
thể họ nói thật, cũng có thể là nói dối, nhưng điều bà tin chắc là họ thấy day
dứt. Vì lẽ đó, bà khuyên những người ở cùng cảnh ngộ nên cố gắng tránh cực
đoan, hạn chế chửi bới, nhất là không thể hiện mình hận thù và thất bại.
“Mình
muốn bạn bè của mình, kể cả đám an ninh theo dõi mình, đều thấy mình vẫn là một
con người, có yêu có ghét, có thích cái này cái nọ. Nói tóm lại, có một cuộc sống
bình thường. Chẳng việc gì phải lúc nào cũng tỏ ra căm thù và căng thẳng. Rõ
ràng đây là câu chuyện rất lâu dài. Không thể nào tỏ ra tuyệt vọng được”.
Vượt
qua sợ hãi
Trong
một xã hội vắng bóng pháp quyền, thật khó để tù nhân lương tâm và gia đình của
họ chiến thắng, theo nghĩa là không phải chịu thiệt thòi gì. Ngược lại, cuộc đấu
tranh của họ luôn đầy đau khổ và nước mắt.
Tuy
nhiên, bà Lê Thị Minh Hà vẫn cho rằng bà may mắn. May vì có những người đã cùng
bà tham gia vào cuộc chiến từ đầu và vẫn tiếp tục đến cùng. May vì nhờ cuộc chiến
ấy, bà đã hiểu rằng làm một con người tự do là phải có nhân quyền – quyền biểu
tình, quyền biểu đạt, và cả quyền phản ứng với bất kỳ cái gì bất công và gây
nguy hiểm cho xã hội. May vì bà đã trưởng thành.
“Mình
đã từng rất sợ hãi nhưng bây giờ mình bước qua khỏi nỗi sợ hãi và mình không sợ
nữa. Bà mẹ của Nguyễn Thị Minh Thúy cũng vậy. Lúc đầu bà ấy vật vã đau khổ
nhưng rồi sau này bà lại cảm ơn mình và rất tự hào về con gái bà ấy, thường nói
là “không thể ngờ là con gái tôi lại làm những điều cao quý như thế”.
“Mọi
điều chính quyền mong muốn đều thất bại: Uy hiếp người ta để người ta sợ, mà cuối
cùng người ta lại dũng cảm hơn. Bản thân họ không sợ đã đành, mà thân nhân họ
cũng không sợ”.
Niềm
lạc quan lớn nhất mà bà Hà chia sẻ là: Ai bước chân vào cuộc chiến này mà hết
lòng với nó thì thật sự đây là một trường học vĩ đại.
Trong
các vụ án chính trị, hầu như tất cả những người bị bắt đều mắc một sai lầm rất
lớn là không trang bị, chuẩn bị trước về tinh thần và kiến thức cho thân nhân.
“Bản
thân mình là người học trong ngành an ninh, mà mình còn phải bỏ thời gian ra
tìm hiểu và thấy bỡ ngỡ đến thế, lúng túng đến thế trong giai đoạn đầu thì những
người khác còn như thế nào? Họ gần như không làm được gì và phải cam chịu. Như
vậy thì xã hội sẽ đi về đâu? Và công lao, sự hy sinh của những người đi tù sẽ rất
lãng phí. Đừng để như vậy. Hãy học, từ luật sư, từ những người trẻ tuổi, từ tất
cả”.
Mai
sau này, Nguyễn Hữu Vinh ra tù; rất có thể Anh Ba Sàm nổi tiếng của “Thông tấn
xã Vỉa Hè” ngày nào sẽ lại có những bài báo, bài viết về một thời dữ dội của
ông: khai dân trí ngay ở trong tù, phá vòng nô lệ ngay bằng việc đi tù. Dù thế
nào, câu chuyện ấy cũng chẳng thể thiếu vai trò của vợ ông – bà Lê Thị Minh Hà
– người đã đấu tranh theo cách của riêng bà để cố gắng xây dựng ý thức về thượng
tôn pháp luật ở Việt Nam.
(Hết)
-----------------------
ĐỌC THÊM :
Những
phiên tòa chính trị qua ảnhNhững phiên toà chính trị xét xử các nhà hoạt
động nhân quyền, dân chủ và nhân vật bất đồng chính kiến đặc biệt hơn những
phiên toà hình sự thông thườ...
Café Luật Khoa – Anh Ba SàmLời
giới thiệu Column của Ban Biên Tập LKTC: Luật Khoa Tạp Chí xin trân trọng giới
thiệu với bạn đọc một chuyên mục hàng tuần mới: Cà Phê Luậ...
No comments:
Post a Comment