Những
cái vỉa hè đã trở thành câu chuyện thời sự số một ở Việt Nam hiện nay. Hình ảnh
ông Phó chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải đích thân xuống vỉa hè chỉ đạo bứng từ gốc
cây, khiêng từng chậu kiểng, câu từng cái xe, đập từng bậc thềm, phá từng
kios... tràn đầy trên các trang mạng xã hội trong và ngoài nước. Vừa chỉ đạo, vừa
thề thốt, “Không giải phóng được vỉa hè, trả lại cho người đi bộ, ông sẽ cởi áo
về vườn.” Quyết tâm của ông làm người ta sửng sốt. Xe của phái đoàn ngoại giao
nước ngoài, ông câu ngay. Xe của hoa hậu, người mẫu ư? Ông nói, “Chẳng có hoa hậu,
hoa hiếc gì cả. Câu tuốt.” Mặc dù cái cô chủ xe đang đứng đó năn nỉ ỹ ôi, sẵn
sàng đóng phạt vi phạm mà cũng câu luôn. Đi từng nơi, đập từng chỗ. Nhà hàng
hay công sở, tiệm quán hay ngân hàng, đều đập hết. Cái gì để trên vỉa hè, cái
đó thuộc diện tịch thu. Cái gì ló ra, đập ngay cái đó. Đơn giản là vậy. Ngay cả
những di tích có tính chất lịch sử, ông cũng không tha. Lịch sử lấn chiếm vỉa
hè thì đập luôn lịch sử. Không có di tích, di tiếc gì cả.
Ông
xẻn cái vỉa hè giống như người ta xẻn một cái bánh kem, xẻn sát rạt. Những chỗ
ông và đoàn chiến dịch đi qua, vỉa hè trở nên loang lổ, mặt tiền phố xá tan
hoang. Trên các trang mạng xã hội, người ta gọi ông là “Hung thần đường phố”.
Nhưng trên phương diện nhà cầm quyền, cấp trên hết lời khen ngợi, họ coi ông là
“Anh hùng đường phố”.
Vậy
thật ra, ông là “Anh Hùng” hay “Anh Khùng”?
Chiến
dịch “giải phóng vỉa hè” na ná như “giải phóng Sài Gòn”. Mà tâm lý bây giờ thì
giải phóng cái gì thì người ta cũng sợ.
Quyết
tâm ngất trời của ông đang lồng lộng bay trên đường phố Sài Gòn. Bỗng dưng xô dạt
ký ức tôi về quá khứ. Cái thời niên thiếu trẻ con gắn chặt với các vỉa
hè.
Thời
đó, bọn trẻ con chúng tôi không có nhiều phương tiện giải trí giống như bây giờ.
Những vỉa hè là chốn giang hồ vặt của bọn tôi thời ấy. Tôi yêu con đường trước
nhà nên bao giờ cũng vác cặp tới trường rất sớm. Tuy từ nhà tới trường không
xa, nhưng tôi thích dành thời gian nhởn nhơ trên các vỉa hè. Chỗ này là xe hủ
tiếu, với hình Quan Công hoa Thanh Long Đao, Trương Phi dốc mâu kích gác chân
trên cầu Trường Bản. Tôi không có tiền mua hủ tiếu, nhưng hay la cà để ngắm
hình Tam Quốc Chí. Những lúc đó tôi có cảm tưởng mình sống lùi lại mấy ngàn
năm. Lòng thành kính ngưỡng mộ cái khí chất kiêu hùng của họ. Chỗ kia, cuối con
đường là anh bán cà lem. Cái thùng xốp đựng cà lem lạnh buốt. Tôi thích nhìn
hơi lạnh toát ra giữa trưa hè nóng gắt. Bụng dạ cứ phập phồng sợ cái nắng nóng
làm tan chảy hết cà lem. Cũng đôi khi tôi chỉ dừng lại ở một góc phố, cốt ngắm người
ta qua lại. Ngắm người là cả một niềm vui. Thú vị trong trò chơi nho nhỏ chỉ có
mình tôi biết. Họ là ai? Họ đi đâu và về đâu? Thử đoán người ta bằng hình dung
của họ. Trên con đường đó, ngày nào tôi cũng dừng lại mua một gói xôi. Cái bà
bán xôi dạo ấy là một bà già, rất già. Bà đội khăn mỏ quạ, da mồi, tay run. Tôi
thích nhìn bàn tay run run của bà khi đưa gói xôi nhỏ cho tôi. Gói xôi nhỏ xíu,
chỉ lủm một cái là hết, ăn không đủ no. Bọn trẻ nói tôi ngu, vì bà bán đắt hơn
những người khác. Tôi chỉ cười vì tôi có cách “trị” cái cách bán đắt của bà.
Trước khi ra khỏi nhà, tôi đã xuống bếp lục cơm nguội ăn cả một nắm lớn. Gói
xôi đó, tôi chỉ hưởng như hưởng hương, hưởng hoa mà thôi. Bà là người Bắc di
cư, có người Bắc nào mà không bán đắt? Bà có một đám con cháu, tất cả sống vì
cái thúng xôi này. Năm cắc một gói xôi tôi còn thấy chưa thấm vào đâu, nữa
là... Không hiểu sao họ sống nổi với cái thúng xôi đó. Tôi không thể nào không
kể hàng bánh mì của bà trẻ. Cả mấy năm trời ngày nào tôi cũng ghé thế mà quên không
hỏi tên. Bánh mì của bà rất ngon, khách đông tới nỗi bà không kịp bán. Mới đầu
tôi ghé mua, nhưng thấy bà bán không kịp nên tôi bỏ cặp, xông vào giúp. Nướng
bánh, cời than, và gói là những việc tôi làm được. Cái bà trẻ này có một nụ cười
hiền, hàm trăng trắng bóc và đôi môi rất hồng. Bà là góa phụ, một mẹ ba con,
nhan sắc mặn mòi. Nhưng tôi không mê bà, mà lại đắm chìm trong cái bếp than
nóng rực. Mỗi khi cời than, bọt lửa bắn lên, tiếng nổ lách tách, tôi có cảm tưởng
như đang ngắm những vì sao rụng.
Cái
chợ nhóm khúc trên vỉa hè này chóng tàn lắm, chưa trưa đã vắng. Buổi trưa nó là
con đường êm ả, đầy nắng. Tới xế, khi có tiếng rao “Hủ”, tức là gánh tà hủ của
ông Tàu già đã tới, tôi biết lúc đó là 3 giờ. Cái ông Tàu này xuất hiện giống
như một nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Ông mặc áo bào, áo
rách tả tơi, đầu đội nón tre bạc mầu nhọn hoắt, vai gánh tà hủ chậm rãi, đi như
đếm từng bước. Không ai thấy rõ mặt ông, cái nón lụp xụp che khuất gương mặt
già nua, khắc khổ. Giọng của ông trầm đục, lâu lâu rống lên độc một tiếng “Hủ”.
Người lạ khó nhận ra tiếng “Hủ” này. Nó không giống tiếng của con người. Âm
thanh như tiếng con bò hộc lên rồi chết. Ngoài chữ “Hủ” ra, ông không nói thêm
tiếng nào, kể cả khi nhận tiền hay thối tiền. Hình như cả xóm tôi không ai thắc
mắc về điều đó. Người ta thích tà hủ của ông hơn. Phải nói tà hủ của ông ngon độc
nhất. Tôi mê tà hủ của ông mà cho tới bây giờ mới biết đó là những chén tà hủ
ngon nhất thế gian.
Có
một lần, ông đang múc tà hủ thì có một đám trẻ con rượt nhau, chúng té ập vào
gánh hàng làm cả thùng tà hủ của ông đổ nghiêng ra đất. Cảnh tượng này kinh khủng
giống như một thảm họa vừa rớt xuống đời ông. Cái cảnh ông cầm cái giá thiếc,
bò ra đất vừa cào tà hủ, vừa khóc rống. Lúc đó, tôi mới nhận ra, nước mắt đàn
ông có sức mạnh gấp trăm lần nước mắt đàn bà. Bây giờ mấy mươi năm rồi mà nhớ lại
mà tôi còn chảy nước mắt. Cái gánh hàng rong vốn liếng chỉ đáng một trăm đó là
cả gia tài của một người già nghèo khổ. Những cái gì của người già mất đi thì họ
không còn có thể tìm lại một lần nữa. Trong khi bọn trẻ chúng tôi lau nhau giúp
ông dọn dẹp, mẹ tôi vét hết tiền nhà cũng chỉ có 10 đồng. Ký ức tôi in đậm hình
ảnh mẹ cầm cái chén tất tả chạy kêu hàng xóm. Ai đi qua mẹ đều chặn lại xin xỏ.
Cuối cùng cả xóm chung tay được 40 đồng. Khi mẹ trao cho, ông Tàu xúc động khóc
nấc, không thốt lên được một tiếng cảm ơn nào. Cái buổi trưa đó nắng lóng lánh
lắm. Tôi cứ có cảm tưởng là vàng từ trên trời vừa rơi xuống đoạn đường này.
Kể
không hết những kỷ niệm trên vỉa hè, những góc phố mà tuổi thơ tôi đã đi qua.
Bây giờ trở về, hình ảnh cũ đã không còn. Nhưng những tiếng rao của những gánh
hang rong vẫn còn vang vang trong tâm khảm. “Ai ăn bánh ú, bánh tét hôn?”, “Chè
đậu đen nấu đường cát trắng đây”, “Hủ”, và những tiếng mì gõ lốc cốc xua tan
cái tĩnh lặng của đêm khuya… Đó là những bản nhạc chỉ có một lời. Ca từ là một
vệt sâu lắng chìm trong ký ức.
Những
cái vỉa hè đó, nó không chỉ là lối riêng dành cho người đi bộ, nó còn mang cả sự
sống của con người trên đó. Nếu không có sự sống thì cái vỉa hè nào cũng giống
nhau. Đơn giản vì nó chỉ là một lối đi.
May
mà thời của tôi không có ai là Đoàn Ngọc Hải. Thế nên, cái mảng ký ức của tôi vẫn
còn nguyên không bị xẻn mất một góc nào. Những Đoàn Ngọc Hải hôm nay không sống
nổi trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Thời
đó, cảnh sát cũng đi dọn dẹp vỉa hè, họ cũng giành lại lối đi cho người đi bộ.
Nhưng họ không có cách hành xử như Đoàn Ngọc Hải.
Chỉnh
trang độ thị, giành lại lối đi, dọn dẹp vỉa hè... cả thế giới đều làm. Họ đã
làm và làm rất hoàn hảo. Sao ông Hải hay các lãnh đạo cao cấp khác không nghiên
cứu trước khi thi hành.
Hãy
coi những vỉa hè trên đường phố Paris, những vỉa hè trên đường phố Ý, cả ở Mỹ nữa.
Không có nơi nào người ta xẻn sát rạt như cái cách Đoàn Ngọc Hải đang làm. Vỉa
hè nó có vẻ đẹp riêng của nó. Hãy thử tưởng tượng đường phố Việt Nam không có vỉa
hè. Nó giống như gương mặt một người đàn bà không có lông mày vậy. Bởi vì vỉa
hè là một đặc điểm của đường phố Việt Nam, là nét đẹp thu hút khách du lịch các
nơi đổ về. Họ đi tìm những cái mới lạ mà ở xứ họ không có.
Người
ta đồng ý là vỉa hè bị người dân lấn chiếm quá nhiều. Buôn bán tràn lan, luộm
thuộm và mất trật tự, thiếu vệ sinh, cần phải chỉnh trang. Nhưng chỉnh trang là
làm đẹp chứ không làm mất.
Ông
Hải và đoàn tùy tùng của ông hành xử theo kiểu “gặp là đập”, cái gì cũng tịch
thu mà ông gọi là làm việc theo đúng quy trình. Quy trình đó là gì? Không ai biết.
Ông cũng không giải thích. Cứ chụp cho cái mũ “quy trình” thì hợp thức hóa cái
cách đập phá của ông.
Ông
đi tới đâu, người ta kinh hãi tới đấy. Giống như đoàn Hồng Vệ Binh của thời
Cách Mạng Văn Hóa bên Tàu.
Những
nơi đoàn “Hồng Vệ Binh” này đi qua, vỉa hè loang lổ, con phố tiêu điều. Cảnh tượng
không khác gì thời chinh chiến. Bao giờ thì người ta mới làm lại cho nết nét
tan hoang? Còn những bậc thềm tam cấp, ngũ cấp nữa. Nếu không có các bậc thềm
này, làm sao người ta bước lên bước xuống? Chẳng lẽ phải tập phóng, tập nhảy
thay cho bước ra, bước vào ư?
Chiến
dịch “Giải phóng vỉa hè” ông Hải nói là để Sài Gòn đẹp như Singapore. Để Sài
Gòn đẹp như Singapore thì phải có cái đầu của Lý Quang Diệu. Bắt chước
Singapore, không thể chỉ bắt chước cái vỏ ngoài của nó. Nếu không nó chỉ là một
thứ hàng nhái kiểu “Made in China”. Cái nội lực của Singapore là Kinh Tế và Dân
Trí. Đảng Cộng Sản chỉ chăm chăm bảo vệ quyền lãnh đạo đã bỏ qua rất nhiều hợp
đồng bạc tỷ, nhiều triệu công ăn việc làm cho dân chúng. Cơ hội đã mất rất nhiều
rồi. Nếu người dân có việc làm tốt, không ai thích ngồi bán hàng rong, hoặc la
cà trên vỉa hè đổi chác vặt. Người dân chỉ mong nhà nước nắm bắt cơ hội hay hoạch
định một chính sách lớn.
Cần
phải biết rằng, mỗi một chính sách, mỗi một cơ hội, mỗi một hợp đồng cần phải
thận trọng. Vì đó là quyền lợi của toàn dân, không phải của một đảng.
Muốn
thực hiện chỉnh trang đô thị cần phải có một chính sách minh bạch và nhất quán,
hợp với luật pháp. Cần có những người am hiểu pháp luật nghiên cứu trong một thời
gian dài. Bởi vì đây không phải là một chính sách đơn giản.
Trước
khi lập chính sách mới, một sắc luật mới, chính quyền cần phải tham khảo luật
nhà đất, diện tích đất đai, hồ sơ đo đạc quy định của bộ Công Chánh, quy định
diện tích của những con đường, lòng đường và vỉa hè... Cần nghiên cứu sự sai biệt
giữa mặt đường và nền nhà sau mỗi lần sửa đường làm nền nhà sụt lún. Quan trọng
nhất là cần nghiên cứu tác động ảnh hưởng kinh tế của những doanh nghiệp hai
bên đường, của những người bán hàng rong trên vỉa hè. Mức bồi thường thiệt hại,
những mất mát do tịch thu,.. và chi phí để xây lại vỉa hè, xây lại mặt tiền của
các doanh nghiệp. Ai là người chịu trách nhiệm?
Để
tiến hành chỉnh trang đô thị, chỉnh trang vỉa hè, ông Đoàn Ngọc Hải phải có
thông báo trên các phương tiện truyền thông, nhà nước phải giải thích và thuyết
phục với dân chúng. Phải có thông báo và xác định rõ phần nào phải sửa chữa để
các chủ doanh nghiệp, công sở... chuẩn bị tâm lý và tài chánh, đồng thời phải
có thời hạn ít nhất 3 tháng để thi hành.
Quan
trọng nhất là phải giải quyết được công ăn việc làm của người dân trên vỉa hè
đó. Mỗi một chỗ ngồi của gánh hàng rong nào cũng có cái giá của nó. Họ đã mua lại
với giá từ $600 cho tới $3,000 dollars. Đó là cả một sản nghiệp, và là nguồn
thu nhập chính cho cả gia đình họ. Giật mất chén cơm tương đương như giật mất
tính mạng của họ.
Chính
quyền khuyến khích, các bà gánh hàng rong hãy bán hàng trên mạng. Thời đại của
internet, ngành Gánh Hàng Rong cũng phải toàn cầu hóa. Việt Nam thời hội nhập đấy.
Tội nghiệp cho những gánh hàng rong! Xôi bán trên mạng ư? Nước mía trên mạng ư?
Thôi thì cũng được. Khỏi mất công rao, thanh toán bằng thẻ. Càng hay. Nhưng làm
sao cho khách ăn trên mạng đây? Chuyện chỉ có những người bại não mới nghĩ ra.
Nhưng
mà việc giành lấy vỉa hè cho người đi bộ nó quan trọng hơn việc giành lấy môi
trường sạch, biển sạch sao ta? Thủ tướng Phúc, Bí thư Thăng ca ngợi quyết tâm
đòi lại vỉa hè, tại sao lại không có quyết tâm đòi lại Trường Sa, Hoàng Sa?
Hay
đấy chỉ là chuyện nhỏ?
Làm
ngơ mới là chính sách lớn.
27.03.2017
No comments:
Post a Comment