Friday, March 31, 2017

TỪ ÚC, LỜI CẢNH CÁO VỀ NHỮNG NGUY HIỂM CỦA VIỆC ĐẰM THẮM VỚI TRUNG QUỐC (Jonathan Manthorpe - Ipolitics)




Jonathan Manthorpe - Ipolitics
DCVOnline dịch
Posted on March 31, 2017 by editor — 0 Comments

Canada nên theo dõi sát Australia khi chính phủ Canberra cố gắng duy trì các mối quan hệ thương mại thiết yếu với Trung Quốc cùng lúc tôn trọng sự khinh thị của công chúng và chính giới đối với hồ sơ nhân quyền và quyền công dân của Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nói chuyện với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Manila, Philippines vào ngày 18 tháng 11 năm 2015. Nguồn: AP Photo / Bullit Marquez.

Hôm thứ ba, chính phủ bảo thủ liên hiệp của Thủ tướng Malcolm Turnbull đã từ bỏ việc thực thi hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc khi biết rõ dự luật này sẽ bị Quốc hội phản đối.

Trung Quốc đã phản ứng nhanh chóng với một nghị không cần tinh tế cho rằng việc dẹp bỏ dự luật có thể làm tổn thương quan hệ thương mại và các quan hệ song phương khác. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và quan trọng nhất của Australia.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hua Chunying, cho biết,
“Chúng tôi hy vọng rằng Australia lưu ý đến bối cảnh rộng hơn về quan hệ song phương và tiếp tục thúc đẩy tiến trình trong nước có liên quan để hiệp ước dẫn độ có thể bắt đầu thực hiện càng sớm càng tốt.”

Canada đã ký một thoả thuận vào tháng 9 năm ngoái để soạn thảo hiệp ước dẫn độ với Bắc Kinh; Trung Quốc muốn có một hiệp định với Úc để có thể săn lùng những người mà họ cho là đang chạy trốn công lý ở Hoa lục.

Tuy nhiên, bằng chứng từ cuộc chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình công bố khi ông lên nắm quyền vào năm 2012 cho thấy chỉ có những người không còn hậu thuẫn chính trị mới cần phải sợ cơn thịnh nộ và trừng phạt của Bắc Kinh. Những người có mối quan hệ chính trị vững chắc và các thành viên của cái gọi là “tầng lớp quý tộc đỏ” giàu có dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản đều miễn nhiễm – dù họ có ăn cắp và tham nhũng và chuyển tiền ra dấu nước ngoài một cách an toàn ở các nước như Canada và Úc.

Ở Ottawa, đảng Tự do chẳng khi nào đặt câu hỏi trong lúc đi tìm kiếm mối quan hệ gần hơn với Trung Quốc. Bắc Kinh luôn thấy đảng Tự Do và tầng lớp doanh nhân Canada thân đảng Tự Do là mục tiêu hàng đầu cho các cuộc tấn công quyến rũ của họ. Bắc Kinh biết nhận diện một ‘đảng của quyền lực’.

Thủ tướng Justin Trudeau tiếp tục nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy mối quan hệ với Trung Quốc là một ưu tiên cho chính phủ của ông. Tuy nhiên, sự vồn vã của ông dường như đang nguội đi khi đối diện với một thực tế phũ phàng: chế độ độc tài đang gia tăng ở Trung Quốc.
Cuộc nổi dậy của Úc chống lại hiệp ước dẫn độ đã bắt đầu từ cộng đồng luật gia, khi Turnbull bắt đầu tiến trình phê chuẩn hồi năm ngoái. Các nhóm luật sư đã tham gia với các tổ chức nhân quyền lập luận rằng Australia “không nên đồng loã” trong việc hỗ trợ hệ thống tư pháp bị chính trị chi phối của Trung Quốc.

Cuộc chống đối lan rộng tới Quốc hội khi một thượng nghị sĩ chống đảng của chính phủ, Cory Bernardi, kêu gọi và vận động ngăn chặn việc phê chuẩn dự luật vì sự đàn áp nhân quyền của Bắc Kinh và gần như không bất cứ ai có thể có một cuộc xử án công bằng hay không bị tra tấn trong hệ thống tư pháp bị chính trị chi phối của Trung Quốc.

Chính phủ đã hoãn phê chuẩn hiệp định dẫn độ – ký kết giữa Bắc Kinh và Canberra vào năm 2007 – khi biết rõ là có đủ lực lượng hậu thuẫn của Turnbull sẽ tham gia với đảng Lao động đối lập, ủng hộ cuộc chống đối và đánh bại dự luật đó.

Không giống như trường hợp ở Canada, những người lãnh đạo chính đảng Úc được nghị viên bầu chọn. Điều này có nghĩa là những người lãnh đạo đó, kể cả thủ tướng, giữ vai trò lãnh đạo theo ý muốn của những người hậu thuẫn, những người có quyền bỏ phiếu độc lập, đặc biệt là trong những vấn đề của lương tâm.

Việc hạ bệ một người lãnh đạo đảng ở Úc gọi là “nước tràn ly”. Từ năm 1970 đến năm 2015, có 72 vụ lãnh đạo “tràn ly” – từ 2010 đến 2015 đã có năm người mất chức. Một trong 5 vụ “tràn ly” đó đã đưa ông Turnbull trở thành Thủ tướng.

Do đó, không những chỉ có dự luật dẫn độ bị đe doạ mà tương lai của Turnbull trong vai trò thủ tướng cũng vậy.

Le Keqiang và Malcolm Turnbull tại một lễ ký kết. Nguồn: AAP

Việc xếp lại hiệp ước là một cái tát tai choáng váng đối với Bắc Kinh, xẩy ra ngay sau chuyến viếng thăm Canberra của Thủ tướng Trung Quốc Li Keqiang (Lý Khắc Cường). Căng thẳng đã lên cao trong cuộc thăm viếng này vì Canberra đang lúng túng trước khát vọng rõ ràng của Trung Quốc muốn phát triển cơ sở hạ tầng phía bắc của Úc như là một phần trong kế hoạch “Một vòng đai, Một con đường” của Bắc Kinh. Kế hoạch này của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình Xi, dự tính sẽ chi 8 nghìn tỷ đô la để hiện đại hóa các đường giao thông vận tải và thương mại của Trung Quốc dọc theo Con Đường Tơ Lụa qua Trung Á đến Trung Đông và Châu Âu và tạo ra Con Đường Tơ Lụa mới ở bở biển Thái Bình Dương.

Sáng kiến này mang tính chính trị cũng như kinh tế đặt ra để đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc khu vực và toàn cầu. Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do chính quyền Barack Obama dẫn đầu, một phần để ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh, đã thất bại ở Washington, gồm cả Canada và 11 nước trong vùng Thái Bình Dương.

Và Bắc Kinh đã làm mất lòng Canberra vì đã – cùng với 10 quốc gia khác gồm cả Canada, Nhật, Đức và Anh – ký vào một bản văn lên án cuộc vận động của chinh quyền TQ chống lại các luật sư độc lập, đang được tiến hành từ năm 2015. Vào cuối tháng hai, thư của đại sứ quán 11 quốc gia Ở Bắc Kinh đã được gửi đến cho Bộ trưởng Bộ Công an. Sáng kiến ​​chung bất thường (nhưng không phải chưa từng có) yêu cầu Bộ trưởng điều tra

“mối quan ngại ngày càng tăng về các vụ tra tấn và các hình thức xử lý, trừng phạt độc ác, vô nhân đạo hay hạ nhục khác trong các sự vụ liên quan đến các luật sư nhân quyền bị giam giữ và các người bảo vệ nhân quyền khác.”

Trung Quốc phản ứng giận dữ với những gì họ cho là sự can thiệp không thể chấp nhận được đối với các vấn đề nội bộ.

Úc bị hở sườn nhiều hơn nhiều quốc gia khác để Bắc Kinh có thể trả thù vì đã đứng về phía bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia và giao thương giữa hai nước trị giá tương đương 140 tỷ đô la vào năm 2016.

Tuy nhiên, không giống như nhiều nước khác đang giao dịch với Trung Quốc (kể cả Canada), Úc có một sự cân bằng về lợi thế thương mại. Úc bán 77 tỷ USD hàng hóa cho Trung Quốc – tất cả trừ 11 tỷ USD trong số đó là các nguồn tài nguyên thiên nhiên như quặng sắt, than đá và vàng – trong khi Úc nhập cảng 62 tỷ USD thiết bị viễn thông, máy tính và hàng gia dụng từ TQ. Vào năm 2015, Australia và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận thương mại tự do, Canberra hy vọng sẽ mở thị trường Trung Quốc cho hàng và dịch vụ của Úc, cũng như đầu tư, nông phẩm và thực phẩm.

Ngược lại, trong 9 tháng đầu năm ngoái, Canada bán hàng hóa và dịch vụ trị giá 14 tỷ USD cho Trung Quốc, nhưng đã mua 47 tỷ USD từ TQ, để thâm hụt thương mại gần 33 tỷ USD.
Khi Canada tiến hành đàm phán hiệp định tự do thương mại với Trung Quốc, Ottawa nên cẩn thận theo dõi học hỏi những thành công của người Úc khi đưa dịch vụ và đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Bắc Kinh từ lâu đã mang tiếng về việc đặt những cam kết trong hiệp định sang một bên và vẽ vời ra đủ loại rào cản phi thuế quan để chặn những hàng hóa hay đầu tư mà họ không muốn.

Tuy nhiên, Australia đã khẳng định được tương lai thương mại và ngoại giao với châu Á – đối tác thương mại lớn thứ hai và thứ ba của Úc là Nhật Bản và Nam Hàn. Giới ngoại giao và doanh nhân Úc nói chung, có tay nghề cao hơn, khi đối phó với Bắc Kinh và chính quyền Trung Quốc, so với chính phủ Canada.

© 2017 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

*
Nguồn: From Down Under, a warning on the perils of getting cozy with China. Jonathan Manthorpe. Ipolitics, March 29th, 2017.




No comments: