Thursday, March 30, 2017

VỀ “QUYẾT ĐỊNH TẠM DỪNG LƯU HÀNH 5 BÀI HÁT”- HÀNH VI NGOÁY SÂU “HỐ NGĂN CÁCH”CỦA CỤC NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN? (Phạm Viết Đào)




Phạm Viết Đào
29-3-2017
Theo thông tin báo chí:” Cục Nghệ thuật biểu diễn (CNTBD-Bộ VH-TT&DL) vừa quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975.
Các ca khúc bị tạm dừng phổ biến dù đã được cấp phép trước đó bao gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương).
Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết qua xem xét nội dung ca từ một số bài hát do Sở VH-TT TP.HCM cung cấp, hội đồng nghệ thuật thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tổ chức thẩm định lại và thống nhất tạm thời dừng việc lưu hành một số bài hát đã cấp phép phổ biến để xem xét, xác minh, thẩm định trên cơ sở đối chiếu với bản nhạc gốc…”
Ông Nguyễn Đăng Chương cũng khẳng định 5 ca khúc bị dừng lưu hành nêu trên “không có vấn đề về tư tưởng, chính trị” mà chỉ vì có sự chưa đồng nhất về mặt ca từ, không rõ về tên tác giả và có nhiều dị bản khác nhau, thậm chí nhiều bài được cho là phần lời không đúng với nguyên gốc. Đơn cử như ca khúc “Đừng gọi anh là chú” thường được chú thích là của nhạc sĩ Diên An nhưng trên thực tế đây lại là tác phẩm do nhạc sĩ khác sáng tác.
Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã gửi văn bản đến các trang mạng nghe nhạc trực tuyến, hãng băng đĩa... để tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc này. Bởi nếu tiếp tục lưu hành việc sai lời, sai tác giả… sẽ còn ảnh hưởng đến quyền tác giả và các quyền liên quan”, ông Chương cho hay.
Trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tiến hành thẩm định, rà soát, so sánh, đối chiếu những bài hát đã cấp phép sử dụng với những bản nhạc gốc do các đơn vị, cá nhân cung cấp và nguồn dữ liệu từ việc thu thập, sưu tầm nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng nội dung các bài hát, việc hoạt động sản xuất chương trình bản ghi âm, ghi hình và tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Theo các quy định của luật pháp hiện hành, CNTBD là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động biểu diễn trong đó có âm nhạc của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch…Mỗi quyết định do cơ quan này ban hành đều nhân danh lợi ích nhà nước, thể hiện quan điểm và khuynh hướng chính trị của nhà nước: ủng hộ, khuyến khích hay ngăn cấm trào lưu biểu diễn nào đang có dấu hiệu đi ngược với lợi ích do nhà nước quản lý…

Sau khi ban hành quyết định tạm dừng phổ biến 5 ca khúc trên, những vị có trách nhiệm của Cục đã xoa dịu dư luận bằng những lời đường mật, ma giáo, ẩn những “nắm đấm bọc nhung” phía sau.

Rằng “không có vấn đề về tư tưởng, chính trị” mà chỉ vì có sự chưa đồng nhất về mặt ca từ, không rõ về tên tác giả và có nhiều dị bản khác nhau, thậm chí nhiều bài được cho là phần lời không đúng với nguyên gốc”…

Những ai nhẹ dạ cả tin thì nghĩ đây chỉ là một thao tác nghiệp vụ của cơ quan quản lý nhà nước trước tình trạng lộn xộn của thị trường âm nhạc nước nhà?

Thế nhưng quyết định tạm dừng khởi đầu bằng 5 bài hát “ tiền 1975” đối chiếu với những hệ lụy do các ca khúc này gây ra như ông Cục trưởng CNTBD đã trình bày ở trên với báo chí thì nó không thuộc trách nhiệm chuyên môn của Cục này…

Vấn đề tác quyền, bản quyền thuộc trách nhiệm của Cục Bản quyền tác giả, một cục khác của Bộ Văn hóa…

Cục Bản quyền chỉ ra quyết định xử lý khi các tác giả bị xâm hại bản quyền có đăng ký bản quyền với Cục Bản quyền và có đơn khiếu nại. Cả 5 tác phẩm trên đều không có các hiện tượng trên…

Còn nếu đi sâu vào nghề nghiệp, học thuật hát thế nào cho đúng nhạc, hát thể nào cho đúng chất bài hát, đúng chất của tác giả thì vấn đề này thuộc “ sân chơi’ của Hội nhạc sĩ Việt Nam chứ không thuộc quyền quản lý của CNTBD?

Như vậy việc CNTBD ban hành quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trên ẩn dấu bên trong một động thái chính trị trá hình mang tính chất “giết gà dọa khỉ”: răn đe, cấm cản một dòng nhạc “ tiền 1975”…

Chắc theo tính toán của  CNTBD có những vấn đề vệ nội dung tư tưởng nhưng Cục Nghệ thuật vì tránh búa rìu của dư luận, hiện Việt Nam đang hô hào gác quá khứ, hòa giải, hòa nhập dân tộc…; Việt Nam là bạn với tất cả thế giới…nên không để bên ngoài thấy trong tay cơ quan này toàn “ dao búa”, “dùi cui” nên phải nghi trang?!

Theo thông tin từ Cục NTBD, sau hơn 40 năm đất nước thống nhất, hơn 2.500 bài hát của các tác giả sáng tác trước năm 1975 và của người Việt Nam định cư tại nước ngoài đã được cấp phép phổ biến. 

Thái độ chính trị của nhà cầm quyền Việt Nam thể hiện sau cái quyết định này lộ ra trong câu trả lời sau của lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn: “Đặc biệt, trong thời gian tới không ngoại trừ khả năng nhiều ca khúc khác từng được Cục NTBD cấp phép cũng sẽ phải tạm dừng lưu hành để đơn vị này đối chiếu, thẩm định lại về vấn đề ca từ cũng như tên tác giả..”

Thế là đã rõ cái tổ con chuồn chuồn. Song song với hành vi “ đánh dứ” này, Chính phủ ban hành tiếp theo Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo…

Hành vi phổ biến bài hát, bản nhạc không được phép có thể bị xử phạt từ 25 triệu tới …đi tù.
Đây là hành vi xây hào đắp lũy trong lĩnh vực âm nhạc nhằm răn đe những ai còn tơ vương tới dòng nhạc “ tiền 1975”, ẩn nấp đằng sau những ca khúc nỉ non này chắc là các thế lực thù địch…

Hành vi ra quyết định tạm dừng biểu diễn 5 ca khúc “ tiền 1975” với những lý do lãng xẹt: vi phạm tác quyền, bản quyền tác giả diễn ra trong bối cảnh thế sự đất nước, thế giới và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp: Cuộc đua tranh, xâu xé giành ảnh hưởng trên Biển Đông và cả trên đất liền khu vực châu Á-Thái Bình Dương giữa Trung Quốc-Mỹ và Tây Âu…

Theo người viết bài này, quyết định tạm dừng 5 bài hát kể trên là động thái bị chi phối bới các nhóm lợi ích thân Tàu, nhóm này giật dây CNTBD ngoáy sâu thêm cái hố ngăn, đào thêm hào, đắp thêm lũy để đưa đưa Việt Nam xích lại gần Trung Quốc, lệ thuộc vào Trung Quốc, “ăn giơ” với Trung Quốc...

Trong khi đó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh đã bị một cú việt vị trong vụ công bố dự định: Lần đầu tiên tổ chức một cuộc gặp mặt các nhà văn hải ngoại vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch sắp tới.

Dự án này đã bị sụt hố vì đây sẽ là một hội nghị không thực chất, hình thức vì trong nước còn chẳng đoàn kết, hòa hợp với nhau, lâu lâu lại một vài vị vào tù, xộ khám vì cầm nghề cầm bút. Dự án này đã nhanh chóng chết yểu ở “vòng gửi xe”…

VIDEO :
PHAMVIETDAO-HNVH2017


Trước các chiến hào đang xây đắp, gia cố giữa các chiến tuyến ngày cáng thêm sâu bền trong nước như vậy thì các nhà văn hải ngoại về làm cảnh, làm đồ trang sức sao đặng…
“Cú ra đòn” hiểm ác của CNTBD là cú “đá song phi” làm bẽ bàng cái dự án mà Chủ tịch Hội Nhà văn VN Hữu Thỉnh chủ xướng, Dự án tụ họp dịp Giỗ Tổ Hùng Vương này chắc cũng đã được một số người có trách nhiệm ủng hộ nên Hữu Thỉnh mới cao đàm khoát luận: Mời các nhà văn hải ngoại về bàn cách hòa giải, hòa hợp dân tộc…

Bộ Ngoại giao cay đắng trước đòn “phơi lưng” của Bộ Văn hóa đành phải chống chế, giữ thể diện bắng cách: để ông Nguyễn Thanh Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, móc với một đài Việt Kiều tại Mỹ, lên tiếng bắn tin yếu ớt rằng: cái hành vi dừng 5 bài hát này là dở, là làm gia tăng hố ngăn cách trong khi Bộ Ngoại giao bấy lâu nay  đang cố kê lấp…

Đường đường là đại sứ của nước CHXHCNVN không trả lời báo trong nước, không lên tiếng tại Hà Nội mà từ Nga la tư bắn tiếng qua một Đài Việt Kiều tại Mỹ để phản ứng cái hành vi “ phơi lưng” của CNTBD-Bộ Văn hóa, thật hèn và xí hổ lắm thay…

P.V.Đ.




 

No comments: