Sunday, January 15, 2017

KHÔNG NGẦN NGẠI PHÊ PHÁN MỚI MONG CÓ ĐIỀU TỐT ĐẸP (FB Luân Lê)





“Một con người hay chính phủ mà không bao giờ phải nhận chỉ trích hoặc bị phê phán thì chắc chắn rằng đó là một con người hay chính phủ tồi, bởi nó sẽ luôn đứng yên và giữ nguyên như thế, dù xã hội và thế giới này có biến đổi thế nào đi chăng nữa”.

Khi nói đến vấn đề này tôi xin nói ngay là vạn vật sinh ra đều không hoàn hảo và luôn tồn tại khiếm khuyết nào đó của nó. Đặc biệt là con người và những thiết chế gắn với con người, mà càng lớn thì lại càng dễ mắc vào khiếm khuyết, sai lầm.

Thế thì chúng ta có gì để phải né tránh việc một ai đó, một xã hội hay một chính quyền nào đó là thiếu sót, sai trái hoặc có hành vi lệch hướng trong việc cai trị đất nước?

Con người sinh ra sau tự nhiên, mọi phát kiến của con người cũng đều xuất phát và dựa vào tự nhiên mà ra. Thế nên nhận thức của con người không bao giờ vượt qua được tự nhiên hoặc nằm ngoài sự đánh giá của thế giới tự nhiên, mà rộng lớn hơn cả là vũ trụ. Với nhận định mang tính nguồn gốc lịch sử tự nhiên này nên chẳng có gì để có thể cho rằng con người chúng ta không phải là loài không có khuyết điểm hay không mắc sai lầm hoặc bị đánh lừa trong nhận thức của chính mình.

Vì như thế mà chúng ta phải chấp nhận rằng chúng ta luôn cần hoàn thiện, luôn có thể lầm lẫn ngay cả lúc mình tỉnh táo hay minh mẫn nhất, lúc cảm tưởng như sung mãn nhất cũng có thể đột quỵ. Mà vốn tư duy con người là đa dạng và phong phú vô cùng, nên tập hợp những con người lại thì càng lắm lỗ hổng và bất hợp tác về nhận thức. Vậy thì một nhà nước, một xã hội hẳn nhiên được thiết lập nên từ những con người nhỏ bé và với nhận thức hạn hẹp của mình thì chẳng có lý do gì để mà họ không sẵn sàng mắc sai lầm và chứa đầy thiếu sót cả.

Với một sự khách quan đúng đắn như thế, chúng ta chẳng có gì phải e sợ hay ngại ngần để mà nghi ngờ về một sự đánh giá hợp lý của sự vật hay hành động của người khác, và từ đó thì cũng chẳng cần lý do gì để mà phải ngần ngại việc chỉ trích, phê phán một ai đó hay một chính quyền nào đó.

Mà chỉ có tinh thần phê phán thì con người ta mới trở nên hoàn thiện trong nhận thức và tìm ra chân lý để mà hành động đúng đắn. Có nhận thức đúng thì hành động mới đúng và tránh được những sai lầm lẫn hậu quả đáng tiếc.

Vốn dĩ người dân là với tâm thế người chủ của một quốc gia, chính phủ là tổ chức được ủy nhiệm từ dân chúng, nên người dân lại càng không thể thờ ơ và e ngại chỉ trích chính cái chính phủ đó để mà họ có thể làm tốt chức trách của mình là duy trì trật tự xã hội và đảm bảo người dân được sống an toàn bằng luật pháp văn minh.

Con người không hoàn hảo, chính phủ lại càng dễ mắc sai lầm vì là số đông và có quyền lực trong tay. Mà nếu người dân lại cũng không dám bày tỏ chính kiến và quan điểm trước các hành động thái quá của chính phủ thì có phải là chính chúng ta tự tước bỏ đi vị thế làm chủ quốc gia của mình hay không. Vậy thì quốc gia này chẳng phải là thuộc về riêng chính phủ mất rồi hay sao. Thế thì chúng ta quả là những kẻ ngu ngốc vì bỗng dưng không muốn làm chủ đất nước mà lại muốn bị lệ thuộc vào ý chí của người khác. Nhìn vào nó để thấy, nếu phó mặc quốc gia cho chính phủ thì có phải là mọi sự tốt đẹp hay tồi tệ, xấu xa thì hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí và hành động của chính phủ hay không. Lúc đó, chính phủ có lương tâm và đạo đức thì chúng ta còn may mắn được nhờ vả chút ít, chứ còn ngược lại, họ xấu xa thì chúng ta lãnh đủ hậu quả của nó. Chúng ta có muốn như thế hay không?

Hơn nữa, chính phủ phải dám nghe những lời chỉ trích từ dân chúng, phải biết cầu thị mà sửa sai, vì dân chúng là chủ của cái chính phủ này chứ chẳng phải đàn cừu nào ở đây cả. Thử nghĩ xem sẽ nguy hiểm thế nào khi một kẻ cứ lẳng lặng mà chẳng bao giờ nói lên một lời nào cả, dù kẻ cai trị có làm gì đi chăng nữa họ cũng không phản đối, như vậy thì tôi còn lo lắng hơn bội phần vì có thể sự âm thầm đó sẽ được bộc phát thành những hành động không kiểm soát được nếu muốn phản đối chính phủ.

Rồi lại thử đặt tình huống, chính phủ nào mà lại cứ quả quyết là mình không sai bao giờ vì trong đó tập trung những tinh hoa và trí thức có tài, thì quả là một suy nghĩ không có gì tai hại bằng. Vì một người mà không bao giờ sai tức là người đó chưa bao giờ thực sự hành động cả. Mà nếu thế thì đất nước chắc chắn sẽ mau chóng loạn lạc chứ chẳng phải chờ đợi lâu.

Nên người dân phải biết lên tiếng chỉ trích và phê phán bất kể khi nào và với bất kể điều gì mà mình thấy rằng nó cần phải được thay đổi tốt hơn lên.

Trích: MỘT NGƯỜI QUỐC DÂN





No comments: