Tuesday, January 3, 2017

CHẢY MÁU CHẤT XÁM - BAO GIỜ CHẤM DỨT ? (Lan Hương - RFA)




Lan Hương, phóng viên RFA
2017-01-02

Nhiều bạn trẻ Việt Nam không muốn công tác trong nước mà tìm cách định cư ở nước ngoài để sinh sống, làm việc.

Số liệu thống kê mới nhất của bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy hiện có khoảng 60.000 du học sinh Việt Nam trên khắp thế giới. Trong số này có đến khoảng 70% không trở lại Việt Nam để làm việc mà quyết định phát triển sự nghiệp của bản thân nơi xứ người.

Về tình trạng này, chuyên gia kinh tế- tiến sĩ Lê Đăng Doanh, lý giải nguyên nhân:

Tình hình chảy máu chất xám và những học sinh giỏi ở Việt Nam khi đi học ở nước ngoài thì tỷ lệ quay trở lại Việt Nam là thấp. Lý do thì có thể có nhiều, có thể nêu vài lý do như sau: thứ nhất là tiền lương cho người trí thức quá thấp, tiền lương cho một ông tiến sĩ ở nước ngoài học về thì cũng chỉ khoảng 3,5 – 4 triệu, không thể đủ sống ở những thành phố như Hồ Chí Minh và ở Hà Nội. Đấy là một lý do.
Cũng có những người thì sẵn sàng chấp nhận tiền lương thấp, họ vẫn sẵn sàng làm việc, nhưng lý do thứ hai có thể nghiêm trọng hơn, đó là khả năng phát triển và phát huy kiến thức và tài năng của họ là thấp. Có những trường hợp những người tiến sỹ đó về không được phân công, không được tận dụng, không được cho phát huy năng lực để giảng dạy. Có người thì được phân công làm thư ký khoa, tức là một chức hành chính chỉ nhận công văn giấy tờ, thế rồi những người đó sau đó cũng bỏ đi. Thứ ba, là điều kiện vật chất cũng như điều kiện nghiên cứu chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu của họ. Phòng thí nghiệm thì chưa được trang bị đáp ứng nhu cầu, còn tài liệu và cách tiếp cận thông tin, khả năng đi dự các hội thảo nước ngoài, tiếp xúc các hội nghị quốc tế cũng hạn chế.

Nhà hoạt động xã hội, tiến sĩ Nguyễn Quang A bổ sung thêm rằng Việt Nam cũng như các nước chậm phát triển khác ở châu Á đều bị nạn chảy máu chất xám gây ảnh hưởng rất nhiều. Nguyên nhân một phần còn là do những người có tài không được trọng dụng.

Thực tế ở các nước phát triển, chính phủ luôn khuyến khích những người tài giỏi và tạo điều kiện cho họ phát triển thêm kỹ năng, thậm chí là khuyến khích những người như vậy nhập cư vào đất nước của họ.

Chủ trương chưa thành công

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh ghi nhận chính phủ Việt Nam đã nhận rõ được tình trạng chảy máu chất xám và đưa ra nhiều chủ trương, chính sách để thu hút nhân tài, đưa ra những đặc cách hấp dẫn hơn chẳng hạn như mức lương cao vượt hơn hẳn mức bình thường, sẵn sàng trả lương ngàn đô cho những nhân tố tài năng, hay những người từng du học nước ngoài. Tuy nhiên việc thực hiện những biện pháp như thế đến nay có thể nói là chưa thực sự hiệu quả bởi nguồn ngân quỹ của Nhà nước hạn hẹp; trong khi đó thì quá trình để phát triển hệ thống phục vụ nghiên cứu cho nhân tài đòi hỏi nhiều thời gian:

Việc quản lý tiền lương không thể áp dụng được cho tất cả mọi nơi bởi vì nguồn nhân sách không cho phép. Điều quan trọng là khả năng phát triển, tức là những người đó phải được sử dụng vào đúng vị trí, tạo điều kiện có phòng thí nghiệm, có cơ sở nghiên cứu, có cộng tác viên, có một môi trường nghiên cứu khoa học dân chủ, cầu thị, tôn trọng ý kiến khác nhau, không quy chụp, thành kiến với những người có ý kiến khác mình. Tất cả những cái đó cần phải có thời gian, và quan trọng nhất là cần phải có người đứng đầu đơn vị khoa học đó có trình độ, thái độ cầu thị, ủng hộ tranh luận dân chủ, ủng hộ ý kiến đa chiều. Đó là điều quan trọng hơn rất nhiều.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng có nhận định về các chủ trương, chính sách khuyến khích nhân tài của chính phủ Việt Nam:

Việt Nam nói thì nhiều nhưng mà họ làm thì không được mấy cả. Chúng ta nhìn thấy từ thời Hồ Chí Minh, những người tài như Trần Đại Minh, Lý Đức Thảo, theo phục vụ cho chính quyền thì hoạt động cũng luôn cầm chừng. Những người có tư tưởng độc lập, nhất là về vấn đề xã hội. Đấy là sáu, bảy chục năm trước cũng như thế. Cho đến thời gian vừa rồi họ cũng hô hào nhiều nhưng mà bản thân nhà nước về cơ bản không làm được cái gì cả. Cải thiện môi trường là một việc, họa chăng ra thời gian vừa qua hoặc trong thời gian tới thì khu vực tư nhân là khu vực có thể thu hút nhân tài. Chứ còn bản thân khu vực nhà nước với một chính quyền như thế này thì tôi nghĩ không thể thu hút được nhân tài bởi vì những nhà khoa học người ta không quen với kiểu của các quan chức nhà nước là, thường ăn bổng lộc là chính chứ không phải bằng thù lao hay lương.

Mong mỏi gì trong tương lai

Trước vấn nạn chảy máu chất xám của Việt Nam, các chuyên gia chỉ ra rằng rằng cần phải có những chuyển biến, đổi mới trong chính sách đãi ngộ nhân tài của Chính phủ, và những thay đổi trong hệ thống doanh nghiệp trong nước để biến Việt Nam thành một môi trường thực sự hấp dẫn, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cho những con người tài năng. Ông Lê Đăng Doanh đề ra một số gợi ý:

Hiện nay đã có một số nhà khoa học về nước và thành lập một số doanh nghiệp tư nhân như các công phần mềm hay các công ty về khoa học. Ví dụ như tiến sĩ Nguyễn Thành Mỹ đã thành lập công ty Mỹ Lan hoạt động rất có kết quả ở Trà Vinh, rồi ở Hà Nội thì có công ty cổ phần phích nước Rạng Đông đã thiết lập một trung tâm nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ và đã thu hút được nhiều giáo sư, các chuyên gia trong nước và đã mời các giáo sư Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc sang làm việc.
Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới đây, yêu cầu phải phát triển một cách bền vững, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động sẽ đòi hỏi nhà nước và doanh nghiệp phải vận dụng khoa học công nghệ nhiều hơn, vận dụng các chất xám của các chuyên gia, nhà trí thức nhiều hơn, do đó có thể sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa.

Môi trường làm việc là một nhân tố hết sức quan trọng trong việc quyết định nơi sinh sống, công tác của đội ngũ nhân tài. Nhận thấy môi trường làm việc ở Việt Nam chưa thực sự thân thiện, cởi mở để thu hút nguồn chất xám, chuyên gia Lê Đăng Doanh đã cho đó là một điểm yếu mà chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét để thay đổi tình hình trong tương lai.

-------------------------

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2017-01-02

Hội nghị do các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức, thảo luận vấn đề thu hút trí thức người Việt ở nước ngoài về nước để làm việc trong các lãnh vực giáo dục đào tạo và phát triển công nghệ.

Thủ tục hành chánh rườm rà

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự, điển hình như đại biểu của Bộ Khoa Học Công Nghệ, nêu lên những bất cập, những trở ngại  trong việc thực thi các chính sách thu hút mời gọi trí thức từ nước ngoài về tham gia làm việc trong nước.

Còn khi đưa tin về hội nghị này, báo Tuổi Trẻ Online đã chạy tựa bài là “ Môi Trường Sạch Mới Thu Hút Trí Thức Người Việt Nước Ngoài”

Anh Nguyễn Giang, đang là nghiên cứu sinh ngành Vật Lý tại một đại học ở California, nhận định:

Đồng ý, nói chung đấy là một vấn đề. Nhìn trong tổng thể thì có nhiều yếu tố để gọi là môi trường sạch. Tạo điều kiện cho mọi người làm việc tốt, mọi người làm nghiên cứu mà được hỗ trợ công bằng, phù hợp. Thế mà môi trường Việt Nam bây giờ có đạt được mong muốn đấy không? Em vẫn nhìn thấy những người bạn em về Việt Nam họ cũng làm nghiên cứu tương đối tốt,  cũng có nhiều người về mà không tìm được vị trí tốt. Em tin là kể cả nhiều nơi trên thế giới cũng thế, không phải nơi nào cũng có hướng nghiên cứu phù hợp, Việt Nam mà không làm được là chuyện hiển nhiên.

Một trong những ý kiến điển hình được mổ xẻ là việc thu hút không đúng đối tương, không sử dụng hiệu quả nên không giữ chân được trí thức.

Nhiều đại biểu còn khẳng định về mặt chính sách thì Việt Nam không thiếu nhưng cái mà Việt Nam thiếu là công cụ và môi trường làm việc tốt, thiếu các biện pháp cụ thể nên chính sách không đi vào cuộc sống.

Một người ở Mỹ, thường cùng những phái đoàn y tế về Việt Nam, bác sĩ Quỳnh Kiều, nhận xét rằng công tác y tế thiện nguyện ở Việt Nam mà còn gặp khó khăn huống chi là về ở luôn để làm việc:

Mỗi lần về rất khó khăn, thủ tục càng ngày càng khó càng ngày càng rườm rà. Chuyện đó làm những người đi với chúng tôi kêu ca lắm. Làm công việc y tế thì đưa bằng chuyên môn đã đành, nhưng làm hội thảo thí dụ ở thành phố Hồ Chí Minh thì càng phải xin phép nhiều tầng lớp,đòi hỏi nhiều  thời gian. Tất nhiên khó khăn và thủ tục rườm rà để làm những công việc đóng góp chuyên môn thì nhiều chuyên gia họ rất là ngại.

Việt Nam đã ban hành và phổ biến Nghị Định 87, có hiệu lực từ tháng Mười Một 2014, bao gồm  những qui định thu hút người Việt nước ngoài là những cá nhân chuyên môn hoặc là những chuyên gia trong hai lãnh vực khoa học và công nghệ. Nghị Định 87 cũng nói rõ về chính sách ưu đãi cho trí thức Việt kiều như nhà cửa, lương hướng, điều kiện làm việc vân vân....

Những vấn đề vừa nói chẳng có gì mới, là nhận xét của giáo sư Việt kiều Hà Tôn Vinh, tổng giám đốc Tổ Hợp Đào Tạo Và Phát Triển Nhân Lực Stella Management ở Sài Gòn, cũng là người giảng dạy những chương trình chuyên đề tại các đại học trong nước 20 năm nay:

Đó là những vấn đề được đề cập nhiều lần giữa các hội nghị và qua những buổi hội thảo của Bộ Chính Trị cũng như của chính phủ. Đưa nhân tài về nước hay mời nhân tài về nước là nhu cầu cần thiết, nhưng mời thế nào để họ ở lại cũng như mời thế nào để họ có thể đóng góp được thì đó là vấn đề còn bỏ ngỏ.
Trí thức, chuyên gia cũng như nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài thì rất là nhiều. Để cho họ có thể đóng góp được ở Việt Nam thì họ phải thấy rằng có một cơ hội thực mà họ có thể về được, họ có thể làm việc được lâu dài và sự đóng góp của họ có ý nghĩa thì họ mới về. Chứ còn nếu chỉ về chơi hoặc về để tìm hiểu tình hình thì rất nhiều người về. Tôi nghĩ số lượng trí thức Việt kiều cũng như những người nghiên cứu chuyên môn mà đất nước cần có về hay không thì cái đó rất hạn chế.

Nhiều khó khăn

Tại buổi hội nghị  ngày 28 vừa qua, tiến sĩ Tạ Bá Hưng thuộc ban quản lý dự án của Bộ Khoa Học Công Nghệ  nhìn nhận một thực tế là hơn hai năm từ lúc có Nghị Định 87 đến nay vẫn chưa một chuyên gia nào được chính thức mời về làm việc. Giáo sư Hà Tôn Vinh phân tích:

Không phải trong 2 năm vừa qua mà trong 10 năm trong 15 năm vừa qua số lượng trí thức Việt kiều cũng như nhà khoa học ở nước ngoài về Việt Nam rất là khiêm tốn, sự thật như vậy. Có 3 vấn đề, vấn đề của các chuyên gia hay những nhà trí thức, vấn đề của các tổ chức mời và vấn đề của chính phủ.
Các chuyên gia hay các trí thức bận nhiều thứ ở nước mà họ đang sống, cho họ về tìm hiểu cơ hội thì họ rất ít thời giờ, mà khi về thì chắc chắn họ gặp những khó khăn ở Việt Nam. Thứ nhất là cách làm việc và những cơ hội để hợp tác. Có thể có nhiều nhưng không một tổ chức nào dám đứng ra mời là vì trí thức cũng như nhà khoa học đều có lập trường riêng, có những tư duy rất thoáng mà nhiều khi không phù hợp với các tổ chức của Việt Nam  hay không phù hợp với nhu cầu chính trị của Việt Nam thì có thể họ không được mời hay không ai dám mời. Chỉ có một vài đại học, một vài tổ chức mời một số rất ít chuyên gia về giảng dạy. Chính vì thế số lượng Việt kiều chính thức được mời làm việc ở Việt Nam lâu dài rất là ít.

Điều giáo sư Hà Tôn Vinh vừa trình bày có thể được coi là trường hợp tiêu biểu gần đây nhất của một khoa học gia ở Hoa Kỳ, tiến sĩ y khoa bệnh học Nguyễn Thượng Vũ, được một số y bác sĩ mời về giảng dạy tại Đại Học Y Dược Sài Gòn:

Tháng Sáu năm nay thực sự trong một chuyến đi  về thăm nhà thì sẵn dịp như vậy trường Đại Học Y Dược mời tôi tới nói chuyện . Đây là chương trình đào tạo cao cấp  Continued Medical Education , bên Việt Nam gọi là Chương Trình Đào Tạo Liên Tục.  Những vị giáo sư thấy cái nhu cầu rất cần thiết  nên nhân tiện họ mời mình. Những  người tới là những bác sĩ đã ra hành nghề lâu năm, khoảng vài trăm bác sĩ. Tôi có một nhận định là các bác sĩ rất thích những đề tài mà chúng tôi nói tại đó là những nghiên cứu rất cập nhật. Tôi làm nghiên cứu về ngành da khá lâu nên tôi lựa  những đề tài tôi nghĩ rất quan trọng về y khoa, thí dụ vấn đề “Tế Bào Gốc”. Đó là một trong những đề tài mà tôi nói chuyện ở Việt Nam.
Thú thật là tôi không thấy cái gì để mà nói rằng có một chính sách rõ ràng là mời chuyên gia  nước ngoài về để mà nói chuyện. Điểm thứ hai, có những vấn đề khoa học kỹ thuật rất cần thiết nhưng người ta không chú tâm lắm, trong khi đó những gì có tính cách tạo được nguồn lợi về tài chánh thì có lẽ người ta chú tâm nhiều hơn.
Chỉ có những vị giáo sư trong các trường đại học thấy được điều đó nhưng vì họ  không có điều kiện để chiêu dụ thành ra họ mời những người quen biết mà họ thấy có khả năng. Thành ra khi nói về vấn đề mời người có khả năng có kiến thức từ nước ngoài về thì phải có một chính sách thành thật, thực tế.
Đôi khi những kiến thức chưa đem lại cái lợi tức kinh tế ngay tức thì. Tôi  nghĩ nếu chính phủ có tầm nhìn sâu hơn rộng hơn chính xác hơn thì họ phải có phương pháp tốt hơn để thực sự mời  trí thức về chứ không phải chỉ nói suông.

Hiện có trên dưới 200 chuyên gia người Việt nước ngoài đang tham gia giảng dạy tại Việt Nam. Theo tiến sĩ Tạ Bá Hưng của Bộ Khoa Học Và Công Nghệ, so với chừng 400.000 trí thức người Việt đang sinh sống ở nước ngoài thì con số 200 người về làm việc trong nước thật quá ít ỏi và quá lãng phí.

Và nếu không khai thác được nguồn lực đáng quí này là một điều thiệt thòi cho Việt Nam, ông Tạ Bá Hưng kết luận.





No comments: