Friday, January 6, 2017

BURMA hay MYANMAR ? (The Economist)




Should you say Myanmar or Burma  -  The Economist
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Posted on 06/01/2017

“Hãy tuân theo thông lệ địa phương khi một quốc gia chính thức thay đổi tên gọi của nó,” đó là lời khuyên của Sách hướng dẫn văn phong của The Economist, “Kinh Thánh” của tờ báo này. Trong danh sách các ví dụ có  “Myanmar, chứ không phải Burma” và “Yangon, chứ không phải Rangoon”. Tất nhiên, chúng tôi tuân thủ quy định này trên trang web của chúng tôi, nhưng không phải tất cả những người khác đều làm vậy. Sau khi hạ cánh tại sân bay bận rộn nhất của đất nước này, phi công của bạn có thể thông báo chào mừng bạn đến Yangon, nhưng hành lý của bạn vẫn sẽ được gắn thẻ RGN. Mặc dù Barack Obama dùng tên gọi Myanmar trong lần đầu tiên ông gặp cựu tổng thống của đất nước này, Thein Sein, nhưng đại sứ quán Mỹ vẫn đề địa chỉ của mình là “Rangoon, Burma”. Và người Miến Điện thường gọi đất nước mình là “Burma” và thành phố lớn nhất của nó là “Rangoon”, ít nhất là trong các hội thoại thông thường. Vậy bạn nên sử dụng tên gọi nào, và tại sao?

Năm 1989, chính quyền quân sự cầm quyền lúc đó đã đổi tên đất nước, một năm sau khi tàn nhẫn đàn áp một cuộc nổi dậy, và một năm trước khi bà Aung San Suu Kyi thắng lớn trong một cuộc bầu cử mà chính quyền quân sự lúc đó chỉ đơn giản là ngó lơ không công nhận. Chính quyền quân sự tuyên bố hai điều rằng Burma (Miến Điện) là một cái tên được áp đặt từ thời thuộc địa và, như tờ The Economist đã giải thích vào năm 2013, rằng cái tên này “phản ánh sự phân biệt của sắc tộc chiếm ưu thế, vì nó hàm ý đó là đất nước của dân tộc Burman (Miến) (trong khi Myanmar có nhiều dân tộc thiểu số – NBT).”

Lập luận thứ hai không thật vững: bởi một lẽ bất cứ điều gì mà chủ nghĩa ưu thế sắc tộc được ngụ ý trong cái tên gọi Miến Điện đều trở nên mờ nhạt nếu so với chính sách thực tế của chính quyền quân sự.

Ngoài ra, hai cái tên này chia sẻ một nguồn gốc chung. Mặc dù hai từ này trông hoàn toàn khác nhau nếu viết bằng tiếng Anh, nhưng ở Miến Điện chúng được phát âm gần giống nhau: với âm tiết đầu đọc nhanh, không nhấn trọng âm, hoặc là “buh” hoặc một âm gần giống như “munn”, theo sau là một âm “MA” dài hơn. Trong cả hai cái tên đều không có âm “r” nặng. Nó không bao giờ được phát âm là “MAI-an-marr”. Gustaaf Houtman, một nhà nhân học chuyên nghiên cứu về quốc gia này, giải thích rằng người bản xứ sử dụng cả hai từ: Myanmar là hình thức chính thức, được sử dụng trong văn viết, và Burma được sử dụng hàng ngày. Burma có ưu điểm là dễ phát âm (đối với người nước ngoài), và nhất quán về hình thức: hình thức tính từ là Burmese, còn không có tính từ Myanmarese.

Vậy cái tên nào nên được sử dụng? Trong nhiều năm, điều đó phụ thuộc vào quan điểm chính trị của người nói (hoặc người viết). Bà Suu Kyi và những người đồng tình với cuộc đấu tranh của bà hiển nhiên từ chối việc gọi đất nước này là “Myanmar”, bởi vì làm như vậy sẽ là thừa nhận tính hợp pháp trong lựa chọn tên gọi của chính quyền quân sự , nghĩa là thừa nhận bản thân chính quyền đó. Vì vậy, các quốc gia đồng tình với cuộc đấu tranh của bà, chủ yếu là ở châu Âu và châu Mỹ, cũng làm điều tương tự.

Nhưng kể từ khi nhậm chức với vai trò là Hạ Nghị sĩ vào bốn năm trước – và chắc chắn kể từ khi nắm quyền lãnh đạo đất nước vào tháng 3/2016 – những phản đối của bà đối với cái tên mới đã dịu lại. Trong bài phát biểu đầu tiên tại Liên Hiệp Quốc với cương vị là nhà lãnh đạo đất nước mình, bà chủ yếu dùng tên gọi “Myanmar”.

Người viết bài này thường đến thăm đất nước này cứ khoảng mỗi sáu tuần. Trong các bản in tạp chí, tôi tuân thủ sách hướng dẫn văn phong, và gọi quốc gia này là “Myanmar”. Trong nói chuyện, tôi sử dụng cả hai cái tên tùy lúc. Ngoài một vài du khách châu Âu lớn tuổi quá câu nệ, chưa có ai từng sửa lời tôi. Cuộc chiến về tên gọi bắt nguồn từ những ngày khi các từ Myanmar/Burma mang nhiều ý nghĩa về chính trị hơn là tên gọi một quốc gia – khi lựa chọn cách gọi “Burma” đồng nghĩa với tuyên bố đứng về bên chính nghĩa trong một cuộc đấu tranh vì tự do và công lý.

Những ngày ấy đã qua. Vấn đề của đất nước này hiện nay phức tạp hơn nhiều: không phải là làm thế nào để thuyết phục một chế độ độc tài thừa nhận ý nguyện của người dân, mà là làm thế nào để đưa hàng chục triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo cùng cực càng nhanh càng tốt, và làm thế nào để dập tắt những cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập niên và thiết lập một nhà nước hiệu quả, công bằng với quyền lực mở rộng trên toàn bộ lãnh thổ. Những vấn đề đó không hề trở nên kém phần gai góc dù bạn có sử dụng bất cứ tên gọi nào để chỉ đất nước này.

-----------------------------

Thu Hằng – RFI
Đăng ngày 05-01-2017

Bị lột trần bắt đứng dưới nắng trước khi bị cưỡng hiếp đối với phụ nữ hay bị tra tấn, bị sát hại, thậm chí bị cắt thành từng mảnh đối với đàn ông… là hàng loạt biện pháp dã man mà quân đội Miến Điện sử dụng để truy bức sắc dân thiểu số Rohingya theo Hồi giáo nhằm truy tìm các « thành phần khủng bố ». Đó là lời kể của các nạn nhân, chủ yếu là phụ nữ, với phóng viên của báo Le Monde trong bài phóng sự « Khổ hình của sắc dân Rohingya tại Miến Điện », đăng trong số ra ngày 05/01/2017

Tại sao người Rohingya lại bị đối xử một cách thậm tệ, dã man như vậy ? Ngược dòng thời gian, bài viết « Lòng hận thù có từ thời thuộc địa », vẫn trên Le Monde, cho biết, vào cuối thế kỷ XIX, ngay sau cuộc chiến Anh-Miến Điện và thời kỳ đầu xâm chiếm thuộc địa của Anh trong vùng này từ năm 1826, người Hồi giáo từ khu vực Bengali (năm 1947 trở thành Đông Pakistan, đến năm 1971 trở thành Bangladesh) đã đến sinh sống ở miền bắc bang Arakan (nay là bang Rakhine).

Tại khu vực nơi có cảng Akyab năng động (hiện là cảng Sittwe) và công việc kinh doanh gạo khá phát đạt, người Hồi giáo vẫn thưa thớt. Chính vì vậy, thực dân Anh có những ưu đãi khuyến khích người Hồi giáo đến sinh sống, đặc biệt tại các vùng biên giới. Có những thời điểm, cộng đồng theo Phật giáo không đông đảo bằng người Hồi giáo. Nếu như năm 1869, người « Mahomedan » chiếm khoảng 5% dân số của vùng thì đến năm 1912, cộng đồng người Hồi giáo này đã chiếm đến 12% dân số. Cũng chính từ giai đoạn thuộc địa bắt đầu xuất hiện những mâu thuẫn giữa hai sắc dân.

Một lý do lịch sử sâu xa nhưng cũng quan trọng khác giải thích lòng hận thù của người dân Arakan theo Phật giáo đối với sắc dân Hồi giáo : Năm 1784, các vương triều Miến Điện đã giành chiến thắng trước vương quốc Arakan, lúc đó vẫn còn độc lập với phần còn lại của Miến Điện. Bốn mươi hai năm sau, người Anh xuất hiện và chiến thắng mọi sắc dân Miến Điện trong vùng. Kết quả là người Arakan cảm thấy bị kìm kẹp giữa phía tây là người Hồi giáo từ Bengali đến và phía đông là người Miến Điện áp đặt sự thống trị.

Cụm từ « Rohingya » nhằm chỉ sắc dân theo Hồi giáo có lẽ được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1799. Nhà địa lý học và thực vật học người Scotland, Francis Buchanan-Hamilton, từng miêu tả một dân tộc được gọi là « Rooinga » sống ở phía bắc bang Arakan. Tuy nhiên, cụm từ này biến mất trong suốt khoảng một thế kỷ trước khi được các nhà hoạt động người « Rohingya » muốn bảo vệ bản sắc dùng lại vào thập niên 1970.

Thực vậy, kể từ khi Miến Điện độc lập vào năm 1948, người Rohingya thường xuyên hứng chịu sự kỳ thị chủng tộc. Sự phân biệt chủng tộc còn tăng thêm khi tập đoàn quân sự đương quyền công bố năm 1982 một đạo luật, theo đó, người Rohingya không được cấp thẻ căn cước. Theo thẩm định, bang Arakan (Rakhine) hiện có khoảng 1,3 triệu người Rohingya nhưng có đến 1 triệu người đã phải bỏ xứ lưu vong.

Sự im lặng khó hiểu của « nhiếp chính » Aung San Suu Kyi
Trước những biện pháp trả đũa dã man nhắm vào sắc dân Rohingya của quân đội Miến Điện nhằm tìm tác giả các vụ tấn công vào các đồn biên phòng, cố vấn quốc gia kiêm ngoại trưởng Aung San Suu Kyi im lặng một cách khó hiểu. Phải chăng nhân vật được cho là số 1 của Miến Điện trở nên bất lực, hay không dám đối mặt với quân đội hay không muốn tố cáo những tội ác của các lực lượng an ninh đối với người Hồi giáo Rohingya ở bang Arakan ? Với nhật báo Le Monde, có thể là cả ba lý do trên.

Dù ở trong nước, Aung San Suu Kyi vẫn là người nổi tiếng, được tôn trọng, nhưng trên trường quốc tế, dường như giải thưởng Nobel Hòa Bình 1991 đang dần mất uy tín. Cuối tháng 12/2016, khoảng 10 giải Nobel Hòa Bình khác đã gửi đến Hội Đồng Bảo An một bức thư ngỏ đề nghị Liên Hiệp Quốc hỗ trợ để « chấm dứt cuộc khủng hoảng » tại bang Arakan.





No comments: