Tôn Phi thực hiện
(VNTB)
- Cải cách thể chế xã hội , dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội,
theo tôi, là chìa khóa vạn năng, là giải pháp tiên quyết
Vào
đầu tháng 9 năm 2016, tiến sĩ Phan Hồng Giang có bài viết được rất nhiều người
chú ý và nhiều báo đăng tải đồng loạt, đó là bài viết “ Làm sao ngăn được
đà suy thoái về văn hóa?”. Vấn đề bằng cách nào để cứu vãn đạo đức xã hội,
bằng cách nào để giảm thiểu tội ác này được ngày càng nhiều tri thức trong
ngoài nước trăn trở.
Hội
nhà báo độc lập Việt Nam có cuộc phỏng vấn với tiến sĩ khoa học Phan Hồng
Giang, từng là viện trưởng viện Văn hoá – nghệ thuật Việt
Nam, tác giả của bài luận ngắn trên.
P.v: Mến chào tiến
sĩ Phan Hồng Giang đã trở lại trong chuyên mục phỏng vấn của Việt Nam Thời Báo.
Đạo đức xã hội xuống cấp, suy đồi đang trở thành một vấn nạn đáng báo động.
Tăng cường nhiều công an tư tưởng, cảnh sát, xây nhiều nhà tù, có thể là nơi
giáo dục đạo đức, răn đe cộng đồng bớt phạm tội lâu dài được hay không?
TSKH
Phan Hồng Giang (P.H.G.) : Quả là đạo đức xã hội
đang suy đồi, đáng báo động ở mức cao nhất. Tăng cường nhiều công an tư
tưởng là việc không nên làm, vì bản thân suy nghĩ - tư tưởng mới tồn tại
trong đầu hoặc thể hiện qua lời nói, chữ viết ôn hòa thì chưa thể là - và không
thể bị coi là - hành vi phạm tội. Còn tăng cường lực lượng cảnh sát,
xây thêm nhà tù… ở khía cạnh trấn áp tội phạm, chừng mực nào đó, cũng có tác dụng ngắn
hạn giáo dục đạo đức ( ở mức tối thiểu là không vi phạm pháp luật). Và
thực ra, theo tôi, tác dụng này cũng không quá lớn: Bằng chứng là dù số lượng
cảnh sát đã tăng cao đến mức kỷ lục, nhà tù liên tục được mở rộng, xây thêm thì
vẫn không đủ chỗ để nhốt tội phạm sinh sôi nẩy nở như nấm sau mưa !
Về lâu
dài thì cần áp dụng biện pháp căn cơ, sâu xa hơn : Tính cách con
người chủ yếu là do hoàn cảnh tạo ra; muốn cải tạo tính cách
theo chiều hướng Chân-Thiện-Mỹ thì trước tiên phải tập trung cải tạo
hoàn cảnh – sao cho môi trường xã hội trở nên tử tế, hợp đạo
lý hơn.
P.v: Có một ý kiến
so sánh thế này: Người châu Phi cũng nghèo, thậm chí tính về thu nhập bình quân
đầu người thì còn nghèo hơn Việt Nam. Nhưng cái nghèo ở châu Phi không làm cho
con người ta rơi vào vòng tội lỗi, dân nghèo ở châu Phi vẫn có tâm hồn trong
sáng, trong khi cái nghèo ở Việt Nam lại biến nhân dân thành những người “đa
nhân cách”. Theo tiến sĩ Phan Hồng Giang thì “đa nhân cách” có phải là hiện trạng
chung của dân Việt Nam, và có nguy hiểm cho cá nhân và cộng đồng
hay không?
TSKH
Phan Hồng Giang: Cách
đây 15 năm tôi có dịp đi dự một Hội thảo về văn hóa ở Cộng hòa Benin, miền
Trung Phi. Khi dạo chơi ngoài phố, tôi ngạc nhiên đầy thú vị khi thấy các xe
máy không gắn biển số và hầu hết người dân khi dừng đậu xe ở vỉa hè vào cửa
hàng hay đi đâu đó đều không phải làm cái động tác đã thành bản năng ở xứ
ta là… khóa xe ! Nghĩa là người dân Benin, tuy chưa phải là giàu có gì
nhiều, đã không thường xuyên bị đe dọa bởi nạn ăn cắp xe, trong khi ở xứ ta dù
xe đã khóa vẫn có thể …bốc hơi chỉ 5-7 giây sau khi chủ xe khuất mắt ! Ở
ta không gì có thể không bị mất cắp: từ gương chiếu hậu, đèn tín hiệu, hộp
số xe máy đến biển số (!) xe hơi (người bị mất đành cắn răng ra Chợ Giời tìm hỏi
mua lại chính biển số xe của mình (!). Thật là một kiểu ăn cắp độc nhất vô nhị
trên cả thế giới diễn ra công khai trước mũi người ngay và… công an !
Sự
phổ biến của nạn dân ta ăn cắp đã trở nên khá nổi tiếng ở các nước như Nhật Bản,
Thái Lan, Singapore… Nhiều cửa hàng ở các nước đó đã phải treo biển cảnh báo về
nạn ăn cắp bằng… tiếng Việt ! Dù các cụ đã dạy : “Bần cùng sinh đạo tặc”,
nhưng xin nói ngay rằng ăn cắp phần lớn không phải do nghèo. Phi công, tiếp
viên hàng không bị bắt vì trộm cắp ở Nhật đâu phải vì nghèo ? Bị bắt vì trộm
kính đeo mắt trong cửa hàng miễn thuế ở sân bay Thái Lan là Giám đốc một Công
ty lớn…
Anh
nhắc đến căn bệnh “đa nhân cách” của nhiều người dân ta, theo tôi, cũng
là một cách lý giải dễ thuyết phục. Theo tôi, nên dùng chữ “rối loạn nhân cách”
hay “lệch lạc nhân cách” thì độc giả bình thường dễ hiểu hơn. Dù về cơ bản, “rối
loạn nhân cách” được hiểu như một căn bệnh – bệnh tâm thần
phân liệt. Nhưng hiểu là bệnh như thế, theo tôi, dễ dẫn đến chỗ
không còn coi ăn cắp là một tội hình sự, một hành vi vô đạo đức. Nếu
không kịp thời chú trọng giáo dục nhân cách, không nghiêm khắc áp dụng chế
tài đủ mạnh đối với vấn nạn trộm cắp thì các cá nhân và cộng đồng
ở xứ ta còn phải chịu bất an dài dài. (Xin nhắc : theo Luật Hồi giáo cực đoan,
kẻ trộm cắp phải bị … chặt tay !).
P.v: Vừa rồi có
vụ các cô giáo bị ép đi tiếp khách, bộ trưởng giáo dục thì đứng về phía những
người ép các cô làm lễ tân. Thật khó mà tin cậy vào ngành giáo dục là nơi
rèn luyện nhân cách được nữa. Nhiều người già nói rằng do thiếu sự đào luyện
tôn giáo và tâm linh, người dân Việt Nam mất đi cảm thức về phúc đức và tội lỗi,
cho nên không ngừng phạm tội. Tiến sĩ Phan Hồng Giang có nhận định thế nào về ý
kiến này?
TSKH
Phan Hồng Giang: Câu
chuyện xoay quanh việc các cô giáo ở thị trấn Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, bị cấp trên
“giao nhiệm vụ” đi tiếp khách cho các quan chức ăn nhậu làm dư luận phải
nghi ngờ về năng lực rèn luyện nhân cách của các nhà quản lý ngành giáo dục.
Đặc biệt đáng thất vọng là ông “tư lệnh” ngành giáo dục, một vị GS,TS chữ nghĩa
bề bề, lại thể hiện một tư duy lệch lạc: trước Quốc hội, trước bàn dân thiên hạ,
vị này gọi đó là “chuyện vui vẻ thôi mà” ! Trả lời
cánh báo chí, ông dạy dỗ các cô giáo “trước hết phải tự trách mình đã không biết
từ chối” công việc không phải của mình ! Ông như người ở trên trời vừa rơi xuống
hay sao mà không biết tai họa nào sẽ chắc chắn đổ xuống đầu các cô
gái trẻ nếu họ dám từ chối “nhiệm vụ chính trị” (!) mà quan trên đã đắc chí áp
xuống ! Các cô giáo vốn là nạn nhân, thay vì được thương xót bênh vực thì lại bị
phê phán ! Thật là ngược đời !
Câu
chuyện trên, nói cho đúng ra, chỉ là điều thất vọng nhỏ trong
vô số những điều gây thất vọng lớn hơn nhiều trong “sự nghiệp
trồng người” – từ triết lý giáo dục bất cập; chương trình - sách giáo khoa thiếu
hệ thống, nhiều lý thuyết yếu thực hành; coi nhẹ truyền bá kỹ năng sống; phương
pháp giảng dạy thiếu sáng tạo… đến cách thi cử nặng nề; chất lượng giáo viên
còn xa mới đạt yêu cầu; thái độ học tập đối phó; nạn dạy thêm, học thêm tràn
lan; bạo lực học đường không còn hiếm thấy v.v…
Quả
là như anh vừa nhắc, “thiếu sự đào luyện tôn giáo và tâm linh”, người dân
chúng ta nhiều khi “mất đi cảm thức về phúc đức và tội lỗi”. Khi con người
không còn tin vào điều gì thiêng liêng, không còn biết sợ bất kỳ điều gì – sản
phẩm cực đoan của chủ nghĩa vô thần – thì họ chỉ
còn cách hành động phạm tội một gang tay ! Những báu vật trong các chùa
chiền ở khắp các miền quê đã tồn tại hàng trăm năm không ai dám động đến vì sợ
bị “Thánh vật”. Còn bây giờ dù cửa đóng then cài thì sểnh ra là bị đạo chích
rinh mất như tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Mễ Sở - Hưng Yên
đã 2 lần bị bọn trộm vô đạo hỏi thăm…
P.v: Trong bài
báo “Làm sao ngăn được đà suy thoái về văn hóa”, tiến sĩ đưa ra giải pháp thúc
đẩy quyền tự do dân chủ, vì thể chế xã hội là điều tác
động mạnh nhất đến văn hóa nói riêng. Liệu có giải pháp nào để cải thiện đạo đức
dân tộc mà không đi qua con đường tự do dân chủ không? Giải pháp đó có cấp bách
hay không?
TSKH
Phan Hồng Giang: Cải
cách thể chế xã hội , dân chủ hóa mọi mặt của đời sống
xã hội, theo tôi, là chìa khóa vạn năng, là giải pháp tiên quyết,
căn bản, lâu dài để ngăn chặn đà suy thoái của văn hóa –
trước hết là văn hóa đạo đức, rồi từ đó xây dựng được một nền văn hóa đạo đức tử
tế, lương thiện, bền vững. (Điều này phần nào tôi đã giải thích
trong bài báo anh đã nhắc đến).
Đã
là giải pháp căn bản, lâu dài thì khó có thể là cấp bách, phải làm
được trong ngày một ngày hai.
Tôi
nghĩ, nếu nhận được sự đồng thuận xã hội, nếu được các nhà lãnh đạo “bật
đèn xanh” thì đạo đức xã hội có thể được cải thiện thông qua việc thấm nhuần
sâu sắc, thực chất và rộng khắp các giáo lý cao đẹp của tôn giáo.
Thực tế đã chứng minh rằng ở những nước theo quốc đạo là Phật giáo như Lào, phạm
đều rất thấp, (Myanmar dù còn rất nghèo, vẫn đứng đầu Bảng xếp hạng các
nước trên thế giới về mức độ làm từ thiện). Ngay ở nước ta, những vùng công
giáo toàn tòng (như ở Hải Hậu, Bùi Chu, Phát Diệm…) các vấn nạn trộm cắp, nghiện
ngập, ly hôn… đều rất ít xẩy ra. Vai trò tích cực của tôn giáo ở đây là rất rõ
ràng.
P.v: Dù sao thì vẫn phải
thừa nhận giáo dục vẫn là một trong những mặt trận cốt yếu để cứu vãn đạo đức
xã hội. Theo tiến sĩ Phan Hồng Giang, bản thân nền giáo dục Việt Nam có những
tiền đề tự thân để có thể thanh lọc bản thân và trở lại thành một nơi giáo dục
con người một cách nhân bản, ít nhất là như các triều đại trước hay không?
TSKH
Phan Hồng Giang:
Đương nhiên phải thừa nhận giáo dục là lĩnh vực mà nhiều người nghĩ đến đầu
tiên khi đi tìm giải pháp chấn hưng văn hóa.
Bên
cạnh những điểm yếu dễ thấy, tôi rất tin là nền giáo dục nước ta, may mắn là
còn có, như chữ dùng của anh, “những tiền đề tự thân” để có thể
“thanh lọc bản thân và trở lại thành một nơi giáo dục con người một cách nhân bản”.
Đa số các thầy cô tận tụy với nghề, phụ huynh đều mong muốn con em mình
“nên người”, học sinh đều muốn “học ít, biết nhiều”, cả nước từ trên xuống dưới
đều khát khao “đổi mới căn bản và toàn diện” lĩnh vực giáo dục sao cho các “sản
phẩm giáo dục” có thể sớm đáp ứng yêu cầu xây dựng được một nước Việt Nam dân
chủ, công bằng, văn minh, toàn dân hạnh phúc, tự do.
Bởi
xét cho tới cùng, nhân bản vị tha là phương cách duy nhất để cho loài người tồn
tại. Sự độc ác, tồi tệ giữa con người với nhau, sự tụt dốc không phanh của văn
hóa chỉ là sản phẩm nhất thời của một thời loạn lạc vô đạo,
khi hệ thống giá trị bị đảo lộn, đồng tiền bất chính lên ngôi, bạo
lực được tôn vinh thành chủ thuyết phát triển, dối trá ăn
vào máu, con người trở nên vô cảm trước tai họa của đồng
bào và Đất nước..
Xin
được cám ơn tiến sĩ Phan Hồng Giang đã dành thời gian quý báu cho độc giả Việt
Nam Thời Báo. Mến chúc ông có được nhiều niềm vui trong cuộc sống.
No comments:
Post a Comment