Monday, December 5, 2016

THAY ĐỔI KHÍ HẬU SẼ NHẤN CHÌM ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ? (David Brown)




Thay đổi khí hậu sẽ nhấn chìm Đồng bằng sông Cửu Long?
(Will climate change sink the Mekong Delta?)
David Brown
Bình Yên Đông lược dịch
04/12/2016

Lời giới thiệu của người dịch: Đây là loạt bài của David Brown, một viên chức ngoại giao làm việc tại Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn trước năm 1975, phân tích về những mối đe dọa mà Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam đang đối mặt. Những mối đe dọa này – dù có thể thấy trước mắt (những dự án phát triển thủy điện và thủy nông ở thượng nguồn sông Mekong) hay chỉ là những suy đoán “mờ mịt” cho nhiều thập niên trong tương lai (ảnh hưởng của thay đổi khí hậu, mực nước biển dâng…) hay là những điều cấm kỵ của chế độ (chánh sách phát triển sai lầm và thiển cận của Hà Nội sau chiến thắng 1975) – là có thật và cần có những giải pháp cấp thời và hữu hiệu để cứu vãn “vựa lúa của cả nước”. Tuy là một nhà ngoại giao, những ý kiến của tác giả khá trung thực và chính xác về mặt khoa học, rất đáng để những người có trách nhiệm hiện nay suy ngẫm và thực hiện.

*
*
Bài viết dưới đây được cộng tác viên của BVN, ông Bình Yên Đông dịch cách đây mấy ngày, nhưng do biết ông David Brown là người cẩn trọng nên chúng tôi chờ dịch giả xin phép trực tiếp. Nay đã có ý kiến của tác giả tán thành cho sử dụng (xin xem 2 thư trao đổi giữa dịch giả và tác giả), nên xin được công bố rộng rãi để bạn đọc tham khảo.

On Fri, Dec 2, 2016 at 10:53 AM, wrote:
Dear Mongabay.com,
I am a retired Water Resources Engineer and was working for the South Vietnam's National Commission on Water Resources in Saigon before 1975.  I am writing to request for the permission from Mongabay.com and Mr. David Brown to translate the Mekong Delta articles into Vietnamese and post them on Vietnamese websites for educational purposes.  The translated drafts are attached for your review.
Thank you very much.
BYD
*
From: Mongabay Rights
To: qmnguyenla
Sent: Fri, Dec 2, 2016 8:56 am
Subject: Re: Permission to translate Mr. David Brown's articles on the Mekong Delta and post on Vietnamese websites for educational purposes
As long as you didn't make any changes to the text and credit and link back to the original article, then we give permission to reproduce this article. 
Thanks!
Tiffany

Bauxite Việt Nam
---------------------------------------


Không có đồng bằng nào trên thế giới bị thay đổi khí hậu đe dọa nhiều hơn. Liệu Việt Nam sẽ hành động kịp thời để cứu vãn?

·         Các nhà khoa học cho rằng mực nước biển dâng lên 1 m vào cuối thế kỷ sẽ khiến cho 3,5-5 triệu cư dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dời chỗ. Mực nước biển dâng lên 2 m có thể buộc gấp 3 số người đi đến vùng cao hơn.
·         Những thay đổi về mưa và lũ lụt cũng đe dọa một trong những môi trường sản xuất nông nghiệp trù phú nhất trên thế giới.
·         Chánh quyền Việt Nam ở Hà Nội hiện nay có trách nhiệm chấp thuận một kế hoạch tổng thể để thích ứng và giảm thiểu thiệt hại (comprehensive adaptation and mitigation plan).

Đây là bài đầu tiên trong một loạt 4 bài phân tích chi tiết nhằm tìm hiểu những mối đe dọa đối với ĐBSCL và làm thế nào để đối phó.

Một thực tế đáng buồn là đã có nhiều thập niên để nói về thay đổi khí hậu nhưng vẫn chưa có những nỗ lực nghiêm chỉnh để thích ứng với hiện tượng hầu như không thể tránh được này. Theo các nhà tâm thần học vì chúng ta là con người. Chúng ta không theo kịp những đe dọa to lớn, phức tạp và diễn biến chậm. Phản ứng theo bản năng của chúng ta là thờ ơ, chớ không hành động. Nghịch lý đó ở trong trí của tôi trong suốt thời gian trở lại ĐBSCL thần thoại và trù phú của Việt Nam, một đồng bằng sũng nước rộng bằng Thụy Sĩ. Đây là nơi sinh sống của 20% dân số 92 triệu người Việt Nam và đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi thay đổi khí hậu và nhân tai, dường như do việc xây đập không ngừng nghỉ trên thượng nguồn sông Mekong.

Samuel Johnson từng nổi tiếng khi nói rằng “không có gì gây ấn tượng cho bằng sắp sửa bị treo cổ”. Đã 9 năm kể từ khi nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới xem ĐBSCL như là một trong những nơi trên hành tinh bị đe dọa nghiêm trọng bởi mực nước biển dâng. Nếu ở nơi khác, tôi tưởng tượng, tôi có thể cảm thấy sự khẩn trương. Tôi sẽ tìm trước những biện pháp thích ứng.

Tôi đã sai. Các bộ trong Chánh phủ Việt Nam, chánh quyền địa phương, chuyên viên ở các trường đại học và tổ chức quân sư Việt Nam, chuyên viên của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á Châu và các chánh phủ ngoại quốc: tất cả đang đưa ra những kế hoạch và chánh sách. Vấn đề là phải lựa chọn những ý tưởng tốt nhất, có quyết định thích hợp và tìm tài nguyên cần thiết để thực hiện một cách chặt chẽ và đúng lúc.

Mọi việc cuối cùng có lẽ đã đến, tôi kết luận sau khi nói chuyện với một số quan chức địa phương, giáo sư, phóng viên và nông dân vào giữa tháng 6. Không ai phủ nhận thực tế của vấn đề. Nhiều người còn liên kết câu hỏi làm thế nào với thay đổi khí hậu với những tranh luận trước đây về những cách tốt nhất để canh tác tốt hơn và nhiều hơn.

Một số người nói chuyện với tôi mong rằng Chánh phủ mới của Việt Nam sẽ tiết lộ chiến lược của Chánh phủ vào cuối năm 2016. Họ hy vọng Hà Nội sẽ làm đúng. Việt Nam là một quốc gia độc đảng. Khi một chánh sách được chấp thuận và truyền xuống, rất khó để thay đổi đường lối. Tuy nhiên, nếu các biện pháp không hợp lý cho 13 tỉnh của ĐBSCL, các đại diện đảng/nhà nước/địa phương có thể không thi hành. Ở Việt Nam, rất thường thấy những viên chức thiếu lương tâm, thực hiện những biện pháp của Hà Nội theo cách thông thường, không có trách nhiệm, và sau cùng, không có kết quả.

Vì nguy cơ rất cao, giả sử rằng chỉ có một câu trả lời đúng: trong vài tháng sắp tới, Hà Nội sẽ chấp thuận một kế hoạch tổng thể để thích ứng và giảm thiểu thiệt hại cho 13 tỉnh ĐBSCL, và các tỉnh đủ hài lòng để thực hiện nó. Ít hơn thế sẽ là một kết quả thảm khốc.

Hình trái: Sông Mekong và lưu vực. Sông bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng ở Trung Hoa, có tên là Lan Thương (Lancang); nó chảy qua Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam. Hình phải: Hạ lưu vực sông Mekong. [Ảnh: Wikipedia and Penprapa Wut/Wikimedia Commons].

Sự thịnh vượng mong manh

Cao độ trung bình của ĐBSCL cao hơn mực nước biển không quá 2m. Hầu hết rất thích hợp để trồng lúa. Nông dân cũng trồng cây ăn trái và dừa và nuôi tôm cá. Thu hoạch của họ phong phú nhờ có lũ lụt hàng năm và hệ thống kinh rạch chằng chịt, đập và cống.

Đó là một môi trường được kiến tạo cao, một xã hội được thủy lợi hóa hiện đại dựa trên thâm canh và cơ sở hạ tầng phản ánh lũ lụt, xâm nhập của nước mặn, giao thông thủy và ngư nghiệp, và cung cấp đủ nước ngọt cho thủy nông [?]. Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng thế. Khi những người Việt đầu tiên định cư ở ĐBSCL cách đây 300 năm, họ đương đầu với địa hình thay đổi bởi gió mùa, bão tố, thủy triều và lũ lụt hàng năm của sông Mekong. Các quan lại triều đình, và sau đó là các kỹ sư thuộc địa người Pháp, đã huy động hàng ngàn người tiên phong để đào kinh dẫn thủy và thoát thủy. Theo thời gian, công việc xây dựng cơ sở hạ tầng được cơ giới hóa. Nhiều thập niên chiến tranh làm chậm việc thuần hóa ĐBSCL, nhưng ngay trong những năm “Chiến tranh Chống Mỹ (American War)” cũng có cải cách ruộng đất và du nhập cái gọi là “lúa thần kỳ (miracle rice)” – một giống lúa có thể cho gấp đôi năng suất nếu có đủ nước, phân và thuốc trừ sâu.

Trực thăng võ trang trên ĐBSCL năm 1967. Ảnh: ManhHai/Flickr.

Các viên chức miền Bắc vào Nam sau khi chánh quyền miền Nam sụp đổ năm 1975 có ý định cải cách nông nghiệp theo kiểu Xô Viết, như họ đã làm ở Đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc. Tuy nhiên, tập thể hóa không mang lại kết quả. Nông dân không chăm sóc những thửa ruộng hợp tác xã giống như họ chăm sóc hoa màu trên đất riêng của họ. Mười năm sau, Hà Nội thừa nhận thất bại của kế hoạch tập trung, tái phân phối đất nông nghiệp và cho phép kinh tế tư nhân hoạt động cùng với các công ty quốc doanh.

Những cải cách gọi là “đổi mới” này đã đưa đến sự phát triển kinh tế đáng ngạc nhiên cho Việt Nam trong ¼ thế kỷ. Đối với ĐBSCL, tiền cho vay và viện trợ từ các quốc gia Tây Phương tài trợ cho việc sửa sang và nới rộng cơ sở hạ tầng thủy lợi. Sự du nhập các loại lúa cao sản, nới rộng diện tích trồng lúa và chú trọng vào việc trồng hai mùa, và nhiều nơi, ba mùa khiến cho sản lượng lúa gia tăng nhanh chóng, từ 7 triệu đến 24 triệu tấn mỗi năm. Việc Việt Nam hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu mở rộng thị trường cho lúa gạo và các nông sản mới – đặc biệt là tôm và cá tra nuôi trong ao hồ.

Dĩ nhiên là có những hoài nghi về tính bền chắc (sustainability) của sự thịnh vượng chưa hề có này. Một số nhà khoa bảng thắc mắc về sự khôn ngoan của việc tập chú không ngừng vào việc độc canh lúa. Họ nói rằng trong những vùng không còn bị ngập lụt hàng năm, cần phải có một số lớn phân hóa học và thuốc trừ sâu để duy trì sản lượng. Nhiều nông dân than phiền rằng Công ty Lương thực miền Nam của nhà nước hưởng lợi từ việc buôn bán lúa gạo của họ trồng. Khi nền kinh tế lương thực của quốc gia chuyển từ khan hiếm qua dư thừa, Hà Nội vẫn tiếp tục chú tâm đến “an toàn lương thực (food security)” – có nghĩa là, ở ĐBSCL, dành riêng hơn ½ đất canh tác cho việc trồng lúa – càng ngày dường như càng lỗi thời.

Nhưng, khi sản lượng lương thực và xuất cảng tăng hàng năm, có thể tưởng rằng thịnh vượng sẽ thường trực với ĐBSCL. Chỉ mong rằng những cảnh báo của các nhà nghiên cứu thay đổi khí hậu, các đập khổng lồ đang được xây cất ở thượng lưu, và lợi tức thấp triền miên của nông dân trồng lúa sẽ không bao giờ đến.

Cồng báo động: tương lai đã đến

Đã nhiều năm, Dương Văn Ni và các công sự ở Đại học Cần Thơ đã cảnh báo mọi người có quan tâm đến những thay đổi của ĐBSCL. Dữ kiện đã có và có tính thuyết phục.

Vào một buổi chiều giữa tháng 6, khi mưa mùa đập trên mái tôn của quán cà phê ở gần trường, Giáo sư (GS) Ni chỉ cho tôi trường hợp (scenario) mà nhân viên của DRAGON (Delta Research and Global Observation Network (Hệ thống Quan sát Toàn cầu và Nghiên cứu Đồng bằng)) đã thực hiện và trình bày với vô số cử tọa. Nó kết hợp hơn 100 năm dữ kiện khí hậu và thủy học với hệ thống GIS (geographic information system) và dữ kiện viễn thám do Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (U.S. Geological Survey (USGS)) cung cấp.

Ảnh ĐBSCL chụp từ vệ tinh của NASA.

Không có một vùng đồng bằng nào – không phải cửa sông Ganges, sông Nile hay sông Mississippi – dễ bị tổn thương hơn cửa sông Mekong đối với những ảnh hưởng thay đổi khí hậu được tiên đoán. Mực nước biển dâng 1 m được dự đoán vào cuối thế kỷ 21st, mọi thứ khác giống nhau, sẽ dời chỗ từ 3,5 đến 5 triệu người. Nếu mực nước biển dâng lên 2 m, và nếu không có những biện pháp đối phó có hiệu quả, khoảng 75% dân số 18 triệu của ĐBSCL sẽ phải dời lên chỗ cao hơn.
GS Ni nói, lượng mưa vào đầu mùa mưa năm nay đã giảm đáng kể, và sẽ có nhiều mưa vào cuối mùa. Đỉnh lũ của sông Mekong giảm 1/3 kể từ năm 2000. Nước từ thượng nguồn chứa ít phù sa để bồi đắp vùng ngập lụt. Khối lượng nước ngọt giảm trong khi mực nước biển dâng cao. Điều nầy khiến cho nước mặn xâm nhập càng ngày càng sâu vào các cửa sông và vùng đất ngập nước ven biển trong mùa khô.
Mô hình của khuynh hướng hiện nay cho thấy nhiệt độ trung bình của ĐBSCL sẽ tăng trên 3 oC vào cuối thế kỷ này. Lượng mưa hàng năm sẽ giảm trong nửa thế kỷ đầu, và sau đó sẽ tăng cao hơn mức trung bình của thế kỷ 20th. Vùng ngập lụt trong mùa thu không thay đổi nhiều, nhưng lũ sẽ không kéo dài.
Mọi thứ khác như nhau, năng suất lúa sẽ tụt giảm khi nhiệt độ tăng lên [?]. Mưa nhỏ trong những tháng đầu của mùa mưa là một thách thức cho sự khéo léo của nông dân. Mực nước biển dâng và lưu lượng của sông giảm sẽ là một thử thách nghiêm trọng cho hệ thống đê biển. Bờ sông và bờ biển ĐBSCL đã vỡ vụn; và nó sẽ tăng tốc. Nông dân không có khả năng đối phó sẽ di cư về phía bắc để tìm việc làm trong ngành kỹ nghệ và xây cất.
Chưa hết. Ở slide 70 (trong số 86 slides) của phần trình bày DRAGON, sự chú ý được chuyển sang việc xây cất đập ở thượng lưu đối với cơ chế thủy học của ĐBSCL. Đối với Trung Hoa, Lào và Thái Lan, tiềm năng thủy điện của sông Mekong dường như là một cơ hội phát triển không thể cưỡng lại được. Có thể tất cả các đập mà họ dự trù sẽ không được xây ngang sông chánh Mekong. Dù có một vài hay nhiều đập, ảnh hưởng của chúng đối với nông nghiệp của Việt Nam và Cambodia sẽ rất tiêu cực. GS Ni, các cộng sự của ông ở Đại học Cần Thơ, và chuyên viên ở các tổ chức khác ở miền Nam đã gióng tiếng cồng báo động trong nhiều năm. Chuỗi đập là mối nguy hiểm gần và dễ thấy hơn, và hiển nhiên thay đổi khí hậu thì không thể dừng được.
Phần trình bày của DRAGON kết thúc với lời kêu gọi hành động. Tương lai ảm đạm nhưng không phải tuyệt vọng nếu những chiến lược thích ứng và giảm thiểu thiệt hại thích hợp được đề ra. Cái mà ĐBSCL cần là: phát triển bền và chắc (sustainable development) dựa trên nền tảng hữu hiệu của an toàn nguồn nước, an toàn lương thực và an toàn xã hội.

Sơ lược về tác giả


David Brown là viên chức ngoại giao từng làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trước năm 1975. Sau đó, ông là nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ ở một loạt nước Đông Nam Á khác. Ông rời nhiệm sở năm 1997 và nay được đánh giá là một chuyên gia về Đông Á cũng như những vấn đề năng lượng quốc tế. David Brown từng trở lại Việt Nam triển khai các dự án giáo dục, bảo tồn môi trường trong nửa cuối của thập niên trước và hiện vẫn đi lại thường xuyên giữa Việt Nam và Mỹ. Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều bài viết phân tích về tình hình biển Đông và về vấn đề thời sự ở Việt Nam trên tờ báo Asia TimesAsia SentinelEast Asia ForumChina Economic QuarterlyAsianomicsForeign Affairs và Yale Global.

B.Y.Đ.
Dịch giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 03:14 




No comments: