Saturday, December 17, 2016

GẶP GỠ ĐẠI CỬ TRI GỐC VIỆT TỪ CHỐI BỎ PHIẾU CHO ÔNG TRUMP (Hoàng Long - VOA)




17.12.2016
.
Anh Vũ Bảo Kỳ (thứ hai, từ trái) đứng cùng với một số người bạn làm việc cho Đảng Cộng hòa và phái đoàn Georgia tại một sự kiện chính sách do công ty luật quốc tế Dentons tổ chức.
.
Những ngày này anh Vũ Bảo Kỳ không khỏi băn khoăn về tương lai sắp tới của nước Mỹ, và anh không cố che giấu điều đó.

Như những người theo Đảng Cộng hòa khác, lẽ ra anh đang rất hoan hỉ mới phải. Đảng của anh vừa thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua: một Tổng thống Cộng hòa sắp sửa dọn vào Tòa Bạch Ốc, cả hai viện Quốc hội đều do phe Cộng hòa kiểm soát, và ở cấp bang phe Cộng hòa áp đảo trong những cơ quan lập pháp và dinh thống đốc khắp cả nước.

Chỉ mới mấy tháng trước, đó là viễn cảnh trong mơ của Đảng Cộng hòa.

Nhưng bây giờ sự lạc quan của anh bị lấn át bởi nỗi e ngại và nghi ngờ về đường hướng của chính quyền mới dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, phần nhiều vì một số nhân vật được chọn vào nội các.

“Đây là những người mà tôi không tin tưởng là họ có đủ lương tâm, nói thật, để lãnh đạo nước Mỹ,” anh nói.

“Lương tâm” là thứ đã khiến vị doanh nhân gần 30 năm gắn bó với Đảng Cộng hòa này đưa ra một quyết định mà không phải quan chức Đảng Cộng hòa nào cũng có thể làm được. Đầu tháng 8 năm nay, anh Bảo Kỳ từ chức đại cử tri của bang Georgia ở miền nam vì không thể chấp nhận người mà đảng anh đề cử để lãnh đạo đất nước.

“Tôi sẽ không bỏ phiếu cho Donald Trump trong cuộc tổng tuyển cử. Tôi không thẹn với lương tâm nhưng tâm hồn tôi đang bị thử thách,” anh Bảo Kỳ viết trong một thông cáo gửi đi vài giờ trước khi từ chức. “Những chiêu trò và hành vi ngu xuẩn của Trump đã củng cố niềm tin của tôi rằng ông ta thiếu sự suy xét, tính khí và phong thái trang nghiêm để lãnh đạo đất nước này… Hãy quên đi sự thiếu tế nhị về mặt chính trị, đây đơn giản là sự mị dân hèn hạ.”

Ngày Bầu Cử, anh viết vào lá phiếu tên Jeb Bush, em trai của Tổng thống George W. Bush và là ứng cử viên Cộng hòa đã bị ông Trump đánh bại trong đợt bầu cử sơ bộ hồi đầu năm nay.

Nếu không từ chức, anh lẽ ra sẽ cùng 537 thành viên khác của Đại cử tri đoàn bỏ phiếu chính thức chọn Donald Trump làm Tổng thống vào ngày 19 tháng 12 tới đây. Ông Trump giành chiến thắng ở bang Georgia, nơi mà lâu nay vẫn ngả theo ứng cử viên Đảng Cộng hòa.

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, anh Bảo Kỳ giải thích quyết định của mình:

“Lúc mà tôi lên tiếng về việc này đó là tại vì tôi thấy có một số sự kiện làm cho mình không đồng ý từ phía ông Trump. Căn bản là những lời ông ấy nêu lên, từ nói xấu ông Thượng nghị sĩ John McCain đến chuyện gia đình Khan có người con là cựu đại úy đã mất [trong một vụ tấn công tự sát] ở bên Iraq, tôi mới thấy đó là lúc mà mình cần lên tiếng để phản đối lời của ứng cử viên lúc đó.”

Những người ủng hộ ông Trump khi đó gọi anh là “nỗi nhục nhã” và cáo buộc lập trường của anh đang giúp ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Nhưng trên trang Facebook của anh, bạn bè chia sẻ những lời khích lệ và cảm ơn.

“Khá lắm Baoky Vu! Anh làm tất cả chúng tôi rất tự hào,” một người viết.

“Những người mà tôi quen biết trong guồng máy chính phủ tiểu bang tại đây, họ ủng hộ tôi dù họ là Đảng Cộng hòa, vì ngay lúc đó họ cũng rất sợ ảnh hưởng của ông Trump với những người ứng cử viên Đảng Cộng hòa lúc đó,” anh Bảo Kỳ cho biết.

Rồi ông Trump bất ngờ đắc cử. Không những ông đánh bại bà Clinton một cách rõ ràng về số phiếu Đại cử tri đoàn mà còn giúp nhiều ứng cử viên Cộng hòa khác đắc cử hoặc tái đắc cử.

Giới lãnh đạo Đảng Cộng hòa, từng ngần ngại trong việc công khai ủng hộ ông Trump, giờ đang dang rộng vòng tay nồng ấm. Ngay cả cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ Đảng Cộng hòa năm 2012 Mitt Romney, một trong những người từng đả kích ông Trump bằng những lời khắc nghiệt nhất, cũng đã ca ngợi ông Trump sau khi bước ra khỏi một cuộc phỏng vấn hồi gần đây cho chức vụ Ngoại trưởng.

Hành trình chinh phục hoàn toàn Đảng Cộng hòa của ông Trump đã hoàn tất. Những người được gọi là cử tri ‘lương tâm’ như anh Bảo Kỳ giờ đối diện với hiện thực mà họ không thể phủ nhận. Anh biết mình phải làm gì: chấp nhận người mà anh từng không thể chấp nhận.

Anh Vũ Bảo Kỳ đứng cạnh Thống đốc bang Georgia Nathan Deal trong một buổi lễ anh nhậm chức thành viên hội đồng quản trị Hệ thống Trường Kỹ thuật của Georgia, ở thành phố Atlanta, bang Georgia, tháng 4 năm 2015.

Kiên định giữa làn sóng dân túy

Anh Bảo Kỳ thuộc thành phần có chủ trương ôn hòa và lối tiếp cận thực tế trong Đảng Cộng hòa. Lập trường của anh về một số vấn đề còn gần với Tổng thống Barack Obama của Đảng Dân chủ hơn là những người bạn đồng đảng của anh trong Quốc hội. Nếu là một nhà lập pháp, anh có lẽ là một trong những người có khả năng giúp mở ra đối thoại, thu hẹp chia rẽ và tạo dựng đồng thuận.

Anh tin rằng công ăn việc làm mất đi phần nhiều là do những tiến bộ của công nghệ làm thay đổi căn bản nền kinh tế chứ không phải sự toàn cầu hóa; rằng di dân bất hợp pháp là nguồn nhân công quan trọng góp phần duy trì đà tăng trưởng cho nền kinh tế Mỹ; rằng ai tuyên bố có thể ngay lập tức bãi bỏ và thay thế Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá phải chăng (Obamacare) thì đó là “lừa bịp”; rằng Đảng Cộng hòa nên chấp nhận hôn nhân đồng tính và rằng hoạt động của con người góp phần đưa tới biến đổi khí hậu.

Nhưng năm 2016 là năm mà cử tri khước từ đường lối trung dung của cả hai chính đảng để đón nhận thông điệp dân túy chống toàn cầu hóa, chống nhập cư của ông Trump. Anh Bảo Kỳ khước từ thông điệp đó, dù việc này khiến anh phải từ bỏ chức vụ mà anh coi là “vinh dự chỉ có một lần trong đời.”

Rời Việt Nam vài ngày trước khi Sài Gòn thất thủ vào tháng 4 năm 1975, cậu bé Bảo Kỳ 8 tuổi cùng gia đình đến Úc sinh sống vài năm trước khi định cư ở thành phố Atlanta ở Mỹ.

Với kinh nghiệm làm việc trong ủy ban cố vấn của Tổng thống George W. Bush về người Mỹ gốc Á và người từ những đảo Thái Bình Dương, anh hiện là chuyên viên về kinh tế-tài chính của một công ty cố vấn chiến lược ở Atlanta. Anh cũng phục vụ trong vai trò thành viên hội đồng quản trị của một số tổ chức địa phương.

Tháng 5 vừa qua, anh được đại hội Đảng Cộng hòa cấp bang bổ nhiệm làm một trong 16 đại cử tri của Georgia sau nhiều năm tham gia sinh hoạt chính trị.

Nhưng gia đình chính là nơi đầu tiên anh tiếp thu những tư tưởng của Đảng Cộng hòa. Ba của anh, 82 tuổi, từng là thành viên hội đồng an ninh quốc gia của Việt Nam Cộng hòa.

“Tôi đã được cơ hội trưởng thành trong môi trường khá cởi mở,” anh Bảo Kỳ chia sẻ. “Ba tôi và má tôi, nhất là ba tôi, đã sinh hoạt trong công cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do tại Việt Nam từ xưa đến nay, nên tôi đã được truyền lại những nguyện vọng và hiểu biết về chính sách của Cộng hòa.”

Tin tưởng sâu sắc vào những lý tưởng của đảng mà Tổng thống Lincoln và Reagan từng lãnh đạo, anh bất mãn trước điều mà anh nói là “một số thành phần quá khích” trong Đảng Cộng hòa đang gây áp lực buộc giới lãnh đạo phải thuận theo đường lối của họ.

“Một số thành phần quá khích trong Đảng Cộng hòa đã lôi kéo dư luận này quá đi về hướng bảo thủ,” anh nói. “Nó đã làm cho những người như tôi, như [Chủ tịch Hạ viện] Paul Ryan, như [Lãnh đạo Khối Đa số Thượng viện Mitch] McConnell, như [Thượng nghị sĩ bang Georgia Johnny] Isakson thấy khó chịu.”

Hệ quả là sự tin tưởng của cử tri đối với truyền thông chính thống xuống thấp đến mức kỷ lục và sự lên ngôi của những tin tức giả trên mạng xã hội. Một phân tích của BuzzFeed News hồi gần đây cho thấy trong số 20 câu chuyện tin tức bịa đặt thu hút nhiều tương tác nhất trên Facebook vào ba tháng cuối trước Ngày Bầu Cử, 17 trong số đó là thông tin có lợi cho ông Donald Trump.

Đó là điều làm anh Bảo Kỳ rất lo ngại. Và đó cũng chính là lý do vì sao anh tỏ ra ngờ vực cựu Trung tướng Michael Flynn, người được ông Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia và là người đã từng đăng lên Twitter một đường link dẫn tới một câu chuyện bịa đặt về sự dính líu của bà Clinton trong đường dây tội phạm tình dục với người vị thành niên. (Ông này mới đây đã lặng lẽ gỡ bỏ dòng tweet này, theo CNN)

Nhận thấy tác động của những tin tức như vậy đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, anh đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết:

“Nếu chúng ta thực sự tin là chúng ta đã là nạn nhân của những tuyên truyền của chế độ cộng sản từ xưa đến nay thì chúng ta cũng phải cẩn thận khi mà bên [Mỹ] này họ cũng có những cơ quan tuyên truyền mà nó có thể phá hoại nề nếp dân chủ ở Hoa Kỳ.”

‘Tiếng chuông cảnh tỉnh’

Cuộc bầu cử đã kết thúc. Những luận điệu gay gắt lúc tranh cử đã lắng dịu. Và không lâu nữa ông Trump sẽ đối diện với thực tế quản lý bộ máy chính quyền mà ông đã tỏ ra sửng sốt về quy mô của nó trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc hôm 10 tháng 11, theo báo The Wall Street Journal.

Anh Bảo Kỳ cảnh báo rằng ông Trump sẽ sớm nhận thấy ông sẽ không thể thực hiện được một số lời hứa của mình và sẽ phải chọn những phương hướng thực tế hơn. Anh nói anh vẫn mong muốn chính quyền của ông Trump và Quốc hội thành công trong công tác đối nội lẫn đối ngoại.

Nếu có thứ gì mà cuộc vận động tranh cử năm 2016 chưa đảo lộn thì đó chính là những lý tưởng Cộng hòa mà anh Bảo Kỳ đã theo đuổi cả đời. Hơn bao giờ hết, bây giờ anh đang ra sức bảo vệ những lý tưởng đó.

“Mỗi cá nhân chúng ta có một vai trò khác nhau,” anh nhấn mạnh, giọng đầy sự xác tín. “Chuyện lên tiếng là rất cần thiết, vì nếu mình không lên tiếng thì nước mình sẽ càng ngày càng xuống.”

“Tôi hy vọng với đồng bào Việt Nam mình hoặc là đồng bào các sắc dân khác họ phải coi cuộc bầu cử này là tiếng chuông cảnh tỉnh để mà họ tích cực tham gia hơn chứ không phải là để họ rút lại và ở trong nhà,” anh nói thêm.

Dưới thời Tổng thống Trump anh Bảo Kỳ nói anh sẽ tiếp tục lên tiếng, nếu có cơ hội.


 


No comments: