Saturday, October 29, 2016

NGA BỊ LOẠI KHỎI HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LHQ (VOA | RFI)




29.10.2016

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 28/10 bỏ phiếu loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, một khiển trách đau đầu đối với quốc gia càng ngày càng bị tố cáo về các tội ác chiến tranh trong hoạt động ở Syria.

Đại hội 193 thành viên bầu chọn 14 thành viên vào Hội đồng gồm 47 quốc gia, cơ quan chính của Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.

Nga, nhận được 112 phiếu, mất chiếc ghế trong khu vực vào tay Hungary, quốc gia được 144 phiếu, và Croatia với 114 phiếu.

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin hạ giảm tầm quan trọng của thất bại này, nói rằng Nga nhiều năm qua đã ở trong Hội đồng và rằng lần tới chắc chắn sẽ được vào lại.

Iraq, Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Trung Quốc, Brazil, Rwanda, Hungary, Cuba, Nam Phi, Nhật Bản, Tunisia, Mỹ và Anh cũng giành được ghế trong Hội đồng.

Các nhóm nhân quyền đã kêu gọi các nước khước từ tư cách ứng viên của Nga và Ả Rập Xê Út, vốn bị tố cáo tấn công bừa bãi vào thường dân ở Yemen.

“Khước từ nỗ lực tái ứng cử của Nga vào Hội đồng Nhân quyền, các nước thành viên Liên Hiệp Quốc đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới điện Kremlin về sự yểm trợ Nga dành cho một chế độ đã gây ra rất nhiều tội ác ở Syria,” ông Louis Charbonneau, giám đốc phụ trách các vấn đề về Liên Hiệp Quốc thuộc tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nói.
----------------------------

Mai VânRFI
Đăng ngày 29-10-2016
.
Các thành viên Liên Hiệp Quốc đang bỏ phiếu bầu Hội Đồng Nhân Quyền ngày 28/10/2016.UN
.
Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 28/10/2016 đã bầu lại 14 thành viên trong Hội Đồng Nhân Quyền. Kết quả đã gây ngạc nhiên khi với một số phiếu rất khít khao, Đại Hội Đồng đã bác đơn của Nga, muốn tiếp tục làm thành viên Hội Đồng Nhân Quyền thêm một nhiệm kỳ nữa.

Thông tín viên RFI, Marie Bourreau từ New York cho biết thêm chi tiết :

Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã gây ngạc nhiên khi bất ngờ bác đơn Nga muốn ở lại Hội Đồng Nhân Quyền. Matxcơva như vậy là đã trả giá cho việc can thiệp vào Syria và cho số phận hàng trăm ngàn thường dân bị kẹt trong chiến dịch bao vậy đông Aleppo.

Nga, Croatia và Hungary tranh nhau hai ghế dành cho Đông Âu. Nga chỉ được 112 phiếu trong lúc Croatia được 114 phiếu và Hungary 144, trên tổng số 193 thành viên Liên Hiệp Quốc.

Mấy hôm trước, hàng chục tổ chức bảo vệ nhân quyền đã kêu gọi Đại Hội Đồng đừng bầu lại Nga cho một nhiệm kỳ thứ hai, tức 3 năm nữa, do việc Nga hậu thuẫn cho chế độ của tổng thống Bachar al Assad.

Dẫu sao đây cũng là một tín hiệu mạnh gởi đến điện Kremlin, cho dù Nga đã nhường chỗ cho Hungary của ông Viktor Orban từng bị chỉ trích gắt gao vì chính sách đóng cửa đối với người tị nạn.

Đó cũng là những nghịch lý của một định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc, cho mỗi thành viên một tiếng nói, mặc dù hàng năm các tổ chức bảo vệ nhân quyền đều lên tiếng tố cáo những vị phạm tệ hại nhất của một số quốc gia được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền.

Hậu quả của việc chọn Trung Quốc, Ai Cập, hay Ả Rập Xê Út vào Hội Đồng rất cụ thể : Các quốc gia này có thể dùng hết sức lực để ngăn chận những nghị quyết, phá hỏng nhiệm vụ các báo cáo viên đặc biệt, hay cấm lập các ủy ban điều tra độc lập về các hành vi vi phạm nhân quyền.
 



No comments: