Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân
Nghĩa, RFA
2016-10-26
2016-10-26
Tuần
qua, Thượng đỉnh thứ tám của khối BRICS đã hoàn tất tại Ấn Độ mà không có đột
phá. Năm quốc gia với nền kinh tế đang phát triển là Brazil, Liên bang Nga, Ấn
Độ, Trung Quốc và Nam Phi, với tên gọi được viết tắt là BRICS, có tham vọng
tăng cường hợp tác và lập ra một trật tự kinh tế mới. Nhưng thực tế kinh tế và
an ninh lại gây ra nhiều trở ngại bất ngờ.
Thượng
đỉnh BRICS lần tám gây thất vọng?
Nguyên
Lam: Ban
Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn
Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau hai ngày làm việc tại khu nghỉ mát thuộc tỉnh Goa của
Ấn Độ, hội nghị của lãnh đạo năm nước có tên gọi tắt là BRICS đã kết thúc hôm
16 vừa qua mà không có gì nổi bật trong bản thông cáo chung. Có một thời mà năm
quốc gia này từng hy vọng là đầu máy kinh tế của thế giới và là cường quốc có ảnh
hưởng với các nền kinh tế đang lên. Thế thì vì sao thượng đỉnh lần thứ tám vừa
qua của nhóm BRICS lại gây thất vọng?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Ngày
xưa, tôi chơi chữ theo Pháp ngữ mà gọi khối kinh tế này là “bric-à-brac” là đồ
tầm tầm. Tuần qua có người cũng chơi chữ theo Anh ngữ, với từ ‘brics’ là gạch,
mà thiếu xi măng! Năm quốc gia này muốn thành lập một khối kinh tế liên kết mà
thật ra thiếu chất keo hợp tác. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu tại sao việc năm
nước có dân số bằng phân nửa của địa cầu, với sản lượng tổng cộng chừng 17 ngàn
tỷ đô la, bằng 30% sản lượng toàn cầu, lại khó trở thành một khối.
Nguyên
Lam: Trước
hết, xin đề nghị ông trình bày lại bối cảnh của sự hình thành nhóm quốc gia có
tên tắt là BRICS và giải thích vì sao ông không đánh giá cao khả năng hợp tác của
họ.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tôi
nghĩ là trong kinh tế học, ta cũng có truyện thần tiên! Số là năm 2001, một
kinh tế gia gốc Anh của một tổ hợp đầu tư Mỹ là ông Jim O’Neill của tập đoàn
Goldman Sachs đề xướng ý tưởng ngộ nghĩnh có lẽ với dụng ý quảng cáo cho việc đầu
tư của họ. Ý tưởng đó là sự xuất hiện của các nền kinh tế "đang lên"
hay đang tiến lên trình độ công nghiệp hóa. Ông nêu tên bốn nền kinh tế lớn của
loại này là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, viết tắt theo Anh ngữ là B.R.I.C.
Sau đó, bốn nước tưởng thật, kể từ 2009 thì hàng năm hội họp với ước mơ lập ra
một trật tự kinh tế mới cho thế giới, rồi qua năm sau mời thêm một xứ khác tại
lục địa Phi Châu là Cộng hoà Nam Phi, từ năm 2011 đó mới có tên chính thức là
B.R.I.C.S.
Sáng
kiến quảng cáo ấy ngộ nghĩnh vì gây ấn tượng các nền kinh tế đang lên có thể
tách khỏi khối công nghiệp hóa để thành đầu máy kinh tế mới cho thế giới và là
năm trung tâm thu hút đầu tư. Truyện thần tiên là 10 năm sau khi phát minh ra
chữ BRIC, các nền kinh tế ấy vẫn lệ thuộc vào đà tăng trưởng của khối Âu-Mỹ-Nhật
và đều bị suy trầm, thậm chí mấp mé khủng hoảng, như trường hợp Nga, Brazil hay
Nam Phi từ vài năm nay. Nhưng khi có kẻ thổi bóng thì các quốc gia này chạy
theo với ảo tưởng sẽ cạnh tranh rồi thay thế trật tự kinh tế do Hoa Kỳ và các
nước Âu Châu lập ra từ sau Thế chiến II.
Nhóm năm cường quốc BRICS. AFP
Nguyên
Lam: Nhưng
thưa ông, sau vụ khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ vào năm 2008 rồi khó khăn triền
miên của khối Euro kể từ năm 2010, thì năm 2014, khối BRICS đã lập ra Ngân hàng
Phát triển BRICS và một Quỹ cấp cứu các nền kinh tế bị khủng hoảng nhằm thay thế
dần vai trò của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ngày nay thì các dự
án đó tiến tới đâu và liệu rằng ước mơ thay thế kiến trúc tài chính và trật tự
kinh tế của họ có thành không mà có người mỉa mai như ông vừa nhắc là mấy cục gạch
thiếu xi măng?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Khi
người ta phát minh ra chữ này thì quả là các nền kinh tế đó đang tăng trưởng mạnh,
dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, và họ thấy là chưa được thế giới nể nang trong
khi các định chế tài chính nói trên vẫn do Tây phương chi phối nên họ muốn là
giải pháp thay thế. Nhưng khi thế giới bị Tổng suy trầm vào các năm 2008-2009
thì cả năm quốc gia đó đều gặp khó khăn, nhất là Nga và Brazil, Nam Phi và việc
khối này đề nghị tung tiền cấp cứu Âu Châu chỉ là chuyện hão. Kết luận đầu tiên
là đà tăng trưởng cao chưa là cơ sở của tích lũy và thứ hai, năm nước chưa thể
mua bán với nhau mà tạo ra sự thịnh vượng chung vì phải tìm bạn hàng ở ngoài.
Ngoại lệ ở đây là Trung Quốc, có mức xuất nhập khẩu đáng kể với bốn nước kia và
có dự trữ ngoại tệ để đề ra sáng kiến thành lập Ngân hàng Phát triển với số vốn
sơ khởi là 50 tỷ đô la. Sở dĩ sáng kiến này có vẻ hấp dẫn vì cho các nước đang
phát triển một nguồn tài trợ khác mà chẳng có đòi hỏi khắt khe như Ngân hàng Thế
giới hay Quỹ Tiền Tệ IMF.
Nhưng
đã nói về bối cảnh thì ta chẳng quên rằng từ năm 2010 Chính quyền của Tổng thống
Barack Obama đồng ý cải cách IMF trong tinh thần mở rộng việc tham gia cho các
nước khác và cuối năm ngoái thì Quốc hội Mỹ chính thức chấp nhận việc cải cách,
nên sáng kiến của Bắc Kinh cũng mất phần hấp dẫn. Rồi IMF còn đồng ý đưa đồng
Nguyên của Trung Quốc vào rổ ngoại tệ gọi là Quyền Đặc Trích SDR từ đầu Tháng
10 này, khi ấy, các nước còn lại, nhất là Ấn Độ, thấy việc hợp tác với BRICS
chưa hẳn là có lợi về kinh tế lẫn tư thế ngoại giao hay cả an ninh trong khi đối
thủ lâu đời là Trung Quốc lại có vẻ giữ thế thượng phong.
Nhiều
mâu thuẫn?
Nguyên
Lam: Như
vậy, thưa ông, phải chăng dự án BRICS thành hình trên hai nền móng, thứ nhất là
hợp tác kinh tế cho sự thịnh vượng chung và thứ hai, đáng kể không kém, là lập
ra một thế đối trọng với định chế quốc tế do các nước Tây phương thành lập từ
sau Thế chiến II?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Thưa
đúng như vậy và cả hai mục tiêu ấy đang thành viển vông.
Sau
giai đoạn tăng trưởng mạnh thì kể từ 2008, năm quốc gia này đã rẽ qua hai ngả.
Ba nước Brazil, Nga và Nam Phi đều bị suy thoái và đồng bạc sụt giá nặng so với
Mỹ kim, còn lại chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ là còn có tăng trưởng. Nhưng sự khác
biệt trong cấu trúc kinh tế mới cản trở nỗ lực hợp tác hay hội nhập và từng nước
đang có mục tiêu thương mại và đầu tư riêng, nhắm vào các thị trường ở ngoài khối.
Vì vậy, sáng kiến của Bắc Kinh tại thượng đỉnh là thành lập một khối mậu dịch tự
do giữa năm nước qua một Hiệp ước Thương mại lại chẳng được các nước hưởng ứng.
Ngoài ba nước bị khủng hoảng là Brazil, Nga và Nam Phi, chỉ có Trung Quốc và nhất
là Ấn Độ còn sức tăng trưởng, nhưng Trung Quốc cần xuất khẩu và sẵn sàng đổ
hàng rẻ vào bốn nước kia thì khối BRICS lập tức tan rã và Nam Phi có thể xin
triệt thoái trước tiên!
Nền
móng hợp tác thứ hai là trở thành một thế lực đối trọng với các định chế do Tây
phương thành lập từ sau Thế chiến II thì lại càng viển vông hơn. Định chế quốc
tế số một là Liên hiệp quốc thì có Hội đồng Bảo an với năm thành viên thường trực
có quyền phủ quyết là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Tầu. Nếu muốn cải cách kiến trúc quốc
tế thành hình từ 70 năm trước thì vì sao Bắc Kinh không cải tổ Liên hiệp quốc
và nhận Ấn Độ làm thành viên thứ sáu của Hội đồng Bảo an? Ta nhớ là Tháng Chín
vừa qua, Thủ tướng Nhật là Shinzo Abe cũng lên tiếng yêu cầu cải cách Liên hiệp
quốc, và việc nước Nhật, với kinh tế có sản lượng đứng hạng ba sau Mỹ và Tầu, lại
chẳng được nhận là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an cũng là điều
không thỏa đáng. Tức là khối BRICS muốn cải cách cấu trúc quốc tế nhưng có
thành viên vẫn duy trì những gì có lợi cho họ và trong năm nước này, Nga và Tầu
trong Hội đồng Bảo an lại là hai nước chưa có dân chủ! Tội gì mà họ thay đổi
theo yêu cầu của ba nước còn lại?
Nguyên
Lam: Khi
ấy, thưa quý thính giả, người ta còn thấy một sự khác biệt quan điểm khá trầm
trọng giữa lãnh đạo ba nước Nga, Tầu và Ấn khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi muốn
nêu đích danh một tổ chức khủng bố xuất phát từ Pakistan đã vừa tấn công thị trấn
Uri tại khu vực Kashmir của Ấn Độ mà ông Modi gặp sự cản trở của Tổng thống
Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình. Nếu vậy, thưa ông, làm sao khối BRICS
có thể hợp tác sâu xa hơn về an ninh?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Chuyện
này quả thật rắc rối và cho thấy nhiều mâu thuẫn bên trong.
Số
là hôm 18 tháng trước, bốn tên khủng bố của lực lượng Jaish-e-Mohammed, tức là
đạo quân của Mohammad, đã từ khu vực Kashmir của Pakistan lẻn qua tấn công một
đồn binh của Ấn. Các nước trên thế giới đều lên án hành động này và tổ chức
Jaish-e-Mohammed đã bị Liên hiệp quốc cùng nhiều nước khác xếp vào danh mục khủng
bố mà thực tế thì vẫn được Pakistan bao che, nhưng nhóm BRICS tránh đả kích tổ
chức khủng bố tại Pakistan trong thông cáo chung. Về lịch sử thì Ấn Độ và
Pakistan có hiềm khích từ lâu đời, và Nga là đồng minh của Ấn từ thời Liên Xô,
còn Pakistan là đồng minh của Trung Cộng. Riêng hai nước Tầu và Ấn cũng có mâu
thuẫn nặng và năm 1962 giao tranh quân sự Ấn-Hoa đã bùng nổ và tình trạng đối
nghịch ấy vẫn còn. Ngày nay, Trung Quốc vẫn muốn bênh Pakistan và Nga giữ thái
độ hữu nghị với Ấn để bán võ khí và vừa ký một hợp đồng trị giá gần 11 tỷ đô la
tại Thượng đỉnh của nhóm BRICS, nhưng tránh làm Pakistan mất lòng vì, như Bắc
Kinh, Nga cũng muốn sử dụng quân cảng Gwadar có nước sâu của Pakistan tại Ấn Độ
Dương.
Trong
khi ấy, các nước của Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á hay SAARC, như Afghanistan,
Bhutan và Bangladesh, lại ủng hộ Ấn Độ và từ chối dự Thượng đỉnh SAARC vào
tháng tới tại thủ đô Islamabad của Pakistan. Cùng Thượng đỉnh BRICS, Ấn Độ cũng
tổ chức hội nghị của Sáng kiến Vịnh Bengale về Hợp tác Đa ngành Kỹ thuật và
Kinh tế, gọi là BIMSTEC, gồm các nước Nam Á và Đông Nam Á là Bangladesh, Ấn Độ,
Sri Lanka, Bhutan, Nepal, Thái Lan và Miến Điện. Ngược với nhóm BRICS cố tránh
chuyện khủng bố, các nước kia, kể cả Thái Lan, cũng đều có cùng quan điểm với Ấn
Độ.
Nguyên
Lam: Như
vậy, người ta thấy Ấn Độ lại bị cản trở ngay trong nội bộ của nhóm BRICS trong
khi quan điểm của mình lại được các nước bên ngoài ủng hộ. Gặp hoàn cảnh đó,
làm sao năm quốc gia này lại có thể hợp tác gắn bó hơn về các lĩnh vực ngoài
kinh tế?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tôi
không nghĩ rằng sẽ có sự hợp tác sâu xa về an ninh hay ngoại giao, mà hợp tác
kinh tế thì giới hạn và hội nhập kinh tế thành một khối tự do mậu dịch thì xa vời,
trong khi từng nước như Nga hay Ấn có khi lại muốn mở rộng giao dịch với kinh tế
Nhật, Đức, Mỹ, Anh hoặc Nam Hàn. Còn lại thì chỉ có hai chương trình khởi động
từ hai năm nay là có hy vọng. Đó là Ngân hàng Phát triển BRICS với 100 tỷ vốn
và vài dự án đã được tài trợ và Quỹ cấp cứu có 100 tỷ đô là cho các nước nhất
thời cần thanh khỏan bằng ngoại tệ. Năm nước chưa thể xé chiếu ngồi riêng,
nhưng chỉ hợp tác với nhiều nghi ngại và đáng nghi ngại nhất là Trung Quốc cho
hai lân bang kia là Nga và Ấn Độ. Kết luận thì năm hòn gạch thiếu xi măng chỉ
là cái bệ cho các lãnh tụ hàng năm gặp nhau để nói thách và ngã giá, chứ mục
tiêu tranh đua với các nước Tây phương chỉ là ảo giác tốn kém và vô bổ.
Nguyên
Lam: Ban
Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn tuần
này.
No comments:
Post a Comment