Quá
nửa đêm, tôi rời trang sách. Đèn tắt. Chợt có chuông điện thoại làm
giật cả mình. Bởi, những cú gọi như thế này, đều là chuyện cần
kíp và gây sốc cả. Vẫn cái giọng trong veo nửa nam, nửa bắc của nó,
gọi cho tôi trước đây tám tháng từ London, báo tin ba nó mất. Tôi chưa
kịp hỏi, nó đã bảo, cháu chuyển hướng sang làm ăn ở Tiệp, hôm nào
rảnh sẽ sang Đức và đến thăm chú. Vậy là, nó không thể bỏ được công
việc cực kỳ tai hại và nguy hiểm. Cái công việc ba nó đã phải bỏ
cả cái mạng sống của mình. Mọi sự ngăn cản, khuyên giải lúc này
với nó hình như đã quá muộn chăng? Không! Tôi vẫn không nghĩ như vậy.
Bởi, nó còn rất trẻ, đường đi còn dài đang ở phía trước.
Tuy
chưa muốn, nhưng tôi vẫn buộc phải viết lại câu chuyện này. Không chỉ
để nhớ lại một người bạn lớn tuổi, cả cuộc đời luôn lầm lạc đường
đi, lối về, vừa đi vào cõi vĩnh hằng. Mà tôi còn hy vọng con hắn
đọc được và hiểu, rời xa vết xe đổ của người cha mình. Dù tất cả
đã đi vào quá khứ, với dĩ vãng buồn, nhưng nó là những cái chết
đã được báo trước cho mọi người, cho mọi thế hệ…
Không
hiểu bằng cách nào, Phạm Văn tìm được số điện thoại và liên lạc
với tôi, sau hơn ba chục năm bặt vô âm tín. Biết tôi đã có lịch nghỉ
hè ở đảo Tenerife (Tây Ban Nha) hắn hẹn, sẽ gặp nhau ở đó. Bởi, sống
ở London đã mười mấy năm, nhưng hắn cũng chưa từng đến Tenerife.
Chiều
hoàng hôn, biển chuyển dần sang màu xanh thẫm. Gió ngoài khơi nhẹ
thổi, nhưng cũng đủ kéo những cánh buồm xa về bến. Sóng vẫn trườn
lên, từ trên cao nhìn xuống, bỗng có cảm giác, biển chiều nay trầm
lặng và sâu hơn. Cái nắng quái bất chợt rọi thẳng vào những ngôi
nhà treo trên sườn núi. Và bên kia của núi đá có những chùm phượng
vỹ cài màu hoa đỏ vào từng con phố nhỏ, chạy quanh dải cát dài.
Đảo Tenerife như một bức tranh khổng lồ đang rọi mình xuống lòng đại
dương.
Tôi
và Phạm Văn trèo tít ra những mỏm đá hình vòng cung. Có lẽ, đây là
dãy đá nhân tạo ngoài khơi, nhằm chắn sóng dữ cho bãi tắm phía
trong. Đàn chim đã quay về tìm tổ, gật gù trong những hốc, khe đá.
Sóng dưới chân vỗ vào kè đá kêu ồm ộp. Chúng tôi lặng im trước cái
yên bình của biển cả. Ngoài kia đoàn tàu thả neo, đèn vừa được bật
sáng, nhìn như ngôi nhà cao tầng giữa thành phố xanh. Đột nhiên Phạm
Văn quay lại bảo tôi:
-
Ông chưa biết đấy thôi, nơi đây chưa hẳn đã đẹp hơn bãi biển Bình Minh,
Thăng Bình, Quảng Nam quê tôi.
-
Tôi cũng nghĩ vậy, nơi đây đẹp bởi có bàn tay của con người. Năm 2006
tôi có đến một số bãi biển miền Trung và kể cả An Bàng của Hội An,
nhận ra sự tàn phá của con người. Sau đó, đến Công ty xây dựng Tam Kỳ
tìm ông, nhưng họ nói, ông đã chuyển lên Ủy ban nhân dân tỉnh. Tôi lại
lọ mọ đến đó, được biết ông đã thôi việc, ẵm cục tiền chuồn sang
London.
Phạm
Văn trầm ngâm, rồi hỏi: Ông có tin, con người sinh ra đều có số phận
đã định… khó cưỡng lại không?
Tôi
buột miệng: Tôi cũng tin như vậy, tuy nhiên không thể gán những việc
làm sai trái, tội lỗi một cách có hệ thống là số phận.
Có
lẽ, câu nói vô tình của tôi đã động chạm làm Phạm Văn phật ý. Tuy
không phản ứng, nhưng nhìn khuôn mặt hắn, cảm giác có một chút đổi
màu. Thấy không khí có vẻ gượng gạo, và hơi nặng nề, tôi bảo, chúng
ta quay về kiếm cái quán nào ngồi thôi, ngoài này gió đã nổi lên
rồi.
Đã
bước vào cái tuổi lục tuần, nhưng phải nói, Phạm Văn rượu bia vẫn
còn khí thế như thuở nào. Rượu vào lời ra, quả thật các cụ nói
cấm có sai. Mới được vài tuần nhấc lên hạ xuống, thế mà hắn nói
liên chi hồi điệp. Chuyện quá khứ, chuyện trên giời dưới biển… tưởng
như hắn đã trở thành con người khác. Đang thao thao bất tuyệt, đột
nhiên hắn hỏi:
-
Này, Đỗ Trường còn nhớ cái vụ tớ với thằng Thăng hồi ở Thái Nguyên
không nhỉ?
-
Sao lại không! Cũng vì các ông, tôi mang bộ mặt sưng nắm đấm về, bị
bà bác mắng cho một trận. Thằng ấy, bây giờ thế nào rồi?
-
Nó là Đinh La Thăng, Bộ trưởng giao thông bây giờ.
-
Hèn chi, nhìn ảnh thằng này, tôi thấy quen quen, nghĩ mãi không ra.
Thế từ sau trận đó, ông có gặp nó không?
-
Mãi sau này mới gặp lại, khi nó đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị
Tổng ty Sông Đà, tôi mới trưởng phòng. Nhận, nhớ ra nhau, nhưng không
nhắc lại chuyện cũ. Ông cũng nhớ dai ra phết nhỉ…
Năm
1982, tôi bỏ việc nhà nước. Thấy tôi trở thành kẻ vô công rồi nghề,
bà bác ruột ở 88 Hàng Bạc (HN) đưa tiền và bảo lên Thái Nguyên gom
hàng vải, để đóng chuyển vào Sài Gòn. Quá trưa quanh quẩn ở chợ, và
các mối quen, tôi đã mua gần xong, gửi tạm nhà người bạn hàng của
bác, chiều tìm xe chở về Hà Nội. Đói bụng, tôi vừa chui vào hàng
cơm, chưa kịp gọi đồ ăn, thấy Phạm Văn ngất ngưởng đi vào. Nhận ra
tôi, hắn có vẻ mừng lắm, dù mới quen, và gặp nhau mấy lần. Hắn cho
biết, đang thực tập ở nhà máy gần đây, vừa về trường (ĐH Bách Khoa)
lãnh lương và tiền thương tật lên. Có tiền đây, chúng ta nhấc lên,
nhấc xuống cho vui. Tôi bảo, ăn thôi, không uống được vì còn phải mua
tiếp hàng cho bà bác, chiều tối về Hà Nội. Hắn cười văng tục:
-
Đù má, mấy khi gặp ông, mà trong túi tôi rủng rỉnh, không ít thì
nhiều làm với nhau một vài choác.
Không
cãi được hắn, tôi buộc phải uống... Ăn uống, trò chuyện thế quái
nào, khi sực nhớ tới công việc, thì trời đã về chiều. Đứng dậy, tôi
thấy người quay quay, hắn bảo:
-
Ông ngất ngất thế này, về thế nào được. Thôi, đến chỗ tôi nghỉ ngơi,
sáng mai mua hàng cho xong, rồi về sớm.
Khi
tôi tỉnh dậy trời đã tối, đầu vẫn còn váng nhức, bụng đói cồn
cào. Phạm Văn dẫn tôi ra phố ăn cháo. Lúc quay về, đi qua khu tập thể,
hắn bảo tôi đứng chờ. Hắn vào phòng tầng một, ngay chân cầu thang.
Lúc sau, hắn cùng một thanh niên trẻ, trạc tuổi tôi, dáng đậm chắc,
có khuôn mặt khá bầu bĩnh, đi ra. Khi đi ngang qua, tôi hỏi, không thấy
trả lời, chỉ nghe cả hai lẩm bẩm gì đó. Thấy lạ, tôi đi theo sau.
Vừa đến chỗ khuất, hai người lao vào nhau đấm đá túi bụi, làm tôi
ngớ cả người. Tuy lớn tuổi hơn và đã bị thương ở chiến trường, chân
bước thấp, bước cao, nhưng có lẽ có nghệ, nên người thanh niên trẻ bị
dính khá nhiều đòn của Phạm Văn. Bị đau, nhưng người thanh niên ấy
còn khỏe lắm, vẫn lao vào tấn công, có lúc Phạm Văn cũng chới với
như trực ngã. Thấy không thể can bằng miệng, tôi xông vào cản hai
người, cũng bị dính ngay nắm đấm xượt vào mặt. Tuy dừng tay, nhưng
cả hai réo tên nhau chửi, thách thức. Lúc đó, tôi mới biết người
thanh niên đó tên Thăng (Đinh La Thăng) sinh viên trường ĐH Tài chính.
Hình như cũng đang thực tập ở Thái Nguyên? Lúc sau, thấy một cô gái
khá xinh xắn hốt hoảng chạy ra, tôi mới hiểu hai gã đánh nhau bởi
đàn bà. Bực mình, trước khi bỏ đi, tôi thốt ra câu thật tục:
-Vớ
vẩn! Đ.m các ông tiếp tục đánh nhau nữa đi…
Nghe
tôi nhắc lại chuyện cũ, Phạm Văn cười khùng khục: Tôi phục trí nhớ
của ông. Nhưng dù đi đâu, và trong hoàn cảnh nào, cũng rất cảm ơn ông
đã giúp làm sạch đẹp hồ sơ, học bạ của tôi. Nếu không, có lẽ tôi
chỉ là thằng lon ton, xách dép.
Rượu
vào, trong người đã hơi tưng tửng, tôi cười hịch toẹt với hắn: Đến
bây giờ tôi hơi bị ân hận, vì đã góp phần tạo điều kiện cho một tên
đục khoét, ăn tàn phá hoại đất nước như ông.
Tu
cạn chai bia trước mặt, hắn cười lớn, văng tục: Đù má, tôi không múc,
có nhiều thằng (tôi) khác húp hít, đục khoét tàn bạo hơn. Như Nguyễn
Xuân Phúc Phó thủ tướng, đồng tuổi, cùng quê, cùng học sinh miền Nam
tập kết, mẹ tôi, mẹ nó là đồng chí cùng chết trong chiến tranh. Tôi
quay lại chiến trường, thành thương binh, công lao còn hơn nó, rồi cùng
làm ở ủy ban tỉnh. Như ông đã thấy, tài sản, ngân hàng, nhà cửa,
đất đai của nó không chỉ có ở trong nước. Ngoài ra, nó còn được núp
bóng dưới tên anh em, chú bác cô dì khác. Và thằng này cũng chưa
phải là con sâu béo nhất đâu nhé. Tôi chưa là cái đinh gỉ, một con
tép riu…thôi uống đi ông bạn, trách mắng nhau làm gì.
Tôi
ù cả tai nghe hắn phân tích, giải thích. Bất chợt, nghĩ đến kỷ niệm
của một thời đã qua làm tôi thoáng buồn…
Phạm
Văn quê quán huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Vừa lọt lòng, ba tập kết ra
Bắc, hắn ở lại quê cùng mẹ, một nữ du kích địa phương. Đang học lớp
hai, thì hắn mồ côi. Bởi, mẹ hắn bị quân đội Việt Nam Cộng Hòa bắn
chết, trong một trận giao tranh ở vùng Quế Sơn. Đồng đội ba mẹ đã đưa
hắn về nuôi dưỡng. Thời gian sau, họ đưa hắn ra Bắc đoàn tụ với ba.
Khi đó, ba hắn sống, làm việc ở thành phố Nam Định và đã có gia
đình mới. Không thể sống được với bà mẹ kế, hắn vào trường học
sinh miền Nam ở Đông Triều, sau đó chuyển về Thái Bình.
Năm
1973, đang học năm cuối trung học, Phạm Văn xung phong vào bộ đội. Từ
đây, hắn được huấn luyện thành lính trinh sát đặc công, và hành quân
về Nam như ước nguyện. Chưa kịp về đến quê, mới đánh đấm mấy tháng
ở mặt trận Kontum, hắn đã bị thương nặng và lại phải đưa ngược ra
đất Bắc.
Mấy
năm gắn chặt với trại thương binh Duy Tiên, Phạm Văn cảm thấy vô vị,
và muốn đi học lại. Đầu năm 1977, hắn chuyển về Trường văn hóa thương
binh Nam Dương, Nam Ninh, Nam Định. Và cùng năm, hắn thi đại học được 23
điểm. Không cần cộng điểm ưu tiên thương binh, hắn đã thừa điểm du học
nước ngoài. Nhưng cái số bốc đất, sau này quen thân, hắn hay nói với
tôi như vậy.
Trong
khi chờ đợi kết quả thi, Phạm Văn về thăm quê, sau hơn mười năm xa
cách. Thương thằng cháu côi cút, ông cậu ở Đà Nẵng cho cái xe gắn
máy. Hắn khoái lắm, mang ra bắc chạy phành phạch, diễu qua lượn lại,
làm cho các cán bộ tổ chức Trường văn hóa ngứa cả mắt. Rình đúng
lúc hắn đi chơi đêm về, chui vào bể nước ăn tắm trộm, bảo vệ nhảy ra
bắt sống. Thế là, cửa du học nước ngoài với hắn đã bị khóa chặt.
Với hạnh kiểm, đạo đức ấy, cửa học trong nước còn phải xét nhé.
Hiệu trưởng lừ lừ nhìn hắn, nói như vậy. Hắn không buồn, cũng chẳng
vui, không xin xỏ, hay cầu cạnh. Tàng tàng, ngang ngang thời trẻ, tính
hắn là thế.
Bộ
giáo dục và Bộ thương binh nâng lên, vật xuống mãi, cuối cùng xét
thấy: Bản thân Phạm Văn là thương binh, học giỏi, có mẹ liệt sĩ, bố
thương binh chống Pháp và Mỹ, nên đặc cách cho vào học ngành máy
điện, khóa 22 Trường Đại học bách khoa Hà Nội…
Đêm.
Tenerife như một con tàu bồng bềnh trôi trên biển. Ngoài kia ngọn hải
đăng đang dần đẩy bầu trời lên cao. Và gió dường như thổi chậm lại.
Quán thưa dần khách. Mờ mờ những con sóng chỉ gợn lên như nét vẽ
màu chì. Phan Văn kéo chiếc ghế lại gần để gác chân lên. Có lẽ, hôm
nay đi bộ nhiều, vết thương cũ làm hắn đau. Nhìn hắn, tự nhiên tôi
liên tưởng đến một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết của Đức (?) tôi
đọc đã rất lâu rồi, (hình như) do Phạm Khắc Toàn chuyển ngữ?. Thấy
tôi cười, Phạm Văn đẩy chai bia về phía tôi:
-
Cười gì, uống đi!
-
Có lẽ, sau này ông chết, nếu tôi còn sống, sẽ viết về ông đấy!
-
Ông thích thì viết đi, viết cho thật, chửi tôi cũng được, cần gì
phải đợi đến lúc chết. Chết rồi đọc thế quái nào được.
-
Mà này, cái chuyện vào K22 ra K23 hồi học ở Bách Khoa của ông là như
thế nào ấy nhỉ?
-
Úi chà chà, lãng nhách, rất vớ vẩn. Tức là vào học khóa 22 rồi
bị đình chỉ, rớt xuống học cùng khóa 23. Chuyện như thế này, tôi có
thằng bạn thân, quê ở Nghĩa Bình, Nghĩa Hưng, Nam Định. Nó là công an
thuộc đội thi hành án tử hình thuộc Sở công an Hà Nội. Cái nghề ma
ám này, cứ thằng nào dính vào không trước thì sau cũng gặp tai nạn,
hoặc tù tội. Thời công an giao thông đứng đường còn đói thối cả
miệng, thì mấy thằng trong đội xử bắn hẻo tới mức nào. Một lần nó
xuống Trường C500 hay trường nghiệp vụ gì đó ở Thanh Xuân chơi. Thấy
súng để trông ngon lành quá, đang đói và chuẩn bị cưới vợ, trong túi
không có lấy một xu, nó làm liều. Thế là súng được mua đi bán lại
vào tay bọn cướp. Sau đó, chúng bị bắt và lòng vòng khai ra nó. Bọn
điều tra nghĩ, tôi là đồng phạm, đến bắt tống vào tạm giam. Mấy
tuần điều tra, không có chứng cớ, chúng phải thả tôi. Nhưng cái đểu,
và dã man nhất, biết tôi vô tội, chúng không cho một tờ giấy chứng
nhận giải oan hay thanh minh. Do vậy, tôi luôn luôn trong tình trạng bị
nghi ngờ trước con mắt mọi người, nhất là nơi học đường. Nếu tôi
không phải là con em miền Nam, và là cán bộ, thương binh, chắc chắn
sẽ bị đuổi học. Cái thằng bạn tôi cũng khổ, vừa đi tù, con vợ chưa
cưới làm công nhân nhà máy Dệt Kim Đông Xuân bỏ ngay đi xuất khẩu lao
động ở Đức. Từ ngày đó tôi bặt tin nó. Không biết nó còn sống hay
đã chết.
Tôi
lặng yên, nhìn vào đôi mắt đang thực sự xúc động của Phạm Văn. Có
lẽ, giờ này hắn đang trở lại con người thật của mình. Và tôi tin,
lâu lắm rồi, hắn mới tìm lại được những cảm xúc ấy…
Phạm
Văn không biết đá bóng, nhưng lại thích xem. Tôi biết hắn, bởi cùng đi
cổ vũ cho mấy ông bạn quần đùi áo số Vũ Thiên Tuấn, Nguyễn
Giang…khoa cơ khí, khóa 23 Bách Khoa. Nhưng đến khi Đặng Huy Đăng (là
cháu mẹ tôi, một nhân vật trong truyện Nguyện Ước Cuối, tôi viết gần
đây) dẫn hắn đến nhà, tôi mới chuyện trò, làm thân với hắn.
Năm
học cuối Phạm Văn gắn chặt với tôi hơn, bởi bạn hắn Đặng Huy Đăng đã
ra trường và đi làm, chỉ còn mình hắn giúp tôi vận chuyển máy khâu
từ Hải Phòng về Hà Nội. Tuy vất vả, nhưng hắn có đủ tiền để trang
trải cho nợ môn (học) và làm đồ án tốt nghiệp. Hôm nhận được quyết
định từ Bộ Xây Dựng về Sở xây dựng Quảng Nam- Đà nẵng, hắn mang học
bạ, lý lịch đã được trường ĐH Bách Khoa niêm phong (dán xi) đến nhà
tôi. Biết tôi có khả năng vẽ vời ba lăng nhăng, hắn nhờ mở niêm phong,
xem trộm hồ sơ, trước khi vào "trận chiến" mới. Tôi ngạc
nhiên hỏi: Bây giờ ông biết sợ rồi à? Hắn cười bảo: Đủ rồi, bây giờ
đã đến "Tam thập nhi lập".
Thật
ra, đó là bì thư xám, làm từ giấy của bao xi măng, nhỏ như cuốn
sách. Thời nghèo hèn đói kém, xi niêm phong cũng đểu, kém chất
lượng, chỉ cần hơ nóng chút, xi rời hết cả ra. Học bạ thời học sinh
miền Nam và lý lịch quân nhân của hắn đều sạch sẽ cả. Điểm thi đại
học và tờ quyết định kỷ luật của Ty thương binh tỉnh Hà Nam Ninh
được đính kèm. Tôi bóc, vứt bỏ tờ quyết định kỷ luật, chỉ giữ lại
giấy báo điểm thi đại học. Cái khó nhất là học bạ lời phê (đại ý)
Phạm Văn bỏ thi học kỳ, nợ môn. Lý do công an tạm giữ, buộc phải
chuyển xuống học khóa 23, với chữ ký của Giáo sư Nguyễn Đình Trí,
phó hiệu trưởng Trường đại học bách khoa. Tuy nhiên, cũng có một
chút may mắn, người viết lời phê đó bằng bút mực. Do vậy, một đêm
thức trắng, tôi cũng hoàn thành được cho hắn, với nội dung: Phạm Văn
bỏ thi, nợ môn, phải học lại khóa sau, lý do nằm viện, bởi thương
tật tái phát.
Phạm
Văn dường như đã dứt được cơn xúc động, giật giọng hỏi tôi:
-
Ông nghĩ gì mà đần cả mặt ra vậy?
-
Tôi đang nghĩ về con người. Trong chế độ xã hội hiện nay, con người
như có ma đưa đường, quỷ dẫn lối, nên ngày càng tà tâm. Chức tước
càng lớn, tính ma, tâm quỉ càng nhiều.
Hắn
nhếch mép cười:
-
Ông cứ nói phét. Trên địa vị, hoàn cảnh đó ông cũng phải làm như
vậy thôi. Bằng không cái guồng máy ấy, nghiền ông nát ra như cám. Mà
cái lòng tham của con người, từ xưa đến nay có thằng chó nào bỏ
được.
-
Biết là thế, nhưng bán đất, phá rừng, bán cả thể xác lẫn linh hồn,
cùng với sự tàn nhẫn, lưu manh hóa của con người, chỉ thấy có ở
trong chế độ hiện hành. Điều này chưa một lần xảy ra, khi ngoái lại
nhìn chiều dài lịch sử của dân tộc. Mấy nhà máy thủy điện Sông
Tranh 1, 2 hoặc A Vương ở Quang Nam quê ông là những ví dụ. Mấy chục
năm làm ở sở xây dựng, rồi đến đầu tư, quản lý khu công nghiệp, chắc
chắn ông biết rõ hơn ai hết.
Trầm
ngâm một lúc, Phạm Văn bảo:
-
Ông nói có phần đúng. Tôi phải ra đi cũng từ những vấn đề xảy ra,
khi xây dựng nhà máy thủy điện A Vương.
Nghĩa
là sao? Tôi hỏi hắn:
-
Như đã nói, tôi gặp lại Đinh La Thăng một lần duy nhất, khi họp bàn
dự án nhà máy thủy điện A Vương. Ban đầu tưởng Tổng công ty Sông Đà
của nó nhúng tay, nhưng sau này tôi cũng không hiểu tại sao, lại do
công ty Lũng Lô, Bộ quốc phòng và Công ty xây dựng thủy lợi 4 đảm
trách. Tuy nhiên, như ông đã biết, bất cứ công trình nào chẳng bị xúm
vào véo vặt, chia nhau. Thủy điện A Vương cũng như Sông Tranh…không
ngoại lệ. Chia chác vừa xong, còn chưa kịp chùi miệng, đánh đùng một
phát, có thằng đến móc họng. Những thằng đầu to, họng lớn nó không
động, tôi chỉ là thằng trưởng phòng, tép riu bị móc đầu tiên, thế
mới cay chứ. Nghe mấy thằng xây dựng Lũng Lô nói, có thế lực bên
ngoài rất nặng cân chọc ngoáy. Tự nhiên tôi nghĩ đến Đinh La Thăng. Lẽ
nào nó thù nhau dai đến như vậy?
Tôi
cắt ngang lời Phạm Văn:
-
Tôi không nghĩ, Đinh La Thăng làm cái chuyện thù vặt, nhỏ nhặt ấy. Nhưng
Sao ông không tìm đến Nguyễn Xuân Phúc đang là chủ tịch tỉnh lúc đó?
-
Nếu Thăng nó chọc, Phúc không đỡ được. Các cụ nói: Mạnh về gạo,
bạo về tiền. Cả hai thứ đó Quảng Nam đều yếu, thì tiếng nói Nguyễn
Xuân Phúc nhẹ lắm. Hơn nữa, Phúc không phải là người có tài, có
tình. Nguyễn Xuân Phúc lên phó thủ tướng, và sau này còn có thể là
Thủ tướng do hoàn cảnh, thời vận, một giải pháp hòa hoãn như Nông
Đức Mạnh, một nhân vật hãm tài, đột nhiên lên Tổng bí thư trước đây.
Do vậy, tôi buộc phải làm con tốt thí, không thì liên quan đến nhiều
thằng, dây rợ lằng nhằng lắm. Con đường duy nhất của tôi, sẽ được
bảo toàn tính mạng, tài sản, đưa vợ con sang London ở với thằng con
đầu đang học đại học ở đó. Tôi nói sơ như vậy để ông hiểu, còn đi
vào cụ thể dài dòng và thối lắm.
-
Trách gì, vật liệu đểu, người làm gian, dẫn đến đập nước yếu, cứ
mưa to là các ông xả tất tần tật. Tất cả đổ lên đầu người dân. Thủy
điện ấy, quả thật, chẳng khác quả bom treo, vỡ nổ bất cứ lúc nào…
Trời
đã gần sáng. Một vầng đỏ xa tít nơi ngọn sóng cao, như mảnh phông sân
khấu đang được kéo lên. Tôi và Phạm Văn khật khưỡng rời quán. Trên
đường về khách sạn, bá cổ hắn, tôi hỏi:
-
Khi đã chạy được sang London, tài sản, tiền bạc của ông có thể xài
cho mấy đời chưa hết. Tại sao ông còn dính vào trồng cây, trồng cỏ
để hại người, hại mình như vậy?
Gỡ
tay tôi, và hắn ngước mắt nhìn. Một cái nhìn, tôi cảm thấy hằn lên
như một vệt máu:
-
Dài dòng lắm, có nói ông cũng không hiểu hết đâu. Mà ông biết làm
gì cho thêm đau đầu…
Chiều
hôm ấy, tiễn tôi lên xe ra sân bay, Phạm Văn giúi vào túi quần tôi một
bì thư khá dày, bảo, đây là quà của anh cho các cháu.
Phạm
Văn lớn hơn tôi đến sáu tuổi, nhưng đây lần đầu tiên, sau trên ba mươi
năm quen biết, nghe hắn xưng anh, làm tôi giật mình, ngạc nhiên. Giật
mình, bởi dường như có một cái điềm gì đó báo trước, dù tôi không
bao giờ tin vào tướng số.
Tôi
đưa lại bì thư cho Phạm Văn và bảo:
-
Em rất cảm ơn anh. Nhưng anh biết, em cũng không thiếu tiền mà. Thực
ra, ở cái tuổi anh em mình uống đã phải giật cầm chừng, ăn cũng
phải ngó trước, nhìn sau. Tiền nhiều có làm gì nữa đâu anh.
-
Nhưng quà anh cho các cháu.
-
Các cháu đã lớn và cũng đầy đủ cả rồi.
Thấy
Phạm Văn có vẻ buồn, tôi mở bì thư rút ra một tờ.
-
Em xin anh một trăm là đủ, và cũng để cho anh vui thôi. Nhưng em có một
điều muốn nói, anh đừng giận.
-
Không giận, có gì nói đi.
-
Anh không chỉ tàn nhẫn với xã hội, con người, và chính mình, mà còn
tàn nhẫn với cả thằng con anh. Nó còn trẻ, anh đã đưa nó vào cửa
tử. Anh nên đưa nó ngay ra khỏi vòng quay đó, rồi anh cũng từ từ rút
chân ra.
Phạm
Văn im lặng trong giây lát, rồi nhìn tôi:
-
Anh cũng muốn thế, nhưng công việc này, bước vào, khó bước ra lắm.
Đằng sau nó còn bao nhiêu dây rợ lằng nhằng khác, nhất là ở London.
Em không thể hiểu hết đâu. Nhưng anh sẽ cố gắng…
Rồi
Phạm Văn ôm tôi thật chặt. Tôi không ngờ, đó là chiếc ôm của lần gặp
nhau cuối cùng.
Có
lẽ, đây là một trong những truyện khó viết nhất của tôi. Và định
kết thúc câu chuyện ở đây, nhưng không hiểu sao, cái giọng nói trong
veo của con trai Phạm Văn gọi điện báo tin, cứ luẩn quẩn trong tôi: Ba
cháu đã mất, vì cảm lạnh đột ngột ở ngoài phố.
Dù
trước đây đã có linh cảm, nhưng tôi vẫn lặng người, và không thể tin,
ở cái tuổi sáu mươi Phạm Văn chết một cách đơn giản, như vậy.
Leipzig
ngày 27-10-2016
No comments:
Post a Comment