Từ khi ở Hà Nội nổ ra phong trào bảo vệ cây xanh của
nhóm “Vì Một Hà Nội Xanh” theo hướng mạnh mẽ, quyết liệt và đi đến cùng
trong việc đòi chính quyền minh bạch, rất nhiều thành viên của nhóm đã bị lực
lượng an ninh, công an các cấp đe dọa, sách nhiễu dưới nhiều hình thức.
Khi thấy có vẻ không lay chuyển được “đối tượng”, an
ninh đã chuyển sang chơi bài muôn thuở là đánh vào gia đình và nơi làm việc.
Màn dạo đầu thông thường là lân la đến công ty hỏi thăm, nhằm “xác minh, làm rõ
một số việc” mà thực chất là moi thông tin cá nhân của “đối tượng”. Sau đó, tiến
thêm một bước tới đe dọa, “nắn gân” nơi làm việc đó.
Cách làm này của lực lượng an ninh nói chung chỉ dọa
được những cá nhân và cơ quan thiếu hiểu biết về pháp luật và nhất là không hiểu
gì về nhân quyền hay nhà nước pháp quyền.
Tuy nhiên, các đồng chí an ninh đã cơ bản thất bại
khi đụng mặt một số ít “đối tượng” là nhân viên của các cơ quan, công ty ngoại
quốc ở Việt Nam. Thường thường khi bị an ninh lân la tiếp cận, dò hỏi thông tin
rồi thậm thụt đòi “xem lại quá trình tuyển dụng”, yêu cầu “quý cơ quan xem xét
việc làm của đối tượng XYZ”, những chủ công ty nước ngoài chỉ thản nhiên trả lời:
- Việc tham gia các phong trào xã hội là chuyện
riêng của anh/chị ấy ngoài giờ làm việc ở công ty chúng tôi, cũng là quyết định
cá nhân của họ, nên chúng tôi không có quyền can thiệp.
- Chúng tôi không có quyền cung cấp thông tin về họ
cho quý vị. Chúng tôi không được phép tiết lộ hồ sơ về họ cho quý vị.
- Chúng tôi không có quyền xem xét lại quá trình tuyển
dụng lúc này, khi mà họ chưa làm gì sai với công ty cả. Nếu bắt buộc phải làm
vì yêu cầu của chính quyền nước sở tại, chúng tôi cũng chỉ có thể làm việc đó với
sự tham gia của cả BA BÊN, nghĩa là phải có mặt họ. Chúng tôi không thể chỉ
nghe lời quý vị mà đuổi việc nhân viên của chúng tôi.
Chỉ trả lời vậy thôi là đủ làm lực lượng an ninh sượng
sùng, hết lý lẽ.
* * *
Lại nhớ cách đây vài năm, khi mình làm phóng viên của
báo Pháp luật TP. HCM. Bất kỳ khi nào các đồng chí an ninh thăm hỏi, nhắc nhở
việc gì liên quan đến mình, sếp mình chỉ tỉnh bơ đáp: “Vâng, có gì các anh cứ cho xin
cái văn bản”. Thế mà an ninh tịt mít. Dễ hiểu thôi, vì nếu công an,
an ninh thực sự làm đúng luật pháp, thì họ chẳng thể nào sách nhiễu, quấy rối
người dân được (từ “sách nhiễu, quấy rối” hàm ý về các biện pháp phi luật pháp,
như gây sức ép lên cơ quan để đuổi việc, mượn tay côn đồ hành hung, hay là cắt
điện thoại, cắt Internet, băm lốp xe... chẳng hạn).
Nói
cho cùng, hệ thống luật pháp Việt Nam hiện nay còn nhiều vấn đề. Nhưng chỉ cần
công an - lực lượng hành pháp - thực hiện đúng thì cái nền luật pháp ấy cũng đủ
để bảo vệ chúng ta một cách tương đối rồi. Điều quan trọng là mỗi người dân, mỗi
tổ chức (trường học, công sở, doanh nghiệp...) phải có ý thức về luật pháp và
nhất là phải biết quyền của mình.
No comments:
Post a Comment