Tuesday, May 26, 2015

Nước Anh bài trừ nạn nô lệ người Việt (Mai Vân - RFI | Lê Hải)





Mai Vân -  RFI  |   Lê Hải
Đăng ngày 25-05-2015 

Tuần này chính phủ Anh chính thức hoạt động với chương trình nghị sự do chính phủ đảng Bảo Thủ chuẩn bị cho Nữ hoàng đọc trước quốc hội, mà vấn đề di dân là mối quan tâm hàng đầu. Một trong số những vấn đề được báo chí dọn đường là nạn khai thác nô lệ trẻ em mà bài báo trên tờ Guardian chỉ thẳng ra là trẻ em Việt Nam, với mức độ là trung bình ngày nào cũng có một vụ trẻ vị thành niên người Việt được đưa vượt biên vào Anh để trồng cần sa, làm nails, hay tệ hơn là làm nô lệ tình dục. Bức tranh minh họa trên tuần san The Observer vẽ lá cờ đỏ sao vàng trên lưng một em bé mà con đường tương lai là khu vườn trồng cần sa, khiến người Việt ở Anh bàn tán xôn xao. Thông tín viên Lê Hải từ London có thêm chi tiết.

Lê Hải : Đây là lần thứ hai cái tên Việt Nam được gắn liền với tình trạng bóc lột nô lệ thời hiện đại. Cách đây hai năm một bài báo về chuyện tiệm nails Việt khai thác nô lệ đã khiến cộng đồng người Việt ở Anh chấn động. Các diễn đàn mạng nhanh chóng chỉ ra rằng đa số những câu chuyện đó là do người nhận là nạn nhân khai như vậy để được ở lại tị nạn. Trên nguyên tắc khi bị bắt trong khu trại cần sa, chỉ cần khai là trẻ em chưa đủ 18 tuổi thì thay vì bị coi là tội phạm có thể chuyển thành nạn nhân và được hưởng đầy đủ mọi chế độ từ nhà ở xã hội, tiền trợ cấp hàng tuần, cho đến học hành và giấy tờ tị nạn.
Báo cáo của tổ chức quốc tế chống nô lệ nói rằng 96% số người làm việc trong các trại cần sa là người Việt Nam, mà 81% trong số đó là trẻ em. Một tổ chức khác chuyên ngăn chặn việc đối xử ác độc với trẻ em nói rằng có đến 51% trẻ em khi được đưa về nơi nuôi dưỡng thì sau đó biến mất khiến cảnh sát phải lên danh sách tìm kiếm. Tuy nhiên, hiện cũng đang có xu hướng các gia đình khá giả ở Việt Nam gửi con còn nhỏ sang đây xin tị nạn vì nếu chi 30.000 bảng để vượt biên vẫn còn rẻ hơn là chi phí du học. Khi đến nơi các em vào thẳng các cơ quan xã hội để xin tị nạn thì chưa cần biết là lý do có được chấp thuận hay không, luật nhân đạo của Anh ít nhất là đến năm 18 tuổi hay thậm chí 21 tuổi sẽ không đưa ngược các em về Việt Nam. Ghép con số đó vào nhóm tội phạm trồng cần sa hay nhóm làm nails trốn thuế thì đều bất lợi cho hình ảnh của người Việt ở Anh. Đối với dư luận và giới chính trị gia nước Anh thì các con số mà tuần san The Observer đưa ra là đầy thuyết phục.

RFI : Như vậy thì chiến dịch diệt trừ tội phạm nhắm vào người Việt là vì dựa vào những lời khai sai, hay mang tính chính trị ?
Lê Hải : Giới chuyên gia về tội phạm được phóng sự của tờ Observer trích lời ghi nhận người Việt đang nắm giữ ngành cần sa với doanh số trên dưới 1 tỷ bảng. Hiện con số người Việt ngồi tù theo thống kê gần đây nhất là 163 người, mà chia theo tỷ lệ số người Việt sống ở Anh thì xếp hàng đầu về tỷ lệ người ngồi tù trên con số người trong cộng đồng, cho nên có thể nói mức độ tội phạm có tổ chức trong cộng đồng người Việt là nguy hiểm nhất ở Anh, vì đa số các tội danh tập trung vào ngành cần sa. Nếu nối kết bằng cách nhìn sang các phiên tòa xử người Việt bán ma túy ở cộng hòa Séc, hay đường chuyển ma túy từ Việt Nam sang Úc, thì không cần phải là chuyên gia tội phạm học cũng lo sợ trước vấn đề này. Thêm vào đó, quốc hội Anh nhiệm kỳ trước vừa thông qua bộ luật về chống nô lệ thời hiện đại, và cục an ninh quốc gia cùng với cục biên phòng là hai đơn vị chịu trách nhiệm thi hành.
Chỉ cần lướt sơ trên mạng là đã thấy từ cả chục năm nay nhiều tổ chức dân sự đã chỉ vào tình trạng lao động ở Việt Nam và nhất là chuyện đưa phụ nữ sang Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan như là hang ổ của nạn buôn người và bóc lột nô lệ. Chỉ cần tìm chữ nô lệ trên mạng là sẽ ra vô số bài về tình cảnh người Việt phải lao động khổ sai như nô lệ, hay làm nô lệ tình dục ở đủ mọi quốc gia, từ Nga cho đến Trung Đông. Trong bối cảnh đó thì không có gì khó hiểu về việc tại sao Việt Nam được chọn như là một trong số các mục tiêu đầu tiên của cảnh sát Anh. Thực ra thì chiến dịch này đã bắt đầu từ ngay sau ngày quốc hội gia tăng quyền hạn cho bộ máy chính quyền, nhiều tiệm nails Việt bị kiểm tra, và các chuyến bay của Vietnam Airlines từ ngày chuyển sang hạ cánh ở sân bay Heathrow đã liên tục bị chặn xét ngay từ khi bước ra cửa máy bay để ngăn chặn trẻ em bị đưa sang Anh làm nô lệ, đặc biệt là các phụ nữ trẻ đẹp độc thân đi một mình.

RFI : Như vậy có thể hiểu rằng đây là một trong số những bước đầu tiên của chính phủ mới ở Anh muốn vuốt ve dư luận?
Lê Hải : Vấn nạn bóc lột lao động như nô lệ đã trở thành câu chuyện quốc tế mà ngay cả giáo hoàng Francis cũng lên án trong các bài giảng gần đây, và là điều mà cả các cơ quan nhà nước lẫn các tổ chức dân sự đều dễ dàng thực hiện. Mới gần đây chính quyền thành phố New York mở chiến dịch tuyên truyền để giúp người Việt đi làm thợ trong gần 1000 tiệm nail ở đây hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình và điều kiện an toàn lao động. Tòa án ở Đức cũng đang xử một vụ đường dây trồng cần sa ở Dusseldorf mà bị cáo người Việt từ Hà Lan sang được cho là đã nhốt và đối xử với đồng hương như là nô lệ. Cho nên đây là xu thế chung ở các nước phát triển và có tư duy nhân bản. Riêng ở Anh thì việc diệt trừ nạn buôn người thời hiện đại còn gắn với một chiến dịch ngăn chặn di dân trái phép.
Mới gần đây bộ nội vụ Anh đã thay đổi hoàn toàn hệ thống cấp visa cho người nước ngoài và chi phí để xin visa mức tối thiểu lên tới 400 bàng, tức là trên 500 euro hay gần 15 triệu đồng tiền Việt. Một số trường hợp như là đoàn tụ gia đình mức phí có thể lên đến 2.000 bảng Anh. Tuy nhiên chính sách này có thể khiến dịch vụ đưa người vượt biên từ Pháp vào Anh lại tiếp tục phát triển vì mức phí đó cũng bằng chính giá tiền để các băng đảng ở Calais hay Dunkerque đưa người vượt biên chui vào công-ten-nơ trốn vào Anh, hay thậm chí dùng giấy tờ giả đi từ Ireland sang.

NGHE  :  Thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn   -  25/05/2015






No comments: