Annie Kelly & Mei-Ling McNamara - The Guardian
Nguyễn
Công Huân chuyển ngữ cho Dân Luận
26/05/2015
Dân
Luận: Theo lời
của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Dân Luận xin thay "Việt Nam" trong
tựa đề của bài viết bằng cụm từ thân thương: "Đất nước Hồ Chí Minh".
Tổng bí thư nói
đúng. Có lẽ chưa bao giờ dân tộc chúng ta phát triển rực rỡ như hiện nay: Trẻ
em Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách các sắc tộc bị buôn bán ở Vương Quốc
Anh!
Haizzz!
*
Giống
như nhiều trẻ em Việt Nam khác, Hiền đã được đưa đến Anh để sống một cuộc đời
nô lệ hiện đại. Em cuối cùng phải vào tù về tội trồng cần sa. Trong bài viết
này chúng tôi nói về các băng nhóm đang nở rộ trên khắp nước Anh và những nỗ lực
để giúp đỡ nạn nhân của họ.
Số lượng các trang
trại cần sa Việt Nam tại Anh đã tăng 150% trong hai năm qua. Minh họa: Matt
Murphy cho tờ Observer.
Hiền mới 10 tuổi khi đến Anh. Em không biết nơi em
đang ở đâu. Em chỉ biết rằng em đến đây để làm việc. Kể từ khi em bước ra khỏi
thùng chiếc xe tải trở em vào Anh từ Calais (Pháp) cách đây bảy năm, em chỉ biết
đến sự bóc lột và khổ đau. Em đã trở thành nô lệ bị giam trong nhà, bị điều tới
các trang trại trồng cần sa, bị lạm dụng và bị đánh đập, và cuối cùng là bị
truy tố và tống vào tù. Cuộc đời em là một chỗi những vụ khủng bố, biệt giam và
đau đớn.
Câu chuyện của Hiền là không duy nhất. Em là một
trong khoảng 3.000 trẻ em Việt Nam bị buộc phải lao động ở Anh, để đem lại lợi
ích tài chính cho các băng nhóm tội phạm vận hành các trang trại sản xuất cần
sa, các trung tâm sơn móng tay, các nhà máy may mặc, nhà thổ và nhà riêng. Nếu
tính chi phí để vận chuyển một em vào Anh là 25.000 bảng, thì đám trẻ em này nợ
những kẻ buôn người tầm 75 triệu bảng Anh.
Nước Anh đang dần dần ý thức được vấn nạn sử dụng nô
lệ người Việt vào lĩnh vực buôn bán cần sa đang bùng nổ trong nước, tuy nhiên
theo các chuyên gia buôn bán trẻ em thì chính quyền Anh đã không thể theo kịp với
tốc độ mà các băng nhóm tội phạm Việt Nam có trụ sở tại Anh đang tuyển dụng và
khai thác trẻ em cho các lĩnh vực tội phạm khác như buôn lậu vũ khí, sản xuất
ma túy đá và các nhà thổ.
"Theo tính toán của chúng tôi có khoảng 3.000
trẻ em Việt Nam tại Anh đang bị các băng nhóm tội phạm lợi dụng vì mục đích lợi
nhuận," Philip Ishola, cựu cục trưởng Cục chống buôn người của Anh, cho biết.
"Cảnh sát và các cơ quan chức năng nhận thức được
rằng trẻ em bị buôn bán đang bị buộc phải làm việc trong các trang trại cần sa
nhưng điều này thực sự chỉ là đỉnh của tảng băng trôi. Thường thì cùng một em
bé đó sẽ được khai thác không chỉ ở một trang trại cần sa, mà theo vô vàn cách
khác nhau. Điều này đang xảy ra ngay dưới mũi của chúng ta và chúng ta đã làm
không đủ để ngăn chặn nó. "
Cảnh sát thừa nhận rằng họ đang đau đầu với tốc độ
các băng nhóm tội phạm người Việt đa dạng hóa và mở rộng các hoạt động của họ
trên khắp nước Anh và vào Scotland và Bắc Ireland.
Chuyến đi của Hiền tới Anh Quốc bắt đầu khi em bị bắt
cóc khỏi làng lúc 5 tuổi bởi một người nói rằng ông ta là chú của em. Như một đứa
trẻ mồ côi, em không còn lựa chọn nào khác ngoài làm theo những mệnh lệnh của
người khác. Em đã mất năm năm đi qua nhiều quốc gia bằng đường bộ, hoàn toàn
không biết mình đã đi qua những đâu, từ Việt Nam qua biên giới giữa Pháp và Anh
để tới một căn nhà ở London. Ở đây em phải làm nô lệ trong nhà trong 3 năm, nấu
ăn và dọn dẹp cho nhóm những người Việt đi ra vào ngôi nhà em bị giam giữ.
Những người đàn ông trong nhà đánh đập và buộc em phải
uống rượu cho đến khi em bị ốm. Còn những điều [tồi tệ] khác xảy ra với em mà đến
nay em vẫn không thể kể lại. Em không bao giờ được phép ra khỏi nhà và người ta
nói với em rằng nếu em cố gắng chạy trốn, cảnh sát sẽ bắt giữ em và đưa em vào
tù.
Trong suốt thời gian trong ngôi nhà đó, Hiền cho biết,
nhiều trẻ em Việt Nam khác đã được đưa tới. Chúng nói với Hiền rằng chúng được
đưa tới đây để lao động và trả những món nợ cho gia đình ở quê nhà. Chúng sẽ ở
đó một vài ngày và rồi được đưa đi, và Hiền không bao giờ gặp lại chúng. Hiền
đã trở thành vô gia cư sau khi "chú" của mình bỏ rơi em. Hiền ngủ
ngoài công viên và nhặt đồ ăn từ thùng rác. Em cuối cùng được một cặp vợ chồng
người Việt đón nhận, những người này cho em chỗ ở nhưng bắt em phải làm việc
trong các trang trại trồng cần sa – là những căn hộ ở Manchester và ở Scotland.
Trong lời khai với cảnh sát, Hiền nói rằng em vẫn
không hiểu chính xác loại cây em trồng là cây gì, mặc dù em hiểu rằng nó rất có
giá trị. Em chăm sóc đám cây, sử dụng thuốc trừ sâu khiến em bị ốm, và chỉ rời
căn hộ khi em giúp chuyển các cây cần sa này tới nơi khác để sấy khô. Em bị
khóa trong nhà, bị đe dọa, bị đánh đập và bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên
ngoài.
"Tôi không bao giờ được trả tiền để làm việc
đó", em nói. "Tôi đã không ở lại đó vì tiền mà vì tôi sợ và tôi hy vọng
toàn bộ điều này sẽ sớm kết thúc."
Khi cảnh sát đến, họ tìm thấy Hiền một mình với đám
cây cần sa. Em kể câu chuyện của mình cho cảnh sát, nhưng vẫn bị gửi đến trại
dành cho tội phạm trẻ tuổi ở Scotland, nơi em trải qua 10 tháng tạm giam, bị buộc
tội trồng cần sa. Em chỉ được thả sau khi có sự can thiệp của một công tố viên
hoàng gia dẫn đến việc em được xác định là nạn nhân của nạn buôn người.
Trẻ em Việt như Hiền là mồi ngon cho các băng nhóm
buôn bán ngày càng tinh vi hoạt động giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Theo ước
tính, trẻ em chiếm gần một phần tư trong số khoảng 13.000 người bị buôn bán
sang Anh mỗi năm, và trẻ em Việt Nam là nhóm lớn nhất của trẻ em bị buôn bán
sang Anh. Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Ma túy và Tội phạm ước tính rằng có 30 trẻ
em Việt Nam đến Anh bất hợp pháp mỗi tháng, trên các tuyến đường buôn lậu nổi
tiếng.
"Trẻ em là một tài sản ngày càng có giá trị cho
các băng nhóm tội phạm, vì họ dễ dàng kiểm soát, dễ đe doạ và khai thác, và dễ
dàng để giữ cô lập và không ý thức được những gì đang thực sự xảy ra xung quanh
họ, mà làm cho nó ít có khả năng để họ có thể tiết lộ bất cứ điều gì hữu dụng
cho cảnh sát," Ishola nói.
Khi nói đến trẻ em Việt Nam, ông nói, cái văn hóa
coi một đứa trẻ như "quả trứng vàng", bị gửi ra làm việc ở nước ngoài
và nuôi sống gia đình ở nhà, vẫn còn tồn tại. Lối suy nghĩ này được khai thác bởi
các băng nhóm, chúng đã lừa dối gia đình rằng có công việc hợp pháp tại Anh cho
trẻ em của họ.
"Trong suốt cuộc hành trình của họ đến Vương quốc
Anh, những kẻ buôn người tiếp tục đòi trẻ mỗi ngày một nhiều tiền hơn, và khi đến
nơi, áp lực trả nợ khổng lồ này là một yếu tố quan trọng khiến trẻ phải chấp nhận
lao động cưỡng bức," ông nói. "Ngay khi vào tới nước Anh, trẻ đã phải
đối mặt với các hoạt động tội phạm có tổ chức cao, với các phương thức kiểm
soát từ hành hạ thân thể tàn bạo cho tới áp lực nợ nần. Trước khi họ đến nơi,
những cái bẫy đã được dựng sẵn cho họ. "
Các thành viên của cộng đồng người Việt ở London nói
với Observer rằng họ đã nhìn thấy sự gia tăng kinh khủng số lượng trẻ em bị
buôn bán bởi các băng nhóm tội phạm hoạt động trên các vùng ngoại vi của cộng đồng
của họ trong những năm gần đây. "Một số các trẻ em và nạn nhân đã nói với
tôi rằng họ phải tốn 25.000 bảng Anh để đến được Vương quốc Anh," một lãnh
đạo cộng đồng người Việt tại London, không muốn bị nêu danh, cho biết. "Họ
đến với một món nợ và họ không được phép ra đi cho tới khi món nợ đó được trả.
Đó là chế độ nô lệ và bóc lột. "
Giống như Hiền, nhiều người trong số các em cuối
cùng rơi vào làm việc tại các trang trại cần sa. Sự liên kết giữa buôn bán trẻ
em và công nghiệp trồng cần sa trong nước Anh ngày càng tăng, với trẻ em Việt
Nam là nhóm nguy cơ chính. Theo một báo cáo năm 2014 của tổ chức phi chính phủ
Chống Nô Lệ Quốc Tế, hầu hết các nạn nhân của nạn buôn người có liên quan đến cần
sa là người Việt, và trong đó hơn 80% là trẻ em. Nhiều trẻ em đã bị truy tố
theo luật pháp Anh, bất chấp nhiều người trong số đó được xác định là nạn nhân
tiềm năng của nạn buôn người. Điều này đã dẫn đến trẻ em Việt Nam trở thành
nhóm dân tộc lớn thứ hai bị giam giữ tại các các trung tâm giam giữ thanh thiếu
niên trên khắp nước Anh.
Băng nhóm Việt Nam có lịch sử thống trị thị trường
buôn bán cần sa có giá trị 1 tỷ bảng Anh, và là nguồn gốc chính của sự phát triển
cần sa tự trồng trong nước Anh, tăng từ 15% trong năm 2005 lên con số 90% vào
thời điểm hiện tại. Trong khi lĩnh vực buôn bán này vẫn đem lại lợi nhuận khổng
lồ - con số trang trại trồng cần sa ở Anh đã tăng 150% trong hai năm qua – thì
quyền lực của họ đang suy yếu dần do lực lượng thực thi pháp luật mạnh tay hơn
và do sự cạnh tranh của các băng nhóm trồng cần sa gốc Anh. Bây giờ họ đang tìm
kiếm những cách thức mới và hiệu quả hơn trong kinh doanh.
"Xét về mặt thực thi pháp luật, tôi nghĩ rằng
chúng tôi khoảng chậm hơn họ khoảng hai năm," ông Daniel Silverstone cho
biết. Ông là một nhà tội phạm học tại trường đại học London Metropolitan, người
đã từng viết nhiều về các băng nhóm Việt ở Anh.
"Bọn buôn người đã thay đổi cách làm việc của họ
trong những năm gần đây do có sự chú ý và sự can thiệp của pháp luật. Một vài
năm trước đây họ chú trọng tuyệt đối vào các trang trại cần sa, nhưng gần đây lợi
ích kinh doanh của họ đã trở nên đa dạng hơn nhiều. Vì vậy, chúng ta đang thấy
một sự mở rộng sang Scotland và Bắc Ireland, việc sử dụng các trung tâm chăm
sóc móng tay làm chỗ tiêu thụ lao động cưỡng bức và rửa tiền, và chuyển sang
các chất kích thích khác như ma túy đá". Điều này có nghĩa là trẻ em, là một
phần không thể thiếu của hoạt động kinh doanh của băng nhóm tội phậm, bây giờ
cũng được chuyển sang khu vực khác để khai thác. "Khi mà khả năng thống trị
thị trường cần sa của người Việt bị giảm sút một chút, họ đang tìm kiếm để tối
đa hóa lợi nhuận của họ từ các trẻ em trong bất cứ cách nào họ có thể,"
ông nói thêm.
Cảnh sát thành phố nói rằng bây giờ họ đã biết nhiều
hơn về mức độ phức tạp khi giải quyết vấn đề buôn bán trẻ em ở Anh, nhưng bản
chất khép kín của cộng đồng người Việt đã làm cho mọi việc khó khăn. "Điều
liên tục gây khó dễ cho chúng tôi là làm sao xâm nhập vào cộng đồng này,"
Phil Brewer, người đứng đầu một đơn vị chống buôn bán người và bắt cóc mới
thành lập, cho biết. "Chúng tôi thường chỉ biết đến một đứa trẻ nào đó khi
chúng tôi thực hiện một vụ đột kích và bắt được ai đó trong trang trại cần sa,
hoặc trong trung tâm làm móng tay, nhưng thường thì người này đã trả qua rất
nhiều hình thức bóc lột trước khi chúng tôi cứu được họ."
Parosha Chandran, một luật sư nhân quyền hàng đầu và
chuyên gia của Liên Hợp Quốc về buôn người, đã đại diện cho trẻ em Việt Nam bị
buộc tội trồng cần sa. Các em nhỏ này đã trải qua nhiều tình huống buôn người
khác nhau trước khi được chuyển vào trang trại cần sa.
"Trẻ em Việt bị buôn bán hiếm khi chỉ đối mặt
chỉ là một loại lao động cưỡng bức," cô nói. "Tôi đã theo đuổi những
vụ việc mà trẻ em đã phải chịu hàng loạt các hình thức bóc lột khác nhau. Ví dụ
trong một trường hợp của tôi, đứa trẻ bị buộc phải trông nom nhà cửa của người
chủ, chăm sóc cho con cái của họ, khi còn rất ít tuổi, và rồi em phải làm việc ở
tiệm làm móng, rồi chuyển tới nơi khác nơi em bị bắt phải may nhãn lên quần áo
- và tất cả những điều này xảy ra trước khi em đến trang trại cần sa".
Trong tháng Ba Anh thông qua đạo luật Nô Lệ Thời Hiện
Đại đầu tiên của mình, được thiết kế để tăng mức án dành cho những kẻ buôn bán
người và cung cấp sự bảo vệ tốt hơn cho các nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại ở
Anh. Tuy nhiên, Chandran nói rằng trẻ em Việt Nam tiếp tục bị truy tố vì trồng
cần sa trong khi những kẻ buôn bán các em vẫn được tự do.
"Đặt trọng tâm của đạo luật Nô Lệ Thời Hiện Đại
vào việc truy tố là sai lầm và các quy định của nó không bảo vệ đầy đủ các quyền
của trẻ em bị buôn bán," bà nói. "Là một quốc gia dân chủ, chúng ta cần
phải tìm giải pháp lâu dài để đảm bảo các em được bảo vệ khỏi tác hại cho quãng
đời còn lại của các em."
Tại một chỗ ở an toàn cho các nạn nhân của nạn buôn
bán trẻ em, do tổ chức từ thiện Love146 thực hiện, bà Lynne Chitty, giám đốc ở
Anh, nói rằng cô đã giúp vào khoản 40 tới 50 trẻ em Việt Nam cố gắng xây dựng lại
cuộc sống của họ sau khi thoát khỏi cảnh nô lệ.
"Chúng tôi đã thấy trẻ em bắt đầu được bóc lột
theo nhiều cách, để tối đa hóa lợi nhuận có được từ chúng," bà nói.
"Chúng tôi gần đây đã có một khách hàng: em phải sống trong tình trạng nô
lệ tại gia, bị buộc phải làm việc trong một quán làm móng vào ban ngày và mỗi
buổi chiều lại được đưa tới một nhà thổ và khai thác đó cả đêm."
Các phương pháp được sử dụng để thu hút trẻ em từ Việt
Nam sang Anh cũng đang ngày càng trở nên tinh vi, bao gồm cả việc sử dụng các
phương tiện truyền thông xã hội. "Trẻ em Việt Nam được đưa tới Anh, bởi
người lớn người Việt, và bắt làm việc công việc trong nhà", Swat Pandi
nói, người làm việc cho trung tâm tư vấn buôn bán trẻ em của NSPCC. "Đứa
trẻ cảm thấy mắc nợ với người lớn vì họ đã cho nó thức an và nơi ở, và để đổi lại
nó phải chăm sóc những cây cần sa. Những trẻ em bị tổn thương vì bị bỏ rơi, bị
lạm dụng tình cảm, và trong sự vắng bóng của những yếu tố bảo vệ, đặc biệt rất
dễ bị lạm dụng về thể xác và tình dục."
Bất chấp cam kết của chính phủ là sẽ chấm dứt chế độ
nô lệ hiện đại, và sự thông qua đạo luật đầu tiên về nô lệ hiện đại ở Vương quốc
Anh vào tháng Ba, Chitty nói rằng cô đã không nhìn thấy có nhiều thay đổi trong
số lượng trẻ em Việt Nam sử dụng dịch vụ từ thiện của cô. "Mọi việc vẫn vậy",
cô nói. "Chúng tôi vẫn đối mặt với vấn đề bảo vệ ngay lập tức và tìm những
chốn thích hợp để an trí nạn nhân của buôn bán trẻ em. Và những thanh niên này
vẫn bị kết tội bởi tòa án. "
Ngay cả khi trẻ đã được đưa ra khỏi vòng buôn bán và
nhận sự chăm sóc của chính quyền địa phương, trẻ vẫn có khả năng quay trở lại
dưới sự kiểm soát của những kẻ buôn người. Trong năm 2013, một báo cáo của một
tổ chức tư vấn độc lập, Trung tâm Công lý Xã Hội, kết luận rằng 60% trẻ em bị
buôn bán trong chăm sóc chính quyền địa phương bị mất tích, gần một phần ba
trong số họ biến mất trong vòng một tuần khi đến. Hầu hết đều không bao giờ tìm
thấy nữa. Có những báo cáo ngày càng tăng về trẻ em bị bán lại từ nhà nuôi dưỡng
hoặc khi họ đã có được giấy tờ xin tị nạn.
"Tôi không nghĩ rằng chúng ta hiểu được toàn bộ
hoạt động của các băng nhóm," thanh tra viên Cartwright nói. "Bất chấp
những mong muốn tốt nhất của chúng ta, tôi nghĩ rằng chúng ta đã không cho họ
thứ gì đủ tốt để thuyết phục họ ở lại. Rất nhiều trẻ quay lại vòng buôn bán nô
lệ bởi vì chúng ta đã không cho họ được một giải pháp tốt hơn cái mà những kẻ
buôn người cung cấp."
Hiền đang cố gắng để xây dựng lại cuộc sống của mình
sau khi được tị nạn ở Scotland, nhưng đang gặp khó khăn để tìm thấy bình an sau
nhiều năm chấn thương. "Tôi vẫn còn lo lắng rằng những kẻ buôn người có thể
tìm thấy tôi và đến nhà tôi. Nhưng bây giờ tôi biết rằng tôi sẽ phải tìm kiếm sự
giúp đỡ [từ cảnh sát]," em nói. "Tôi nghĩ rằng có công lý ở đây,
nhưng tôi cũng ước rằng họ không giam giữ tôi trong tù trong thời gian lâu như
vậy. Bằng cách kể lại chuyện cuộc đời mình, tôi muốn mọi người hiểu những gì
tôi đã trải nghiệm ở đây. "
*
Báo
cáo bổ sung của Neil Loughlin và Kieran Jones:
NHỮNG
CON SỐ VỀ NÔ LỆ HIỆN ĐẠI
10.000
Bộ Nội Vụ ước tính có khoảng từ 10.000 tới 13.000 nạn
nhân của chế độ nô lệ thời hiện đại tại Anh.
100
Ước tính cho thấy có thể có khoảng 100 trẻ em bị
buôn bán vào Anh mỗi tuần. Trong các nhóm nữ giới được các cơ quan điều tra cho
rằng có thể là nạn nhân của nạn buôn người, thì phụ nữ Albania và Nigeria chiếm
số đông nhất, cả trẻ em lẫn người lớn. Người Việt Nam đứng đầu danh sách các
nhóm nạn nhân đàn ông. Nếu chỉ tính trẻ em, thì trẻ em người Anh là nhóm nạn
nhân lớn nhất, trong khi trẻ em Việt Nam đứng đầu các sắc tộc khác bị bóc lột tại
Anh.
34%
Cơ quan Tội phạm Quốc gia đã báo cáo số lượng nạn
nhân tiềm năng của nạn buôn người đã tăng 34% trong năm 2014 so với một năm trước
đó. Người lớn chủ yếu là nạn nhân của lạm dụng tình dục, trong khi trẻ vị thành
niên bị bóc lột lao động.
51%
Hiệp hội Quốc gia phòng chống đối xử tàn ác đối với
trẻ em (NSPCC) nói rằng 51% số trẻ em được đưa tới các trung tâm tư vấn chống
buôn bán trẻ em của mình đã bị báo cáo mất tích vào một thời điểm nào đó.
96%
Tổ chức Chống Nô lệ Quốc tế nói rằng các nạn nhân tiềm
năng buôn người bị bắt buộc phải trồng cần sa, 96% là từ Việt Nam và 81% trong
số đó là trẻ em.
25%
Gần 25% của tất cả các nạn nhân của nạn buôn người
là trẻ em.
30,000
BẢNG ANH
Các cơ quan chức năng báo cáo rằng nạn nhân được bán
– cùng với khoản nợ của họ - với giá cao tới 30.000 bảng Anh, cho những kẻ buôn
người khác để bóc lột, bao gồm cả buôn bán tình dục, nô lệ tại gia và trồng cần
sa.
58%
Trong số trẻ em bị buôn bán người đã biến mất, NSPCC
báo cáo tại một buổi tường trình trước quốc hội năm 2012 rằng 58% đã bị bóc lột
trong các hoạt động tội phạm và trồng cần sa.
---------------------
(The Guardian
23-5-15)
(VietHome
24-5-15)
No comments:
Post a Comment