Saturday, May 30, 2015

TQ sẽ bất chiến tự nhiên thành? (Nguyễn Giang - BBC Tiếng Việt)





Nguyễn Giang  -  BBC Tiếng Việt
30 tháng 5 2015

Bãi Subi làm thay đổi cục diện chiến lược ở Biển Đông

Hoạt động xây cất đã được 800 ha của Trung Quốc ở Trường Sa có vẻ sẽ là tâm điểm của hoạt động ngoại giao tại Đối thoại An ninh Shangri-La ở Singapore cuối tuần này.
Nhưng đây có phải chỉ là chuyện ngoại giao?
Hay Trung Quốc xây cất còn vì lý do kinh tế?
Christopher Helman viết trên trang Forbes mới đây thì Trung Quốc cơi nới không phải vì dầu khí.
Lý do 'chặn' các hải lộ quốc tế cũng không có vì như ông Chen Dingding từ Đại học Macau nói, bản thân Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào tuyến hàng hải này.
Trong bài ‘China’s Master Plan in the South China Sea”, ông Chen đồng ý rằng công tác xây cất có thể có ý nghĩa quân sự nhưng “chỉ mang tính phòng thủ”.
Như thế, việc cơi nới ở Trường Sa là để phục vụ nhu cầu quân sự dù trước mắt còn chưa lớn.
Nó lớn hay không là tùy cách đánh giá trong không gian và thời gian thế nào.
Vậy ta thử nhìn một số cuộc chiến và kinh nghiệm lịch sử xem sao.

Thế ỷ dốc hai đầu tương trợ

Binh pháp cả Đông và Tây đều đã nói đến cách làm lập hai cứ điểm quan trọng tiếp ứng lẫn nhau trong quân sự.
Gia Cát Lượng (181-234) thời Tam Quốc đã cùng Chu Du chia quân đóng hai bờ Trường Giang.
Gọi là ‘thế ỷ dốc’, đây là cách liên quân Thục – Ngô chia sức kiềm chế và cuối cùng đã đánh tan 80 vạn hùng binh của Tào Tháo.
Nhưng trận pháp thời nay không còn là chuyện lập hai đồn binh hỗ trợ nhau.
Nhờ công nghệ mới, hải quân, không quân và các binh đoàn cơ giới có thể cơ động kết nối các cứ điểm và linh hoạt biến đổi thế trận khi cần.
Năm 1939, quân Đức đã sử dụng thần tốc hai cánh quân từ phía Đông Phổ và Tây Nam, kẹp quân Ba Lan vào giữa và tiêu diệt nhanh chóng cả một nước cộng hòa.
Nhưng vào năm 1944, chính Đức lại bị kẹt vào thế 'lưỡng đầu thọ địch' và Hitler đã đặt cược vào trận quyết tử đưa các binh đoàn thiết giáp SS-Panzer xuyên vùng núi Ardennes, tạo hành lang phá thế bao vây của quân Đồng Minh.
Trận Battle of the Bulge (12/1944 -01/1945) với 1.5 triệu quân tham gia đã làm hàng vạn binh sỹ bị giết nhưng cuối cùng, các quân đoàn Mỹ và Anh đã thắng Đức.
Giới quân sự luôn cần các tuyến đường và những các điểm chốt, to hay nhỏ không quá quan trọng, tại những địa bàn mới.
Trong Thế Chiến 2, Nhật Bản chiếm Đông Dương nhưng không trực trị mà để Pháp quản vì cần lập căn cứ cho chiến dịch đánh Singapore của Anh.
Đảo san hô Midway chẳng có giá trị kinh tế nhưng lại là điểm đọ găng của đô đốc Chester Nimitz (Mỹ) và Isoroku Yamamoto (Nhật) trong trận hải chiến Thái Bình Dương năm 1942, quyết định vận mệnh toàn châu Á.
Và ngay trong cuộc chiến Nam Bắc 40 năm trước, đường mòn Hồ Chí Minh không to nhưng giúp Hà Nội tạo hành lang dọc Trường Sơn liên tục đưa quân vào sát nách khu vực đầu não của Sài Gòn.
Vì thế, bãi đá Subi nay nhìn chưa to, chỉ đang phình ra nhưng vị trí của nó quả là lớn về lâu dài.

Bị chặn hai đằng phải ra tay

Trong lịch sử Việt Nam, vị thế tự nhiên của nước này luôn đặt ra vấn đề ‘đầu đuôi’ có ứng cứu kịp hay không và có bị bao vây hay không.
Năm 1075, nhà Lý đã rơi vào tình thế Tống cam kết với Chiêm Thành hẹn cùng đánh Đại Việt.
Lý Thường Kiệt ra tay trước tiêu diệt cơ sở hậu cần mà tể tướng Vương An Thạch chuẩn bị cho cuộc viễn chinh.
Đại Việt chỉ rút quân về vào tháng 3/1076 sau khi các chiến dịch thủy bộ, dùng cả voi trận tập kích và vây hãm thành trì ba châu của Tống đã giết tới 100 nghìn quân dân nước này, gồm hơn 50 nghìn dân thành Ung Châu bị xử tử vì không đầu hàng.
Nhưng trận xâm nhập tập kích của Lý Thường Kiệt cũng khiến cuộc Nam chinh phục thù do Quách Quỳ chỉ huy cùng năm đã không tiến quá được phòng tuyến Như Nguyệt và Tống phải nghị hòa.
Cuộc chiến đã đem lại hòa bình 182 năm giữa hai nước, tới khi quân Nguyên Mông đem quân đánh nhà Trần năm 1258.
Nhưng nhà Lý đã nhân cơ hội đó đưa quân trừng phạt Chiêm Thành vào tận Panduranga (Phan Rang).
Tới năm 1471, dưới triều Lê, vua Lê Thánh Tông vào phá tan thành Đồ Bàn, tiêu diệt hoàn toàn mối nguy bị Chiêm Thành đánh tập hậu.
Năm 1979, Đặng Tiểu Bình cho tấn công sáu tỉnh biên giới Việt Nam cũng là để ‘ứng cứu’ cho phe Khmer Đỏ ở phía Tây Nam và nếu không có hỗ trợ của Moscow thì tình hình đã rất khác.
Chiến sự ngày nay sẽ không xảy ra tàn khốc trên bộ mà có khi chỉ ùng oàng trên biển và trên không.
Nhưng các nguyên tắc cơ bản của chiến tranh thì vẫn thế.

Chỉ còn phòng thủ ven bờ?

Lấy căn cứ Tam Á làm điểm xuất phát, Hoàng Sa là điểm trung chuyển và điểm mới xây cất ở Trường Sa là tiền đồn, Trung Quốc hoàn toàn có thể tạo ra một hành lang 600 dặm cho chiến hạm và không quân tuần tra.
Bất chiến tự nhiên thành, hoạt động này sẽ khiến Vịnh Cam Ranh và quân cảng nổi tiếng của Việt Nam mất đi ưu thế chiến lược.
Một bài báo của Mark Valencia gần đây có trích dẫn cấp chỉ huy Quân Giải phóng Trung Quốc nói thẳng rằng họ “không thấy đe dọa gì từ các nước ASEAN”, trên biển.
Trung Quốc chắc chắn phải có cơ sở để phát biểu như vậy.
Philippines nay đã ‘nằm trong tầm ngắm’ nếu Trung Quốc khai hỏa vì chỉ còn cách đá Subi 20 km mà không có hải quân mạnh để đối phó.
Cam Ranh của Việt Nam là lợi điểm chính của nước này khiến hải quân của họ có thể tiến từ phía trong ra, chặn giữa tuyến tuần tiễu, phá thế ỷ dốc của hai vùng đảo Trung Quốc có cơ sở quân sự.
Nhưng lâm chiến hay không lại là một quyết định chính trị.
Cho tới gần đây, chiến lược của nước này là liên kết quốc tế và tự cường.
Nhưng dù mua sắm nhiều vũ khí hiện đại, câu hỏi là lãnh đạo Việt Nam có dám hành động, kể cả mang tính chiến thuật hay không.
Giáo sư Hugh White từ Đại học Quốc gia Úc ở Canberra cho rằng Hoa Kỳ không nên đặt ra một ‘lằn ranh đỏ’ với Trung Quốc ở Biển Đông vì kinh nghiệm lập ‘red line’ ở Syria đã phản pháo quá tệ hại cho chính quyền Obama.
Ông đề nghị Mỹ – Trung không nên coi vấn đề Biển Đông là cuộc đấu sống còn, mà cần tìm ra nhiều giải pháp khác nhau.
Cách nhìn này hoàn toàn có lý với Hoa Kỳ và các đồng minh ở xa như Úc.
Nhưng với Việt Nam, điều này có ý nghĩa thế nào thì lại là chuyện hoàn toàn chưa rõ.








No comments: