31/05/2015
Giới
thiệu: bài viết này giải thích ngắn gọn và dễ hiểu vì
sao Chủ Nghĩa Xã Hội (CNXH) lại thất bại trong việc đạt tới mục đích tối cao của
nó. Không phải vì CNXH xấu, hoặc những con người tin vào nó thiếu tâm trí hoặc
tinh thần. Cũng không phải vì điều kiện tài nguyên hay vì chất xám con người.
CNXH thất bại, hoặc có thể nói là CNXH không thể nào hoạt động được và bất khả
thi, đơn giản vì nó thiếu vắng và kìm nén những động cơ kinh tế và động lực để
con người phát triển.
Bài viết được dựa theo cuốn sách tên ‘Socialism‘
(Chủ Nghĩa Xã Hội) của Ludwig von Mises, một trong những nhà kinh tế học hàng đầu
của trường phái kinh tế học Áo (Austrian Economics). Đối với riêng tôi, đây là
tác phẩm phân tích về nền kinh tế CNXH hay nhất cho đến nay.
Lưu ý: Nếu các đọc giả muốn đọc thêm thì xin vào
đây, Mises
Institute.
---------------------------
Sau đây là 8 lý do vì sao nền kinh tế CNXH không thể
hoạt động và phát triển được:
- Không cho phép quyền sở hữu cá nhân.
- Sự tham gia tự nguyện và tham gia bắt buộc.
- Sự công bằng và bất công bằng.
- Thiếu vắng giá cả.
- Không có động lực cá nhân, lòng tham.
- Thiếu vắng Lời và Lỗ.
- Quyết định tập trung thay vì quyết định linh hoạt.
- Dùng tiền của người khác cho người khác.
Lý
do số 1: Không cho phép quyền sở hữu cá nhân
Trong nền kinh tế CNXH, hoàn toàn không có quyền và
sự tư hữu. Tất cả các tài sản đều được đồng sở hữu, nghĩa là tất cả mọi thứ đều
sở hữu bởi chính phủ thay cho mọi người. Đây là một lý tưởng không có gì sai
trên lý thuyết. Nhưng khi áp dụng thì nó đi ngược lại tâm lý và lịch sử con người.
Nếu một cá nhân không có quyền sở hữu thì cá nhân đó có động lực để quan tâm và
duy trì những tài sản tạm thời của cá nhân đó không?
Hãy tự hỏi bản thân bạn. Bạn là một nông dân, bạn
làm việc nhưng bạn lại không có quyền sở hữu những thành quả của bạn làm ra,
cũng như trang trại của bạn. Bạn có chịu thức khuya dậy sớm để làm việc không?
Dĩ nhiên là không. Vì tại sao bạn phải làm việc khi những thành quả của bạn sẽ
không bao giờ thuộc về bạn? Vậy còn gì là động lực để con người phấn đấu và
phát triển?
Lý
do số 2: Sự tham gia tự nguyện và tham gia bắt buộc
Khi con người làm việc với con người một cách tự
nguyện, điều đó chỉ xảy ra khi cả hai bên đều có lợi. Nhưng điều đó không xảy
ra với chính phủ, đơn giản vì chính phủ là bắt buộc, là bạo lực. Bạn phải tuân
theo cho dù không nhận được giá trị gì. Vậy bạn thích làm theo cách nào: tự
nguyện hay bắt buộc? Và bạn nghĩ cách nào sẽ có lợi hơn có bạn, cho cả hai bên
và cho xã hội?
Lý
do số 3: Sự công bằng và bất công bằng
CNXH dựa trên nền tảng là mọi người đều công bằng, mọi
người đều như nhau. Theo CNXH, ai cũng phải làm việc như nhau, không hơn và
không kém.
Nhưng thực tế là gì? Hãy quan sát, mọi người quanh bạn
có như nhau không? Hoàn toàn không. Mỗi cá nhân trong xã hội đều khác nhau. Tôi
thích làm việc 12 tiếng 1 ngày, người kia thích làm việc 8 tiếng. Người kia
thích mạo hiểm kinh doanh, người kia thì thích ăn lương tháng. Người kia muốn
làm trong ngành dầu khí, trong khi người nọ thích làm nhạc sĩ. Mỗi người đều
khác nhau hoàn toàn và không thể gom chung lại với nhau.
Vì mỗi người khác nhau nên giá trị lao động cũng
khác nhau, đồng nghĩa với việc lương mỗi người cũng khác nhau. Thị trường quyết
định giá trị của từng người chứ không phải là chính phủ.
Mượn câu nói của Milton Friedman:
“Một xã hội ưu tiên sự công bằng trước tự do sẽ
không có công bằng và tự do. Nhưng một xã hội mà ưu tiên tự do trước sự công bằng
sẽ có được một mức độ cao của cả hai.”
Lý
do số 4: Thiếu vắng giá cả
Một trong những thứ căn bản của nền kinh tế là giá cả.
Giá cả là gì? Nó không đơn thuần chỉ là một con số. Nó là một sự phản ảnh của sự
cung cầu của một và mọi thứ hàng hóa và dịch vụ. Nó cho con người biết món hàng
đó phải tốn bao nhiêu công sức để sản xuất ra, tiền lời là bao nhiêu, và sự
khang hiếm của vật liệu cần thiết để làm ra nó.
Các doanh nhân dựa vào giá cả để đánh giá mức độ cần
thiết của nó và dựa theo nó để phân phối và sử dụng tài nguyên. Giá tăng có
nghĩa là người mua sẵn lòng trả thêm để có nó, cũng đồng nghĩa với việc là
doanh nhân sẽ có thêm lời và động lực, cũng đồng nghĩa với việc để làm ra một món
hàng thì phải tốn nhiều thời gian và công sức hơn. Giá cả là sự phản ảnh cuối
cùng của thị trường về nhu cầu và sự khang hiếm của một món hàng.
CNXH thì không cho phép giả cả linh hoạt và phản ảnh
thực trạng. Trong thị trường, giá cả được quyết định bởi tất cả thành viên tham
gia. Nhưng trong nền kinh tế CNXH thì nó được quyết định bởi một nhóm quan chức
làm việc trong một tòa nhà đâu đó xa xôi. Vấn đề là gì? Vấn đề là một nhóm người
đó thì làm sao thấy và phản ứng linh hoạt bằng tất cả mọi người?
CNXH dựa trên nền tảng một nhóm người có sự hiểu biết
nhiều hơn cả trăm triệu người đang hoạt động linh hoạt với nhau. Một nền tảng
phi lý. Chính phủ không thể nào định giá linh hoạt và chính xác bằng thị trường
được.
Để ví dụ. 1 kg cà phê được thị trường định giá là
100 VND. Không ai có thể giải thích được vì sao lại là 100 VND nhưng mọi người
đều chấp nhận giao dịch với giá đó vì mọi người cảm thấy hài lòng. Mọi người đều
tìm được giá trị riêng từ 1 kg cà phê với giá 100 VND đó. Còn chính phủ sẽ định
giá bao nhiêu? 90 VND? 150 VND? Sẽ mất bao lâu để các quan chức đưa ra quyết định
đó, và khi họ đưa ra quyết định rồi giá đó còn phản ứng thực trạng của thị trường
không? Rất khó, gần như bất khả thi. Sự thất bại của ‘Kinh tế mới’ năm
1976-1986 ở Việt Nam là ví dụ điển hình.
Lý
do số 5: Không có động lực cá nhân, lòng tham
Trong nền kinh tế CNXH, mọi thứ đều được đồng sở hữu,
ai cũng nhu ai. Không ai được giàu hơn và không ai được nghèo hơn, mọi người đều
như nhau. Nếu bạn không được quyền sở hữu những thành quả của bạn thì bạn có chịu
làm việc không?
Ở trong cái làng kia có 10 người, mỗi người một sào
ruộng. Quy luật là không cần biết và không phân biệt ai làm bao nhiêu giờ, ai
làm nhiều hay ít. Cứ cuối mùa thu hoạch là mọi người gom chung lại và chia đều
nhau. Khi áp dụng ngoài đời thì nếu một người siêng năng chịu làm hơn
nhưng vẫn phải chia đều cho những người còn lại mặc dù họ không chịu làm, thì tại
sao người siêng năng đó phải làm và phải siêng năng hơn?
Ai cũng có tâm lý thụ động, ai cũng muốn hưởng chứ
không muốn làm. 1 người làm còn 9 người kia không muốn làm thì chẳng có lý do
gì để phát triển. Làm việc và phát triển làm gì khi mình không được sở hữu
thành quả của mình và phải chia đều cho những người không siêng năng như mình?
Đó là tại sao mô hình Hợp Tác Xã lại thất bại, vì nó tiêu diệt động lực và lòng
tham trong từng cá nhân. Làm cho họ lười biếng và thụ động. Chỉ khi nào những
cá nhân đó được sở hữu thành quả của mình, hưởng lợi theo sức lao động của mình
thì họ mới có động lực để cạnh tranh và phát triển.
Mô hình làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu là một
triết lý rất lý tưởng và khả thi nếu mọi người đều siêng năng như nhau. Nhưng
thực tế thì không. Xã hội có người lười người siêng. Tại sao người siêng phải
chia đều công lao của mình cho người làm biếng? Bạn làm bài được 10 điểm, bạn
có chịu và chấp nhận chia điểm cho người được 5 điểm không? Thật bất công phải
không? Nhưng đó chính là nền tảng của CNXH.
Lý
do số 6: Thiếu vắng Lời và Lỗ
Trong nền kinh tế thị trường, Lời & Lỗ là tín hiệu,
như đèn giao thông. Lời là đèn xanh, hãy đi tiếp. Lỗ là đèn đỏ, hãy ngưng lại.
Khi một doanh nhân làm việc có lời, điều đó nghĩa là lĩnh vực đó có tiềm năng,
khách hàng có nhu cầu sử dụng món hàng đó. Doanh nhân đó sẽ dựa theo mức lời để
tái đầu tư và báo hiệu cho các doanh nhân khác cùng tham gia. Nhưng nếu là lỗ
thì có nghĩa là lĩnh vực đó hay anh ta đã làm gì đó sai, hoặc khách hàng không
có nhu cầu, lỗ ra tín hiệu cho các doanh nhân đầu tư vào chỗ khác, tránh việc
tiếp tục đầu tư vào một việc không tạo ra giá trị.
Nền kinh tế XHCN thì không có chuyện lời lỗ. Phải
nói chính xác hơn là không có chuyện lỗ, vì doanh nghiệp nhà nước thì không lỗ
được. Bởi vì không có Lời & Lỗ nên các quan chức không biết phải phân phối
tài nguyên như thế nào, Không biết nên đầu tư vào lĩnh vực gì, với kinh phí bao
nhiêu và quan trọng hơn là nên ngừng lại ở điểm nào. Nếu không có Lời & Lỗ
thì làm sao một nền kinh tế và các thành viên trong nền kinh tế đó có thể đưa
ra quyết định được?
Lý
do số 7: Quyết định tập trung thay vì quyết định linh hoạt
Trong nền kinh tế thị trường, mỗi người sẽ có một
quyết định riêng và khác nhau. Sự quyết định này linh hoạt và thay đổi theo từng
năm, từng tháng, từng ngày, từng giờ. Vì sao? Vì khi một ai đó thay đổi thì sẽ ảnh
hưởng lớn nhỏ đến sự quyết định của người khác. Hôm nay người ta thích dùng Blackberry,
ngày mai lại thích iPhone. Nền kinh tế phát triển dựa trên sự linh hoạt này.
Nhưng trong nền kinh tết CNXH, mọi quyết định đều do
một nhóm người ban hành. Vì sao đây lại là vấn đề? Vì tại sao một nhóm người
này lại có sự hiểu biết để đưa ra quyết định thay cho những người còn lại trong
xã hội? Ai là người đã bầu họ để họ ra quyết định? Nếu họ quyết định đúng thì
không sao, nhưng rất hiếm và rất khó. Nếu họ quyết định sai thì mọi người đều bị
ảnh hưởng. Tư duy này được FA Hayek gọi là sự ‘lừa dối hoặc ngạo mạn của trí
thức‘.
Làm sao một nhóm người nào đó ở một nơi xa xôi nào
đó có thể có đủ kiến thức và sự linh động để đưa ra quyết định thay cho hàng
trăm triệu người được? Nếu họ nghĩ họ có đủ khả năng đó thì sao không cho người
khác suy nghĩ và đưa ra quyết định thay cho họ? Đây là tư duy ngạo mạn, phi lý.
Nền kinh tế và xã hội chỉ phát triển được khi mỗi
con người có tự do tự quyết.
Lý
do số 8: Dùng tiền của người khác cho người khác (nền tảng của các cơ quan
chính phủ)
Khi bạn dùng tiền của người khác cho người khác, bạn
sẽ không quan tâm và không có động lực để tối đa hóa giá trị. Vì sao? Đơn giản
vì đó đâu phải tiền của bạn, bạn không cảm thấy xót và vì thế bạn không quan
tâm. Bạn không quan tâm số tiền đó là bao nhiêu, cũng như số tiền đó sẽ được
chi tiêu ra sao, giá trị đổi lại có đáng giá không. Bạn cũng không phí thời
gian cân nhắc, trả giá, phấn đấu hoặc thương lượng khi dùng nó như lúc bạn dùng
tiền bản thân cho bản thân.
Đây chính là nền tảng của các cơ quan chính phủ, từ
các cơ quan xã hội cho đến các công ty quốc doanh. Nếu các nhân viên chính phủ
dùng tiền không hiệu quả cũng không có ai trừng phạt, họ cũng không cần phải cạnh
tranh vì doanh nghiệp nhà nước thì không có chuyện lỗ, vì luôn được ngân sách
bù đắp. Họ cũng không thấy xót khi nhìn số tiền này bị tham nhũng, lạm dụng hay
ăn cắp, vì đâu phải tiền có họ nên chẳng có lý do gì chính đáng để họ quan tâm.
Bạn hãy so sánh tác phong làm việc giữa các doanh
nghiệp hoặc tổ chức tư nhân và nhà nước. Vì sao cũng con người đó mà lại 2 tác
phong và 2 kết quả hoàn toàn khác nhau? Vì một bên dùng tiền của mình, phải cân
nhắc và cạnh tranh, vì họ cảm thấy xót. Còn một bên thì dùng tiền người khác
cho người khác, nên chẳng có gì để xót. Đây là nguyên nhân vì sao các cơ quan
chính phủ lại hoạt động kém và tham nhũng.
Ku
Búa
No comments:
Post a Comment