28.05.2015
Tin cho hay Trung Quốc đã
đưa vũ khí ra các đảo nhân tạo trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông, một bước
tiến thêm nữa sau khi Bắc Kinh ráo riết tiến hành các hoạt động xây dựng lấy đất
lấp biển hầu thay đổi nguyên trạng vùng biển giàu tài nguyên này.
Báo chí Úc hôm nay dẫn
nguồn tin từ các giới chức nước này bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc có thể đưa
radar tầm xa, súng chống phòng không, cùng các chuyến bay giám sát thường xuyên
để triển khai sức mạnh quân sự của mình trên khắp vùng biển rộng lớn ở Biển
Đông.
Diễn tiến này xảy ra vài
ngày sau khi Bắc Kinh lên tiếng khẳng định các hoạt động của họ ở Biển Đông chỉ
là các hoạt động xây cất bình thường như xây dựng đường sá mà thôi trong khi
báo cáo quốc phòng của Trung Quốc mới đây tái khẳng định đường hướng quả quyết
hơn của Bắc Kinh trong việc bảo vệ quốc phòng.
Việt Nam và các nước có
thể làm gì để ứng phó với động thái mới này của Trung Quốc? VOA Việt ngữ đã có
cuộc phỏng vấn với Giáo sư Carl Thayer chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc
phòng Australia để ghi nhận ý kiến của giới phân tích quốc tế.
VOA: Về khả năng
Trung Quốc đưa vũ khí ra các đảo nhân tạo, Giáo sư Thayer nhận xét thế nào?
GS Carl Thayer: Tin nói Trung Quốc đã đưa vũ khí ra các đảo nhân tạo trên Biển
Đông, nhưng các bản tin không nói rõ đó là những loại vũ khí gì và họ cũng
không nêu rõ các nguồn tin. Nhưng các bài báo có liên hệ tới phát biểu của Bộ
trưởng Quốc phòng Úc Dennis Richardson khi ông nói rằng sự thiếu minh bạch có
thể dẫn tới kết luận rằng Trung Quốc có thể phát triển quân sự tại các nơi này
bao gồm hệ thống radar tầm xa và rằng điều này có thể gây ra các vấn đề đối với
quyền tự do hàng hải đặc biệt là đối với các tàu bè của Úc trong khu vực.
VOA: Nếu quả đúng
như vậy, theo ông, chính phủ Úc và các nước khác cũng có tuyên bố chủ quyền ở
Biển Đông như Việt Nam chẳng hạn, có thể làm gì để ứng phó với bước tiến mới
này của Trung Quốc?
GS Carl Thayer: Một vấn đề đang được thảo luận là vì Hoa Kỳ
không phải là một bên đã ký kết vào Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển cho
nên một số thách thức đối với các tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc
tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông có thể được thực hiện bởi các nước như
Úc chẳng hạn, quốc gia đã ký Công ước này. Trung Quốc đã ngưng xây mới tại 4
trong số các địa điểm ở đó và hiện đang củng cố xây dựng các cao ốc, bến tàu,
chỗ hạ neo cho các tàu có diện tích lớn. Họ không cần tiếp tục lấy đất lấp xung
quanh các bãi cạn nữa. Việt Nam có thể làm gì trong khi Hà Nội luôn do dự khi
đưa ra một phản kháng về mặt pháp lý đối với Trung Quốc.
Rõ ràng Việt Nam đang đi
nước đôi trong khi Hà Nội vui mừng vì đã khắc phục được những rạn nứt với Trung
Quốc sau vụ giàn khoan 981 năm ngoái, họ không muốn làm Bắc Kinh phật ý mà thể
hiện rõ ràng nhất là báo chí nhà nước VIệt Nam đã giữ im lặng khá lâu mới trưng
ra những hình ảnh vệ tinh về hoạt động cải tạo đất đai của Trung Quốc ở Biển
Đông cho công chúng trong nước biết và báo nhà nước cũng hạn chế các bài chỉ
trích chính sách của Trung Quốc.
Một mặt, Việt Nam không muốn dính líu trực tiếp vào căng thẳng với Trung Quốc, nhưng một mặt họ muốn khuyến khích Hoa Kỳ can dự, với chuyến công du cấp cao của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ sắp tới đây và ít nhất là 7 thành viên trong Bộ Chính trị Việt Nam thực hiện các chuyến thăm riêng rẽ khác tới Mỹ trong năm nay để đánh dấu kỷ niệm 2 thập niên bình thường hóa quan hệ song phương. Cho nên, VIệt Nam xem ra đang tìm cách vận động Mỹ đóng vai trò chủ động hơn trong vấn đề Biển Đông.
Một mặt, Việt Nam không muốn dính líu trực tiếp vào căng thẳng với Trung Quốc, nhưng một mặt họ muốn khuyến khích Hoa Kỳ can dự, với chuyến công du cấp cao của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ sắp tới đây và ít nhất là 7 thành viên trong Bộ Chính trị Việt Nam thực hiện các chuyến thăm riêng rẽ khác tới Mỹ trong năm nay để đánh dấu kỷ niệm 2 thập niên bình thường hóa quan hệ song phương. Cho nên, VIệt Nam xem ra đang tìm cách vận động Mỹ đóng vai trò chủ động hơn trong vấn đề Biển Đông.
VOA: Về mặt pháp lý, theo ông, có thể làm gì để chặn đứng các bước
tiến của Trung Quốc ở Biển Đông?
GS Carl Thayer: Phải có những hành động thách thức Trung Quốc. Thứ nhất là về vấn
đề từ ngữ, nhiều người mô tả các hoạt động Trung Quốc là cải tạo đất, bị kẹt chỗ
đó. Không phải vậy, những gì đang diễn ra là Bắc Kinh đang lấy đất cát từ dưới
đáy biển lên, không phải là từ các vùng đất nổi mà từ các vùng đất chìm dưới mặt
biển mà theo luật gọi là bãi nổi khi triều xuống. Do vậy, bất kể những gì Trung
Quốc xây dựng trên đó cho dù là đảo nhân tạo đi nữa, theo luật quốc tế, họ cũng
không đủ tư cách pháp lý đối với một vùng phòng không mà chỉ đủ tư cách pháp lý
với vùng an toàn riêng của họ mà thôi. Mà Trung Quốc thì đang tìm cách nhận chủ
quyền vượt hơn những thứ đó nữa, ngay cả vùng 12 hải lý của họ cũng chồng chéo
với khu vực 12 hải lý của Việt Nam.
Kế hoạch về các cuộc tuần
tra bảo vệ quyền tự do hàng hải do Mỹ nêu lên, dù chưa loan báo, là một cách để
thách thức Trung Quốc bằng việc cho tàu bè qua lại các vùng biển để khẳng định
quyền tự do hàng hải và thực hiện các chuyến bay ngang qua vùng biển mà Trung
Quốc không có căn cứ pháp lý nhận đó là không phận quân sự của mình. Trung Quốc
hành xử vô trách nhiệm và vô luật lệ. Cho nên, một trong những cách phản ứng là
phải đương đầu với họ bằng các thách thức, cho tàu bè qua lại đó và tìm cách chấm
dứt các cuộc tuần tra của họ. Tương tự như đối với vùng nhận dạng phòng không
ADIZ của Trung Quốc ở Đông Bắc Á, phải điều máy bay B52 bay ngang qua đó để chứng
minh cho Trung Quốc thấy rằng họ không thể thực thi vùng ADIZ ở Biển
Đông.
VOA: Theo ông có
thể nhìn thấy gì liên hệ tới vấn đề Biển Đông sau chuyến thăm sắp tới của Bộ
trưởng Quốc phòng Mỹ?
GS Carl Thayer: Trước chuyến đi Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng
Mỹ sẽ sang tham dự Đối thoại an ninh Shangri-La. Tôi nghĩ, các bộ trưởng của Mỹ,
Nhật, và Úc sẽ gặp nhau trước đó và cùng đồng thanh trong bản hợp ca. Tôi có mặt
ở cuộc Đối thoại năm ngoái khi Trung Quốc nói là họ bị công kích. Năm nay, ở sự
kiện này chúng ta cũng sẽ thấy những yêu cầu, tố cáo được đưa ra và sẽ có một
cuộc khẩu chiến nữa tại Shangri-La. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên đường
sang Việt Nam. Có những chỉ dấu cho thấy quan hệ quân sự đôi bên sẽ tiến triển sâu
hơn. Hai bên sẽ ký Tuyên bố về Tầm nhìn chung. Dù chưa rõ nội dung Tuyên bố
này, nhưng có thể nó sẽ đưa quan hệ quân sự hai nước tiến sâu thêm một bước nữa.
Có phần chắc chúng ta sẽ nhìn thấy một số bước đi tới và có thể là sau đó chúng
ta sẽ nghe loan báo về việc bán một số thiết bị và kỹ thuật quân sự cho Việt
Nam để hỗ trợ Hà Nội trong lĩnh vực tuần duyên và bảo vệ biển.
Chính phủ Việt Nam chưa
lên tiếng bình luận hoặc cho biết sẽ ứng phó thế nào trước tin Trung Quốc đưa
vũ khí ra các đảo nhân tạo do chính Bắc Kinh bồi đắp ở Biển Đông.
Trong khi đó, cộng đồng
người Việt ở Mỹ hôm 27/5 vừa khởi xướng chiến dịch thỉnh nguyện thư kêu gọi
chính phủ của Tổng thống Obama cương quyết bảo vệ Luật biển bằng các biện pháp
quân sự và ngoại giao trước thái độ gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thỉnh nguyện thư gửi Tòa
Bạch Ốc đang thu thập chữ ký trên trang WhiteHouse.gov lên án rằng các hành động
khiêu khích của Bắc Kinh ở Biển Đông đe dọa an ninh khu vực và thế giới.
Thỉnh nguyện thư nhấn mạnh
Mỹ, trong vai trò một quốc gia Thái Bình Dương, phải bảo vệ các lợi ích quốc
gia và quốc tế, phải cho Trung Quốc thấy họ bắt buộc phải ngay lập tức chấm dứt
kiểm soát hải phận và không phận ở Biển Đông, ngưng cải tạo đất cũng như thôi
xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng và tôn trọng luật quốc
tế.
-----------------------------------
BBC - 25 tháng 5 2015
BBC - 26
tháng 5 2015
BBC - 28 tháng 5 2015
No comments:
Post a Comment