Vào ngày 29 tháng 5, một viên chức Mỹ cho CNN biết
các giàn pháo của Trung Cộng được tiết lộ trong bài báo của Wall Street Journal
đã không còn thấy trên không ảnh nữa, có thể đã được tháo gỡ hay che giấu.
Nhắc lại, một bài báo trên Wall Street Journal ngày
trước đó trích dẫn lời của một viên chức Mỹ tố cáo Trung Cộng đặt hai giàn pháo
trên một trong hai đảo nhân tạo thuộc khu vực biển đang tranh chấp ở Trường Sa.
Khám phá trên tờ Wall Street Journal có kèm theo không ảnh cho thấy hàng trăm
tàu bè Trung Cộng đang hoạt động trong vùng. Sau đó, hàng loạt các hãng tin và
báo lớn của Mỹ đồng loạt đưa tin về sự hiện diện quân sự của Trung Cộng.
Nguồn ảnh: WSJ
Điều này xác định sự nghi ngờ của Mỹ về việc Trung Cộng
xây dựng các đảo nhân tạo cho các mục đích quân sự là đúng. Cũng theo tờ Wall
Street Journal, các giàn pháo Trung Cộng không đe dọa trực tiếp đối với các phi
cơ hay tàu bè của Mỹ nhưng có khả năng bắn đến các quốc gia láng giềng đang
tranh chấp với Trung Cộng. Trung Cộng không bình luận gì về những tố cáo do
phía Mỹ đưa ra.
Hành động của Trung Cộng cho thấy “Giấc mơ Trung
Hoa” để làm chủ Á Châu của Tập Cận Bình và lãnh đạo CSTQ đang chuyển một giai đoạn
mới.
Tham
vọng Tập Cận Bình
Tập Cận Bình sinh ngày 15 tháng 6, 1953 trong một
gia đình cộng sản truyền thống. Họ Tập là con út của Tập Trọng Huân, nguyên là
Trưởng ban Tuyên Truyền Trung Ương Đảng kiêm Phó Thủ tướng Trung Cộng. Trong thời
kỳ Cách Mạng Văn Hóa, Tập Trọng Huân bị thanh trừng xuống làm phó giám đốc một
công ty sản xuất máy cày. Sau Cách Mạng Văn Hóa y được phục hồi và đảm nhiệm chức
vụ Bí thư tỉnh Quảng Đông từ 1979 đến 1981.
Tập Cận Bình gia nhập đoàn thanh niên CS Trung Quốc
năm 18 tuổi tại một nhà máy ở tỉnh Thiểm Tây và cũng tại nơi này y được kết nạp
vào đảng cộng sản Tàu năm 21 tuổi. Chức vụ cuối cùng của Tập Cận Bình tại nhà
máy là Bí thư Đảng bộ Khu sản xuất. Khi Tập Cận Bình rời nhà máy ở Thiểm Tây
năm 22 tuổi, y được trao bằng khen Cá Nhân Xuất Sắc Về Nghiên Cứu Tư Tưởng Mao
Trạch Đông.
Suốt thời gian trước khi gia nhập đảng CSTQ vào
tháng Giêng 1974 đến cho khi nắm quyền chủ tịch đảng, Tập Cận Bình được trui
rèn trong lý luận Mác Xít. Hầu hết hoạt động chính trị của y đều gắn liền với hệ
thống đảng, từ chức vụ bí thư huyện ủy huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc năm 1982
cho đến Chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Đảng cộng sản. Bằng tốt nghiệp đại học đầu
tiên của y cũng về Tư tưởng và Lý luận Mác. Căn bản giáo dục Tập Cận Bình thừa
hưởng từ gia đình cho đến xã hội đều được xây dựng trên nền tảng lý luận Cộng Sản.
Trước khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch đảng và nhà nước Trung Cộng Tập Cận Bình
là Hiệu trưởng Trường Đảng Trung Ương. Do đó, không lạ gì khi quan điểm chính
trị tư tưởng họ Tập gần với Mao hơn là gần với Đặng.
Không giống như Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào, những
kẻ được Đặng Tiểu Bình chọn lựa và rèn luyện, Tập Cận Bình không muốn núp dưới
bóng họ Đặng. Bằng chứng tham vọng chỉ đứng sau Mao của Tập Cận Bình thể hiện
trong ngày kỷ niệm sinh nhật Đặng Tiểu Bình. Ngày sinh nhật của các lãnh đạo tối
cao Trung Cộng thường được xem như là một ngày lễ lớn. Nhất là sinh nhật của họ
Đặng, ngày 22 tháng 8 2014, càng quan trọng hơn vì đó là ngày kỷ niệm tròn 110
năm y ra đời tại Tứ Xuyên. Tháng trước đó báo chí Trung Cộng chuẩn bị lên khuôn
các bài viết ca ngợi Đặng, lãnh đạo các cấp chuẩn bị các chương trình kỷ niệm rầm
rộ để tưởng nhớ Đặng. Tuy nhiên, chỉ vài tuần trước ngày sinh nhật của Đặng,
ngoại trừ trong nội bộ trung ương đảng, các chương trình kỷ niệm ngoài công chúng
đều bị hủy bỏ. Tập Cận Bình, dĩ nhiên chưa dám phê bình hay chỉ trích các chính
sách của Đặng Tiểu Bình nhưng trong các phát biểu cho thấy y muốn nhấn mạnh Đặng
dù tài ba thao lược cũng chỉ là con người của một giai đoạn, một thời đại. Với
y, họ Đặng thuộc về một giai đoạn của quá khứ và trong thời đại Trung Cộng ngày
nay chỉ có Tập Cận Bình sau Mao Trạch Đông.
Nhưng cũng giống như Mao trong xung đột Đài Loan, Tập
Cận Bình đang phải đối phó với chính sách ngăn chận (Containment) của Mỹ không
chỉ trong lãnh vực chính trị, kinh tế mà cả quân sự như đã từng áp dụng đối với
Liên Xô trong Chiến Tranh Lạnh. Để thoát ra khỏi vòng vây, Tập Cận Bình chủ
trương quân sự hóa Biển Đông.
Tham
vọng Tập Cận Bình qua bài học Hitler
Tham vọng của họ Tập là bản sao chủ trương của
Hitler đã thực hiện tại châu Âu trong những năm đầu thập niên 1930.
Học bài học Hitler để đương đầu với Trung Cộng là một
điều cần thiết. Các điều kiện chính trị và phương tiện giúp Hitler nắm lấy quyền
lực trong thập niên 1930 tại Đức và sự lớn mạnh của Trung Cộng hiện nay, có nhiều
điểm giống nhau. Hai nguyên nhân đã được người viết trình bày trong nhiều bài
trước, tham vọng bành trướng trên phạm vi thế giới của Hitler về căn bản không
khác nhiều so với tham vọng của lãnh đạo Trung Cộng và chính sách nhân nhượng
mà cố Thủ tướng Anh Neville Chamberlain đã áp dụng trong đàm phán với Hitler
cũng tương tự như không khí chủ hòa trong nhiệm kỳ đầu của TT Obama là cơ hội tốt
cho Trung Cộng gia tăng khả năng quân sự trong vùng Á Châu.
Mục đích của Hitler khi đưa quân vào vùng Rhineland
năm 1936 là để thăm dò phản ứng của Anh và Pháp. Trước khi ra quân, Hitler chỉ
thị các tướng lãnh Đức nếu quân đội Pháp can thiệp, không được đánh trả mà phải
lập tức rút quân về. Quân Pháp không ngăn chận, và thử nghiệm của Hitler thành
công. Sau đó y tiếp tục thử nghiệm Áo, rồi Tiệp cho đến khi Thế chiến thứ hai
bùng nổ ngày 1 tháng 9, 1939.
Câu hỏi mà nhiều sử gia, nhiều nhà phân tích đặt ra
rằng Thế chiến thứ hai có thể đã tránh được không? Phần lớn các nhà phân tích
cho rằng có thể tránh được nếu các lãnh đạo thế giới thời đó kịp thời ngăn chận
tham vọng của Hitler. Các lãnh đạo châu Âu đã không ngăn chận Hitler nên sau đó
phần lớn châu Âu bị tàn phá và khoảng 80 triệu người bị giết. Và tương tự,
Trung Cộng sẽ thiêu đốt Á châu nếu tham vọng bành trướng của Tập Cận Bình và
lãnh đạo CSTQ không kịp thời bị ngăn chận.
Thay
đổi trong chính sách ngoại giao hai mặt của Mỹ đối với Trung Cộng (Dual-Track
Policy)
Giáo sư Aaron L. Friedberg, thuộc đại học Princeton
và nguyên Phụ tá An ninh Quốc gia tại văn phòng Phó Tổng Thống vào năm 2005, giải
thích chính sách này gồm hai mặt: vừa hợp tác xuyên qua ngoại giao, mậu dịch,
khoa học kỹ thuật và văn hóa giáo dục nhưng đồng thời cũng tăng cường quân sự để
đáp ứng với sự gia tăng quân sự của Trung Cộng trong vùng Đông Á qua các hợp
tác quân sự với Úc, Nhật, Nam Hàn và Philippines.
Chính sách này bị phê bình vì trong giai đoạn đầu TT
Barack Obama tỏ ra mềm dẻo, nghiêng nặng về phía đàm phán, thương thuyết trong
khi Trung Cộng không hành xử với tư cách một cường quốc có trách nhiệm, cụ thể
qua việc Bắc Hàn thử nghiệm hỏa tiễn tầm xa và việc Iran thí nghiệm nguyên tử.
Ngoài ra, trong lúc Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng, Trung Cộng lại gia tăng với
mục đích nắm phần ưu thế, nhất là tại Á Châu. Trong thời gian qua, Mỹ đã điều
chỉnh sách sách ngoại giao hai mặt và nghiêng về phần quân sự.
Tại đại học Queensland, Brisbane, Úc trong dịp họp
Thượng Đỉnh G20 tháng 11 năm ngoái, TT Obama cam kết “Mỹ sẽ tiếp tục sự can thiệp
bằng mọi phương tiện trong quyền lực Mỹ, ngoại giao, quân sự, kinh tế, phát triển,
sức mạnh về giá trị lý tưởng Mỹ”.
Sự kiện đưa máy bay thám thính tối tân nhất của Mỹ
US P8-A Poseidon bay trên khu vực Trung Cộng đang xây đảo nhân tạo trên Biển
Đông, bất chấp việc hải quân Trung Cộng khám phá và phát tín hiệu cảnh cáo 8 lần
là một bằng chứng. Ngoài phi cơ thám thính, mới đây Khu trục hạm chiến đấu USS
Forth Worth cũng tiến vào khu vực Trung Cộng cho rằng thuộc chủ quyền của họ. Mặc
dù lên tiếng tố cáo Mỹ “khiêu khích”, Trung Cộng đã thấy Mỹ có sự chuyển hướng
trong chính sách đối ngoại của Mỹ qua các biện pháp cứng rắn và cụ thể trước
chính sách bành trướng thô bạo của Trung Cộng trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter cam kết Mỹ sẽ
không giảm bớt các hoạt động quân sự chung quanh khu vực đảo nhân tạo thuộc phạm
vi 600 dặm từ bờ biển Trung Quốc. Carter cũng nhấn mạnh Mỹ chẳng những tiếp tục
hiện diện quân sự trong khu vực mà còn ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á trong đó
có đồng minh Philippines của Mỹ và Việt Nam.
Phản ứng trước những tuyên bố cứng rắn của Ashton
Carter, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying)
cũng chỉ trả đũa bằng những lời quen thuộc: “Trung Quốc kêu gọi Mỹ nghĩ ba lần
trước khi hành động, chấm dứt các phát biểu và hành động có tính khiêu khích và
làm việc nhiều hơn cho lợi ích của hòa bình và ổn định khu vực thay vì làm ngược
lại”.
Tập
Cận Bình lo ngại TPP
Nỗi lo lớn nhất trong nhận thức của các lãnh đạo
Trung Cộng từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình là nỗi lo sợ bị bao vây, cả về
quân sự lẫn kinh tế. Nỗi lo đó đã chi phối toàn bộ chính sách đối ngoại của
Trung Cộng, không chỉ về chính trị, về kinh tế thương mại mà cả trong xung đột
lãnh thổ, lãnh hải. Trung Cộng tố cáo Mỹ đang sử dụng TPP (Trans-Pacific
Strategic Economic Partnership Agreement) như là phương tiện để áp dụng chính
sách “Sức mạnh mềm” (Soft power) tại Á Châu. Shi Yinhong, giáo sư đại học
Renmin University tại Bắc Kinh thừa nhận “quan hệ giữa hai nước chưa bao giờ
căng thẳng hơn lúc này”.
Khác với các hiệp ước kinh tế quốc tế khác, TPP
không chỉ giới hạn trong lãnh vực hàng hóa và dịch vụ mà còn bao gồm quyền tài
sản trí tuệ, định chế chung về môi trường, tiêu chuẩn lao động và cơ sở kinh tế
quốc doanh. Những điều khoản trong hiến chương sau khi được đàm phán và ký kết
có thể làm thay đổi cấu trúc nền kinh tế của một số quốc gia thành viên. TPP
giúp cho các quốc gia thành viên tăng khả năng cạnh tranh chống lại hàng hóa
Trung Cộng và cũng giúp cho Mỹ tái cân bằng liên minh an ninh trong khu vực Á
Châu Thái Bình Dương một cách chủ động. Những đặc điểm chính trị và an ninh đó
của TPP là mối lo ngại hàng đầu cho Tập Cận Bình và lãnh đạo Trung Cộng. Trung
Cộng vẫn có quyền tham gia nhưng Tập Cận Bình biết đã quá trễ để có thể thay đổi
mục đích của TPP khi các cuộc đàm phán đã diễn ra quá nhiều vòng và nội dung đã
được thỏa thuận quá sâu về chi tiết.
Tập Cận Bình và các lãnh đạo Trung Cộng cho rằng Mỹ
sử dụng TPP như là một vũ khí nhắm thẳng vào Trung Cộng, đe dọa nghiêm trọng đến
các chính sách kinh tế của Trung Cộng. Trung Cộng thiệt hại không chỉ về giá cả
hàng hóa, tiêu chuẩn hàng hóa, chính sách đầu tư, xuất nhập cảng mà còn có nguy
cơ ảnh hưởng đến cả vai trò lãnh đạo của đảng CS. TT Obama không giấu diếm điều
nay khi tuyên bố “Nếu Mỹ không tiến hành tự do mậu dịch với Á Châu, rồi Trung
Quốc sẽ chế ngự khu vực này”.
Tranh chấp Biển Đông là cuộc tranh chấp vô cùng phức
tạp. Mỗi quốc gia trong cuộc đều có những khó khăn riêng. Quan hệ kinh tế rất lớn
giữa Mỹ và Trung Cộng mang đặc tính phụ thuộc vào nhau sâu sắc, khác với quan hệ
giữa Mỹ và Nhật hay giữa Mỹ và Đức trong thế chiến thứ hai. Đồng ý rằng nước
nào cũng có khó khăn nhưng Trung Cộng là nước đương đầu với nhiều khó khăn nhất,
không phải chỉ đối ngoại mà quan trọng hơn là khó khăn nội bộ. Nếu có xung đột
quân sự, các quốc gia dân chủ dù thiệt hại bao nhiêu vẫn có cơ hội phục hồi
nhưng Trung Cộng thì khác, cơ chế chính trị Trung Cộng sẽ sụp đổ và lục địa
Trung Hoa có nguy cơ vỡ thành nhiều mảnh nhỏ.
Trung
Cộng theo đuổi chính sách đối ngoại chuột đồng
Để tiếp tục bành trướng nhưng tránh né các biện pháp
cứng rắn của Mỹ, Trung Cộng có thể sẽ phải trở lại với chính sách đối ngoại như
cách loài chuột đồng tàn phá mùa màng như họ đã áp dụng nhiều năm qua. Trung Cộng
không đánh chiếm những vùng lớn, phát động những trận đánh lớn như trong chiến
tranh biên giới 1979 mà chỉ từ từ gặm nhấm dần mòn lãnh thổ và lãnh hải Việt
Nam như cách đám chuột đồng gặm nhấm từng bụi lúa.
Một mặt Trung Cộng lớn tiếng với quốc tế là luôn
theo đuổi chính sách “hòa bình” và “ổn định” nhưng mặt khác lấn chiếm từng bãi
san hô, từng hòn đảo nhỏ trên Biển Đông, đặt những giàn khoan trong thềm lục địa
Việt Nam. Những hành vi ăn cắp vặt này không đủ va chạm quyền lợi nặng đến mức
các cường quốc phải đặt vấn đề và các biến cố do loài chuột đồng Trung Cộng gây
ra không đủ tác hại an ninh khu vực đến mức quốc tế phải quan tâm.
Thật vội vã khi chỉ nhìn vài hành vi quân sự nhỏ như
máy bay thám thính của Mỹ US P8-A Poseidon bay trên khu vực đảo đang tranh chấp
rồi kết luận rằng chiến tranh sắp sửa xảy ra nhưng rõ ràng Mỹ đang áp dụng
chính sách ngăn chận và Trung Cộng sẽ phải làm tất cả những gì họ phải làm để
thoát khỏi vòng vây. Bài học Liên Xô vẫn còn rất mới, không thoát được vòng
vây, cơ chế chính trị sớm muộn cũng sẽ sụp đổ. Thế chiến thứ nhất làm tan rã
hàng loạt nhiều đế quốc và thế chiến thứ hai phân chia thế giới thành hai cực.
Thật khó có thể tiên đoán một thời điểm chính xác cho sự bùng vỡ các mâu thuẫn
đối kháng tại Á Châu nhưng nhiều nhà phân tích đồng ý một trật tự mới đang hình
thành.
“Việt
Nam tôi đâu?”
Như người viết đã phân tích chính luận Tranh
chấp Mỹ - Trung, một cảnh giác cho lòng yêu nước đăng trên
talawas 5 năm trước, nhìn vào bản đồ Á châu, chúng ta không khỏi nghĩ đến chiến
tranh Trung-Mỹ rồi sẽ phải xảy ra. Các nhà bình luận có thể cho rằng quyền lợi
của các siêu cường ngày nay đã phụ thuộc, quyện lẫn vào nhau đến mức độ không
thể có một bên thắng, một bên bại nếu chiến tranh bùng nổ. Sau Thế chiến thứ nhất
đã có nhiều người nói như thế nhưng chưa đầy 20 năm sau, nhân loại lại phải lao
vào cuộc chém giết với hậu quả trầm trọng gấp nhiều lần hơn trước.
Cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ và Liên Xô vừa qua để lại
nhiều bài học quý giá về số phận của những sân sau, tiền đồn và vùng độn. Có những
tiền đồn chìm đắm trong chiến tranh hận thù nghèo đói như Cu Ba, Việt Nam, Bắc
Hàn, Afghanistan nhưng cũng có những tiền đồn nhờ xung đột đã trở nên giàu có
như Nam Hàn, Tây Đức, Đài Loan.
Đặc điểm chung rõ nét của những quốc gia vượt qua được
số phận sân sau, tiền đồn và vùng độn để trở nên thăng tiến giàu mạnh chính là
dân chủ. Dân chủ là đôi cánh thời đại đã giúp cho nhiều vượt qua những vị trí địa
lý chính trị khó khăn và trở thành những nước giàu mạnh, được kính trọng, có tiếng
nói độc lập trong bang giao quốc tế.
Không ai có thể tiên đoán một ngàn năm nữa Việt Nam
sẽ ra sao. Nhưng dù ra sao thì đó cũng là trách nhiệm của các thế hệ sau này.
Trách nhiệm của thế hệ hôm nay là giữ nguyên vẹn được mảnh đất mà tổ tiên để lại
và xây dựng trên đó một căn nhà thương yêu, đoàn kết, tự do, dân chủ và giàu mạnh.
Dân chủ sẽ là vũ khí hữu hiệu nhất để ngăn chận những đe dọa từ Trung Cộng và đồng
thời cũng là phương tiện giúp Việt Nam thăng tiến cùng thế giới.
No comments:
Post a Comment