Wednesday, September 29, 2010

NHẬN DIỆN "GIẶC VĂN HÓA"

Posted on by Da Vàng

Một nếp văn hóa đọc và văn hóa nghe nhìn đang xuống cấp, đang bị lai căng, đang bị nhồi nhét một cách thô bạo. Những tác phẩm văn học nhạt nhẻo, những tác phẩm âm nhạc rẽ tiền,những trò chơi bạo lực đang tràn ngập trên đường phố và các phương tiện thông tin đại chúng … Tất cả những thứ đó đang xâm chiếm và áp đặt nếp suy nghĩ và hành động của đa số trẻ em Việt Nam hiện nay, từ đó sinh ra một thế hệ trẻ không hiểu biết về văn hóa, không biết cảm thụ những cái hay, cái đẹp, đã vô tình tiếp tay cho một xu hướng “giặc” mới: đó là Giặc “văn hóa”.
Trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ phân tích và chỉ ra những đặc điểm rất dễ nhận ra trên hầu hết Việt Nam từ những làng xóm yên bình đến những thành thị giàu có, cốt là để nhận diện các loại giặc văn hóa mới đang âm thầm giết chết những thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước.

1. Những điều đang xảy ra bên ngoài xã hôi:

Trên hầu hết đất nước Việt Nam tươi đẹp này, đi đến đâu cũng thấy một bộ phận không nhỏ học sinh từ tiểu học đến trung học bước ra khỏi nhà trường là trở thành những con người khác.
- Hút thuốc lá:
Theo một nghiên cứu về hút thuốc lứa tuổi học sinh tại TP.HCM thì có tới 28% học sinh hút thuốc lá, riêng ở các trường dân lập, tỷ lệ học sinh hút thuốc là 34%. Có đến 44% nam sinh và 12% nữ sinh bậc THPT ở TP HCM có thói quen tai hại này. Đây là kết quả một nghiên cứu do Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Thành phố thực hiện tại 27 trường THPT(bao gồm cả trường công lập, dân lập và bán công.
Quan sát xung quanh các trường học, ta dễ nhận thấy các học sinh mà nhất là học sinh nam hút thuốc lá. Nhìn những gương mặt ngây thơ nhưng cầm điếu thuốc trên tay rất sành điệu phì phèo nhả khói mà không khỏi đau lòng. Chưa có số liệu chính thức số lượng học sinh hút thuốc lá, tuy nhiên đó không phải là các biệt mà là đa số và phổ biến.
- Trang phục, thời trang:
Ngoài những giờ lên lớp, khi vứt bỏ trang bộ đồng phục ở trường, các cô cậu học sinh thường ăn diện những bộ cánh rất quái dị. Không khó để bắt gặp các cô cậu học sinh với các kiểu ăn bận, kiểu tóc rất quái dị, không giống ai.
- Game bạo lực, sex tràn lan:
Khi trẻ thơ không có một môi trường giải trí lành mạnh, không có một không gian gần gủi với thiên nhiên thì việc sa vào các trò chơi điện tử đầy tính bạo lực là hiễn nhiên.
Những câu đối thoại đại loại như “Bắn chết nó đi, bắn, đồ ngu…” là minh họa sống động cho sự nghiện game và hình thành tính cách cộc cằn, thô bạo của học sinh hiện nay.
Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ, hay có khi vì một cái nhìn không thuận mắt, thế là học sinh lao vào đánh nhau, hành xử theo kiểu giang hồ, và thậm chí gây án mạng. Nhiều nguyên nhân khiến bạo lực học đường gia tăng được lý giải là do giáo dục gia đình không được quan tâm, học sinh thiếu kỹ năng sống, …. Và một nguyên nhân không thể không nhắc đến là ảnh hưởng xấu từ phim ảnh, từ những trò chơi bạo lực, trò chơi sex không lành mạnh phổ biến tràn lan trên internet đang hàng ngày, hàng giờ đầu độc tâm hồn non nớt, trẻ thơ của các em học sinh.
- Đánh nhau:
Theo báo Vietnamnet, trong năm học 2009 – 2010, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (bình quân 5 vụ/ngày). Các trường phải khiển trách 881 em, cảnh cáo hơn 1.500 em và buộc thôi học có thời hạn tối đa một năm với hơn 700 em. Học sinh bây giờ rất dễ đánh nhau dù chỉ là những lý do không giống ai từ cái ánh mắt nhìn, từ cách ăn bận, từ những lý do … rất ư là trẻ con. Bây giờ không chỉ học sinh nam đánh nhau mà còn ở các cô nàng liễu yếu đào tơ. Không ít những trường hợp đã xảy ra án mạng, một số khác đánh nhau rồi quay clip tung lên mạng.
- Yêu sớm:
Tình trạng học sinh yêu sớm hiện nay gia tăng, đến mức báo động đỏ, có thể chỉ ra đây nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chính là do thói tò mò, học đòi, bắt chước của học sinh từ phim ảnh, sách báo, từ thực tế, thấy họ yêu mình cũng yêu cho biết. Một nguyên nhân nữa là sự lúng túng, hững hờ, thiếu quan tâm, can thiệp kịp thời của các bậc phụ huynh, thầy cô, nhà trường khi con em, học trò mình có dấu hiệu “sa lầy”.
Học sinh bây giờ có người yêu rất sớm, những cô cậu mới học lớp 6, lớp 7 đã đèo nhau ôm eo trên đường phố như chỗ không người. Thậm chí, không ít trẻ biết yêu từ rất sớm, cá biệt còn xảy ra ngay từ các lớp cuối bậc tiểu học.
Và còn rất nhiều những thói quen xấu khác đáng chê trách đang diễn ra bên ngoài xã hội của lứu tuổi học sinh.

2. Những điều đang xảy ra ở nhà trường:

- Nhồi nhét, chương trình học quá sức:
Mọi người bây giờ đã quá quen với lối dạy học nhồi nhét, nói đúng hơn là nhồi nhét một cách thô bạo. Những ai đã từng có con sẽ thấy xót xa khi những học sinh lớp 1 mà đeo chiếc cặp còn to hơn cái ông đi học … tiến sĩ. Có rất nhiều trường hợp bị rối loạn tâm lý vì bị ‘nhồi nhét’ kiến thức.
- Tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan:
Mặc dù đã có Quy định về quản lý dạy thêm, học thêm, tuy nhiên tình trạng này đã và đang diễn ra tràn lan, muôn hình vạn trạng.
Mọi người cũng quá quen với lối dạy thêm, dạy bớt, giữ bí quyết để câu khách học thêm ở nhà. Đến khi ra bài kiểm tra thì những ai học thêm mình thì điểm cao, còn lại thì điểm thấp bị khiển trách.
- Tình trạng quà cáp, đút lót giáo viên:
Các bậc phụ huynh cũng quá quen với việc phải quà cáp cho thầy cô giáo nhân những ngày lễ, tết, và cả những ngày không … là ngày gì cả.
Tôi có quen một người bạn có bố là Hiệu trưởng một trường tiểu học công lập, hàng ngày với quà cáp nào là gạo, muối, đường, bột ngọt, trái cây và cả tiền nữa mà cả gia đình từ cha mẹ đến vợ chồng anh em họ không bao giờ sử dụng hết.
Và cũng còn những điều tệ hại khác đang diễn ra trong chính ngôi trường thân yêu đang nuôi dạy các em học sinh hằng ngày.

3. Những điều đang xảy ra ở nhà:

- Cha mẹ mãi lo kiếm tiền
Cuộc sống ngày càng khó khăn, công việc ngày càng căng thẳng, đó là xu hướng chung của mỗi gia đình nhất là ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội. Các bậc phụ huynh có mức thu nhập từ thấp đến trung bình thì mãi lo chạy miếng ăn hằng ngày, người có thu nhập khá hơn cũng không chịu thua, mãi chạy theo đồng tiền, bỏ mặc con cái cho xã hội.
Rất nhiều cảnh đời bất hạnh rồi thành bất cần đời xuất phát từ đây. Khi trẻ em thiếu sự chăm sóc trong tình yêu thương của gia đình, cha mẹ, chúng dễ bị cáu ghét, thô bạo, có em bị trầm cảm, dẫn đến những hành động nông nổi, phạm pháp.
- Khi con em trở thành con tin trong chính ngôi nhà của mình
Đây là một xu hướng cũng rất phổ biến trong xã hội, nhất là ở những thành phố lớn. Theo tác giả Nguyễn Hoàng trong bài viết Môi trường sống không để “trồng người” thì một môi trường sống rất thiếu không gian cho tuổi thơ. Để làm rõ hơn điều này. ta hãy xem xét một lĩnh vực còn ít được dề cập đến là văn hóa ở của người Việt đương đại. Về thăm các đô thị, các cộng đồng người Việt sinh sống tập trung, ta sẽ thấy ở đây trẻ em VN thường bị “nuôi nhốt”. Tuổi thơ của chúng phải lớn lên sau rất nhiều song sắt và các cánh cửa khóa chặt, cách biệt với thiên nhiên và cộng đồng. Chúng trở thành con tin tại chính ngôi nhà của mình.
- Sản phẩm nghe nhìn
Một nguyên nhân rất nguy hiểm và khó xử lý nhất có thể ảnh hưởng đến tính cách, tâm hồn, suy nghĩa của trẻ em hiện nay là những tác phẩm văn hóa như văn học, âm nhạc, …
Một môi trường văn học khô khan, không có sức hút, không tạo được cảm hứng cho người đọc. Một hiện thực văn học rất ít những tác phẩm định hướng nhân cách con người, không thu hút được người đọc ngay cả đối với những người yêu văn học huống hồ với các em nhỏ khi ngoài xã hội đầy rãy những cám dỗ.
Một nền âm nhạc lõa lồ, thô tục đang ngập tràn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những bài hát với phong cách lai căng, lời lẽ rẻ tiền nhan nhãn trên các cửa hàng băng đĩa.
Hàng loạt những nhạc sĩ “bán cá” đang nổi đình nổi đám với những bài hát thật tục tỉu, thật sốc đang lên.
Một sự dễ dãi quá mức trong cung cách cảm thụ, thưởng thức âm nhạc vô hình chung tạo thói quen cho các em nhỏ bắt chước.
Gần đây dư luận đang quan tâm đến bộ phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long với những chi tiết quá tệ hại, làm sai lệch suy lịch sử và văn hóa Việt trong công chúng là một minh chứng sống động cho những nhận xét này.
Một xã hội với những tác phẩm văn nghệ như thế đã vô tình xô đẩy các em đến con người tầm thường, không biết thế nào là chân – thiện – mỹ.
Các em không được giáo dục một cách bài bản về cái đẹp, cái hay, cái nhân, cái tình thì làm sao những cái đẹp, cái hay, cái nhân, cái tình ấy hình thành trong nhân cách.
Tất cả những điều này âm thầm biến các em thành những con người không biết cảm nhận cái hay, cái đẹp.
Hiện thực này rất quan trọng bởi vì nó âm thầm, chậm chạp giết chết nhân cách con người, giết chết cả một thế hệ.
Để nhận ra hết những hiện thực xã hội đã nêu trên đây, tạm gọi là “giặc văn hóa” không phải dễ, không phải ai cũng thấy hết những nguy hại tìm ẩn bên cạnh những sinh linh bé nhỏ, những tâm hồn trong trắng.
Một hiện thực xã hội nguy hiểm mà những người có trách nhiệm không ý thức được, không có một chính sách đúng đắn định hướng nhân cách trẻ thơ.
Trước tiên, mỗi người lớn hãy nhìn thẳng vào sự thật, hãy tỏ ra là người có trách nhiệm, hãy thay đổi những lối suy nghĩ tầm thường, phải trau dồi những kỹ năng thưởng thức cái hay cái đẹp, để làm tấm gương cho các em noi theo.
Mọi người hãy cùng lên án và bài bát những lối mòn tai hại, những thói quen xấu, những sản phẩm văn hóa rê riền, vô cùng tai hại để cứu lấy một thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của giống nòi.
Da Vàng
.
.
.

No comments: