Monday, September 27, 2010

TRỞ LẠI THÁI BÌNH DƯƠNG


Trở lại Thái Bình Dương
Philip Bowring – Rim lược dịch

Hồng Kông - Chỉ xuất hiện trên một vài tít báo và cũng không ăn thêm được lá phiếu nào nhưng chính quyền ông Obama đang đạt được những thành quả có ý nghĩa trong mối quan hệ của Hoa Kỳ ở vùng Đông Á.

Vốn bị xao lãng trong một thời gian dài vì tình trạng hỗn độn và phức tạp ở Iraq và A Phú Hãn, cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Obama và nguyên thủ của mười nước trong Hiệp hội Các Nước Đông Nam Á châu (ASEAN) ở Nữu Ước hôm thứ Sáu tuần rồi cho thấy một sự thức tỉnh vì quyền lợi của Hoa Kỳ ở các nước láng giềng nằm về phía nam của một Trung Hoa đang trỗi dậy. Tự thân cái hiệp hội ASEAN này nói nhiều hơn làm, nhưng qua đó các nước hội viên đã ký kết với nhau những thoả thuận về văn hoá và mậu dịch. Giờ đây, Hoa Thạnh Đốn thấy rõ rằng tiếp cận với hiệp hội này như một nhóm có thể giúp cho Hoa Kỳ cạnh tranh với Trung Hoa, tối thiểu là một phần nào đó, vì Trung Hoa hiện đang có một hiệp định mậu dịch với hiệp hội ASEAN này.

Đây cũng là điều nhắc nhỡ cho Trung Quốc, cũng như các thành viên trong hiệp hội này một điều, là hầu hết các nước hội viên của ASEAN có mối quan hệ quân sự với Hoa Kỳ và điều này tạo cho Hoa Kỳ một sự yểm trợ hậu cần quý vô giá trong vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ bà Hillary Clinton và Trợ lý Bộ Ngoại giao đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương ông Kurt Campbell thường xuyên viếng thăm vùng này. Thật thế, bà Clinton đã đóng vai trò như chất xúc tác ở buổi họp của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hôm tháng Bảy ở Hà Nội, giúp Việt Nam đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải vào chương trình nghị sự quốc tế - vốn làm Trung Quốc rất khó chịu.

Nỗ lực của chính phủ ông Obama khi tiếp cận với chế độ đàn áp Myanmar cũng được các nước trong hiệp hội ASEAN và Ấn Độ đánh giá cao, xem như là một thái độ tích cực. Mặc dù Hoa Kỳ cho rằng cuộc bầu cử sắp tới không công bằng và phi dân chủ, Hoa Thạnh Đốn cũng thừa nhận hai điều, đó là sự cấm vận không mang lại hiệu quả và khả năng cho một sự thay đổi tốt đẹp có thể xảy ra ở Myanmar. Qua đó, sự tiếp cận của Hoa Kỳ có thể làm giảm sự nương tựa của Myanmar lên Trung Quốc, vốn là một đồng minh gần gũi nhất của Myanmar.

Đặt trọng tâm mới lên các nước trong vùng Đông Nam Á châu cũng là một phần của chiến lược to lớn hơn của Hoa Kỳ nhằm cũng cố mối quan hệ trong vùng Đông Á.
Trung Quốc cho điều này là một sự can thiệp từ bên ngoài và không có lý do chính đáng đối với chuyện nội bộ trong vùng và một cố gắng bao vây Trung Quốc. Tuy nhiên, một quan điểm được nhiều người chấp thuận hơn được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Úc Đại Lợi ông Kevin Rudd phát biểu ở một cuộc họp báo gần đây ở Hoa Thạnh Đốn như sau, “sự ổn định của vùng Đông Á và Thái Bình Dương vẫn tùy thuộc chính vào sự hiện diện của Hoa Kỳ (trong vùng này.)” Cảm nghĩ như thế có lẽ sẽ nổi cộm lên ở buổi họp thượng đỉnh Đông Á sắp tới sẽ xảy ra vào cuối tháng Mười này ở Hà Nội, qua đó 16 nước trong vùng Á châu – Thái Bình Dương sẽ tham dự bao gồm Hoa Kỳ và Nga như quan sát viên. Với sự hiện diện của bà Ngoại trưởng Clinton (2) và các đồng minh lớn của Hoa Kỳ trong vùng như Nhật Bản, Nam Hàn và Úc Đại Lợi cùng tham dự, kể thêm cả Ấn Độ hiện cũng đang làm cho Trung Quốc nhức nhối với những tranh chấp biên giới, cuộc họp thượng đỉnh này lần này ở Hà Nội hứa hẹn sẽ làm Trung Quốc hơi khó chịu.

Người Mỹ quan ngại là Nhật Bản đang giảm dần mối quan hệ với Hoa Kỳ sau khi đảng Dân chủ Tự do bị thất cử năm rồi đã cho thấy điều này không có lý do xác đáng. Lập trường cứng rắn của Hoa Kỳ về những căn cứ quân sự ở Okinawa, Nhật Bản xảy ra cùng lúc với nỗi lo âu của người dân Nhật trước tham vọng bành trướng hải quân của Trung Quốc, mối lo âu này càng gia tăng trong tuần này qua chuyện xung đột ngoại giao dữ dội về những quần đảo không có người ở, nhưng do Nhật Bản kiểm soát và Trung Quốc cho mình có chủ quyền.

Nhật Bản đã và đang chuyển sự phòng thủ của mình về vùng biển nằm phía nam và thủy lộ quốc tế giữa quần đảo Okinawa và những quần đảo nằm ở cực nam, đây chính là cửa biển cho hạm đội Trung Quốc ra vào vùng Thái Bình Dương. Cảm nghĩ của Nam Hàn cũng tương tự, Nam Hàn đã dịch lại gần hơn với Hoa Kỳ sau sự cố chiến hạm Cheonan của Nam Hàn bị đánh chìm và sự phản đối rất kịch liệt của Trung Quốc đối với cuộc tập trận giữa hải quân Hoa Kỳ và Nam Hàn.

Không có điều nào nói trên sẽ tạo thành một liên minh chống Trung Quốc. Một vài nước, ngay cả Việt Nam và Nhật Bản, muốn đối kháng lại, hay đúng hơn là muốn chỉ dung hòa một sức mạnh quân sự đang nổi lên và một thị trường lớn. Nhưng các nước này đang húc phải cái tính quyết đoán của Trung Quốc. Như thế, sự hồi sinh mối lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng Đông Á đang được thúc đẩy bởi chính tự các nước ASEAN cũng như từ phía chính phủ ông Obama.

Về lâu về dài, Hoa Kỳ và các nước đồng minh sẽ tự hỏi liệu họ có kham nỗi phí tổn khi phải duy trì sự có mặt của một lực lượng hải và không quân đang chiếm ưu thế trong vùng. Nếu cắt giảm khả năng quân sự của Hoa Kỳ là cần thiết, thế thì những ưu tiên sẽ nằm ở chỗ nào đây?

Thế kỷ này được cho là thế kỷ Thái Bình Dương. Cho đến giờ phút này, Hoa Kỳ tập trung sức mạnh quân sự của mình ở vùng Trung Đông nhưng những buổi họp thượng đỉnh sắp tới với các nước mạnh trong vùng Á châu sẽ cho thấy Hoa Kỳ đang thức tỉnh và nhận thấy tầm quan trọng của vùng Á châu này.

© DCVOnline
Nguồn:
(1) A Comeback in the Pacific. The New York Times, by Philip Bowring, 23 September 2010
(2) Theo nguồn tin DCVOnline có được, không những Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton đi họp ở Hà Nội vào cuối tháng Mười này, mà đi cùng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ông Robert Gates (two-plus-two?).
------------------------------
.
.
.

No comments: