Thursday, September 30, 2010

CHUYỆN TỪ NGƯỜI ĐIÊN XÓM NHỎ (Tưởng Năng Tiến)

Tưởng Năng Tiến
30/09/2010 | 12:22 chiều

Mày chết xác không mang về được
Hồn vất vưởng đâu, đất lạ Tuy Hòa!
Chín năm qua hồn mày đi có tới
Cây bàng cạnh nhà nghiêng bóng nắng chơi vơi

Tôi có chút giao tình với tác giả những câu thơ vừa dẫn. Bữa trước, khi giáp mặt, tôi hỏi:
“Tuy Hoà chớ có phải là Okinawa hay Alaska đâu mà sao kêu bằng ‘đất lạ’ cha nội?”
Đương sự cười trừ, nói lảng: “Ủa, không lẽ quê ông ở Tuy Hoà sao?”
“Không.”
“Quê vợ?”
“Cũng không luôn.”
“Vậy chắc thích nhậu thịt dông nướng Tuy Hoà?”
“Không.”
“Hay là ông ưa cơm gà và gỏi sứa Tuy Hoà?”
“Không phải đâu.”
“Vậy, hổng chừng, hồi đó, ông có lần ông dừng quân ở Sông Cầu rồi lỡ thương (thầm) một em gái Phú Yên chớ gì?”
“Không dám ‘thương thầm’ đâu.”
“Mà hỏi thiệt nha: ông đã ra tới Tuy Hoà lần nào chưa?”
“Chưa!”
“Ý Trời, đ… mẹ, vậy chớ ông quen hay biết Tuy Hòa ở cái chỗ nào mà không chịu tui kêu bằng ‘đất lạ’?”
Bữa đó, chúng tôi đang gặm chim cút quay và nhai gỏi cá hồng ở tiệm Bình Dân. Tôi hay la cà ra đây vì nó bình dân nhứt khu Bolsa, khiến mình có cảm tưởng như vẫn còn đang ngồi nhậu (lai rai) ở quê nhà. Quán bẩn, chật, và ồn ào… hết biết luôn. Thực khách mặt ai cũng đỏ gay, và cũng đều lớn tiếng nói cười hay chửi thề (đụ má, đéo bà…) rộn rã!
Giữa một nơi tạp nhạp và um xùm (tới cỡ đó) mà nói chuyện tâm tình về Tuy Hoà, với một chàng thi sĩ miền quê – như Nguyễn Nam An – thì rõ ràng là không đúng nơi, và đúng lúc nên tôi đành chịu… nhịn – và nhịn mãi cho tới hôm nay. Sáng nay, đọc xong truyện “Người điên xóm nhỏ” của Phùng Hi (trên diễn đàn talawas) tôi lại nao nao nhớ đến những hình ảnh xa xưa của đất Tuy Hoà quá sức.

Tôi sinh ra và lớn lên trong những phố thị của Miền Nam, vào thời chiến. Đêm nào cũng bị giới nghiêm. Khuya nào tôi cũng nghe tiếng súng và (đôi khi) cùng với tiếng bom, vọng về thành phố. Ngoại ô, thôn ấp, làng quê… đều là những chốn bất an. Tuổi ấu thơ và thời niên thiếu của tôi, vì thế, có hơi… héo úa!
Bố mẹ tôi vốn gốc nông dân. Dòng họ nội ngoại của tôi nhiều đời (chắc) cũng đều là nông dân ráo. Do đó, cứ phải sống quẩn quanh mãi trong mấy bức tường của trường học hay của quán cà phê khiến tôi trở nên bức bối. Cái chất nông dân, lưu truyền trong trong máu huyết, buộc tôi phải nghĩ đến một lối ra – một nơi để thoát.
Loay hoay rồi tôi cũng tìm được một làng quê êm đềm, ở Tuy Hoà – qua tác phẩm của nhà văn Võ Hồng, viết về thời thơ ấu của ông – và “mượn đỡ” nơi đây để làm chỗ trú thân:
Êm đềm hơn cả là những đêm xúm xít ngồi nghe thằng Gần… kể chuyện ma và chuyện đi cắm câu, đi gài bẫy. Nó bắt được nhiều thứ chim, từ con chào mào đỏ đít đến con két lông xanh, con nào cũng vặt lông mổ ruột ướp nước mắm hành tiêu rồi kẹp vào kẹp tre đem nướng. Kể cả bìm bịp và quạ. Ở trên trái bếp nó gác đủ thứ bẫy. Bẫy chim quành quạch thì chỗ này cắm trái mành bát chín mầu đỏ, chỗ kia chim đậu và nó thò cái cổ qua khoảng trống này. Bẫy cuốc thì chỗ này cột con châu chấu cho nằm ngửa mặt lên trời cựa quậy râu, càng để con cuốc trông thấy mà nhẩy lại. Mổ xuống một cái là sợi giây thòng lọng ngang cổ. Bẫy kia thì phải khoét lỗ xuống đất, rải lúa vào và dọn một con đường cho sạch để dụ dỗ con chim di…”
(Võ Hồng. “Người về đầu non”. Sài Gòn: Tập san Văn, 1968)
Mùa Hè đã thế, mùa Đông còn khoẻ khoắn và êm ả hơn nhiều:
Mùa Đông mưa gió ai cũng nghỉ ngơi, ai cũng chỉ cần nhớ đến giờ chạy xuống bếp bắc nồi cơm hay lò mò về nhà ăn cơm. Hết đứng ở đầu ngõ nói chuyện, họ tụ hội vào nhà nói chuyện, đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, ngồi quanh bếp lửa hay quanh một lò than nóng đỏ. Cuộc đời thật thong thả nhàn hạ, người ta bầy rang bắp để nhá cho đỗ buồn rồi lôi những chuyện tiếu lâm, những chuyện ma cũ rích từ năm ngoái năm kia ra kể lại.
(Sách đã dẫn, tr. 75-76)

Cái làng quê “thong thả nhàn hạ” này – tiếc thay – tôi đã không giữ được cho mình mãi mãi. Tôi đã đánh mất nó trong cơn quốc biến, và chính thân mình thì phải lâm vào cảnh đời tha phương cầu thực.
Dù chưa bao giờ được đặt chân đến Tuy Hoà, suốt quãng đời lưu lạc, từ những nơi xa xăm, tôi vẫn băn khoăn nhìn về xứ Nẫu. Mọi sự việc lớn/nhỏ xẩy ra ở vùng đất này đều làm cho kẻ tha hương thấy phải bận lòng. Riêng chuyện ông Bình điên, ở Tuy Hoà, thì khiến tôi suy nghĩ mãi:
Năm 1972 ông Bình nhảy núi, lúc ấy ông 17 tuổi. Năm 1973, sau một trận đụng đầu với địch tại chân núi Lò Kho, cách nhà ông một quãng đồng, súng trường lựu đạn bom pháo nổ điếc óc điếc tai, người ta lôi ông Bình lên từ đống đất đá. Chẳng thấy trên người ông tì vết gì nghiêm trọng, nhưng thoáng thấy ông có nụ cười dài dại.
Năm 1975 miền Nam giải phóng, người ta cho ông làm thôn đội trưởng, lo về tình hình chính trị, quân sự, kể cả trật tự thôn xóm. ‘Nhất đội nhì trời’ mà, trông ông oai phong lắm (chức vụ này nay không còn ở cấp thôn). Nhiệt tình và lo lắng cho công việc, nhưng mấy lần ông cứ quên lửng cây AK mang theo người. Lúc thì ông bỏ quên cây AK ở Ủy ban Nhân dân thôn sau buổi sinh hoạt bàn về ‘Con người mới xã hội chủ nghĩa’, về ‘Làm chủ tập thể’ … với đám lính Sài Gòn; lúc thì ông bỏ quên nó ở nhà thằng bạn, thằng cu con nhà đó khiêng súng ra nổ đùng lên ngọn tre, may mà chưa có chuyện gì.
Người ta ngầm không giao việc cho ông nữa và thu lại cây AK. Năm 1976, tức một năm sau ngày thống nhất đất nước, ông bị điên. Lúc mọi người nghĩ ông điên thật sự, cũng là lúc ông Bình tưởng mình đang làm cán bộ với trọng trách lớn lao!
Nhìn cử chỉ và lời nói của ông, đoán rằng ‘chức quan’ ông đang giữ to lắm, rõ một ông quan thanh liêm và hết lòng lo cho dân… Nhiều câu chuyện cười ra nước mắt quanh việc ông Bình ‘đi làm’. Khi đi ngoài đường thỉnh thoảng ông xàng từ lề đường bên này sang lề đường bên kia. Nếu ai vui miệng hỏi:
“Ông Bình, sao phải xàng qua xàng lại vậy?”
Ông ngoẻo đầu qua một bên, nói:
“Chu cha, đường ổ gà quá, thằng tài xế nó tránh ấy mà.”
Trời ơi, ông đi bộ mà tưởng mình đang đi ô tô, có tài xế riêng. Thì ra ông ngoẻo đầu qua một bên chính là động tác của người ngồi trên xe con, thò đầu ra cửa kính. Ông vừa là chiếc xe bốn bánh, vừa là tài xế chở chính ông…

Điều đáng chú ý nhất trong chuyện kể về người điên xóm nhỏ là tấm lòng nhân ái, của dân trong xóm, đối với một kẻ mắc bệnh tâm thần:
Trong lịch trình ‘làm việc’ của ông, cũng trên đường về ông hay ghé vô bất kì nhà nào và quát to:
‘Sao vợ chồng tụi mày làm ruộng không nộp thuế? Ngày mai tao cho người đến lấy lúa nghe chưa. Không chấp hành là tao lấy lại ruộng bây giờ.’
Mọi người trong nhà bấm bụng nhịn cười, hỏi:
‘Ông Bình ăn bánh tráng không?’
‘Ăn chớ, có thì ăn.’
Chủ nhà cuốn cho ông một cuốn bánh thiệt to, trong ruột bánh chứa đủ mắm cá rau dưa, nói vui:
‘Mai ông tới lấy lúa nghen.’
Ông cầm cuốn bánh vừa đi, vừa ăn. Ngày mai ông lại ghé nhà người khác, chứ không vào nhà hôm qua. Và cứ thành lệ, nhà nọ lại cuốn cho ông cuốn bánh… Chắc rằng khi nhảy núi, có người đã chỉ tay xuống đồng bằng, nói với ông: ‘Ruộng đồng kia, nhà lầu xe hơi kia sẽ là của anh, hãy chiến đấu đi mà giành lấy’…
Ông có thể quát bất kì người dân Chợ Lớn nào: ‘Đất nước hết tiếng súng rồi, thanh bình rồi, ăn ở cho sạch sẽ chớ, dọn dẹp ngay đi’. Lúc giận dữ ông nói cà lăm, cả chợ cười ầm ầm và họ cũng làm bộ dọn dẹp rác rưởi cho ông vui lòng.”

Bao dung, thân ái với một người bệnh (đến thế) quả là chuyện hiếm. Mà những người nhẩy núi rồi mắc bệnh, như ông Bình điên, thì lại không hiếm hoi lắm. Ông Nguyễn Minh Triết cũng bị y như vậy. Sự hoang tưởng, cùng những hoang ngôn của ông (cũng) đã lắm phen khiến cho cả nước  cười gần bể bụng. Vì ông là cán bộ lãnh đạo cấp cao, chớ không phải cấp thôn – như ông Bình điên – nên xin được gọi ông là “Người điên xóm lớn”.
Năm trước, trong chuyến công du ở Cuba, ông tuyên bố: “Có người ví von, Việt NamCuba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới! Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ…”
Ông Nguyễn Văn Triết ăn nói điên khùng, càn rỡ thấy rõ mà không thấy ai phàn nàn hay càm ràm gì hết trơn hết trọi. Mọi người chỉ phá ra cười ngặt nghẽo. Thế mới biết tính hài ước, cũng như là lòng nhân ái và bao dung của dân tộc Việt – đối với những người bị bệnh tâm thần – bao la, và bao trùm khắp mọi nơi bất kể là Xóm Nhỏ hay Xóm Lớn.

Mà “mấy anh ở trên” (Xóm Lớn) không phải chỉ có mấy người nhẩy núi – như Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng – mới bị mắc chứng tâm thần hoang tưởng đâu. Đọc qua “Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình Đại hội XI là  thấy ngay rằng toàn ban đều bị “trật đường rầy” ráo trọi, chớ đâu có riêng gì ông Chủ tịch Nước hay ông Thủ tướng. Coi:
Nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, cần cù lao động và sáng tạo, luôn ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mọi người lại được một dịp cười đùa hể hả. Bài góp ý của Nguyễn Quang Lập – với bản dự thảo cương lĩnh của đại hội XI – được mở đầu bằng hai tiếng “he he,” và được đáp ứng bởi nhiều nụ cười (phản hồi) vô cùng sảng khoái và duyên dáng:
“Ông chồng đi bia ôm về, hết ‘đạn’, yếu xìu, đến tối vợ cứ đòi trả bài ông bảo để mai. Vợ hỏi làm sao phải để mai. Ông bảo hôm nay họp cấp ủy cả ngày, nhiều việc quá nên mệt. Vợ bảo việc họp cấp ủy là việc của Đảng, liên quan gì đến việc trả bài. Ông bảo việc gì Đảng cũng lãnh đạo hết, Đảng là kim chỉ nam cho mọi hành động, Cương lĩnh ghi rồi, bà nhớ chưa. Bà vợ mới than rằng nếu cái chuyện này mà Đảng cũng lãnh đạo thì phải xem lại Cương lĩnh. ‘Kim’ mà lúc nào cũng chỉ ‘nam’ thế này thì có mà toi à. Tôi cho ông tạm nghỉ đến mai. Mai ‘kim’ mà không chỉ ‘bắc’ thì chết với tôi! Người có tâm huyết họ viết đây, bà con ơi! Người có tâm can thì xúm vào đọc tí với nào, để cùng ọc máu với nhau! Còn kẻ tâm thần thì thảo cương lĩnh… hehe”
“Em thấy người ta xây cái jì cũng đến ngày khánh thành. Nhưng cái XHCN này sao xây hoài mà vẫn không xong các Bác nhảy?? ước jì nó mà xây xong, mình đến dự lễ khánh thành, nhậu một bữa cho đã… lấy lại bớt cái tiền thuế lâu nay đóng vào nuôi thằng Vinashin.”

Vài tháng trước – trước khi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam công bố ba dự thảo văn kiện trình Đại hội XI để trưng cầu ý kiến người dân –  thương binh Trần Văn Anh, ở Nghệ An, vào  hôm 16 tháng 4 năm 2010, đã góp ý (sẵn) thay cho cả nước rồi mà: ”Sống dưới chế độ này bọn tôi cũng không ham muốn gì nữa. Nói như người dân bình thường là chúng tôi chán lắm rồi!”

Người Việt vốn xuề xoà và luôn giữ truyền thống chín bỏ làm mười.  Đối với người điên thì họ lại càng dễ dãi và xuề xoà hơn nữa. Mấy bỏ làm mười cũng (đều) được tuốt. Quí anh (trên Xóm Lớn) bầy chuyện “dự thảo cương lĩnh” với “góp ý” làm chi (“rồi bịt mồm mọi người, bịt tai mình lại”) cho nó thêm… kỳ!

© 2010 Tưởng Năng Tiến
© 2010 talawas
.
.
.

No comments: