Thursday, September 30, 2010

ĐẠI LỄ TRÊN ĐẤT NƯỚC TỪNG MANG TÊN ĐẠI NGU (Nguyễn Hoàng Văn)

Nguyễn Hoàng Văn
01/10/2010 | 2:57 sáng

Chữ “Ngu” này là danh từ riêng do Hồ Quý Ly chọn lựa[1], không phải cái tính từ thông dụng mà Trần Đăng Khoa đã một lòng… cải tạo: Chăm ngoan học giỏi / Là bạn thiếu nhi / Ngu xuẩn nhất nhì / Là tổng thống Mỹ.
Cảnh cải tạo thơ này, xem ra, cũng là một cảnh bể dâu[2]. Khi một người như Bill Clinton được thủ đô trải thảm đỏ chào mừng không thua gì Fidel Castro thời còn ngạo nghễ vung điếu xì gà kẹp giữa hai ngón tay lên thách đố chủ nghĩa đế quốc thì cựu thần đồng thơ phải tỏ ra biết điều hơn bằng cách đẩy “tổng thống Mỹ” đi chỗ khác chơi để thay vào đó một… con chim trĩ mái. Không rõ cái cảnh bể dâu thơ này là hậu quả nhãn tiền của thời cuộc ồn ào hay của một tiến trình tự phán âm thầm nhưng, nếu để ý trước sau, có lẽ nhà thơ sẽ nhận ra rằng không nhất thiết phải cải tạo thơ mình như thế.

Không nhất thiết là bởi, Tổng thống Mỹ có… ngu thì Chủ tịch nước ta mới có thể, chỉ bằng mấy lời nói ngắn ngủi thôi, đã “phân hoá” ngay nội bộ của y[3]. Mà đâu chỉ là câu chuyện kể suông và chỉ kể từ một phía ấy? Với những bằng chứng lịch sử rành rành, trong những cái nhìn hậu nghiệm rành rành, đó đây đã vang lên những giọng điệu thầy đời trút lên đầu các Tổng thống Mỹ như Richard Nixon hay Jimmy Carter khi họ, vì nóng lòng chơi gác Liên bang Xô-viết, đã quên đi lời cảnh cáo của Napoléon Bonaparte ngày nào là hãy để cho con vật khổng lồ Trung Quốc yên giấc, chớ có dại dột đánh thức để nó làm lay chuyển thế giới: không chỉ đánh thức nó, họ còn… “ngu xuẩn” hà hơi tiếp sức nó để giờ đây trở mặt, vừa chơi gác nước Mỹ, vừa lăm le làm lay chuyển hầu như cả cái thế giới này[4]. Nhưng cũng không cần đến một sự trải nghiệm lâu dài như thế. Chỉ bằng những lý lẽ thông thường trong cái nhìn hiện cảnh thôi, chúng ta cũng có thể tìm thấy bao nhiêu là lời bình phẩm về sự “ngu xuẩn” của ông George Walker Bush ngựa non khi, chưa xong cuộc chiến này, đã háu đá lao vào một cuộc chiến khác để rồi dở dang cả hai, không cuộc chiến nào ra cuộc chiến nào.

Và cũng không nhất thiết là bởi, sai đúng hay dở hế nào, mấy câu thơ ấy cũng là dấu tích từ quá khứ hoàng kim của một thần đồng. Khi chọn lựa chữ “Ngu” trong Ngu Thuấn, tên của ông vua Trung Hoa gắn liền với thời kỳ hoàng kim trong quan niệm dân gian ngày trước qua sáo ngữ “Thời vua Nghiêu, vua Thuấn”, Hồ Quý Ly cũng chỉ muốn khẳng định rằng cái thời ấy đang đến với dự án chính trị của ông ta, đang nằm trong tầm tay của hệ thống chính trị mà ông ta đang lãnh đạo. Quá khứ hoàng kim thì phải giữ gìn và níu kéo, sao lại nỡ lòng chối bỏ?

Thà là một quá khứ bầy hầy như cái thời còn đi học của ông Tổng thống háu đá. Nguyên Thống đốc George Walker Bush, lúc còn gân cổ đấu võ mồm để chiếm cho bằng được căn phòng làm việc hình bầu dục tại thủ đô Washington, đã phải xuống giọng phân bua với cử tri về những ngày sinh viên trác táng ấy: When I was young and irresponsible, I was young and irresponsible. Thời còn non trẻ và vô trách nhiệm, ông ta non trẻ và vô trách nhiệm, chỉ đơn giản là thế và lời phân trần này bị chê là ngớ ngẩn, thậm chí còn bị đưa vào Foolish Words – The most stupid words ever said, cuốn sách góp nhặt những phát ngôn thuộc loại “ngu xuẩn nhất”[5].

Kể ra thì cũng khá oan cho ông Bush. Không chỉ một mình ông ta ngớ ngẩn, rất nhiều cá nhân và thậm chí tập thể từng ngớ ngẩn thế. Không chỉ đơn thuần là tập thể như một khối đông mà là tập thể như một hệ thống cai trị toàn diện với một lực lượng tự xem là nhất quán, gắn bó nhau với một lý thuyết kinh tế – chính trị tự diễn tả là nhất quán. Nếu ông Bush từng “non trẻ và vô trách nhiệm” vì có một “thời non trẻ và vô trách nhiệm” thì cái hệ thống toàn trị từng nhồi sọ thế hệ trẻ rằng Tổng thống Mỹ rất ngu cũng thế. Hệ thống cũng từng “ấu trĩ” chỉ vì có “một thời ấu trĩ”.

Cứ kiên nhẫn google cụm từ ấy hay những khối chữ tương đương là chúng ta có thể thực hiện một cuộc “hành hương” ảo theo nguồn cội của hệ thống. Nói về những ngày Xô-viết Nghệ Tĩnh “Trí, phú, địa hào đào tận gốc, tróc tận rễ”, ông Tô Hồng Hải, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, cho đó là “một thời ấu trĩ”[6]. Nói về đòn thù nghiệt ngã của Tố Hữu với mình, nhà thơ Hoàng Cầm cũng nhìn đó như là tai ách của “một thời ấu trĩ”[7]. Từ chính sách quốc gia cho đến ân oán cá nhân, hết thảy đều là “thời ấu trĩ”. Cải cách Ruộng đất, những hai lần, trong kháng chiến và trong hoà bình, cách nhau mấy năm: “một thời ấu trĩ”. Xoá bỏ hệ thống kinh tế thị trường, cũng hai lần, cách nhau những 21 năm: “một thời ấu trĩ”. Đưa cả nước vào tình trạng suy dinh dưỡng suốt nửa thế kỷ cũng là “một thời ấu trĩ” mà chặn đường gọt đầu hay xén ống quần đám trẻ choai choai không cưỡng nổi cám dỗ của thời trang cũng là “một thời ấu trĩ”. “Một thời”, “một thời” và “một thời”, đây không phải là một vài lát cắt cá biệt trên trục thời gian mà là một quá trình tiệm tiến với ấu trĩ này tiếp nối ấu trĩ kia, liên miên, bất tận, trừ… hiện tại.

Thì, ông Bush cũng cố ý nhấn mạnh như thế. Quá khứ ông ta có thể sai sót nhưng hiện tại không thể sai sót. Và để thuyết phục cử tri về cái sự “không thể” đó, ông ta đã viện ra tên tuổi của Billy Graham, vị mục sư được các tín đồ Tin Lành xưng tụng là nhà giảng đạo và nhà truyền giáo lớn nhất thế kỷ 20: chính từ sự khai ngộ của nhà truyền đạo mà ông ta đã học được bài học cần học. Mà không chỉ là tên tuổi suông của nhà giảng đạo, ông ta còn thuyết phục cử tri bằng những dấu mốc tu thân và lập thân cụ thể, có thể kiểm chứng một cách cụ thể, nào là đoạn tuyệt với rượu trước tuổi 40, nào là thể hiện năng lực kinh tế trong kỹ nghệ dầu lửa và kỹ nghệ, nào là năng lực chính trị trong vai trò của một thống đốc tiểu bang.[8]

Quá khứ đã bị hoen ố thì phải bám vào hiện tại nhưng vấn đề là làm sao để bảo chứng cho hiện tại. Khi chọn cái tên Đại Ngu thay cho quốc hiệu Đại Việt thì trong thâm tâm Hồ Quý Ly cũng suy tính như Bush và cái khác là trong khi ông Bush bảo chứng bằng những “bản vị” có thể kiểm chứng của hiện tại thì Hồ Quý Ly lại đào sâu hơn vào bản vị của một quá khứ cực xa, xa đến độ hầu như không ai có thể kiểm chứng.
Khi tiếm ngôi nhà Trần vào năm 1400 thì, ngoái lại, nếu không thấy thẹn với mình ít ra Hồ Quý Ly cũng chẳng có gì để tự hào khi con đường “lập thân” của ông ta chẳng có gì gọi là lẫm liệt. Ông ta, lúc còn mang tên Lê Quý Ly, đã không thành danh bằng học vấn của mình, qua con đường khoa cử. Ông cũng không ngoi lên bằng tài thao lược của mình, với những chiến công trận mạc. Đường lập thân của ông ta chỉ dựa trên nền tảng của xống váy đàn bà khi hai bà cô nhan sắc lọt vào mắt xanh của vua Trần, trở thành hai cung nữ. Và khi hai cung nữ may mắn làm mẹ của hai ông vua Trần khác còn ông ta trở thành em rể của vua thì con đường lập thân ấy đã thênh thang rộng mở cho dù ông ta chưa bao giờ chứng tỏ tài kinh bang tế thế, thậm chí còn thất trận, còn đào ngũ để bị một sử gia đời sau là Ngô Sĩ Liên khép vào tội chết[9].

Một quá khứ như thế cùng thực tại soán ngôi đã khiến Hồ Quý Ly phải ngược thời gian đến hơn 36 thế kỷ để bám vào tính “chính thống” của “Thời Vua Nghiêu, Vua Thuấn”. Đó là một quá khứ hoàng kim trong quan niệm dân gian nhưng lại là một quá khứ mơ hồ, mơ hồ đến độ cả Hồ Quý Ly cũng không thể nào hình dung nổi. Lội ngược đến 36 thế kỷ để khẳng định cho dự án chính trị của mình nhưng ông ta lại thiếu tự tin, không dám lội ngược một phần ba hay một phần tư thời gian với những vấn đề chính sự cụ thể của mình khi phê vào văn sớ của triều thần dưới quyền: “Biết được mấy chữ mà dám nói việc Hán Đường…”[10]. Thì cứ cho là phải đủ chữ nghĩa mới có tư cách “nói việc Hán Đường” nhưng còn ông ta, ông ta biết được bao nhiêu “chữ” mà đã dám làm việc Ngu Thuấn?

Nhưng cũng phải công bằng với Hồ Quý Ly. Dù đã bước giật lùi thật sâu vào quá khứ để khẳng định mình như thế thì, so với người đương thời, ông ta lại thể hiện tầm nhìn của người đi trước. Với Hồ Quý Ly, lần đầu tiên người Việt Nam biết xài tiền giấy, biết thế nào là hệ thống y tế công cộng. Với Hồ Quý Ly, lần đầu tiên các nho sinh Việt Nam phải thi toán pháp. Với Hồ Quý Ly, thuỷ quân Việt Nam được tăng cường và hệ thống phòng thủ vùng duyên hải được củng cố. Hố Quý Ly đã thể hiện những tham vọng của một cải cách có tầm cỡ tuy nhiên ông ta lại là người sinh bất phùng thời.

Khi Hồ Quý Ly cầm quyền thì nước Trung Hoa, dưới triều đại nhà Minh, đã mở ra một thời kỳ cường thịnh chưa từng có và từ đó về sau nhà Minh đã cai trị gần ba thế kỷ. Có lẽ hình thái kinh tế thời Minh đã dạy cho người phương Tây phép màu của kinh tế tự do khi khái niệm laissez-faire trong các giáo trình kinh tế học hiện đại, theo thừa nhận một số học giả phương Tây, có gốc gác từ khái niệm “vô vi”, cái chủ trương không kiềm chế, hãy buông thả theo tự nhiên mà François Quesnay – người được mệnh danh là “Khổng Tử châu Âu” – đầu tiên vay mượn[11]. Như một quy luật trong quan hệ Việt – Trung, khi nước Trung Hoa trỗi dậy thì Việt Nam bị đè bẹp và, ngược lại, chính sự suy vi của Trung Hoa là cơ hội để Việt Nam đứng dậy. Chính những rối lọan của Trung Hoa trong thời Ngũ Đại – Thập Quốc vào thế kỷ thứ 10 là cơ hội để Ngô Quyền đứng lên chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc và sự cường thịnh của triều Minh này lại mở ra thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai.

Năm 1403, chỉ ba năm sau khi Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần thì Minh Thành Tổ lên ngôi sau khi đảo chính anh mình. Chỉ hai năm sau đó Minh Thành Tổ đã hướng tham vọng quyền lực ra hướng biển với chuyến hải hành đầu tiên của viên hoạn quan Trịnh Hoà. Cho dù, rất có thể, trong thâm tâm, mục đích của nỗ lực bành trướng ra biển này là chuyện chính trị nội bộ nhưng tàu thuyền của ông ta cũng đã ra khơi và cập bến, có lúc cập cả bờ Tây của châu Phi, mở ra một nền thương mại hàng hải chưa từng có theo bảy chuyến hải hành trải dài gần ba thập niên của viên hoạn quan: tính cho đến lúc ấy thì nước Trung Hoa đã thật sự thay da đổi thịt, lớn mạnh chưa từng thấy[12].

Nhìn từ phối cảnh hẹp hòi của Trung Hoa thì Minh Thành Tổ là một ông vua đầy viễn kiến nhưng nhìn từ phối cảnh chung của nhân loại chứ không cần phải riêng của người Việt thì y lại là một tên thực dân dã man và thâm hiểm chưa từng thấy. Minh Thành Tổ là cha đẻ của Vĩnh Lạc đại điển, bộ bách khoa toàn thư đầu tiên như là nỗ lực giữ gìn di sản tinh thần của Trung Hoa nhưng ông ta cũng là người chủ trương hủy diệt toàn bộ di sản tinh thần của Việt Nam, một phần trong mưu đồ biến Việt Nam thành một quận huyện của mình[13]. Không chỉ cướp bóc thậm tệ nước Việt, Minh Thành Tổ đã hủy diệt hầu như toàn bộ những di sản văn hoá của nước Việt và, trước một đối thủ như thế, một Hồ Quý Ly vay mượn lịch sử Trung Hoa đã thất bại thê thảm, còn dân tộc chúng ta thì bị buộc phải sống như một thứ người Minh hạng tư hay hạng năm, suốt hai mươi năm như thế cho đến khi Nguyễn Trãi “xa gần bá cáo” bài “Bình Ngô đại cáo” vào năm 1428.

Hình dung cái cảnh Nguyễn Trãi sang sảng từng lời từng chữ trong áng “thiên cổ hùng văn” ấy. Hình dung cái cảnh con người thao lược và uyên bác trầm hùng khẳng định với trời đất và nhân dân rằng cái thời bị nô lệ và đồng hoá đã qua, nền độc lập và chủ quyền quốc gia đã được khẳng định: Núi sông bờ cõi đã chia / Phong tục Bắc – Nam cũng khác / Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập / Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên hùng cứ một phương. Đó thực sự là một Đại Lễ, ngày hội lớn thể hiện sức sống mãnh liệt của dân tộc, cũng giống như sức sống mãnh liệt trong cuộc duyệt binh đầy khí thế của quân đội Tây Sơn tại Nghệ An vào cuối năm 1788 với lời hiệu triệu của vua Quang Trung: Đánh cho để dài tóc / Đánh cho để đen răng / Đánh cho nó chích luân bất phản / Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn / Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.

Cuộc duyệt binh ấy của Quang Trung cũng là một Đại lễ, nhưng, xét cho cùng, thế nào là “Đại lễ”?

Trước hết là cái “Đại lễ” ồn ào đồng bóng của hệ thống toàn trị. Nếu Hồ Quý Ly có Đại Ngu thì hệ thống có… Đại Lễ. Vừa đặt tên đường, vừa xây dựng tượng đài kỷ niệm Xô-viết Nghệ Tĩnh, lại nhìn về những ngày ấy như “một thời ấu trĩ”; vừa áy náy với những “thời ấu trĩ” đã qua, lại vừa ngợi ca sự sáng suốt của những lãnh tụ trong chính cái thời “ấu trĩ” ấy; rõ ràng là hệ thống không thật sự yên tâm với quá khứ riêng của mình và do đó phải tìm chỗ dựa ở những quá khứ xa hơn. “Đại lễ”, như thế, chính là một nỗ lực để cụ thể hoá cái chỗ dựa tinh thần ấy.

Dựa vào quá khứ cha ông để khẳng định hiện tại là một việc bình thường và cả Nguyễn Trãi hay Quang Trung cũng đều tìm những chỗ dựa như thế, với “Triệu, Đinh, Lý, Trần”, với “sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Thế nhưng, từ những “Đại lễ” như thế cho đến cái “Đại lễ” ồn ào hiện tại là cả một cảnh bể dâu.

“Lễ”, theo cách hiểu thông thường, là những nghi lễ để gìn giữ khoảng cách và, từ đó, gìn giữ giềng mối trật tự. Giềng mối trật tự ngụ ý đạo đức và do đó “lễ” chính là những quy phạm đạo đức ấn định khoảng cách phải giữ trong mối quan hệ tương liên giữa con người, những khoảng cách phải giữ giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò, giữa anh và em, giữa bạn và vợ v.v… Phá nát những khoảng cách như thế có nghĩa là phá nát những quy phạm đạo đức và đẩy xã hội và chỗ suy đồi.

Nếu “Lễ” là quy phạm đạo đức mà định chế xã hội đặt ra cho từng cá nhân thì những “Đại lễ” mang tính quốc gia phải được xem là “quy phạm đạo đức” mà nước nhà đặt ra cho nhà cầm quyền. Nếu “lễ” là khoảng cách phải giữ giữa người và người thì “Đại lễ” phải là nghi thức gìn giữ khoảng cách và giềng mối trật tự giữa quốc gia này với quốc gia khác. Khoảng cách đó chính là bản sắc của từng quốc gia. Giềng mối trật tự đó chính là chủ quyền của từng quốc gia. Phá nát những khoảng cách và giềng mối đó có nghĩa là đẩy quốc gia vào tình cảnh suy đồi và, như thế, “Đại lễ” chính là trách nhiệm, là đạo đức của nhà cầm quyền.

Đó là “đạo đức” mà Nguyễn Trãi và Quang Trung đã thể hiện khi nhấn mạnh “Phong tục Bắc Nam cũng khác”, nhấn mạnh “Đánh cho để dài tóc, răng đen”. Đó chính là “trách nhiệm” họ đã khẳng định với “Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập”, với “sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Và đó cũng chính là cái cảnh bể dâu “trông thấy mà đau đớn lòng” ở cái “Đại lễ” hiện tại. Đau đớn vì, rõ ràng, đó chỉ là một thứ nghi thức để nói lên rằng “phong tục Bắc Nam không khác”, chỉ để thông báo với cộng đồng thế giới rằng “sử tri Nam Quốc anh hùng chi… vô chủ”.[14]

“Đại lễ” mang tên “Một ngàn năm Thăng Long”, thế nhưng ngay từ đầu lịch sử đó đã bị bóp méo. Lý Công Uẩn đời kinh vào tháng Bảy âm lịch năm Thuận Thiên thứ nhất (1010) và cái tên Thăng Long cũng khai sinh từ đó, sử sách đã ghi chép rành rành:
“Mùa thu, tháng 7, vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long.”[15]
nhưng “Đại lễ Thăng Long” thì bị dời. Nó bị dời lại một cách khiên cưỡng, hơn một tháng, bất kể những mối quan ngại về thời tiết để, vô tình hay cố ý, trùng khớp với ngày Quốc khánh của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa , là ngày 1 tháng Mười Dương lịch hay 24 tháng Tám Âm lịch[16]. Khi “Ngàn năm Thăng Long” bị mở ra trùng khớp với “Sáu mươi mốt năm” của nước Trung Hoa hiện đại thì chẳng có gì là lạ khi Lý Thái Tổ, vị vua được xem là đã mở đường cho “ngàn năm văn hiến” ấy, bị tô vẽ như là một vị thổ vương sống trên đất Tàu[17].

“Một ngàn năm Thăng Long” được mở ra với công nghiệp của nhà Lý, thế nhưng cái dấu mốc lịch sử đầy ý nghĩa này lại được tưởng niệm một cách mỉa mai khi hệ thống toàn trị đầu tư không ít tài nguyên để vinh danh Trần Thủ Độ, kẻ không chỉ phá tan cơ nghiệp nhà Lý mà còn nhẫn tâm tàn sát tận gốc rễ tông tộc họ Lý. Đã chọn lựa một nhân vật lịch sử để làm biểu tượng cho một thời kỳ thì phải chọn những anh hùng mang tính biểu tượng cho những dấu mốc quan trọng, mang tính sinh tử của thời kỳ đó như Lý Thường Kiệt hay Trần Hưng Đạo, sao lại là một nhà chính trị thâm độc ở hậu cung?[18]

Khai mạc vào ngày Quốc khánh của nước Trung Hoa hiện đại, “Đại lễ” còn thể hiện dáng dấp của nước Trung Hoa hiện đại ấy khi đầu tư thật nhiều công sức để “cải tạo” đội nữ binh Việt sao cho giống hệt nữ binh Trung Hoa và chính những dấu hiệu bên ngoài này đã khiến chúng ta, dù không muốn, cũng phải đau lòng tin vào những tiết lộ từ bên trong về chủ trương kiểm duyệt các anh hùng cứu quốc nói trên: Trần Hưng Đạo là một anh hùng có “tội”, cái “tội” từng đánh bại các các đội quân xâm lược đến từ Trung Hoa[19]. Như thế thì chúng ta phải hiểu như thế nào về chủ quyền quốc gia? Chúng ta phải giải thích cho các thế hệ trẻ sao đây khi những anh hùng dân tộc bị kiểm duyệt còn một tên tướng xâm lược như Hứa Thế Hữu lại được ca ngợi công khai, và những binh sĩ trong đội quân xâm lược của y cũng được tưởng niệm công khai?[20]

Trong văn sách Việt Giám Thông Khảo Tổng Luận  dâng lên vua Lê Tương Dực vào năm 1518, Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu Lê Tung đã bàn về nguyên do mất nước của nhà Trần và luận:
“Người Minh xâm lăng, cõi bờ thất thủ, xã tắc tan hoang, lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt. Than ôi! Lễ không gì lớn bằng phận, phận không gì lớn bằng danh, danh phận là bờ đê của nước, không thể không cẩn thận. Danh phận chính thì cương thường mới lập.”[21]

Triều đình thời ấy đã không cẩn thận với “danh phận” nước nhà và đã làm vỡ toang “bờ đê” nước nhà, tạo cơ hội cho dã tâm xâm lược của Minh Thành Tổ, kẻ đã đưa Trung Hoa vào một giai đọan phát triển chưa từng có và đã biết bành trướng ra biển. Nước Trung Hoa hiện tại cũng bước vào một thời kỳ phát triển chưa từng có, cũng đang bành trướng quyền lực ra biển và, cơ hồ, qua một “Đại lễ” như thế, cái “triều đình” hiện tại trên đất nước chúng ta cũng đang cố tình phá vỡ “cương thường”, cố tình phá vỡ “danh phận” và mở toang “bờ đê” của nước nhà.

Nhìn từ phối cảnh của chủ nghĩa bành trướng Trung Hoa thì tên thực dân xâm lược Minh Thành Tổ là một ông vua đầy viễn kiến và nhìn theo phối cảnh của chủ nghĩa bành trướng ấy thì cái “Đại lễ ngàn năm Thăng Long” đầy mỉa mai nói trên lại là một dấu hiệu cho “thời kỳ hoàng kim” trong lịch sử xâm lấn phương Nam của nó. Khi đặt tên nước là Đại Ngu, Hồ Quý Ly đã mơ về cái thời hoàng kim “cửa thường mở ngỏ” ở Trung Hoa thời cổ. Khi tiến hành “Đại lễ” nói trên thì “triều đình” hiện tại đang chính thức bày tỏ với gã láng giềng ở phương Bắc chờ chực nuốt sống mình rằng cánh cửa nước Nam hiện cũng “thường mở ngỏ”.

Cõi bờ chưa thất thủ nhưng đã mở ngỏ, tan hoang, tan từ lòng ruột quặng đỏ ở Tây Nguyên đến những cánh rừng đầu nguồn xanh ngắt ở Việt Bắc và Trường Sơn. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà những danh từ nối tiếp nhau chuyển mình đóng vai của những thành tính từ với nào là “ấn tượng” hay “hoàn cảnh” và, từ giấc mơ “Đại Ngu” ngày nào như một danh từ riêng mà Hồ Quý Ly chọn lựa, chúng ta đang tiến dần đến với một thực trạng “đại ngu”, như một tính từ[22].

Đó là cái tính từ mà cựu thần đồng thơ đã xét lại, đã dốc lòng cải tạo. Nếu đất nước có sản sinh một thần đồng thơ thứ hai thì, để xứng đáng là… thần đồng, tài năng đó không thể ngoan ngoãn tái chế một cách tài hoa những ngụy tín mà hệ thống tuyên truyền đã nhét vào hộp sọ của mình để rồi về sau phải cực nhọc xét lại hay cải tạo. Như một tài năng hơn người, thần đồng ấy phải nhìn ra điều mà những trẻ con và người lớn khác chưa chắc thấy và, do đó, không nhất thiết phải cười cợt đến cái “ngu” của Tổng thống nước người mà phải biết tự phán với những “Tổng thống” của nước mình. Và, chắc hẳn, thần đồng đó cũng phải diễn đạt một cách tài hoa cái cảnh bể dâu “đau đớn lòng” trong một “Đại lễ” như thế.

Có thể nào không lấy làm đau đớn khi hàng chữ “Một ngàn năm Thăng Long” trong cái “Đại lễ” đồng bóng ấy cứ buộc chúng ta nhớ về “Một ngàn năm Bắc thuộc”, cảnh cáo chúng ta cái nguy cơ bị biến thành một thứ người Trung Hoa hạng tư hay hạng năm, giống như là người Tây Tạng hay người Duy Ngô Nhĩ hôm nay?

29.09.2010
© 2010 Nguyễn Hoàng Văn
© 2010 talawas

[1] Năm 1400 Lê Quý Ly truất ngôi của cháu ngoại là Trần Thiếu Đế và xưng vua, đổi tên là Hồ Quý Ly, tự nhận mình có thủy tổ là Hồ Công Mãn, dòng dõi vua Ngu Thuấn, đổi tên nước Đại Việt được đổi thành Đại Ngu.
Người xưa thường dùng cụm từ “Thời vua Nghiêu, vua Thuấn” để chỉ thời hoàng kim, thời thái bình thịnh trị ngày xưa.
Vua Nghiêu là Đường Nghiêu (2359 – 2259 BC), vua Thuấn là Ngu Thuấn (2256 – 2208).
Hồ Quý Ly tự nhận mình là dòng dõi Ngu Thuấn và đặt quốc hiệu là Đại Ngu, ý muốn xây dựng một đất nước thái bình thịnh trị như “thời vua Nghiêu, vua Thuấn”.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng Hồ Quý Ly nhận xằng. Dòng vua Ngu Thuấn chỉ có chi họ Diêu và họ Quy chứ không có chi nào họ Hồ. Việc đổi sang họ Hồ và nhận dòng dõi Ngu Thuấn chỉ là mượn danh dòng họ đế vương cổ xưa.
Chi tiết về tộc họ này dẫn theo Trần Xuân Sinh (2006) Thuyết Trần, NXB Hải Phòng, tr. 403 – 404.
[2] Bài thơ “Kể cho bé nghe” viết năm 1969, in trong tập Góc sân và Khoảng trời: “Hay nói ầm ĩ / Là con vịt bầu / Hay hỏi đâu đâu / Là con chó vện / Hay chăng dây điện / Là con nhện con / Ăn no xoay tròn / Là cối xay lúa / Mồm thở ra gió / Là cái quạt hòm /…. / Bắn tàu Mỹ cháy / Là khẩu súng trường / Người em yêu thương / Là chú bộ đội / Chăm ngoan học giỏi / Là bạn thiếu nhi / Ngu xuẩn nhất nhì / Là tổng thống Mỹ.”
Hiện Trần Đang Khoa đã sửa lại 8 câu cuối nói trên và trong Thơ tinh tuyển (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2001, tr. 36 – 37) đoạn này được sữa chữa thành: “Chẳng vui cũng nhảy / Là chú cào cào / Đêm ngồi đếm sao / Là ông cóc tía / Ríu ran cành khế /Là cậu chích chòe / Hay múa xập xòe / Là cô chim trĩ…”
Tuy nhiên Trần Đăng Khoa vẫn phụ chú ở cuối bài thơ là 1969, không ghi rõ thời điểm “biên tập”.
[3] Chủ tịch Nguyễn Minh Triết kể lại việc gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tháng 9,2009 trong Hội nghị Việt kiều. Cảnh này được quay phim và đưa lên youtube: “Mới tháng 9 vừa rồi tôi đi dự hội nghị các nhà lãnh đạo của 15 nước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Mình đến cuộc họp này dzới một cái tư thế là mạnh mẽ, mà mình là người có tiếng nói mạnh mẽ, chưa bao giờ mình lại cất cao tiếng nói như thế. Và ngay Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vừa rồi, kỳ họp sáu mươi tư (64), ũng ở diễn đàn đó mình lại lên tiếng, mình phê phán cái dziệc là cấm vận Cu-Ba. Và trong cái cuộc họp đó, ngoài những cái ý kiến chung thì tôi có thêm một cái ý kiến: tôi hoan nghênh ông Ô-Ba-Ma. Ổng tuyên bố là ổng sẽ đóng cửa nhà tù Ga-Ta Na-Mô mà. Nhưng mà tôi nói rằng ông Ô-Ba-Ma ơi, vấn đề này là khó lắm đó. Tôi chúc ông phải nỗ lực để thực hiện cho bằng được cái này. Tôi nói mà tôi nhìn Ô-Ba-Ma tôi thấy ổng à, cũng chăm chú lắm, cũng lắng nghe. Như thế là mình dzừa động viên Ô-Ba-Ma, nhưng mà mình vừa muốn phân hoá cái… cái nội bộ của ổng,… À… à… Như vậy đó, tôi muốn nói dzới các đồng chí dzới quý vị rằng cái vai trò, cái vị thế của mình bây giờ cũng ngang hàng dzới người ta, cũng nói năng cũng đúng mức đàng hoàng…”
[4] “China? There lies a sleeping giant. Let him sleep! For when he wakes he will move the world”. Đây là lời đáp của Napoléon khi một người bạn hỏi về Trung Hoa. Dẫn theo Gregorio F. Zaide (1980), History of Asian Nations, Manila: National Books Store Inc. tr. 34 – 35.
[5] Laura Ward (2009), Foolish Words: The Most Stupid Words Ever Spoken, Sterling Publishing Company, Inc., 2009.
[6] Tô Hồng Hải, “Công tác tuyên giáo hàm chứa và thể hiện tri thức khoa học, các giá trị và lý tưởng nhân văn trong sáng của Đảng, của Dân tộc.” Văn hoá Nghệ An, 27.7.2010: “Quả thật trong suốt chặng đường 80 năm qua công tác tuyên giáo, tuyên truyền của Đảng ta cũng có những giai đoạn, thời kỳ biểu hiện một cách tiếp cận chủ quan, duy ý chí, thậm chí là cực đoan, nhìn nhận đánh giá các hiện tượng, sự kiện, vấn đề không dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn nên có những nhận xét, nhận định và tham mưu xử lý chưa chính xác. Có lẽ cái nhiều người nhắc lại nhất là câu khẩu hiệu ‘Trí, phú, địa hào đào tận gốc, tróc tận rễ’ trong phong trào xô viết Nghệ Tĩnh. Thực ra đây không chỉ là sai lầm của công tác tuyên giáo mà là thể hiện quan điểm có phần cực đoan trong chủ trương của Đảng lúc bấy giờ khi xác định mục tiêu cách mạng và lực lượng cách mạng.”
“Cho đến một hôm, sau khi đã ra tù, tôi tình cờ gặp một anh công an thụ lý khác (xin phép không nêu tên) ở quán bia Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Trông thấy tôi anh mừng lắm, anh mời tôi vào uống bia để tâm sự. Anh nói là anh đã ra khỏi ngành, và anh kể cho tôi một chuyện khá bất ngờ. Chuyện đại ý như sau: Sau khi tôi nhận tội, công an đã định cho tôi về thật. Nhưng trong thời gian chờ đợi giải quyết, thì một hôm ông Lê Đức Thọ – UV Bộ Chính trị ĐCSVN, phụ trách nội chính, tổ chức – gọi công an lên hỏi vụ Hoàng Cầm ra sao rồi, và thông báo rằng có một số trí thức Pháp, những người quen biết nhiều với ông, đã giúp đỡ ông và đoàn đại biểu Việt Nam ở Hội nghị Paris, vừa gửi thư cho ông yêu cầu nếu xét Hoàng Cầm không có tội trạng gì cụ thể thì hãy thả ngay nhà thơ ra. Ông còn nhắc nhở: ‘Các cậu xem thế nào thì giải quyết đi, không có thì mang tiếng lắm’. Sự việc trên được công an báo cáo với Tố Hữu – lúc ấy là Phó Thủ tướng. Ông này lập tức hạ lệnh: ‘Ngoại quốc can thiệp hả? Đã thế thì cho thêm một năm nữa!’
Thái độ cứng rắn đến nghiệt ngã của Tố Hữu với riêng tôi cũng như với các anh em Nhân văn – Giai phẩm rất nhất quán. Ngay cả đối với những sáng tác mà anh em chúng tôi tìm lối mới vào cuối những năm 1950 nói trên, ông cũng rất ghét, mặc dù không biết ông có đọc hay không. [..]
Đây là lần đầu tiên tôi nói rõ một số chuyện liên quan đến Về Kinh Bắc, nói ra để khép lại những cái đau buồn ấu trĩ của một thời. Bây giờ, tôi xin các bạn thưởng thức nó vượt qua mọi bối cảnh chính trị xã hội, thưởng thức nó như một tác phẩm nghệ thuật mà đến hôm nay tôi vẫn thấy hài lòng”.
[8] George Walker Bush cho rằng một trong những yếu tố giúp ông thay đổi cuộc đời là lần gặp gỡ với Mục sư Billy Graham vào năm 1985 và sau đó, vào năm 1986 đã bỏ hẳn rượu, “từ đó tôi không uống một giọt nào”.
Năm 1979 Bush thành lập công ty dầu lửa Arbusto Energy và năm 1984, ông bán Arbusto cho Spectrum 7 và được mời làm CEO cho Spectrum 7. Khi Spectrum 7 sáp nhập với Harken Energy năm 1986, Bush trở thành một trong những giám đốc của tổ hợp đoàn này. Đồng thời Bush nhận nhiệm tránh nhiệm “ông bầu ” của cho đội bóng chày Texas Rangers trong 5 năm, nhờ đó gây nhiều thiện cảm khắp tiểu bang Texas và năm 1994 tranh cử thống đốc tiểu bang Texas, đánh bại thống đốc đương nhiệm Ann Richards của Đảng Dân chủ. Bush tái đắc cử thống đốc năm 1998 và năm ra ứng cử Tổng thống.
[9] Dẫn theo Đại Việt sử ký toàn thư, quyển VII, Kỷ nhà Trần, chương Nghệ Tông Hoàng Đế, Duệ Tông Hoàng Đế và Thuận Tông Hoàng Đế. Bản tiếng Việt (NXB KHXH – 1998) của Hoàng Văn Lâu, Hà Văn TẤn hiệu đính. Tập II, trang 155.
Lê Quý Ly có hai người cô được vua Trần Minh Tông lấy làm cung phi, hai bà cô sau đều trở thành mẹ hai vua nhà Trần: bà Đôn Từ sinh ra vua Duệ Tông và Minh Từ sinh ra vua Nghệ Tông.
Nhờ quan hệ này Lê Quý Ly sớm được đưa vào làm quan và thăng tiến rất nhanh. Thánh 5.1371, Trần Nghệ Tông đưa lên làm Khu mật viện đại sứ, tháng 9 phong làm Trung tuyên quốc thượng khẩu. Trần Nghệ Tông lại gả em gái mới goá chồng 6 tháng là công chúa Huy Ninh cho Lê Quý Ly.
Năm 1373, Lê Quý Ly làm tham mưu quân sự, lãnh nhiệm vụ tiếp vận quân lương khi Duệ Tông dẫn quân đánh Chiêm Thành. Duệ Tông tử trận, Quý Ly đang đốc quân chở lương hoảng sợ bỏ trốn về nước.
Năm 1389, quân Chiêm đánh Thanh Hóa, Trần Thuận Tông sai Lê Quý Ly đem quân đánh dẹp nhưng bị thua. Lê Quý Ly xin thêm quân thì bị từ khước nên từ chức. Sau đó triều đình cử Trần Khát Chân đi thay.
Phê bình của Ngô Sĩ Liên “Quý Ly thân làm đại tướng, có quan hệ tới mối an nguy của cả nước, thế mà để đến nổi thất trận tan quân, tội ấy rất lớn. Đã không lo dốc sức trận sau để chuộc tội lần trước, lại bỏ quân chuồn về trước để tránh mưu kế của giặc, rồi lại không tự trói mình chịu tội như người xưa vẫn làm…. Cứ theo quân pháp thì hắn đáng phải tội chết.” (tr. 178)
[10] Nguyễn Cảnh Chân (An phủ sứ lộ Thăng Hoa) dâng thư xin theo việc cũ của nhà Hán, nhà Đường: kích thích người nộp thóc bằng cách ban tước hay miễn tội để việc phòng bị biên cương được đầy đủ, Hồ Quý Ly phê: “Biết được mấy chữ mà dám nói việc Hán Đường, thực là thằng ngọng hay nói, chỉ chuốc lấy tiền cười thôi.”
Ngoài ra trong bài thơ “Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục”, Hồ Quý Ly cũng chỉ có thể ví von nước Việt với “Y quan Đường chế độ / Lễ nhạc Hán quân thần”, không thể có lấy một chữ nào về “Ngu chế độ” hay “Ngu quân thần”:
Dục vấn An Nam sự
An Nam phong tục thuần
Y quan Đường chế độ
Lễ nhạc Hán quân thần
Ngọc ủng khai tân tửu
Kim đao chước tế lân
Niên niên nhị tam nguyệt
Đào lí nhất ban xuân
Dịch nghĩa:
An Nam muốn hỏi rõ
Xin đáp: phong tục thuần
Y quan chẳng kém Đường
Lễ nhạc nghiêm như Hán
Bình ngọc rượu lừng hương
Dao vàng cá nhỏ vẩy
Mỗi độ mùa xuân tới
Mận đào nở chật vườn
Có nhiều giải thích khác nhau về xuất xứ của bài thơ này nên cần sử dụng với sự dè dặt cần thiết. Có tài liệu cho biết thì khi bị bắt giải về Trung Quốc năm 1407, triều đình nhà Minh có hỏi về phong hoá của người Việt, Hồ Quý Ly đã trả lời bằng bài thơ này. Trong khi đó thì có tài liệu cho biết một quan lại nhà Minh là Ngô Bá Tông (1334-1384) đã chép một bài thơ có nội dung đôi chút khác biệt trong tập Vinh tiến tập của mình, ghi là làm sau khi ông đi sứ An Nam trở về (đi năm Hồng Võ thứ 10 (1377)) để trả lời Minh Thái Tổ. Ngoài ra ở Nhật cũng có một bài thơ tương tự với tên “Đáp Minh Thái Tổ chiếu vấn Nhật Bản phong tục thi”, được cho là do sứ thần Hại Lý Ma Cáp làm khi đi sứ nhà Minh.
[11] François Quesnay (1694 – 1774) nhà triết học Pháp, am hiểu Trung Hoa, để tâm nghiên cứu nhiều vấn đề kinh tế, lúc sinh thời được mệnh danh là “European Confucius”. Theo nhiều nhận xét, khái niệm “Laissez-faire” ông đưa ra có thể phát sinh từ khái niệm “vô vi” (Wu wei). Dẫn theo John M. Hobson (2004), The Eastern Origins of Western Civilization“, Cambridge University Press, tr.196.
[12] Minh Thành Tổ là con trai thứ tư của vua Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương) và là vua thứ ba của nhà Minh. Lên ngôi năm 1403 sau khi đảo chính anh trai mình là Minh Huệ Đế, cai trị từ năm 1403 đến 1424.
Trịnh Hoà xuất thân hoạn quan, có công lớn trong cuộc đảo chính lật Minh Huệ Đế nên được Minh Thành Tổ xem là người tâm phúc. Theo sử liệu Trung Hoa thì trong vòng 28 năm, từ 1405 đến 1433 Trịnh Hoà đã thực hiện 7 chuyến hải hành khác nhau, mỗi chuyến kéo dài từ 2 đến 4 năm.
Có ý kiến cho rằng việc bành trướng quyền lực trên biển của Minh Thành Tổ xuất phát từ một nỗi sợ và nhắm vào một mục tiêu cụ thể: truy diệt Minh Huệ Đế. Nhiều nhân chứng kể lại là khi thất bại, Minh Huệ Đế đã cải dạng thành một nhà sư để trốn về phương Nam bằng đường biển và điều này khiến Minh Thành Tổ cảm thấy lo lắng. Để tránh hậu họa, ông giao sứ mạng đuổi người chạy đi này cho thủ túc tín cẩn nhất là Trịnh Hoà. Chuyến đi của Trịnh Hoà phải biểu thị cho được sức mạnh của Trung Hoa để vừa răn đe vừa mua chuộc những nước khác không được chứa chấp Minh Huệ Đế. Trong quan niệm ngoại giao này, Minh Thành Tổ đã ra lệnh xây dựng một hạm đội hùng mạnh với những loại tàu đi biển lớn và vững chãi nhất thế giới thời đó. Trên tàu, ngoài những binh đội hùng mạnh còn có nhiều thợ thủ công tinh xảo cùng những hàng hoá và sản vật quý, hạm đội của Trịnh Hoà vừa biểu thị cho hùng mạnh và giàu có của Trung Hoa, vừa hàm ý một thái độ vừa mua chuộc vừa đe doạ.
[13] Minh Thành Tổ đã ra lệnh cho tướng Chu Năng của mình: “Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách vở của đạo Phật và đạo Lão, còn thì mọi sách vở, văn tự, cả những dân ca, sách dạy trẻ (…) đều phải đốt hết, một mảnh, một chữ cũng không chừa. Những bia nào Trung Hoa xây dựng từ trước thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy cho hết…” Sau Chu Năng chết và Minh Thành Tổ cho Trương Phụ thay thế.
[14] Có nhiều tài liệu vể điểm này (chú thích 16), chỉ xin dẫn:
“Theo thông tin chính thức thì trước đây Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý đưa bộ phim truyền hình Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long vào nội dung của chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm nội dung tư tưởng của phim (Dân Trí ngày 04 tháng 2 năm 2010).
Vị trí quan trọng của bộ phim đã khiến người ta quan tâm, hay còn điều gì khác làm cho dư luận chú ý, đến nỗi bộ phim đang được duyệt xét lại tại Hội đồng duyệt phim của Cục Điện ảnh, và theo báo chí cho biết, thì bộ phim bị đề nghị cắt bỏ nhiều đoạn vì không phù hợp với chính sử. Trong khi đó, dư luận lên án bộ phim là mang đậm bản sắc Trung Quốc.
Theo tiết lộ của báo giới thì nội dung bộ phim có vấn đề. Về nhân vật Lê Long Đĩnh, nhiều chi tiết cần phải thay đổi. Việc Lê Hoàn lên ngôi và cuộc kháng chiến chống Tống, sự kiện Lê Hoàn đánh Tống được ghi trong sử như một trong những trận đánh oai hùng tại sông Bạch Ðằng, Tây Kết… lại được thể hiện trong phim không đúng với chính sử… những viên sạn này không những làm ý nghĩa bị lệch lạc mà còn hướng dư luận tới những quan ngại sâu hơn về một âm mưu nào đó cốt lấy phim này để nhấn mạnh đến vai trò lịch sử có liên hệ đến phương Bắc.”
[15] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd,. Tập I, trang 241. Quốc khánh Trung Quốc là 1.10 và ngày 1.10.2010 trùng ngày 24.8 Âm lịch năm nay.
“Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho rằng, nếu dịp Đại lễ mưa nhỏ, mưa vừa, phải chấp nhận mặc áo mưa, còn nếu mưa lớn phải tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình thay vì tổ chức tại Quảng trường Ba Đình.
Việc đề xuất ngừng bắn mây ngăn mưa của lãnh đạo TP Hà Nội đã được Phó Thủ tướng Thường trực, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đồng tình. Tuy nhiên, dù không triển khai bắn mây, vẫn phải có những phương án dự phòng và đối phó nếu thời tiết xấu xảy ra.
Trong buổi giao ban Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao & Du lịch Lê Tiến Thọ cho biết, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã báo cáo xin lùi thời gian trình Ban tổ chức phương án can thiệp khi gặp thời tiết bất lợi đến ngày 18/8 vì chưa xác định rõ được công nghệ và kinh phí thực hiện.
[…]
Một trong những phương án được tính đến để ứng phó với thời tiết xấu là bắn mưa. Chi phí cho bắn mưa có thể sẽ lên tới 1 tỷ USD. Trên thế giới, đã có nhiều nước áp dụng phương án này để thay đổi thời tiết trong các sự kiện quan trọng. Mới đây nhất, năm 2008, vào thời điểm diễn ra thế vận hội Olympic, thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) đã bắn 1.104 quả rocket để chặn một dải mây ở khu vực sân vận động Tổ Chim trong dịp khai mạc Thế vận hội.”
[17] Xem chú thích 14
“Phim Trần Thủ Độ bỏ ra ba triệu đô la đến nay im hơi lặng tiếng, đợi sau lễ ngàn năm Thăng Long mới dám đưa ra. Tại sao? Tại vì người dân và trí thức không chấp nhận tôn vinh Trần Thủ Độ vào lúc này. Nếu làm phim về nhà Trần, sao không làm về Trần Nhân Tông, hay Trần Hưng Đạo? Làm về Trần Thủ Độ lúc này chướng lắm, không thuận. Còn làm về Trần Hưng Đạo thì e đụng chạm với hậu duệ của quân Nguyên. Thế là việc đầu tư sai lầm. Còn Trung Quốc thì đã kịp biến ông Trần Thủ Độ thành một nhân vật tựa như em ruột ông Tào Tháo. Cảnh vật, con người và tư tưởng là phiên bản của phim Tàu.
Đường tới thành Thăng Long thì trắng trợn hơn. Phim này trở thành một bộ phim Tàu hoàn chỉnh được lồng tiếng Việt. Cảnh vật, trang phục, hành động, võ thuật… chẳng khác nào những bộ phim Trung Quốc chiếu tràn lan trên màn hình. Chẳng thấy gì đúng với tinh thần tự tôn, độc lập và trí tuệ của Lý Công Uẩn, đại biểu cho trí tuệ dân tộc ta một ngàn năm trước đâu cả.”
[19] Lưu Trinh, “Nữ chiến sĩ luyện diễu binh”, Tiền Phong 20.9.2010:
Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tuyển một và tổ chức luyện tập một đội nữ binh trong phiên chế của Bộ đội Thông tin với trang phục giống hệt nữ binh Trung Quốc (váy và đội mũ vải có vành xếp) để diễn hành trong “Đại lễ ngàn năm Thăng Long”. Sáng 10-10, khối nữ diễu binh 200 m qua khán đài Quảng trường Ba Đình. Sau đó, các nữ chiến sĩ đi đều tách thành hai khối và tiếp tục diễu binh qua các phố Hà Nội trong phạm vi 4 km. Yêu cầu kỹ thuật diễu binh là phải chuẩn, đúng, đều, mạnh, đẹp và thống nhất; Hàng ngang, hàng dọc, hàng chéo phải thẳng tăm tắp.” Về cách tuyển lựa, bài báo cho biết tiếp: ‘Để được tuyển chọn vào khối diễu binh, các nữ chiến sĩ phải trải qua quá trình tuyển chọn gắt gao về phẩm chất chính trị lẫn hình thức. Tất cả đều phải cao trên 1m56.’
Về “tội” của Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt, xin xem chú thích 18: “Còn làm về Trần Hưng Đạo thì e đụng chạm với hậu duệ của quân Nguyên.”
[20] Khánh Linh, “Thu phục tướng tài”, Hà Nội Mới, 19.9.2009. Nội dung bài báo ca ngợi Hứa Thế Hữu (Xu Shiyou), sinh 1905 mất năm 1985.
Hứa Thế Hữu xuất thân từ một võ sinh tại chùa Thiếu Lâm, võ nghệ rất cao cường nhưng bỏ theo cộng sản và được gắn lon thượng tướng từ đợt gắn quân hàm đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1955.
Năm 1979, trong vai trò Bí thư kiêm Tư lệnh quân khu Quảng Châu (bao gồm Quảng Đông và Quảng Tây – từ 1974 đến 1980).
Năm 1974, Hứa Thế Hữu là người chịu trách nhiệm chính trong chiến dịnh “Tự vệ Tây Sa”, tức trận chiếm Hoàng Sa năm 1974.
Năm 1979 Hứa Thế Hữu đảm nhiệm vai trò Tổng tư lệnh chiến dịch tấn công Việt Nam. Nhưng vì chiến thuật “biển người” của Hứa bị tổn thất nặng nề trước sức kháng cự của quân Việt Nam nhờ vào địa hình cùng với vũ khí tối tân do Liên Sô viện trợ, Hứa bị tước quyền chỉ huy, chỉ giữ vai trò huy danh dự, thực quyền điều khiển chiến dịch phải trao cho phó tư lệnh Dương Đắc Chí.
Theo giới thiệu thì Hà Nội Mới là “Cơ quan của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hà Nội”. Thật ra thì bài báo chỉ đăng bài kể lể một mẩu chuyện mang tính giai thoại về tính cách của Hứa Thế Hữu khi còn là sư đoàn trưởng. Tuy nhiên khi một bộ máy kiểm duyệt to lớn như vậy lại đi ca ngợi một “tướng giặc”, từng chỉ huy hai chiến dịch xâm lược vào tổ quốc mình thì đây không thể xem là chuyện bình thường.
Trước đó, báo chí nhà nước cũng đã đăng bài ca ngợi “tướng giặc” tương tự. Tháng 2 năm 2007 báo Người Lao Động có đăng bài ca ngọi Hứa Thế Hữu. Báo Tin tức online ngày 27.8.2008 trong bài báo “Hứa Thế Hữu – người dám tát tai Mao Trạch Đông”: cũng câu chuyện như đã kể trên báo Hà Nội Mới ngày 3.2.2009, bài báo này đi xa hơn với chi tiết Hứa Thế Hữu xông tới “tát vào mặt Mao Trạch Đông”, không bị quật ngã từ đầu
Bài báo trầm trồ ca ngợi: “Từ một võ tăng Thiếu Lâm chính tông gia nhập quân đội, sau đó được phong hàm Thượng tướng, cuộc đời của Hứa Thế Hữu là một pho huyền thoại.’
Cần nhắc thêm là ngày 26.3.2010 Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Lạng Sơn đã ký công văn đánh số 218/UBND-KTTH, yêu cầu huyện Hữu Lũng chuẩn bị tốt công tác “Đón tiếp đoàn Đại biểu Đại sứ quán Trung Quốc tham dự Lễ dâng hương tưởng niệm Liệt sĩ Trung Quốc nhân Tiết Thanh minh”.
Công văn trên đã được loan tải trên trang báo điện tử của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Lạng Sơn http://www.langson.gov.vn. Khi chuyện bị khui ra và gây phản ứng dữ dội thì chiều công văn này mới bị xoá đi.
[21] In chung trong bản tiếng Việt 1998 của Đại Việt sử ký toàn thư, sđd,. Tập I, trang 127. Lê Tung vốn tên là Dương Bang Bản, người Hà Nam, được ban quốc tính và đổi tên là Tung. Ông đỗ tiến sĩ năm 1484 (Hoàng giáp) đời Thánh Tông; giữ chức Thiếu bảo, Lễ bộ thượng thư ,tri Kinh diên sự, tước Đôn thư bá đời vua Lê Tương Dực. Ông có tham gia khởi nghĩa giúp vua Lê Tương Dực, chống vua Uy Mục.
[22] Từ “ấn tượng” được sử dụng như tính từ là chuyện ai cũng rõ, thỉnh thoảng tôi đọc trên báo chí Việt Nam những câu như “Cô ta cũng có hoàn cảnh lắm” hay “Cuộc đời rất là hoàn cảnh”: từ danh từ, “hoàn cảnh” đã biến thành tính từ. Hay một thí dụ khác như “Bờm” (Thằng Bờm có cái quạt mo): Thằng đó Bờm lắm!
.
.
.

No comments: