Monday, September 27, 2010

BA KHUÔN MẶT CỦA TRUNG QUỐC MỚI


Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
25.09.2010

Trong sự mập mờ của những dòng tin của những ngày qua, người Mỹ đã bị ngạc nhiên với những cái nhìn ngắn gọn, dường như mâu thuẫn về việc Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh vừa có được của mình.
Có một Trung Quốc như là một gã hàng xóm du côn, từ chối cung cấp Nhật Bản những quặng mỏ quí nếu Tokyo không nhượng bộ trong một tranh chấp nhỏ nhưng kéo dài về lãnh thổ. (Người Nhật đã lùi bước.)
Lại có một Trung Quốc như một kẻ miệng lưỡi trơn tru với thủ tướng Ôn Gia Bảo cố hết sức gạt bỏ áp lực của Tổng thống Obama về vấn đề trị giá đồng tiền Trung Quốc – thật sự là một trận chiến về việc tạo công ăn việc làm cho công nhân ở Seattle hay ở Thâm Quyến. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi trong suốt hai giờ tại Liên Hiệp Quốc. Đã không có kết quả rõ rệt.
Và lại có một Trung Quốc như một kẻ thực dụng kinh điển, chuyên lựa chọn những cơ hội thuận lợi thiếu đồng nhất trong những cấm vận đối với Bắc Hàn và Iran trong nỗ lực cân bằng quyền lợi quốc gia đầy mâu thuẫn của mình. (Quyền lợi đầu là để đối đầu với phưong Tây trong Hội đồng Bảo an. Những quyền lợi khác bao gồm việc bảo đảm nguồn dầu và bảo vệ một nước chư hầu khỏi sự sụp đổ.)
Trong một ý nghĩa nào đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên về việc một cường quốc đang lên tìm những phương pháp khôn khéo để giải quyết những khó khăn phức tạp. Nhưng trước khi Trung Quốc vượt qua đói nghèo để được cho là một nền kinh tế thứ 2 trên thế giới, vị trí mặc định của họ về chính sách đối ngoại là để tái dựng những căn bản về việc không can thiệp vào công việc của các quốc gia khác và chú trọng phần lớn vào khu vực láng giềng.
Đấy là trước khi họ có những nguồn lực về quân sự và động cơ để bắt đầu nghĩ đến phương cách giữ gìn và bảo vệ quyền lợi trên khắp thế giới. Ngày này, quyền lợi của họ bao gồm việc khai thác dầu hoả ở những nơi như Sudan và Iran, việc vận chuyển hàng hải an toàn chung quanh vùng Sừng châu Phi, khả năng lũng đoạn đồng tiền của mình để thu lợi nhuận.
Và lần đầu tiên, cả thế giới đang nhìn thấy hàng loạt thái độ khác nhau, từ hung hăng đến phản ứng tiêu cực đến tinh tế ngoại giao, tại những khu vực mà 20 năm trước các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiếm khi nghĩ đến.
Việc những nhà ngoại giao và phân tích Mỹ giờ đây phải tìm hiểu là điều gì đã khiến Trung Quốc có những hành động và phản ứng như thế, bằng cách nào để tìm cách uốn nắn chúng và, một số người còn cho là cần đưa ra giới hạn nào.
“Trung Quốc mà Tổng thống Obama hy vọng có được một năm trước đây, một quốc gia đang biến thành một cường quốc hợp tác quốc tế vĩ đại đối với những vấn đề quan trọng nhất đang xảy ra – đó không phải là Trung Quốc mà ông phải đối phó hiện nay,” David Sahmbaugh, giám đốc chương trình chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington.
Một viên chức cao cấp thường làm việc với giới lãnh đạo Trung Quốc nói rằng: “Khi họ bắt đầu phải đối phó với nhiều cử tri, chính sách chính trị của họ ngày càng giống của chúng ta.”
Sau đây là một báo cáo sơ bộ về phong cách phô trương cơ bắp của Trung Quốc:

Khu vực láng giềng: đã đến lúc cần cây gậy lớn
Trong nhiều thập niên qua, những quốc gia ở châu Á đã lo ngại đến sự nổi lên của Trung Quốc – theo dõi bao nhiêu chiến hạm hoặc tên lửa nước này đang có được, và họ đã dùng ảnh hưởng của một nhà đầu tư như thế nào. Một thập niên trước đây, khi Tổng thống Bush vừa nhậm chức, nhiều nhà tân-bảo thủ đã hối thúc ông phải “chế ngự” tham vọng tự cho của Trung Quốc.
Nhưng việc chế ngự chắc hẳn đã không thể thực hiện được và cũng đã chứng tỏ, ít nhất là trong thập niên qua, là không cần thiết. Cho đến nay Bắc Kinh đã không có thêm những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ mới; họ chỉ đơn giản bắt đầu bảo vệ những tuyên bố chủ quyền cũ đối với những khu vực rải rác không người ở.
Người Nhật đã bước chân vào một trong những khu vực ấy khi họ bắt giữ viên thuyền trưởng của một tàu đánh cá gần quần đảo trong vùng biển Đông Hải, có tên Nhật là Senkaku và tên Trung Quốc là Điếu Ngư. Người Nhật nói rằng chiếc tàu cá đã đụng vào một chiến tuần duyên của Nhật. Vài năm trước đây việc này hẳn sẽ được giải quyết một cách thầm lặng như là một vấn đề thuộc cấp lãnh sự. Lần này thì không.
Người Trung Quốc – có lẽ được thúc đẩy bởi Quân đội Giải phóng Nhân dân, có lẽ hăng hái muốn có một tuyên bố tương tự như Học thuyết Monroe – đã yêu cầu việc giao trả viên thuyền trưởng. Nhật Bản đã từ chối. Bị thúc đẩy bởi làn sóng chủ nghĩa dân tộc, Trung Quốc đã bắt đầu cấm đoán những chuyến hàng chứa nguyên liệu hiếm, một hành động đe doạ nền kỹ nghệ điện tử của Nhật.
“Điều này đã làm hài lòng tầng lớp Đệ nhất châu Á ở Trung Quốc,” Ông Shambaugh nói, ám chỉ thành phần trong chính quyền Trung Quốc với chủ trương rằng con đường tốt nhất là phải thống trị khu vự trong khi tránh đụng độ với những cường quốc khác. Trong những tháng vừa ua đã có những tranh chấp về những cuộc tập trận của người Mỹ trong vùng biển lân cận cũng như về vấn đề biên giới với Ấn Độ.
“Chúng ta bắt đầu phản ứng lại,” một viên chức cao cấp trong chính quyền nói, để giải thích tại sao Hoa Kỳ đang gửi một hàng không mẫu hạm đến khu vực này.
Nhưng người Nhật, sau 20 năm khủng hoảng, đã không còn sức lực để phản ứng lại. Các công tố viên đã bãi bỏ việc truy tố viên thuyền trưởng hôm thứ Sáu.

Washington: Nghệ thuật bẻ lệch hướng
Nếu chiến lược của Trung Quốc ở châu Á luôn là sự cứng rắn, thì với Hoa Kỳ thì phần đông chỉ là sự lễ phép và bẻ lệch hướng – trong hầu hết các trường hợp.
Lần đầu tiên Obama gặp chủ tịch Hồ Cẩm Đào, một cơn khủng hoảng đang đe doạ ngốn trọn cả hai nền kinh tế, và họ đã theo đuổi một chiến lược chung về những gói kích cầu vĩ đại. Trong hầu hết năm 2009, một trong những phụ tá hàng đầu của Obama để ý, “mọi thứ khác đều được gạt sang một bên.”
Rồi họ tránh được những đụng chạm về chính sách môi trường tại Copenhagen, và một cuộc tấn công vào Google có dấu hiệu từ Trung Quốc. Nhưng chính việc lê gót đầy miễn cưỡng của Trung Quốc trong lời hứa của mình để thị trường quyết định giá trị của đồng tiền của họ đã thật sự gây căng thẳng mối quan hệ. Tại Quốc hội, dù đúng hay sai, Trung Quốc thường xuyên bị qui tội lũng đoạn đồng tiền của mình nhằm giúp các xí nghiệp tiếp tục hoạt động với cái giá của người lao động Mỹ. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đều kêu gọi đánh thuế nhập khẩu.
Cho đến nay chiến lược của Trung Quốc có vẻ nhằm giữ nguyên những trói buộc của những thủ tục ngoại giao trong khi tiếp tục lê bước. Thủ tướng Ôn đã sử dụng từ “hợp tác” sáu lần chỉ trong vài phút đứng cạnh Obama. Nhưng khi cánh cửa đóng lại, Mỹ đã đòi hỏi những hành động tức thì, và, một nhân chứng nói rằng ông Ôn “chỉ luồn lách lẫn tránh,” nhắc lại quan điểm rằng cần phải có vài thế hệ để xây dựng được một nền kinh tế hùng cường.
Jeffrey Bader, giám đốc của bộ phận châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia nói rằng tổng thống đã lưu ý rằng ông “đã thất vọng về việc đã chẳng có một hành động nào” kể từ cuộc gặp gỡ lần trước. Nhưng ông không có nhiều đối trọng, và đấy là vì sao Nhà Trắng đe doạ sẽ có những bước đi khác. Giờ đây Trung Quốc đang phán đoán ý của ông là gì.

Những trường hợp đặc biệt: Bắc Hàn và Iran
Bắc Hàn và Iran là nơi mà những vấn đề cấp bách địa phương và quyền lợi cường quốc của Trung Quốc đụng đầu.
Nếu mục tiêu hàng đầu của Mỹ là tước bỏ vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn thì mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc là giữ Bắc Hàn được ổn định. Nếu quốc gia này sụp đổ, người Trung Quốc đoán rằng Nam Hàn (và đồng minh Hoa Kỳ) sẽ tiến vào, có thể sẽ đến tận biên giới Trung Quốc. Như một viên chức tình báo Mỹ vừa nói gần đây, “nếu sự lựa chọn là giữa việc sống với một Bắc Hàn dở điên dở khùng với vũ khí nguyên tử hoặc với chúng ta ở ngay trên đầu của họ, người Trung Quốc đang có lựa chọn thứ nhất.”
Cũng không có nghĩa là họ sẽ vui sướng về việc này. James Church, bút danh của tác giả của cuốn “Gã đàn ông nhìn về hướng Baltic,” một tiểu thuyết gián điệp mới nhất của ông về Bắc Hàn, đã tìm hiểu về quốc gia này như một nhân viên tình báo. Ông nói trong một phỏng vấn: “Trung Quốc có thể không thích Bắc Hàn lắm. Nhưng có quá nhiều khía cạnh địa lý, lịch sử và tình cảm cột chặt họ với nhau và tạo ra sự suy nghĩ của Trung Quốc” để Bắc Kinh có thể bỏ rơi chư hầu lâu năm của mình, đặc biệt là nếu Bắc Hàn bị thôn tính đồng minh của Mỹ là Nam Hàn.
Vì thế vào năm 2009, sau khi Bắc Hàn tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ hai, việc này đã phù hợp với quyền lợi của Trung Quốc để tham gia việc cấm vận Bình Nhưỡng. Năm nay, khi Hoa Kỳ một lần nữa tìm cách cấm vận trong việc Bắc Hàn được cho là có trách nhiệm trong sự kiện chiếc tàu chiến Nam Hàn bị đánh đắm, tình hình đã thay đổi: Kim Jong Il, kẻ độc tài của Bắc Hàn, đang bị ốm, và Trung Quốc cần tìm kiếm ảnh hưởng đối với con trai ông ta, cũng là người được cho là sẽ kế vị, Kim Jong Un, để giữ kiểm soát đối với Bắc Hàn. Vì thế Trung Quốc đã dội gáo nước lạnh vào nỗ lực cấm vận, và các nhà ngoại giao nước ngoài nói rằng, họ đã tổ chức một buổi tiệc ăn mừng chiến thắng với phái đoàn Bắc Hàn.
Iran là một trường hợp đặc biệt khác. Mười hai phần trăm lượng dầu hoả của Trung Quốc đến từ quốc gia này; trong khi cũng tham gia việc cấm vận đối với Iran, họ cũng bảo đảm rằng việc nhập và xuất khẩu năng lượng phải nằm ngoài danh sách cấm vận của Liên Hiệp Quốc. Đã có những đề cập liên tục về những đầu tư năng lượng mới và lâu dài của Trung Quốc ở Iran. Nhưng cho đến nay, chỉ có một vài hợp đồng được thành hình. Và khi các quan chức Hoa Kỳ chỉ ra rằng việc đối đầu với Iran về tham vọng hạt nhân của họ sẽ làm gián đoạn nguồn dầu chảy ra từ vịnh Ba Tư, Trung Quốc nói rằng chắc chắn họ sẽ không tham gia vào việc này.
Đây là ván cờ ba chiều tối trọng, chơi theo kiểu Trung Quốc.
.
.
.

No comments: