Monday, September 27, 2010

HOA KỲ - TRUNG QUỐC - ASEAN : MỘT TAM GIÁC CHIẾN LƯỢC MỚI


Đăng bởi anhbasam on 28/09/2010


Mỹ, Trung Quốc và Asean: Một tam giác chiến lược mới
Kavi Chongkittavorn (The Nation)
Ngày 27-9-2010

Đừng để tâm trạng lễ hội của “Tiết trung thu” – lễ hội vào giữa mùa thu ở Bắc Kinh – đánh lừa bạn. Suốt những ngày nghỉ lễ tuần trước, các quan chức tại Triệu Dương Môn – bộ Ngoại giao Trung Quốc – đã làm việc không ngơi nghỉ sau những ngôn ngữ cơ thể và từng từ ngữ của các nhà lãnh đạo Asean và Mỹ trước, trong và sau cuộc gặp thứ hai của họ ở New York ngày 24/9. Bắc Kinh muốn biết liệu họ có cùng nhau chống lại Trung Hoa hay không.
Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh hôm thứ Sáu giữa Tổng thống Barack Obama và các lãnh đạo  Asean khá toàn diện và tích cực, thể hiện được cả thiện ý của hai bên, mà không gây mếch lòng bạn bè và đồng minh của họ. Nó bao gồm hai thông điệp rõ ràng.
Trước hết, từ nay, Asean và Mỹ là đối tác chiến lược trong những nguyên tắc và chính sách. Điều này thể hiện một cam kết đại nhảy vọt, dựa trên quan điểm mà trước kia Washington chưa đề cao về Asean và các lập trường của nhóm này về các vấn đề toàn cầu.
Nỗ lực hợp tác này, vốn vẫn còn chặng đường dài phải đi, sẽ có những kết quả sâu rộng trong việc định hình bối cảnh chiến lược tương lai tại châu Á. Để hoàn thành sứ mệnh này, một nhóm danh nhân sẽ được thành lập nhằm chuẩn bị một kế hoạch hành động năm năm (2011-15) vào cuối năm tới khi họ gặp lại nhau tại Indonesia.
Thứ hai, đối tác chiến lược Asean – Mỹ không nhằm vào Trung Quốc  nhưng vì hoà bình và ổn định trong khu vực. Nó tránh đề cập tới vấn đề ở biển Hoa Nam [Biển Đông] và những quan điểm của Mỹ đưa ra tại Hà Nội hồi tháng 7. Tuyên bố dự thảo trước đó do Mỹ đề xuất, chỉ rõ tranh chấp và cách giải quyết, cuối cùng đã bị huỷ bỏ theo yêu cầu của các nhà lãnh đạo Asean. Tiếng tăm nên đi cùng họ vì sức kháng cự mạnh mẽ và thống nhất trong việc né tránh áp lực từ phía Mỹ.
Nó được thay thế bởi một tuyên bố mang ý nghĩa tổng quát hơn (đoạn 18), đoạn tái khẳng định tầm quan trọng của không cản trở thương mại, tự do hàng hải và những điều luật quốc tế liên quan bao gồm giải quyết hoà bình các tranh chấp. Với giới phân tích đối ngoại, đoạn văn tự giải thích này không cần bất cứ lập luận tỉ mỉ nào hơn, nó tự động dùng để chỉ biển Hoa Nam [Biển Đông] và một quy định hành xử cốt lõi hiện có mà Asean thúc đẩy.
Sau khi dự thảo tuyên bố chung bị rò rỉ với giới truyền thông Mỹ trước cuộc gặp New York, cơ cấu ngoại giao của Trung Quốc lao vào hoạt động tối đa. Bắc Kinh đưa ra một chỉ thị với tất cả các đại sứ quán của nước này ở mọi quốc gia châu Á, thúc giục bác bỏ tài liệu Mỹ đã chuẩn bị, nếu không sẽ có hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ ngoại giao. Về phía Trung Quốc, danh nghĩa duy nhất của cuộc xung đột – mà họ lập luận chẳng liên quan gì tới Mỹ – là tương đương với một nỗ lực nhằm quốc tế hoá vấn đề nhạy cảm này.
Ít nhất trong thời gian này, các nhà lãnh đạo châu Á đã khôn ngoan để thu hút mối quan tâm thực sự nghiêm túc của Trung Quốc. Mỹ cũng tương tự như vậy. Sau tất cả, nó đã thành công trong việc nâng cao tầm nhìn về biển Hoa Nam [Biển Đông] và tầm quan trọng của quan hệ chiến lược Asean – Mỹ. Với những nỗ lực hiện tại của cả Mỹ và Trung Quốc trong việc phát triển mối quan hệ mềm mỏng về tiền tệ và các vấn đề kinh tế khác, khăng khăng chuyện tranh chấp hàng hải sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực với mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới.
Với cương vị chủ tịch Asean, Việt Nam đã thảo luận vấn đề này một cách thận trọng, khi biết rõ bất kỳ sự thể hiện hăng hái nào sẽ khiến Trung Quốc nhíu mày. Các chủ tịch Asean trước – Singapore và Thái Lan – cả hai đều không phải là nước tuyên bố chủ quyền tại biển Hoa Nam – cũng tránh chuyện này. Khá thú vị khi nhận thấy rằng, cho dù Hà Nội rất thận trọng, thì quan hệ Trung Quốc – Việt Nam vẫn tiếp tục tổn thất. Mặc dù một số nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam đã thăm Trung Quốc trong năm nay để kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoạigiao hai bên, thì chưa một lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nào đặt chân đến Việt Nam.
Suốt 15 năm qua sau vụ việc Rặng đá ngầm Vành khăn (Mischief Reefs) tháng 3/1995,  Asean và Trung Quốc đã khá thành công trong việc kiềm chế xung đột như một vấn đề song phương đơn thuần. Sau đó, chính xác là 64 ngày trước đây, Mỹ đã vào cuộc tranh cãi bằng việc bình luận trên phương diện quốc tế về cuộc xung đột lãnh thổ lâu dài này với khẳng định tự do và an ninh hàng hải. Trong khi mối quan tâm này không phải là mới, thì thời gian và cách thức Mỹ thể hiện lại mới. Bằng cách định vị sự ủng hộ với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Hoa Nam [Biển Đông] (2002) giữa  Asean và Trung Quốc, Washington đã thực sự vẫy một lá cờ đỏ quốc tế – không đề cập tới tranh cãi gần đây mà Trung Quốc đã có với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Quyết định kép của Washington trong việc ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác tháng 7 năm ngoái, và gia nhập hội nghị thượng đỉnh Đông Á gần đây đã san bằng cấp chiến lược trên sân chơi, nếu không phải lớn hơn, với ưu thế Trung Quốc chiếm giữ lâu nay. Điều này giải thích vì sao Bắc Kinh đã có cách phản ứng mạnh mẽ. Bất chấp quan hệ Asean – Trung Quốc gần gũi hiện nay, ở đây vẫn có một điểm đen – không hề có tiến triển trong hợp tác chung liên quan tới biển Hoa Nam.
Xem xét từ cách thể hiện của các lãnh đạo  Asean, họ nghĩ họ có những gì gọi là mời những cường quốc lớn tham gia cuộc chơi chính trị thực sự tại sân sau của họ. Trong bốn thập niên qua,  Asean đã vui vẻ với cương vị đòn bẩy để những người chơi ấy trao đổi quan điểm và xây dựng lòng tin. Họ thích  Asean vì đó là thực tế không đe doạ hay gây hại. Gìơ đây, khi gió đổi chiều chuyển hướng về Đông Á,  Asean muốn gia tăng thị phần và cũng trở thành một người chơi – không còn dễ tổn thương – như trong Chiến tranh Lạnh. Định hình chiến lược tương lai ảnh hưởng tới các cường quốc trong khu vực là mục tiêu chung của họ.
Do các cường quốc – cả lớn và nhỏ – đều có sự can dự vào trong cấu trúc và văn hóa chính trị của Asean nên câu hỏi thường được đặt ra trong những ngày này là: Liệu Asean có thể cùng lúc xoay xở nổi với tất cả các cường quốc này? Asean là một thành tố then chốt hay chỉ là một người đứng ngoài cuộc? Hợp tác và cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có làm xói mòn tình đoàn kết của Asean? Làm thế nào để Asean không trở thành công cụ của Mỹ hoặc của Trung Quốc?
Với mối quan hệ tay ba Asean, Trung Quốc và Mỹ, thật khó để dự đoán kết quả. Ví dụ, nếu Asean và Trung Quốc lại không vượt qua được bất đồng về đường lối thực hiện các đề xuất của họ tại vùng biển tranh chấp trong tương lai gần, nó có thể bị quy cho là do nhân tố Mỹ. Điều đó sẽ dẫn tới những quan điểm cứng rắn hơn của Asean và Trung Quốc. Bắc Kinh từng tuyên bố chủ quyền của họ tại biển Hoa Nam là không thể bàn cãi, giống như Đài Loan, đây là một trong những lợi ích cốt lõi quốc gia của họ.
Có nhiều cách thức khác nhau chứ không riêng gì cách nào, kết quả của cuộc họp tại New York giờ đây có thể mang lại một động lực lớn hơn, cần thiết để cả Trung Quốc và Asean cùng làm việc gần gũi hơn nhằm phá vỡ thế bế tắc và tạo ra những tiến triển trên mặt trận này.
Các bên phải dàn xếp và đồng thuận về một thứ ngôn ngữ mà các bên đều chấp nhận được, để từ đó có tiến triển trong đường lối thực hiện. Thực tế là để làm chệch hướng sự can dự của bên ngoài vào cuộc tranh chấp này, hai bên sẽ phải chứng tỏ mình có khả năng ngăn chặn, kiềm chế và cùng giải quyết các thách thức chung trong khu vực.
Người dịch: Nguyễn Hùng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2010
Nguồn: The Nation
.
.
.

No comments: