Monday, September 27, 2010

ĐẠI NHẠC KỊCH "TRUYỆN KIỀU" TRÌNH DIỄN TẠI HOUSTON (TEXAS)

Hiền Vy, thông tín viên RFA
2010-09-27

Hẳn không ít người Việt không nghe hay biết đến những câu lục bát của Nguyễn Du trong Truyện Kiều như: "Trăm năm trong cõi người ta Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau Trải qua một cuộc bể dâu Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."
.
Truyện Kiều còn, tiếng ta còn"
Hay những danh từ như Sở Khanh để ám chỉ những người đàn ông không chung thủy, Hoạn Thư khi nhắc đến những người đàn bà ghen tuông quá đáng. Dân gian cũng đã dùng tên những nhân vật trong Truyện Kiều như Tú Bà để nói về những người làm chủ chốn lầu xanh...
Thành ra Truyện Kiều không xa lạ với người Việt trong nước, nhưng tại hải ngoại, có lẽ trong giới trẻ thì không nhiều người biết đến Truyện Kiều. Thế nhưng trong những tháng vừa qua, Truyện Kiều đã được nhắc đến rất nhiều tại Houston và vùng phụ cận.

Từ khoảng tháng Năm năm 2010, khi những cơ quan truyền thông tiếng Việt tại Houston cho phổ biến thông báo của hãng Worldwide Stage Inc. tuyển dụng tài tử cho vở nhạc kịch Truyện Thúy Kiều thì người Việt tại đây đã không ngớt bàn tán về Truyện Kiều. Sau những kỳ thi tuyển khá gay go, một số ứng viên đã được thâu nhận và họ phải qua thời gian luyện tập rất công phu. Vào trung tuần tháng 9, vở ca nhạc kịch Thúy Kiều - The Tale of Kiều Musical đã được trình diễn trong 3 ngày liên liên tiếp tại Houston. Có 2 nhóm diễn viên thay nhau diễn xuất những vai chính như Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Hoạn Thư, Mã giám Sinh tuy nhiên vai Sở Khanh, Tú Bà, Đạm Tiên, sư cô Giác Duyên... thì mỗi vai chỉ do một người diễn xuất trong cả 5 lần trình diễn.
Đạo diễn Burton Wolfe cho biết, sở dĩ ông soạn vở ca kịch Thúy Kiều vì đây là một áng văn chương đã được dịch ra nhiều thứ tiếng để giảng dạy tại các đại học nước ngoài và năm 1965, tổ chức Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO  đã vinh danh Nguyễn Du là một đại văn hào của thế giới. Phần chuyển ngữ qua tiếng Việt do nhạc sĩ Linh Phương phụ trách. Ông Wolfe cũng cho biết sự khác biệt âm ngữ giữa tiếng Anh và tiếng Việt làm cho việc chuyển ngữ khá phức tạp. Vở ca kịch này đặc biệt được trình diễn bằng hai sinh ngữ Anh và Việt.
.
Đi vào lòng khán giả
Vở nhạc kịch được dàn dựng với 13 màn và 25 nhạc cảnh. Khán giả vô cùng thích thú trong cảnh Kim Trọng gặp Thúy Kiều do Quốc Vũ và Vân Thy trình diễn:
"Vừa vẽ, vừa đàn, vừa sáng tác nhạc, lại là một tuyệt sắc giai nhân... Đa tạ công tử quá khen. Tôi nghĩ tôi cũng chỉ tầm thường thôi..."
Và nhiều khán giả đã rơi lệ khi thấy Kiều do Uyên Vy diễn bị Kiều Anh trong vai Tú Bà dàn cảnh bán cho khách làng chơi nhưng Kiều vẫn ngây thơ tin Tú Bà là người tốt:
"Đây không phải nơi nàng trú ẩn, ta đã tìm ra kẻ giải thoát cho nàng. Ra ngoài nàng sẽ thoải mái hơn ... Làm sao tôi trả ơn bà ? Trời cao xin độ cho bà được may ..."
Nụ cười "Sở Khanh" của ông Nguyễn Phi Hiệp làm khán giả lạnh người giùm cho Kiều khi thấy Kiều bị ép uổng:
"... Tội nghiệp Kiều, cứ coi ông nào cũng là Kim Trọng tuốt ... Rồi ai cũng sẽ yêu nàng ..."
Và người xem cũng không thể không rơi lệ khi thấy Kiều bị Hoạn Thư hành hạ:
"Con đ. sẽ không còn được nói, nó sẽ lau nhà, làm việc cho tới khi kiệt sức ... Chồng ta ư ? Dù xót thương cũng chẳng dám hé môi ..."
Để diễn xuất vai Thúy Kiều, Uyên Vy cho biết cô đã  bỏ nhiều thì giờ để tìm hiểu Truyện Kiều sau khi được giao phó vai này:
"Khi em nhận được vai Kiều thì em phải tập dợt, học hỏi, làm nhiều research..."
Còn Việt Nguyên thì chia sẻ là rất cảm kích sự giúp đỡ tận tình của đạo diễn cũng như của những bạn đồng diễn để anh hoàn tất vai Kim Trọng:
"Khi được chọn thì rất là vui nhưng khi tập dợt thì rất là mệt. Sau khi được sự giúp đỡ của đạo diễn thì em làm tốt hơn..."

Bà Phan Thị Hồng, người thiết kế y phục cho những nhân vật trong Truyện Kiều nói lý do bà tham dự trong việc sửa soạn áo quần cho vở ca nhạc kịch:
"Trong lòng tôi từ hồi nào tới giờ tôi cứ ấm ức là tôi cứ thấy công ty Mỹ họ cứ làm hết chuyện của Nhật Bản, của Tầu, của Đại Hàn. Mình cũng có Thơ, Nhạc, Văn hay mà họ không có làm. Khi thấy một công ty Mỹ làm ca nhạc kịch kiểu broadway mà lại mang Truyện Kiều của mình lên, nên tôi mừng lắm, tôi tham gia luôn." 
Bà cũng thêm rằng để thích hợp với sân khấu broadway, y phục đã được thiết kế nhiều màu sắc hơn:
"Ngày xưa Việt Nam mình ăn mặc quần áo cũng đơn giản lắm nhưng bây giờ trên sân khấu của broadway thì mình cũng pha màu sắc thêm cho nó kịch hóa, sân khấu hóa cho đẹp mà cũng để hấp dẫn khán giả"

Trong vở ca kịch cũng có nhiều màn vũ rất công phu, vũ sư Hùng Lân, người dàn dựng những màn vũ này cho biết:
"Mình phải hòa hợp cả vũ điệu của Việt Nam và Ba lê và một số động tác của tây phương. Trang phục thì phù hợp với thời điểm của vở Kiều"

Trong số trên 3000 người đến xem vở ca kịch Thúy Kiều, có người cho rằng vì thời lượng quá ít nên Truyện Kiều bị tóm tắt khá nhiều làm cho những ai chưa đọc hay biết qua truyện Kiều sẽ khó hiểu. Tuy nhiên số đông khán giả thì lại rất bằng lòng với lối dàn cảnh giản dị và dùng ánh sáng để làm phông của đạo diễn. Cô Minh Thu cho biết là cô rất cảm kích với sự diễn xuất của diễn viên:
"Rất là hay! Đây là show ca nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam mà rất là ấn tượng. Mặc dù không phải là chuyên nghiệp nhưng họ diễn rất là hay..."

Với rất nhiều diễn viên trẻ đảm nhận những vai chính trong vở ca nhạc kịch Thúy Kiều mà không chỉ nói và ca bằng ngôn ngữ nơi họ đang sinh sống, những người này còn hát và nói cả tiếng Việt, dù có người xa quê mẹ từ lúc còn ấu thơ hay đã sinh ra và lớn lên trên đất khách. Và điều này đã làm nhiều người nhớ lại câu nói nổi tiếng của Phạm Quỳnh "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn."   
.
Theo dòng thời sự:
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: