Tuesday, September 28, 2010

LƯƠNG TỐI THIỂU hay CHÍNH SÁCH BẦN CÙNG HÓA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Tuanddk
Đăng ngày: 14:35 28-09-2010

Trong khi hầu hết các DN đã trả lương cho người lao động với mức 2 triệu đồng/tháng, mà vẫn không đủ lao động, thì Đề án tăng lương khối DN dự kiến mức cao nhất sẽ lên đến con số… 1,27 triệu. Không, không hề có “lỗi cô đánh máy” gì ở đây cả. Chỉ là bởi Bộ LĐ-TB và XH thương người lao động một, thì họ thương doanh nghiệp mười. Nếu là một công nhân nằm trong thuật ngữ “nguồn nhân lực” to tát luôn được nhấn mạnh trong các văn bản, văn kiện thì Tại hạ chỉ xin sửa một chữ “tăng” trong đề án của các quan chức. Đây là chính sách bần cùng hóa người lao động chứ đâu phải tăng.

Bà Tống Thị Minh, một quan chức của Bộ LĐ-TB và XH, thanh minh: “Thực tế, lương tối thiểu là cái cận dưới, là "lưới đỡ" cho nhóm lao động nghèo, yếu thế, chứ hiện nay rất ít doanh nghiệp trả lương theo mức lương tối thiểu. Hiện chỉ có chưa đến 5% doanh nghiệp trả lương dưới mức tối thiểu, hơn 95% doanh nghiệp trả lương theo năng suất lao động”. Có nghĩa quy định chỉ là quy định, còn trong thực tế, tùy thuộc vào lương tâm của giới chủ! Bà Minh còn nói: Ở nước ta hiện có hơn 90% doanh nghiệp là vừa và nhỏ, tăng một đồng lương đối với những doanh nghiệp này không hề đơn giản chút nào.  
Và Thứ trưởng Phạm Minh Huân, thậm chí còn hân hoan vì rằng: Việc tăng lương (theo đề án) sẽ không ảnh hưởng nhiều tới chi phí của doanh nghiệp.

Thưa ngài Thứ trưởng, tăng lương mà không ảnh hưởng đến chi phí doanh nghiệp thì người được lợi là DN chứ đâu phải người lao động? Trong thực tế, lương tâm là cái gì vậy? Một “loại hàng hóa” xa xỉ đã tiệt chủng? Hay là kiểu bắt những “con chuột nguồn lực” phải trông chờ vào “lương tâm mèo”?

Phó trưởng Ban Chính sách Kinh tế xã hội - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam , Ông Đặng Quang Điều lý giải câu chuyện “lương tâm mèo” này như sau: Hầu hết các doanh nghiệp căn cứ vào mức lương tối thiểu do nhà nước công bố để làm căn cứ trả tiền lương cho người lao động. Hiện có rất ít doanh nghiệp xây dựng được thang bảng lương, vì vậy người lao động rất thiệt thòi. Về những lời hứa “sẽ ngăn chặn”, sẽ “buộc mèo phải có lương tâm”, ông Điều nói: Bộ LĐ- TB và XH  đã có quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải xây dựng thang bảng lương và đăng ký với cơ quan lao động địa phương, tuy nhiên trong thực tế các doanh nghiệp vẫn phớt lờ với quy định đó và họ cũng không bị xử phạt hay có bất cứ một hình thức răn đe nào. Thực tế đói khổ, bị bóc lột và “lý thuyết máy lạnh” về việc “tăng lương” rõ ràng đang là câu chuyện ông nói gà bà nói vịt.

Lương cho “nguồn nhân lực” ở Việt Nam đang thấp vào loại nhất nhì thế giới. Chỉ bằng 30% so với lương công nhân ở Bangkok (Thái Lan), Manila ( Philippines ) và bằng 42% lương công nhân ở Thâm Quyến (Trung Quốc). 70% người lao động làm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất mới chỉ nhận được mức lương tối thiểu- có nghĩa ngoài lương tối thiểu, chỉ còn có răng và…cát-tút. Những điều tra Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy lương tối thiểu chỉ đáp ứng khoảng 60 - 65% nhu cầu cuộc sống, thấp hơn mức lương trả trên thị trường khoảng 20%. Một ví dụ điển hình vào trước thời điểm “tăng lương” là tiền lương trung bình của một công nhân da giày liên tục là con số âm so với các chi phí tối thiểu: Điện nước, nhà cửa và ăn mặc. Tại sao một công nhân được học nghề, được đào tạo lại được hưởng mức lương “cải cách” chỉ bằng 1/3 so với một “công nhân sách vữa”, “cửu vạn bán mồ hôi” thì đến ngay Bộ trưởng Bộ Lao động cũng chưa đưa ra câu trả lời.

Tuy nhiên, đó chưa phải là sự tồi tệ nhất, bởi nếu nhìn vào phương án tăng lương này, quả thực những người lao động- nguồn lực của xã hội- chỉ còn cách xách túi về quê. Sáng nay, một tờ báo điện tử đã có bài chạy tít: Tá hỏa vì tần suất “chuyện ấy” của lao động xa quê. Con số được đưa ra: 4-5 lần trong mỗi dịp “về phép”. No dồn đói góp “chuyện ấy”, đối mặt hàng ngày với việc tăng giá thuê nhà, giá điện, giá lương thực, thực phẩm, và một đời sống văn hóa tinh thần “ngày vặn ốc đêm nằm thẳng cẳng để sáng ra tiếp tục vặn ốc” trong một thời đại công nghiệp Made in Viet Nam đang cho thấy cuộc sống của người lao động là một chuỗi những tồn tại để đổi lấy mấy đồng lương bọt bèo và còm cõi. Và với mức lương khủng khiếp về sự phi thực tế, người lao động đang bị buộc đứng trước sự lựa chọn “muốn no thì phải cởi trần”.

Có người nói Đề án tăng lương như một “chính sách máy lạnh” chỉ cho thấy sự thụt lùi về mặt tư duy của những người làm chính sách. Có ý kiến rằng Đề án này đang chứng tỏ nó hoàn toàn xa rời thực tế. Hay bởi vì sức lao động là một loại hàng hóa đặc biệt, và vì giá trị quy về lương tối thiểu chưa do thị trường quyết định nên các vị quan chức phải quy định cho một cái mức đặc biệt? Và liệu với chính sách “bần cùng hóa nguồn nhân lực qua lương” thì liệu khi “về phép” lao động xa quê có còn đủ sức mà làm “chuyện ấy”?
.
.
.

No comments: