Sunday, September 26, 2010

BÌNH LUẬN KHOA HỌC về ĐIỀU 79 BỘ LUẬT HÌNH SỰ (Lê Trần Luật)

Lê Trần Luật
Sep 26, '10 6:04 AM

Trong những năm gần đây rất nhiều người bị quy kết, bị khởi tố, bị xét xử ở điều 79 Bộ luật hình sự. Đó là tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Tội danh này đã tồn tại rất lâu, từ bộ luật hình sự đầu tiên của Việt nam năm 1985, cho tới bộ luật hình sự đang có hiệu lực thi hành hiện nay.

Tính đến năm 2010, tội danh này đã tồn tại 35 năm trong lịch sử xây dựng hệ thống pháp luật hình sự Việt nam. Thực tế hoạt động xét xử đã có rất nhiều vụ án về tội danh này như vụ Luật sư Lê Công Định, Trần Hùynh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung v.v.v. mới đây là vụ giáo sư Phạm Minh Hoàng.

Tuy nhiên, việc tìm hiểu và phân tích điều luật này gặp rất nhiều khó khăn. Có thể tìm thấy rất nhiều bài viết, bài phân tích ở các tội danh khác trong bộ luật hình sự nhưng không có tài liệu nào viết về tội phạm thuộc chương An ninh quốc gia nói chung và tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nói riêng.

 Bản thân Tòa án tối cao Việt nam cũng có rất nhiều văn bản tổng kết và hướng dẫn họat động xét xử nhưng chưa bao giờ hướng dẫn về các tội danh ở chưong An ninh quốc gia, trong đó có tội danh này.

Xét ở góc độ lập pháp, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là một trong những tội danh “ nặng” nhất của bộ luật hình sự Việt nam, được xếp ngay sau tội phản bội tổ quốc( điều 78). Tội danh và điều luật được quy định như sau:
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì bị phạt như sau:
1 Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả ngiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình
2 Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.”

Chúng tôi không theo quan điểm về cấu thành tội phạm của Luật hình sự Việt nam hiện tại, do đó chúng tôi xin được phân tích và bình luận về tội danh này theo phương pháp từ khái quát đến cụ thể.
Chúng tôi bắt đầu phân tích bằng lập luận như sau:
 “ Nếu chống chính quyền nhân dân là phạm tội, thì rõ ràng chống lại chính quyền không phải của nhân dân đương nhiên không phạm tội”. Đây là suy luận mang tính logich hình thức, bảo đảm tính chính xác của tư duy. Như vậy vấn đề suy lý được đặt ra là: Như thế nào được gọi là chính quyền nhân và chính quyền hiện nay dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản có phải là chính quyền nhân dân hay không?

Có quan điểm cho rằng  cách đặt vấn đề như vậy là không cần thiết vì bản thân điều luật đã mặc nhiên công nhận chính quyền hiện tại là chính quyền nhân dân. Quan điểm của nhà cầm quyền hiện tại cũng cho rằng chính quyền của mình là một chính quyền nhân dân vì đã lãnh đạo nhân dân thành công trong việc giải phóng dân tộc ra khỏi ách thống trị của ngoại bang, được nhân dân tin yêu và tín nhiệm. Cũng có quan điểm cho rằng cơ chế bầu cử hiện tại cũng đã tạo ra một chính quyền của nhân dân.

Chúng tôi không đồng ý với các quan điểm này vì đã nói đến khoa học là nói đến “sự tân cùng của chân lý”.  Khoa học không thể mặc nhiên công nhận hay thừa nhận tính đúng đắn của những tuyên bố có tính chính trị rằng: Chính quyền hiện tại là chính quyền nhân dân được. Tất cả cần phải được chứng minh.

Trong suốt 65 năm cầm quyền của mình, chính quyền chưa bao giờ có một cuộc trưng cầu dân ý để xem “Nhân dân có tin yêu và tín nhiệm mình nữa hay không”. Cần nhớ rằng trưng cầu dân ý là một hình thức dân chủ của chính quyền nhân dân. Như vậy rất là thiếu cơ sở khoa học để thuyết phục rằng chính quyền hiện tại là chính quyền của nhân dân do được nhân dân tin yêu và tín nhiệm.

Bầu cử, ứng cử là một quyền chính trị- xã hội của con người, là cách thức xây dựng một chính quyền thực sự là của nhân dân. Nhân dân lựa chọn chính quyền cho mình, thông qua người đại diện quyền lực.  Vấn đề được đặt ra là nhân dân có quyền lựa chọn đại diện quyền lực cho mình hay không? Dân chủ hay ý chí nhân dân trong bầu cử, không chỉ có là ý chí nhân dân trong việc bỏ phiếu mà phải được thể hiện trong mọi thủ tục và trình tự bầu cử.

Chúng tôi xin được đưa ra một dẫn chứng sau đây:
Mục 2, chương 5, Luật bầu cử hiện hành quy định về quy trình hiệp thương bầu cử gồm nhiều giai đoạn với nhiều nội dung khác nhau nhưng chung quy lại là lựa chọn người tham gia bầu cử với tư cách là ứng cử viên. Quy trình này có rất nhiều hạn chế:
1.     Là một quy trình thiếu tính công khai và minh bạch.
2.     Quy trình hiệp thương làm hạn chế quyền ứng cử đặc biệt là quyền tự ứng cử. Có rất nhiều người không thể trở thành ứng cử viên dù thỏa mãn các điều kiện luật định.
3.     Nhân dân không thực hiện được ý chí của mình trong việc lọai bỏ sơ bộ ứng cử viên, mà việc này do các tổ chức thực hiện.
4.     Quy trình hiệp thương do Ủy ban mặt trận tổ chức thực hiện mà tổ chức này được xem là cơ sở chính trị của Đảng cộng sản, do đó không bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh giữa các ứng cử viên.
         Với những hạn chế đã dẫn chứng như trên, theo chúng tôi Luật bầu cử hiện hành không bảo đảm được ý chí của nhân dân trong việc lựa chọn đại diện quyền lực cho mình. Chúng tôi chưa kể đến hiện tại ở Việt nam không có cơ chế bãi nhiệm đại biểu một cách rỏ ràng minh và minh bạch. Do đó khó có thể nói rằng chính quyền hiện tại thực sự là một chính quyền nhân dân thông qua cơ chế bầu cử.

Chúng tôi xin tiếp tục phân tích cụ thể nội dung của điều luật.
Theo điều luật mô tả thì những hành vi khách quan bị cho là phạm tội có các điều kiện sau: điều kiện cần là có hành vi  thành lập hoặc tham gia tổ chức, điều kiện đủ là tổ chức đó có mục đích lật đổ chính quiyền.
Trước hết phải thấy rằng hành vi tham gia hoặc thành lập một tổ chức, nếu tổ chức đó  không có mục đích lật đổ chính quyền thì không thỏa mãn điều kiện của điều luật này hay chính xác hơn hành vi đó không bị xem là có tội. Ví dụ như hành vi thành lập và tham gia Câu lạc bộ nhà báo tự do, hoặc là những tổ chức dân sự khác, không thể bị xem là có tội vì không có mục đích lật đổ chính quyền.
Điều luật không nói rỏ tổ chức ở đây là những đảng phái chính trị hay tổ chức nào mà chỉ nói chung chung là tổ chức nên buộc phải hiểu rằng bất kỳ một tổ chức nào bị cho là có mục đích lật đổ chính quyền thì những người thành lập hoặc tham gia sẽ bị xem là có tội. Thực tế xét xử cho thấy đa số những người tham gia đảng phái chính trị khác với Đảng cộng sản đều bị quy kết về tội này. Chúng tôi không đồng ý quan điểm này vì cho rằng các nhà làm luật đã vi phạm nguyên tắc “Chỉ kết tội một hành vi, khi hành vi đó xâm phạm một quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ”. Hành vi tham gia hoặc thành lập chưa phải là hành vi xâm phạm các quan hệ xã hội,  nều như tổ chức của họ chưa tiến hành các “ họat động lật đổ”.  Qua sự mô tả của điều luật thấy rằng ý nhà làm luật là muốn kết tội  ngay cả  “ý đồ lật đổ chính quyền” chứ chưa cần phải phải có hành vi. Cần nhớ rằng chỉ có những hành vi được thể hiện ra bên ngoài thế giới khách quan mới có khả năng bị kết tội. Không có bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới đi kết tội các “ ý đồ, ý tưởng”.

Thành lập và tham gia các tổ chức xã hội là một trong những quyền căn bản của con người đã được pháp luật Việt nam thừa nhận. Tuy nhiên thực tế, việc thành lập và tham gia các tổ chức dân sự ở Việt nam là rất khó vì phải được sự cho phép của chính quyền và luộn phải tồn tại trong sự hoài nghi của nhà nước.
Điều luật chỉ nói đến hành vi thành lập và tham gia nhưng không có văn bản pháp luật nào giải thích cụ thể các hành vi này. Nếu hành vi họat động thành lập, tham gia xảy ra ở nước thứ hai với sự cho phép của nước đó có xem là vi phạm luật hình sự Việt nam hay khộng? Nếu như hành vi tham gia một tổ chức hoặc đảng phái mà không biết rằng tổ chức đảng phái đó có mục đích “ lật đổ chính quyền” liệu có bị xem là tội phạm hay không?.

Chúng tôi xin nêu một ví dụ: Giả thuyết là giáo sư Phạm Minh Hoàng có tham gia Đảng Việt Tân, nhưng ông không thể biết được Đảng này có mục đích lật đổ chính quyền hay không, ông chỉ biết mục đích của Đảng này là đem lại tự do và dân chủ cho Việt Nam thì không thể kết tội ông được. Như vậy về logich muốn kết tội một người nào đó, nhà nước phải công bố danh sách những tổ chức, đảng phái bị xem là có mục đích lật đổ chính quyền để người dân biết mà không tham gia, cũng giống như việc công bố các chất nào bị xem là chất ma túy cấm người dân sử dụng vậy. Nếu không làm được điều này thì thà rằng nhà nước tuyên bố : “Cấm công dân Việt nam không được tham gia bất cứ tổ chức đảng phái nào ngòai Đảng cộng sản. Mọi hành vi thành lập,tham gia tổ chức, đảng phái khác bị xem là chống chính quyền” để người dân biết mà chấp hành cho đúng kỷ cương phép nước.

Khoản 1của điều luật xác định tình tiết tăng nặng định khung hình phạt là: Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Có thể nói người có họat động thành lập tổ chức là một trong những người tổ chức, và do đó nếu đã lấy tình tiết “ hoạt động thành lập tổ chức” là tình tiết định tội danh Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân, thì không được phép lấy tình tiết đó làm tình tiết tăng nặng định khung hình phạt. Ví dụ như là đã định tội danh “ Chống người thi hành công vụ” ( điều 257) thì không được phép lấy tình tiết “ Chống ngườii thi hành công vụ” làm tình tiết tăng nặng định khung hình phạt hay tăng nặng hình phạt được. Ngoài ra cho tới nay chưa có văn bản nào giải thích gây hậu quả nghiêm trọng là hậu quả như thế nào, nó được xác định theo phương pháp định lượng hay định tính? Có quan điểm cho rằng các tội danh ở chương an ninh quốc gia có cấu thành hình thức, tức là chỉ cần có mục đích, không cần hậu quả xảy ra thì việc quy định thêm gây hậu quả nghiêm trọng là không cần thiết, chúng tôi ủng hộ cách lập luận này.

Với những bất cập nêu trên , chúng tôi nghĩ rằng giải pháp tốt nhất là xóa bỏ điều luật này trong bộ luật hình sự Việt nam, nếu không thì cần quy định một cách rõ ràng và minh bạch hơn để hạn chế bớt những cuộc bắt bớ và xét xử oan sai.
.
.
.

No comments: