Wednesday, November 25, 2009

NHÌN LẠI CHUYẾN Á DU CỦA OBAMA

Nhìn lại chuyến Á du của Obama
Đinh Từ Thức
25/11/2009 8:15 sáng
http://www.talawas.org/?p=14054
Là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên ra đời và lớn lên tại Thái Bình Dương, khiến chuyến Á du đầu tiên của Tổng thống Obama thêm đặc biệt, và được nhiều chú ý. Chuyến đi tám ngày qua bốn nước Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Nam Hàn, nhưng chỉ có hai trạm Nhật Bản và Trung Quốc là quan trọng hơn cả.
Vừa tới Nhật Bản, ông Obama đã bị dư luận Hoa Kỳ chỉ trích và bàn tán sôi nổi về hình ảnh ông cúi quá thấp khi bắt tay Hoàng đế Nhật Akihito. Những người chỉ trích cho rằng ông đã làm nhục Hoa Kỳ khi khấu đầu trước Nhật hoàng. Những người bênh vực cho rằng cúi đầu chào nhau là chuyện thường theo phong tục Nhật Bản. Những người khác cho rằng chào nhau bằng cách cúi đầu, dù cúi thấp, không có gì sai. Nhưng hoặc cúi đầu, hoặc bắt tay. Ông Obama sai ở chỗ vừa cúi thấp, vừa bắt tay.
Cúi đầu trước mặt nhau, là cử chỉ thông thường của người Nhật, để bày tỏ sự kính trọng đối với người được coi vào hàng bề trên. Cúi càng thấp, càng tỏ ra kính trọng. Cử chỉ này được dậy từ tấm bé, cha mẹ tập cho con biết cúi đầu từ trước khi biết nói.
Nhưng đó là phép xã giao hàng ngày của người Nhật bình thường. Ông Obama là tổng thống Hoa Kỳ, không phải một người Nhật bình thường. Tổng thống Obama và Hoàng đế Akihito trên cương vị ngang hàng, cùng là nguyên thủ quốc gia. Dù là người Nhật, Hoàng đế Akihito không hề cúi đầu trước Tổng thống Mỹ Obama. Điều này chứng tỏ cử chỉ của ông Obama bị dị nghị là hợp lý.
Nhật Bản vốn là đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ, nhưng nước này mới thay đổi đảng cầm quyền. Đảng Dân chủ với tân Thủ tướng Hatoyama muốn có tư thế độc lập với Mỹ hơn đảng Tự do Dân chủ trước đây. Vấn đề nổi cộm nhất trong hiện tại giữa Mỹ và Nhật là sự hiện diện của 36 ngàn quân và nhân viên Mỹ tại Okinawa. Theo một thỏa thuận từ năm 2006, Tokyo đồng ý cho Mỹ di chuyển trạm không vận (air station) của Thủy quân Lục chiến Mỹ tại Futenma tới một nơi khác trên đảo Okinawa, nhưng nay chính phủ Nhật muốn tái thảo luận, đưa trạm này ra khỏi Okinawa. Vụ này vẫn chưa được giải quyết dứt khoát trong chuyến viếng Nhật của ông Obama. Ngoài ra, cả Mỹ lẫn Nhật cùng muốn coi Trung Quốc là đối tác quan trọng của mình, nên khó tránh khỏi cọ sát.
Singapore là nơi diễn ra hội nghị Thượng đỉnh APEC. Sự có mặt của ông Obama tại Singapore, và gặp các lãnh tụ khối Asean là thông điệp về quyết tâm hiện diện của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á. Tại Singapore, vị tổng thống một nước cầm đuốc dân chủ trên thế giới đã bắt tay thủ tướng Miến Điện, một trong những kẻ thù tồi tệ nhất của tự do dân chủ. Mặc dù ông Obama đã thẳng thắn kêu gọi thả lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, nhưng nhiều phần chắc là người dân Miến Điện sẽ chỉ được nhìn hình, mà không được nghe những gì ông nói.
Riêng trạm dừng chân thứ ba tại Trung Quốc từ 15 đến 18 thàng 11, được dư luận chú ý và bàn tán nhiều hơn cả.
Mở đầu bằng cuộc tiếp xúc 50 phút giữa ông Obama với 500 sinh viên Trung Quốc tại Viện Bảo tàng Khoa học và Công nghệ Thượng Hải vào chiều 16 tháng 11. Tuy là sinh viên, nhưng đám trẻ này là thành viên của Liên đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, đã được sàng lọc, nhận chỉ thị và tập dượt trước cuộc gặp gỡ. Chữ nghĩa chính thức của Bạch ốc cũng không gọi những thanh niên nam nữ này là sinh viên, mà là những “Lãnh đạo tương lai của Trung Quốc” (Future Chinese Leaders).

Trong cuộc gặp gỡ này, ông Obama cũng có nói tới nhân quyền, nhưng không phải nhân quyền ở Trung Quốc, mà ở Mỹ:
“Các tự do phát biểu và thờ phượng – tiếp cận thông tin và tham gia chính trị — chúng tôi tin đó là những quyền phổ quát. Chúng nên được dành cho mọi người, kể cả các nhóm thiểu số sắc tộc và tín ngưỡng – dù họ ở Hoa Kỳ, Trung Quốc, hay bất cứ nước nào.”

Ông nói thêm trong khi trả lời một câu hỏi về tường lửa:
“Tôi bao giờ cũng là người ủng hộ mạnh mẽ việc mở rộng sử dụng internet. Tôi là người nhiệt thành ủng hộ việc không kiểm duyệt. Đây là một phần của truyền thống Hoa Kỳ mà tôi đã thảo luận trước đây, và tôi thừa nhận rằng các nước khác nhau có những truyền thống khác nhau. Tôi có thể nói với các bạn rằng tại Hoa Kỳ, sự kiện chúng tôi có tự do internet – hay không giới hạn tiếp cận internet là nguồn gốc của sức mạnh, và tôi nghĩ nên được khuyến khích.”

Mặc dầu đã dè dặt và rào đón kỹ như vậy, cuộc gặp gỡ của ông Obama chẳng những không được trực tiếp truyền hình, còn không được đài chính thức phổ biến trong bản tin quan trọng nhất vào 7 giờ chiều. Kết quả thăm dò cho biết hơn một phần ba sinh viên Thượng Hải không biết có cuộc gặp gỡ này. Ngay việc ông Obama tới Thượng Hải cũng chỉ được truyền hình Trung Quốc loan báo vắn tắt vào hàng tin thứ yếu. Điều khá mỉa mai là câu nói của ông Obama đề cao việc không kiểm duyệt internet đã bị kiểm duyệt trên internet Trung Quốc. Câu trả lời xuất hiện trong khoảng một giờ trên website của Tân Hoa Xã, rồi bị lấy xuống.
Sáng thứ Ba 17 tháng 11, Tổng thống Obama xuất hiện cùng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Nhân dân Đại sảnh, trụ sở Quốc hội, trong một cuộc họp báo kiểu Trung Quốc. Giới truyền thông chỉ được nghe mỗi ông đọc một bản tuyên bố khoảng 15 phút, không có phần hỏi đáp.

Trong tuyên bố của ông Hồ có đoạn sau:
“Hai bên tái khẳng định nguyên tắc căn bản trong việc tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Không bên nào trợ giúp bất cứ cố gắng của bất cứ thế lực nào phương hại đến nguyên tắc này. Chúng tôi tiếp tục hành động trong tinh thần bình đẳng, tương kính, và không can thiệp vào chuyện nội bộ của bên kia, và can dự trong đối thoại và trao đổi về các vấn đề như nhân quyền và tôn giáo để gia tăng sự hiểu biết, giảm cách biệt, và mở rộng quan điểm chung.”

Chỉ với đoạn ngắn trên đây, nếu được áp dụng chặt chẽ, đã đủ để biến Hoa Kỳ thành khán giả thụ động. Khi Trung Quốc tuyên bố Hoàng Sa Trường Sa là lãnh thổ của họ, Biển Đông là hải phận của họ, thì tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của họ, có phải là chấp nhận quan điểm của họ? Vấn đề nhân quyền, cũng là chuyện nội bộ của họ.

Trong tuyên bố của ông Obama, có những chỗ đáng chú ý sau đây:
“Sau hết, như tôi đã làm hôm qua tại Thượng Hải, tôi đã nói với Chủ tịch Hồ về tin tưởng căn bản của Hoa Kỳ là mọi người nam nữ đều có những quyền căn bản. Chúng tôi không tin những nguyên tắc này là duy nhất đối với Hoa Kỳ, mà đó là những quyền phổ quát, chúng nên được dành cho mọi mgười, mọi nhóm thiểu số về sắc tộc và tín ngưỡng. Và hai nước chúng tôi thỏa thuận tiếp tục xúc tiến cuộc thảo luận về nhân quyền hoạch định vào đầu năm tới.
“Như Chủ tịch Hồ đã đề cập, Hoa Kỳ tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Và một lần nữa, chúng tôi tái xác nhận sự cam kết mạnh mẽ của chúng tôi về chính sách một Trung Quốc.
“Chúng tôi đã ghi nhận rằng trong khi chúng tôi công nhận Tây Tạng là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, Hoa Kỳ hỗ trợ việc sớm tái lập đối thoại giữa chính quyền Trung Quốc và đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma để giải quyết bất cứ quan tâm và khác biệt nào có thể có giữa hai bên. Chúng tôi cũng hoan nghênh bước tiến Trung Quốc và Đài Loan đã sử dụng để giảm bớt căng thẳng và gia tăng liên hệ qua eo biển Đài Loan.”


Cuộc “họp báo” này được TV Trung Quốc trực tiếp truyền hình, nhưng khi tường thuật lại trên hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã, thì lời tuyên bố của ông Obama về Tây Tạng và chính sách một Trung Quốc được để nguyên, nhưng bị cắt chỗ nói về nhân quyền, và thương thuyết với đại diện Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Cùng ngày 17 tháng 11, bản Thông cáo chung 5 điểm về cuộc thăm viếng đã được công bố: (1) Liên hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc; (2) Xây dựng và đào sâu chiến lược tin cậy song phương; (3) Hợp tác kinh tế và phục hồi toàn cầu; (4) Thử thách địa phương và toàn cầu; (5) Thay đổi khí hậu, môi sinh và năng lượng. Ông Obama tới thămTrung Quốc, với hy vọng được chủ nhà giúp về bốn điểm, là: ổn định tài chánh, trong đó có việc định lại giá trị đồng nhân dân tệ; chặn việc hâm nóng khí quyển; thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình võ khí hạt nhân; và ngăn cản Iran chế tạo loại võ khí này. Nhưng nội dung Thông cáo cho thấy toàn những điểm chung chung, không có hứa hẹn cụ thể nào về phía Trung Quốc.
Sau họp báo, ông Obama đi thăm Tử Cấm Thành trong hơn nửa giờ. Buổi tối, có quốc tiệc khoản đãi, nhưng chấm dứt khá sớm. Ông Obama về tới hotel vào lúc 8:40, giờ địa phương. Hôm sau, ông đi coi Vạn lý Trường thành ở ngoại ô Bắc Kinh, trước khi từ giã Trung Quốc, lên đường đi chặng chót là Nam Hàn.
So sánh với các cuộc viếng thăm Trung Quốc trước đây của các tổng thống Mỹ, chuyến đi của ông Obama có vẻ quá khiêm nhượng. Năm 1998, Tổng thống Bill Clinton nói chuyện thẳng với hàng ngàn sinh viên Bắc Kinh về nhân quyền, và trong cuộc họp báo trước mặt Chủ tịch Giang Trạch Dân, ông Clinton đã trả lời báo chí, đề cập cả tới những đề tài cấm kỵ như biến cố Thiên An Môn. Năm 2002, qua bài diễn văn đọc trước sinh viên và được phát tán khắp Trung Quốc, Tổng thống George Bush đã nhấn mạnh về các tự do căn bản, kể cả tự do tín ngưỡng.
Tổng thống Obama khuyên Trung Quốc đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng chính ông đã không gặp nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng trước chuyến đi, sợ mất lòng Trung Quốc. Và tại Trung Quốc, ông Obama đã không gặp bất cứ nhà vận động tự do dân chủ nào, cũng không gặp các luật sư bênh vực nhân quyền, hay đại diện tôn giáo. Trong khi ấy, có ít nhất 20 nhà đối kháng đã bị tạm giữ để khỏi gây bất ngờ.
Nhưng cũng không công bằng, nếu đổ hết lỗi cho ông Obama. Cái thế của nước Mỹ bây giờ khác với thời các ông Bill Clinton và George Bush. Bây giờ tổng thống Mỹ không tới Bắc Kinh để dạy bảo Trung Quốc, mà tới để yêu cầu giúp đỡ. Giáo sư Shi Yinhong tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nói rằng, bây giờ “Hoa Kỳ phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều vấn đề hơn Trung Quốc phụ thuộc vào Hoa Kỳ”. Với món nợ Trung Quốc tới 800 tỷ đô la, tuy chủ nợ không nói ra, nhưng người thông minh như ông Obama tự biết cách đi đứng và giữ gìn khi ăn nói.
Tuy nhiên, nói chung, dư luận Mỹ đã không hài lòng về chuyến thăm Trung Quốc của ông Obama. Ngay cả những tờ báo có khuynh hướng cấp tiến, từng ủng hộ ông Obama từ thời ông còn là ứng cử viên, cũng thẳng thắn chỉ trích. Ông Obama tuyên bố tại Thượng Hải “Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng chúng tôi không tìm cách kìm giữ sự lớn mạnh của Trung Quốc. Ngược lại, chúng tôi đón chào (welcome) Trung Quốc như một thành viên mạnh mẽ thịnh vượng và thành đạt trong cộng đồng các quốc gia”.
Điều này khiến bài bình luận chính mang tựa “Welcome, China?” ngày 17 tháng 11, nhật báo Washington Post kết luận:
“Đường lối thực tế của ông Obama tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc là điều cần thiết và đúng đắn. Nhưng cũng là điều quan trọng cần nhớ rằng chính quyền [Trung Quốc] tiếp tục đàn áp, đôi khi tàn bạo, tự do phát biểu, tự do hành đạo và quyền của người thiểu số, không bao giờ giúp ích cho việc đương đầu với các chế độ phi dân chủ khác. Cũng không có vẻ — hay là điều mong muốn – rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ thỏa thuận về một “chuẩn mực quốc tế” mới, vì Bắc Kinh không hậu thuẫn cho bất cứ điều gì phát xuất từ các nguyên tắc dân chủ. Hoa Kỳ không có lựa chọn nào khác hơn là chấp nhận sự lớn mạnh của Trung Quốc như một cường quốc, và ông Obama có thể đúng khi cho rằng chính sách kìm giữ có thể bất lợi. Nhưng đón chào (welcome) một chế độ độc tài vào ảnh hưởng toàn cầu? Thật khó có thể biết tại sao đó là chủ trương cần thiết, hay có thể cảm nhận được cho một tổng thống Hoa Kỳ.”

Trong khi ấy, bài bình luận “Assessing the China Trip” (Thẩm định chuyến đi Trung Quốc) trên tờ New York Times ngày 21 tháng 11 đã mở đầu như sau:
“Tổng thống Obama đã đối diện với đủ mọi chỉ trích về chuyến đi Trung Quốc. Ông đã quá cung kính; ông đã không nói đủ về nhân quyền; ông đã thất bại trong việc cứng rắn áp lực Trung Quốc định lại giá trị tiền tệ của họ; ông đã không đạt được những kết quả cụ thể. Chuyến đi này đã không diễn ra như chúng ta mong muốn, nhưng một số lời than phiền hơi sớm.”

Và bài báo kết luận:
“Tổng thống Obama đã đắc cử một phần vì ông hứa gia tăng hợp tác và thực tế lãnh đạo về mặt ngoại giao trên thế giới. Chúng ta ủng hộ điều đó. Sự đo lường thành quả (hay thất bại) điều ông theo đuổi không thể biết được trong nhiều tháng, và chúng ta hy vọng sẽ có kết quả. Nhưng tổng thống Hoa Kỳ phải luôn sẵn sàng đương đầu với Bắc Kinh để bảo vệ cốt lõi của lợi ích và giá trị Hoa Kỳ.”

Tại chặng chót Đại Hàn, Tổng thống Obama đã được đón tiếp linh đình, không phải cúi đầu quá thấp như tại Đông Kinh, không phải bắt tay độc tài như tại Singapore, và không bị kiểm duyệt như tại Bắc Kinh. Ông đã có cơ hội lấy lại phong độ của một tổng thống trẻ trung, một tổng tư lệnh trước mặt quân sĩ tại căn cứ Osan. Bài diễn văn quanh đề tài “Freedom is not free” (Tự do không cho không) của ông đã được hoan nghênh nhiệt liệt.
Tại Nhà Xanh (Blue House – Phủ tổng thống) ở Hán Thành, vào sáng ngày 19 tháng 11, chính ông Obama thú nhận ông đã được đón tiếp bằng lễ nghi ngoạn mục nhất kể từ khi bắt đầu chuyến đi.
Tổng thống Lee Myung-bak của Nam Hàn nói với ông Obama rằng: “Tôi biết chuyến viếng thăm Nhật Bản và Trung Quốc của ông đã rất kết quả. Và thưa Tổng thống, như tất cả chúng tôi đều muốn nói, ông đã để dành phần tốt nhất cho chặng chót.”
Phần đầu câu nói của ông Lee chỉ có tính xã giao. Phần sau là sự thật.

© 2009 Đinh Từ Thức
© 2009 talawas blog



No comments: