Saturday, November 28, 2009

MÔ HÌNH TƯ BẢN KIỂU TRUNG QUỐC ?

Mô hình tư bản kiểu Trung Quốc?
Ngô Nhân Dụng
Friday, November 27, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=104755&z=7
Trước khi Tổng Thống Mỹ Barack Obama sang Trung Quốc, tuần báo Economist đã viết một bài dài về mối quan hệ giữa hai nước. Họ nêu một nhận xét rằng, “triết lý kinh tế của hai nước đang rất giống nhau, và dẫn lời một học giả nổi tiếng về bang giao quốc tế. Giáo Sư Diêm Học Thông (Yan Xuetong) nói rằng, “chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung Quốc (như nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn mô tả chế độ cộng sản của họ) càng ngày càng trông giống như chủ nghĩa tư bản với đặc tính Mỹ!”

Diêm Học Thông tốt nghiệp Ðại Học Hắc Long Giang năm 1982, mười năm sau được trao bằng Ph.D. tại Ðại Học Berkeley, California, vào lúc 40 tuổi, hiện ông là giám đốc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế tại Ðại Học Thanh Hoa, Bắc Kinh và rất được học giới Trung Quốc kính trọng sau 5 cuốn sách ông đã xuất bản về vai trò của Trung Quốc trong thế giới hiện tại.

Nhưng nói như ông Diêm Học Thông thì cũng oan cho nước Mỹ. Nếu kinh tế Trung Hoa hiện nay có giống chế độ tư bản ở Mỹ thì nó chỉ giống với nước Mỹ vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 mà thôi. Chế độ kinh tế đó người ta gọi là “tư bản quả đầu,” tức là một nhóm ít (quả nghĩa là ít) các công ty nắm đầu các sinh hoạt kinh doanh quan trọng. Nhưng, dù so sánh như vậy, vẫn còn một điều khác biệt quan trọng. Chúng ta nên nhớ là kinh tế Mỹ trước sau vẫn nằm trong tay tư nhân, còn ở Trung Quốc hiện nay chính quyền cộng sản vẫn chủ trương dồn tiền bạc, của cải trong nước cho các xí nghiệp quốc doanh sử dụng.

Một người phân tích kỹ lưỡng và đầy đủ hơn về kinh tế Trung Quốc là Giáo Sư Hoàng Á Sinh (Yasheng Huang) thuộc Ðại Học MIT. Trong chương đầu cuốn “Chủ nghĩa tư bản với đặc tính Trung Hoa,” (Capitalism with Chinese Characteristics) mới xuất bản năm ngoái, Giáo Sư Hoàng đã đặt câu hỏi, “Trung Quốc theo tư bản đến mức nào?” (Just how Capitalist is China?) Ngay phần mở đầu chương này, ông đã phá vỡ nhiều hiểu lầm và huyền thoại về hiện tượng các doanh nghiệp Trung Quốc được tiếng là thành công nhất hiện nay. Khi biết rõ, người ta sẽ thấy các nước nghèo khác không thể nào theo “mô hình” Trung Quốc được.

Năm 2002 chẳng hạn, tạp chí Forbes ở Mỹ lập bảng danh sách những công ty quốc tế cỡ nhỏ và trung thành công nhất, trong đó có 4 công ty Trung Hoa. Nhưng ông Hoàng Á Sinh cho biết, cả 4 công ty đó đều đặt trụ sở ở Hồng Kông, mặc dù hầu hết các hoạt động và lợi nhuận của họ đều ở trong lục địa.

Năm 2005, Giáo Sư Donald Sull xuất bản cuốn “Made in China,” với tiểu tựa là “Các nhà quản trị Tây phương có thể học hỏi gì nơi các nhà quản trị Trung Quốc?” Nhưng ông Hoàng Á Sinh, là người sinh trưởng ở Trung Quốc và tốt nghiệp đại học trước khi du học ở Mỹ, đã vạch ra một điều ngộ nhận lớn. Trong số 7 công ty Trung Quốc mà ông Sul nêu tên, Sina, UTStarcom, AsiaInfo, Haier, Galanz, Wahaha, and Ting Hsin, tất cả các công ty này hoặc các chi nhánh quan trọng nhất của họ đều được “đăng ký” như là “công ty ngoại quốc” và do người ngoại quốc làm chủ một phần lớn hay 100%! Haier tuy ghi danh trong nước nhưng các chi nhánh chính, sản xuất máy giặt, máy rửa chén và tủ lạnh đều được đăng ký là “công ty ngoại quốc.” Chính vì được đóng vai công ty ngoại quốc, cho nên họ được đối đãi theo quy chế rộng rãi hơn các công ty tư nhân bản xứ!

Trường hợp được Giáo Sư Hoàng Á Sinh kể cặn kẽ nhất là câu chuyện công ty Lenovo. Chúng ta đều nhớ năm 2004 cái tên Lenovo đã nổi tiếng ở nước Mỹ vì công ty tin học này đã đứng ra mua tất cả phân bộ sản xuất máy vi tính để bàn (PC) của đại công ty IBM. Nhiều người coi đây là cuộc tấn công đầu tiên của doanh nghiệp Trung Hoa vào thành trì của giới kinh doanh Mỹ. Có người ca ngợi Lenovo như là một xí nghiệp sinh trưởng ở Trung Quốc có thể so sánh với các xí nghiệp lớn nhất Ấn Ðộ như Wipro hay Infosys. Nó chứng tỏ thị trường Trung Quốc có khả năng tạo ra những xí nghiệp năng động với khả năng cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Nhưng Lenovo có phải là một công ty do Trung Quốc sinh ra hay không? Hoàng Á Sinh trả lời rõ ràng: Không. Chỉ một người Trung Hoa mới cất công tìm ra những uẩn khúc trong việc ra đời và trưởng thành của công ty này.

Năm 1984, ông Liễu Truyền Chí (Liu Chuanzhi) rủ 10 đồng nghiệp khác trong Viện Khoa Học Trung Quốc (CAS) lập ra một công ty để kinh doanh, lúc đầu lấy tên là Legend. Mười một người góp được 200,000 đồng nguyên (cỡ 30,000 đô la Mỹ) nhưng không dám góp vốn mà chỉ cho công ty vay! Số tiền đó họ cũng đi vay cả. Công ty này được khai sinh ở Hồng Kông, vì thân phụ ông Liễu làm giám đốc một văn phòng của chính phủ Bắc Kinh ở đó, đã quen đường đi nước bước và thân thuộc với các tai to mặt lớn trong chính quyền cũng như giới kinh doanh. Năm 1988, Hồng Kông chưa được trả về Trung Quốc, Lenovo đã nhận được 900,000 Mỹ kim của một công ty Hồng Kông để hợp tác và phát triển. Công ty mới này mở ra các công ty con trong lục địa, để làm công việc nghiên cứu hoặc sản xuất. Giáo Sư Hoàng nhận xét: Các công ty con Lenovo (Beijing) and Lenovo (Shanghai) hoàn toàn được ghi danh như là do ngoại quốc làm chủ 100%, chúng còn mang “tính chất ngoại quốc” hơn cả công ty General Motors ở Thượng Hải, vì GM chỉ góp 50% số vốn với một công ty Trung Quốc 50%.

Giáo Sư Hoàng đặt câu hỏi: Việc ghi danh Lenovo như một công ty ngoại quốc thì có gì quan trọng, nhất là khi Hồng Kông nay cũng thuộc chủ quyền chính phủ Bắc Kinh?

Trả lời câu hỏi này giúp chúng ta hiểu tương quan nhân quả giữa khung cảnh kinh tế, chính trị với sự phát triển kinh doanh. Vì Hồng Kông là một nền kinh tế tự do nhất thế giới, tự do hơn cả kinh tế Mỹ. Lenovo ra đời và lớn lên khi Hồng Kông vẫn thuộc Anh. Ðến nay cựu thuộc địa này vẫn được giữ quy chế riêng sống khác lối Trung Quốc, cho nên họ vẫn bảo vệ được một hệ thống thị trường tài chánh độc lập, pháp luật nghiêm minh và tôn trọng quyền tư hữu. Nếu sinh trưởng ở trong lục địa, Lenovo không được phép bán và sản xuất máy vi tính, vì công việc này phải xin giấy phép, mà giấy phép thường dành cho các xí nghiệp quốc doanh cùng với các công ty ngoại quốc. Cho đến năm 2005, sau khi Lenovo đã mua phân bộ PC của IBM, chính quyền cộng sản Bắc Kinh mới chính thức cho phép các công ty trong nước được tham dự vào các ngành kỹ thuật cao! Các doanh nghiệp nhà nuớc thì dù được cấp giấy phép cũng không có khả năng phát triển như Lenovo!

Làm cách nào một công ty nhỏ như Lenovo có tiền để phát triển? Tiền vốn của Lenovo được thị trường tài chánh Hồng Kông cung cấp. Trước khi Hồng Kông trở về với nước mẹ, lần phát hành cổ phiếu đầu tiên của công ty tại Hồng Kông thu được 12 triệu Mỹ kim, được chuyển vào đầu tư trong nước Tầu. Nếu sinh trưởng ở trong lục địa thì không có số tiền lớn lao đó, so với số nợ 200 ngàn nhân dân tệ. Ðiều ngộ nghĩnh trong câu chuyện này là hiện tượng “vốn đi rồi vốn lại về.” Người Trung Hoa có tiền ở trong nước được phép chuyển sang Hồng Kông, dùng tiền đó góp vốn cho các công ty địa phương, rồi các công ty này lại chuyển tiền vào Trung Quốc đầu tư! Chỉ vì những cơ cấu chính trị, luật pháp và thị trường vốn ở Trung Quốc không có khả năng “phân bố tài nguyên” của chính nước này, nên phải nhờ cơ cấu “tư bản cực hữu” ở Hồng Kông làm công việc đó! Các nhà kinh doanh trong nước đã tìm ra được một kẽ hở trong hệ thống và tận dụng kiếm lời! Hai yếu tố giúp Lenovo thành công là di sản của chính quyền thuộc địa Anh tại Hồng Kông và cơ hội làm ăn mới mở ra tại Trung Quốc.

Một kết luận của Hoàng Á Sinh là “các nước nghèo khác không thể mô phỏng cách làm kinh tế của Trung Quốc,” vì họ không có một Hồng Kông làm cửa sau để chạy ra chạy vào. Nếu chỉ mô phỏng các định chế, luật lệ, thị trường tài chánh của Trung Quốc, các nước khác sẽ gặp bế tắc, giống như Trung Quốc mà không có Hồng Kông vậy! Chắc chắn đây là một bài học mà mọi người Việt Nam phải chú ý. Những nước khác không thể đẻ ra được một Hồng Kông nằm bên cạnh mà sử dụng; cho nên nếu bắt chước “mô hình phát triển” của Trung Quốc thì chỉ hưởng những hậu quả xấu của nó mà mang họa

Ông Hoàng Á Sinh là người Trung Hoa cho nên ông thẳng thắn đặt một câu hỏi khác cho nước ông. Câu hỏi là: Biết sự thật về công ty Lenovo rồi, nhưng biết để làm gì? Ðằng nào Trung Quốc cũng hưởng lợi khi kinh tế phát đạt nhờ có những công ty như Lenovo; vậy thì đâu cần biết nó được sinh ra và nuôi dưỡng ở Hồng Kông hay ở đâu?

Câu trả lời là: Cần phải nhìn rõ trường hộp Lenovo để khỏi ngộ nhận là hệ thống kinh tế tài chánh ở Trung Quốc có khả năng giúp nước này phát triển. Vì những người thành lập Lenovo may mắn. Thân phụ ông Liễu Truyền Trí có đường dây liên hệ lớn ở Hồng Kông. Còn hàng ngàn doanh nhân Trung Hoa khác không được may mắn như vậy thì sao? Khi nào nước Tầu còn chưa thiết lập được khung cảnh chính trị, pháp luật, và thị trường tài chánh theo đúng các quy tắc kinh tế tư bản thì còn hàng vạn trường hợp thất bại so với mỗi trường hợp thành công của Lenovo! Khi nào Bắc Kinh chưa cải tổ toàn diện thì hàng triệu doanh nhân có khả năng không kém gì ông Liễu Truyền Trí vẫn không có cơ hội vươn lên. Còn các doanh nghiệp nhà nuớc thì dù được nâng đỡ đủ điều vẫn không tiến lên được. Cuối cùng, phải thay đổi chính trị thì mới tiến bộ được.




No comments: