Đạo Phật trong dòng sử Việt
Chu Vũ Ánh
Đăng ngày 27-11-2009
http://danchimviet.com/articles/1725/1/o-Pht-trong-dong-s-Vit/Page1.html
Đạo Phật, đạo Lão và đạo Nho đã du nhập vào Việt Nam rất sớm. Nho giáo đã đến nước ta từ thời Bắc thuộc nhưng ngược lại đã gặp trở ngại lớn trước tinh thần đề kháng cuả nhân dân ta. Dân Việt tìm mọi cách chống lại sự đồng hoá cuả Bắc triều, do đó mặc dù trải qua cả ngàn năm đô hộ, Nho giáo chỉ có ảnh hưởng trong giới quan lại cai trị của Bắc triều và thiểu số theo ngoại bang. Trong khi đó, ngược lại Phật giáo lại bắt rễ xâu rộng trong dân gian. Đến khi nước nhà giành được độc lập, tự chủ, thì đạo Phật đã có dịp nẩy nở, phát triển; mặc dù không hoàn toàn giữ vai trò chủ đạo, nhưng đã có ảnh hưởng mạnh trong triều cũng như ngoài dân gian, đã tạo ra một nền văn hoá đặc thù cuả dân tộc Việt, mang đậm nét Phật giáo, nhất là dưới hai triều đại Lý Trần.
Tinh thần tự chủ đã bắt đầu từ thời Ngô Quyền với chiến thắng phá quân Nam Hán trên Bạch Đằng giang và nước ta có quốc hiệu là Đại Việt. Nhưng phải trải qua những thời đại Đinh Lê kéo dài đến Lý Trần, tinh thần độc lập và chủ quyền quốc gia mới được hoàn toàn sáng tỏ.
Hoàng xuân Hãn trong tác phẩm Lý thường Kiệt đã viết “ Lý thánh Tông là vua ta đầu tiên có óc lập một đế quốc có danh ngang với một nước thiên tử, vua đặt quốc hiệu là Đại Việt ( 1054 ), tôn các vua trước là Thái-Tổ, Thái-Tông, coi các nước nhỏ là chư hầu, và muốn ngăn cấm Chiêm Thành thần phục Tống “.
Đức Phật khuyên đệ tử cuả ngài luôn giữ tinh thần tự chủ, độc lập. Ngài luôn nhắc nhở đạo cuả ngài là đến, tìm hiểu và tin theo, không giáo điều, không ràng buộc, mỗi người phải tùy tâm lựa chọn. Ngài dạy ” Đừng tin tưởng vào một điều gì vì phong văn. Đừng tin tưởng điều gì vì vin vào một tập quán lưu truyền. Đừng tin tưởng điều gì vì cớ được nhiều nói đi nhắc lại. Đừng tin tưởng điều gì dù là bút tích của thánh nhân. Đừng tin tưởng điều gì dù thói quen từ lâu khiến ta nhận là điều ấy đúng. Đừng tin tưởng điều gì do ta tưởng tượng ra lại nghĩ rằng một vị tối linh đã khai thị cho ta. Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vin vào uy tín của các thầy dạy các người. Nhưng chỉ tin tưởng cái gì mà chính các người đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng, có lợi cho mình và người khác. Chỉ có cái đó mới là đích tối hậu thăng hoa cho con người và cuộc đời. Các người hãy lấy đó làm chỉ chuẩn”.
Tinh thần độc lập, tự chủ cuả đạo Phật tránh được đầu óc giáo điều, cực đoan và sơ cứng. Mặc dù vị vua đầu tiên cuả nhà Lý ( Lý công Uẩn ) là một Phật tử, các vị cao tăng lần lượt là cố vấn và thầy dạy học cho vua, hoặc các vị quan lớn trong triều, nhưng Phật giáo đã không trở thành độc tôn, ngược lại với tinh thần khai phóng và bao dung đã đưa đến tinh thần dung nạp tất cả các nền văn hoá khác, trong đó có Nho, Lão và cả nền văn hoá Chàm tại phương Nam.
Theo như nhận định vua Trần Thái Tông “Đạo giáo cuả đức Phật là để mở lòng mê muội, là con đường tỏ rõ lẽ tử sinh. Còn trách nhiệm nặng nề cuả tiên thánh là đặt mực thước cho tương lai, nêu khuôn phép cho hậu thế”. Trong tinh thần đó, vua Lý Thánh Tông ( 1054-1072 ) là vị vua đầu tiên đã lập Văn miếu, cho tạc tượng Khổng tử ( 1070 ); lúc đầu văn miếu chỉ để dạy học cho Hoàng Thái Tử, nhưng đến năm 1075 khoa thi Thái học sinh đầu tiên được tổ chức, năm 1076 mở trường Quốc tử giám, năm 1086 lập Hàn lâm viện. Ngoài ra vua Lý Thánh Tông rất hâm mộ nhạc Chiêm Thành; và các vị Đạo sĩ (Đạo giáo ) cũng được giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, họ được mời vào cung làm lễ cầu lộc đêm 30 tết, cầu mưa thuận, gió hòa; ngoài chùa chiền đạo quán cũng được xây dựng, có các đạo quán nổi tiếng như Thái thanh cung, Cảnh linh cung. Điểm đặc biệt dưới thời Lý Trần là mặc dù chữ Nôm đã ra đời rất sớm, bắt nguồn từ ý thức chống Hán hoá của Trung hoa, đồng thời tạo dựng một cái gì của dân tộc khác với phương Bắc, nó cải biến và việt hóa chữ Hán, âm ỉ bắt nguồn trong dân gian và chỉ bắt đầu được công khai sử dụng khi đất nước ta được tự chủ.
Sau nhiều năm loạn lạc bởi nạn thập nhị sứ quân, phong hoá đồi bại dưới triều Lê long Đĩnh, hai lần kháng Nguyên dưới triều nhà Trần, nhân dân lầm than, khốn khổ nên các vua Lý Trần đều muốn dưỡng dân, mang lại thanh bình, an lạc theo tinh thần sống đời, vui đạo cuả các bậc cao tăng thời bấy giờ. Chính sách thân dân, từ bi và độ lượng đã mang lại cho đất nước chúng ta một nền văn hoá, chính trị có sắc thái riêng biệt khác với Bắc phương. Vào những năm mùa đông giá lạnh vua nhà Lý đã từng ban chăn chiếu, thêm phần ăn cho tù nhân; vua nhà Trần đã cho hủy những bức thư, bằng chứng toa rập với quân Nguyên mưu đồ bán nước, để các kẻ lầm lỗi có cơ hội hối cải, chuộc tội. Vua Trần Minh Tông cho rằng “ Nước nhà đã có phép tắc nhất định, Nam Bắc khác nhau “; cũng như lời vua Nghệ Tông “ Triều trước ( Lý ) dựng nước, có luật pháp, chế độ riêng, không theo quy chế cuả nhà Tống, là vì Nam Bắc nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau “.
Khi vua Lê Lợi đại thắng quân Minh, giành lại độc lập, chủ quyền cho dân tộc và đất nước, Nguyển Trãi cũng viết rõ trong Bình Ngô đại cáo:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Triều đại có thể đổi thay, lịch sử dân Việt có lúc vinh quang, có lúc đen tối, nhưng đạo Phật từ thuở ban đầu du nhập vào nước ta đã luôn luôn gắn liền với thịnh suy, tồn vong của Dân tộc như nhiều bậc đại diện Phật giáo thường nói “ Dân tộc còn, Đạo pháp còn – Dân tộc mất, Đạo pháp mất “. Thi sĩ Hồ Dzếnh cũng đã có những vần thơ nói lên lịch sử của Phật giáo và Dân tộc Việt Nam là một:
“Trang sử Phật
Đồng thời là trang sử Việt
Trải bao độ hưng suy
Có nguy mà chẳng mất.”
Ngược dòng sử Việt, dân tộc ta trước bao phen nguy nan vẫn vượt thắng và luôn cùng sánh vai với các dân tộc khác góp phần tạo dựng nền văn minh nhân loại. Sau ngàn năm Bắc thuộc, trăm năm thuộc địa giặc Tây, khi đất nước trở mình, dân tộc quật khởi đẩy lui gót giặc thực dân, thì Phật pháp đồng thời phục hoạt vì sau hai ngàn năm du nhập, sinh mệnh lịch sử Việt và sinh mệnh cuả Phật giáo Việt nam là một. Vừa tránh khỏi họa ngoại xâm, đất nước, dân tộc lại một lần nữa lâm vào cảnh chia hai. Từ năm 1954, miền bắc dưới chế độ độc tài cộng sản, cùng chung với số phận cuả nhân dân, Phật giáo bị kiểm soát toàn diện, tất cả các sinh hoạt tôn giáo đều bị ngăn cấm. Tại miền nam Việt nam, chế độ chính trị tương đối tự do, Phật giáo lại có cơ hội đứng chung với đại đa số nhân dân tranh đấu cho quyền bình đẳng tôn giáo dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, kêu gọi hòa bình cho Dân tộc vào những năm cuộc chiến khốc liệt nhất và hiện nay Phật giáo Việt nam lại tiếp tục cùng toàn dân tranh đấu cho quyền làm người trước sự đàn áp cuả bạo quyền cộng sản Việt nam, quyền bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ dân tộc trước họa chiếm đất lấn biển, âm mưu đồng hoá cuả Bắc phương.
Mở đầu bản Hiến chương cuả Giáo hội Phật Giáo đã ghi “ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặt sự tồn tại nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc “. Từ lập trường trước sau như một, Phật giáo từ khi du nhập vào nước Việt đã luôn đứng chung hàng ngũ với nhân dân, vì Dân tộc là thực thể trường tồn, triều đại, chủ nghiã, chế độ chỉ có tính cách ngắn hạn. Khi chế độ, chính quyền hợp lòng dân, phụng sự dân, Phật giáo sẽ cùng dân góp sức làm cho nước giầu, dân mạnh; khi chế độ, chính quyền đi ngược lại nguyện vọng của dân, phản dân, hại nước, Phật giáo lại phải cùng dân bày tỏ thái độ cuả mình.
Ngày 30.04.1975, cộng sản Bắc việt xâm chiếm miền Nam, tiếng súng chưa ngừng, người dân hai miền chưa hưởng được một ngày thanh bình, thì đảng Cộng sàn Việt nam đã nới rộng chế độ độc tài ra cả nước. Chính sách trả thù, đánh tư bản mại sản, quốc hữu hoá tài sản người dân đã đưa nhân dân vào cảnh nồi da xáo thịt, hàng trăm ngàn người bị nhốt vào trại cải tạo, hàng chục vạn người bị đày lên vùng kinh tế mới, triệu người phải liều mình tìm đường vượt biên. Cùng chung số phận với nhân dân và các tôn giáo khác, các cơ sở văn hoá, xã hội, giáo dục, từ thiện cuả Phật giáo cũng bị nhà nước cộng sản tịch thu, chiếm dụng. Sáu tháng sau ngày cộng sản toàn chiếm, vào ngày 02.11.1975, Phật giáo Việt nam lại một lần nữa đứng lên phản đối chính sách đàn áp cuả đảng Cộng sản Việt nam qua hành động tự thiêu cuả 12 Tăng Ni tại Thiền viện Dược sư tỉnh Cần thơ. Thay vì sửa đổi, Cộng sản Việt nam càng mạnh tay đàn áp, các vị thành viên trong Hội đồng Viện hoá Đạo lần lượt bị bắt. Trước tình trạng đàn áp tôn giáo, chà đạp nhân quyền cuả đảng Cộng sản Việt nam, Phật giáo thông qua Viện hóa Đạo đã công bố Lời Kêu Gọi Bảo Vệ Nhân Quyền vào ngày 09.06.1977, trong đó tố cáo những hành vi trắng trợn chà đạp quyền làm người cuả đảng Cộng sản, nêu lên nguyện vọng cuả toàn thể nhân dân cũng như Tăng Ni Phật tử “ Chúng tôi chỉ muốn sống với tất cả giá trị của con người để có thể tham gia trong công tác xây dựng xứ sở. Trong lịch sử Việt nam đã có những giai đoạn dân chúng sống ôn hòa với những tư tưởng chính kiến sai biệt. Chúng tôi chỉ đòi hỏi sự ôn hòa. Chúng tôi chỉ đòi hỏi quyền tham dự trong công tác xây dựng quốc gia, xây dựng đời sống con người không phải như những bộ máy mà là những khối óc, những con tim “.Qua nhiều đợt đàn áp, bằng cách bắt bớ, giam cầm, chia rẽ, lập Giáo hội Phật giáo Việt nam dưới sự chỉ đạo cuả đảng Cộng sản Việt nam, Phật giáo Việt nam vẫn tồn tại, vẫn luôn đứng chung trong mọi cuộc tranh đấu chống lại chế độ độc tài Cộng sản . Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do hòa thượng Thích Huyền Quang, hòa thượng Thích Quảng Độ dẫn dắt vẫn bất khuất không ngừng nói lên tiếng nói cuả người dân, gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh, đánh động lương tâm của mọi người trong cũng như ngoài nước.
Sau những năm tháng bị cộng sản giam cầm, hòa thượng Thích quảng Độ thấy rằng chỉ có tiến trình Dân chủ hóa đất nước mới có thể giải quyết được mọi vấn nạn cuả Dân tộc. Trong thông điệp gửi Ủy hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc họp lần thứ 61 tại Genève vào ngày 08.04.2005 ngài tha thiết trình bày và nêu lên những đòi hỏi “Chúng ta làm gì đây để mang lại sự ổn định, hạnh phúc và phát triển cho nhân dân Việt Nam? Qua thời gian dài sống trong tù ngục, tôi lắng lòng suy nghĩ và đi đến kết luận, là không còn con đường nào khác ngoài chuyện Việt Nam phải thực sự có tự do và dân chủ. Ðây là giải pháp duy nhất. Phải có dân chủ đa nguyên, quyền tự do bầu cử, quyền chọn lựa thể chế chính trị, được hưởng các quyền tự do, dân chủ - nói tóm, quyền định hướng cho tương lai của mình, định hướng cho vận mệnh dân tộc mình. Thiếu dân chủ đa nguyên, chúng tôi không thể chiến đấu chống nghèo khó và bất công, cũng không thể đem lại sự phát triển thực sự và tiến bộ cho dân tộc chúng tôi. Không có dân chủ đa nguyên, nhân quyền không được bảo đảm, bởi vì muốn bảo vệ nhân quyền, phải có các thiết chế dân chủ và pháp quyền che chở. “….” Yêu sách của chúng tôi thật vô cùng đơn giản : Chúng tôi kêu gọi cho sự phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các giáo hội không được công nhận. Ðược như thế chúng tôi mới có thể đóng góp cho nhân dân thịnh vượng. Chúng tôi đòi hỏi quyền phát hành một tờ báo độc lập tại Việt Nam, làm diễn đàn thảo luận dân chủ. Chúng tôi yêu cầu trả tự do cho tất cả những ai bị giam cầm vì chính kiến hay tín ngưỡng tôn giáo. Ba biện pháp cụ thể này phải được xem như bước đầu khai mở tiến trình dân chủ hóa Việt Nam”.
Tự do, Dân chủ chưa được thực thi thì họa nước mất, dân tộc diệt vong hoặc bị đồng hóa bởi ngoại bang, hậu quả do sự ươn hèn cuả đảng Cộng sản Việt nam lại ụp tới. Nạn mãi quốc, cầu vinh từ xưa vẫn có. Gương Kiều công Tiễn, Trần ích Tắc, Lê chiêu Thống, Hồ quý Ly đã cho chúng ta thấy rõ, kẻ bán nước chỉ là thiểu số, sớm muộn cũng bị trừng trị đích đáng. Lần này Đất nước và Dân tộc chúng ta đứng trước một hiểm họa vô cùng to lớn. Trung cộng với sự tiếp tay cuả đảng Cộng sản Việt nam, đã trực tiếp xâm lấn đất nước chúng ta về mọi phương diện, từ văn hóa, chính trị, kinh tế đến chiếm đất lấn biển; độc hại hơn nữa Trung cộng đã đặt chân lên Tây nguyên, địa thế chiến lược bào vệ toàn vẹn lãnh thổ cuả đất nước chúng ta. Trong khi đó, đảng Cộng sản Việt nam, đại diện bởi một thiểu số trong bộ chính trị, đã lộ rõ bản chất bán nước, bản chất hàng thần lơ láo của những triều đại yếu hèn, nhất nhất vâng lệnh quan thầy Trung quốc; trong thì thẳng tay đàn áp nhân dân, vùi dập sĩ phu, trí thức yêu nước, ngoài thì công khai bán cả đất đai, tài nguyên do cha ông chúng ta đã đổ bao xương máu bảo vệ và tu bồi. Ngài Quảng Độ đã công khai báo động trước họa ngọai xâm của Trung quốc và công khai chỉ đích danh nhà cầm quyền đảng Cộng sản Việt nam đã bó gối quy hàng. “ Chằng nghi ngờ gì nữa, qua hai sự việc nêu trên, từ việc bảo vệ lãnh hải, lãnh thổ dân tộc cho đến bảo vệ quyền lợi kinh tế quốc gia, Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt nam đã phó mặc cho ngoại bang. Nguy cơ mất nước vào tay Trung quốc là nguy cơ cụ thể và hiện tiền “. “ Lần này không chỉ Bắc thuộc Một Nghìn Năm, mà là Ba Nghìn Năm hay lâu hơn nữa khi lãnh đạo Nước Nhà không là Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông, Lê Thái Tổ, mà là một chính quyền ly khai dân, lệ thuộc nước ngoài, từ ý thức hệ đến cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, làm đảo lộn xã hội và nhân văn Việt Nam “.
Ngài đưa ra phương pháp đấu tranh cụ thể khi mà nhân dân bị bọn nội xâm tước mọi quyền làm người. “ Người dân Việt không có các tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, cũng không có chính quyền hay quân đội để trực tiếp và mạnh mẽ phản chống nạn xâm lăng quân sự, xâm lăng tư tưởng và xâm lăng kinh tế. Vũ khí của người dân bị trị ngày nay là THÁI ĐỘ. Chúng ta cần biểu tỏ qua THÁI ĐỘ để chống hai quốc nạn Nội xâm và Ngoại xâm.
Thái độ cần biểu tỏ hôm nay để Nhà cầm quyền Bắc Kinh thấy rõ ý chí kiên cường của người dân Việt là phát động phong trào không dùng hàng Trung quốc. Không dùng hàng Trung quốc không phải là biểu tỏ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi chống nhân dân Trung quốc, chống công nhân Trung quốc. Vì nhân dân Trung quốc, công nhân Trung quốc cũng là nạn nhân của Đảng Cộng sản như nhân dân, công nhân và nông dân Việt Nam. Tẩy chay hàng Trung quốc là tẩy chay chủ nghĩa bá quyền xâm lược của Nhà cầm quyền Cộng sản Bắc Kinh. Ngoài lý do chính trị mà tẩy chay, còn lý do hàng xấu và hàng độc Trung quốc đang gây nguy hại cho cơ thể và môi sinh người tiêu dùng Việt Nam“.
Khi người dân không còn phương tiện phản kháng trong tay, phương pháp hữu hiệu nhất là tảy chay, bất hợp tác. Tẩy chay không dùng hàng Trung quốc, bất hợp tác với chính quyền CSVN trong mưu đồ bán nước, bí mật hoặc công khai ủng hộ các nhà tranh đấu cho Nhân quyền, giúp đỡ các phong trào tranh đấu của dân oan, cuả công nhân, thợ thuyền bị đàn áp, bóc lột; tranh thủ vận động quân đội, công an, công nhân viên nhà nước Cộng sản đứng về phiá nhân dân. Các Dân tộc Đông âu trước đây 20 năm đã đứng dậy, tay không tấc sắt, nhưng với ý chí sắt đá, lòng mến chuộng Tự do - Dân chủ đã lần lượt lật đổ được các chế độ độc tài, đạt được thắng lợi. Chúng ta kiên tâm tranh đấu cho Dân, cho Nước. Trời không phụ người có chí, Phật không phụ kẻ có lòng. Dân tộc và Đất nước chúng ta sẽ có ngày tươi sáng.
© www.danchimviet.com 2009
No comments:
Post a Comment