Friday, November 27, 2009

CÁC HÀNH ĐỘNG CỨNG RẮN của TRUNG QUỐC tại BIỂN ĐÔNG tác hại đến ỔN ĐỊNH TRONG KHU VỰC

Hội thảo về Biển Đông tại Việt Nam kết thúc với ghi nhận : tranh chấp sẽ kéo dài, giải pháp lại hiếm hoi
Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 27/11/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 27/11/2009 17:10 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/119/article_5847.asp
Vào hôm nay 27/11, cuộc Hội thảo về Biển Đông tại Hà Nội đã kết thúc sau hai ngày họp. Theo ghi nhận chung của các diễn giả tham gia hội thảo, tranh chấp chủ quyền trong vùng Biển Đông sẽ còn dai dẳng trong hàng chục năm sắp tới đây.
Không những thế, nhu cầu về các nguồn tài nguyên sẵn có trong khu vực sẽ tiếp tục gia tăng, khiến cho tranh chấp có nguy cơ tăng cường độ.
Theo hãng tin Đức DPA, ông Nazary Khalid, chuyên gia cao cấp thuộc Học viện Hàng hải Malaysia đã thừa nhận là các nhà nghiên cứu đã phải chấp nhận thực tế là ''có thể cho tới khi chết họ cũng chưa thể thấy một số vụ tranh chấp có giải pháp''.
Ông Khalid đã khuyến cáo các nước trong khu vực là nên chú tâm đến các điểm đồng thuận hơn là các dị biệt. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu tham gia hội thảo, các lãnh vực mà các bên có thể cùng hợp tác với nhau rất ít. Hai lãnh vực hiếm hoi mà các nước có thể đồng thuận là việc cứu nạn trên biển hay vấn đề khí tượng.

Ngoài ra, theo DPA, Việt Nam trong thời gian qua đã cố tìm cách đoàn kết các nước ASEAN thành một khối để đối phó với Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Mỹ Mark Valencia thuộc Viện nghiên cứu Nautilus thì cố gắng của Việt Nam không thể có hiệu quả vì ASEAN bị Trung Quốc chia rẽ.
Theo ông Valencia : ''Trung Quốc chỉ cần tách một thành viên ASEAN ra khỏi khối là đủ để cho Hiệp hội này không thể tiến bước với tư cách một thể thống nhất. Do đó tranh chấp Biển Đông sẽ kéo dài vô thời hạn''.
Xin nhắc lại là ASEAN vận hành theo nguyên lý đồng thuận. Do đó chỉ cần một thành viên không đồng ý, là đề nghị của Việt Nam chẳng hạn, sẽ không được thông qua.



Các hành động cứng rắn của Trung Quốc tại Biển Đông tác hại đến ổn định trong khu vực
Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 26/11/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 27/11/2009 15:19 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/119/article_5837.asp
Nhân cuộc Hội thảo quốc tế về Biển Đông trong 2 ngày 26 - 27/11 tại Hà Nội, giáo sư Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) đã trình bày tham luận mang tựa đề : ''Các diễn biến mới trên Biển Đông : những tác động đến hoà bình, ổn định và hợp tác trong khu vực''. Được sự đồng ý của tác giả, RFI giới thiệu và chuyển dịch bản báo cáo.

Ảnh bìa bài tham luận của giáo sư Carl Thayer tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội ngày 26-27/11/2009. (Ảnh : DR)
http://www.rfi.fr/actuvi/images/119/Thayer_432.jpg

Tham luận của giáo sư Thayer tập trung trên các động thái mà ông gọi là "quyết liệt" (assertiveness) của Trung Quốc tại Biển Đông trong năm 2009. Trong phần dẫn nhập, giáo sư Thayer nêu bật đà vươn lên của Trung Quốc về kinh tế, kéo theo nhu cầu cao về năng lượng, và đặc biệt là sự lớn mạnh về tiềm năng quân sự.
Sức mạnh gia tăng của Trung Quốc về quân sự đã bị nhiều nước trong khu vực, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, cho là vượt quá mức cần thiết cho nhu cầu phòng thủ. Đối tượng mà Trung Quốc nhắm tới, theo lời chính Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Trưởng Liên quân Mỹ, chính là lực lượng Hải quân Hoa Kỳ và các căn cứ Mỹ trong vùng Châu Á Thái Bình Dương.
Các động thái có thể gọi là khẳng định tư thế của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông trong năm 2009 đã được giáo sư Thayer lồng vào trong bối cảnh đó, và tham luận của ông lần lượt phát triển 5 vấn đề : căn cứ hải quân Tam Á; hành vi xách nhiễu tàu hải quân Mỹ; lệnh cấm đánh cá do Trung Quốc đơn phương ban hành tại Biển Đông; đề nghi mở rộng thềm lục địa; Chính sách của Hoa Kỳ và bốn cản lực gây ra cho Trung Quốc.

Căn cứ Hải quân Tam Á
Về căn cứ xây dựng trên đảo Hải Nam này, giáo sư Thayer đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng chiến lược của nó trong việc giúp Trung Quốc vươn ra Thái Bình Dương và vươn xuống Biển Đông. Ông viết :
'Để hiểu rõ tầm quan trọng chiến lược của việc xây dựng căn cứ hải quân Tam Á, cần phải biết cả ý đồ lẫn năng lực của Trung Quốc. Cho đến nay thì Trung Quốc không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về dụng ý của họ, nhưng về năng lực thì ta đã thấy cầu tàu và bến cảng ở căn cứ này có thể được dùng cho nhiều chiến hạm và một tàu ngầm nguyên tử. Một số công trình khác đang được thực hiện để có thể tiếp nhận những chiến hạm lớn hơn, thậm chí hàng không mẫu hạm.
Song song với căn cứ này, Trung Quốc cũng đã mở rộng một sân bay trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, củng cố cơ sở trên đảo Chữ Thập (Fiery Cross Reef) ở Trường Sa, đồng thời duy trì lực lượng hải quân ở bãi đá Vành Khan (Mischief Reef), ngoài khơi bờ biển phiá tây của Philippines.
Tóm lại Trung Quốc đang phát triển năng lực yểm trợ cho những đòi hỏi chủ quyền của họ ở Biển Đông và bảo vệ những tuyến lưu thông hàng hải mang tính chất sống còn cho Trung Quốc đi qua qua các eo biển Malacca và Singapore. Từ các căn cứ đó, Trung Quốc cũng có thể tung lực lượng của họ vào Biển Đông, giúp rút ngắn được khoảng cách hậu cần. Nhìn rộng ra, Trung Quốc cũng sẽ có thể đe doạ những tuyến hàng hải mà Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc phải lệ thuộc vào''.

Theo giáo sư Thayer, sự hiện diện của căn cứ Tam Á với các phương tiện chiến tranh hiện đại như tiềm thủy đỉnh trang bị đầu đạn hạt nhân và hoả tiễn liên lục địa sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tương quan lực lượng trong vùng...
''Việc Hải quân Trung Quốc hiện đại hoá là một thách thức và cũng là mối đe doạ tiềm tàng cho tất cả vùng Đông Nam Á và đặc biệt cho Việt Nam. Trung Quốc là một cường quốc quân sự thống trị trong vùng khi so với hải quân các quốc gia ASEAN. Trung Quốc cũng là một thách thức ngày càng lên đối với Hải quân Ấn Độ nếu nước này cứ tiếp tục mở rộng hoạt động qua phiá Tây eo biển Malacca.
Ấn Độ đã từng bày tỏ nỗi quan ngại trước khả năng Trung Quốc phát triển đội tàu ngầm nguyên tử của họ. Hải quân Úc sẽ cảm thấy là ưu thế kỹ thuật của họ sẽ không chỉ bị thách thức mà còn bị xói mòn nữa là khác. Tuy nhiên, cho dù họ đang phát triển những phương tiện thích hợp để thách thức Hoa Kỳ ở vùng Tây Thái Bình Dương, nhưng Hải quân Trung Quốc vẫn chưa sánh được với sức mạnh của Hoa Kỳ vào lúc này cũng như trong cả một thập niên tới đây''.


Trung Quốc xách nhiễu tàu hải quân Mỹ
Trong phần này, giáo sư Thayer điểm lại hai sự kiện nổi bật vào tháng Ba và vào tháng Sáu năm 2009. Sự cố thứ nhất xẩy ra vào thương tuần tháng Ba khi không quân và hải quân Trung Quốc đã hăm dọa quân hạm Mỹ Impeccable được phái đến khu vực cách đảo Hải Nam 75 dặm về phiá Nam với nhiệm vụ tìm hiểu về hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc tại căn cứ Tam Á. Tai nạn suýt xẩy ra khi tàu Trung Quốc không ngần ngại cản đường quân hạm Mỹ.
Sự cố thứ hai xẩy ra vào trung tuần tháng Sáu, khi một chiếc tiềm thuỷ đỉnh của Trung Quốc va vào một chiếc ăng ten máy sonar do chiến hạm Mỹ USS John S. McCain kéo theo. Chiếc tàu này lúc ấy thuộc số 3 chiến hạm Hoa Kỳ tham gia tập trận với hải quân sáu quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Philippines và Malaysia.

Đối với giáo sư Thayer : ''Hai sự cố trên đây đã làm khơi dậy lại những mối quan ngại trong vùng Đông Nam Á là sự đối chọi chiến lược Mỹ - Trung có thể tác hại đến sự ổn định của khu vực [...] Không thể loại bỏ những sự cố trên biển tong tương lai, khi nào mà Trung Quốc vẫn cố gạt qua một bên Công ưóc về Luật biển của Liên Hiệp Quốc với cách diễn giải đơn phương về luật quốc tế của mình.''

Lệnh đơn phương cấm đánh cá của Trung Quốc
Tháng 5/2009, Trung Quốc thông báo lệnh cấm đánh cá trong vòng 3 tháng ở Biển Đông (khu vực phiá trên vĩ tuyến 12) từ ngày 16/05 cho đến 01/08, để bảo vệ nguồn cá, chống đánh cá trái phép và bảo vệ ngư phủ Trung Quốc. Thời điểm đó lại là mùa cao điểm của ngư dân Việt Nam. 8 chiếc tàu hiện đại của Cơ quan Ngư nghiệp Trung Quốc đươc phái xuống Biển Đông để củng cố việc thực thi lệnh cấm này.
Việt Nam đã gởi công hàm phản đối. Báo chí, truyền thông Việt Nam tường thuật là tàu Trung Quốc đã chặn tàu đánh cá, lên tàu, tịch thu cá đánh bắt được và xua đuổI những tàu khác của Việt Nam ra khỏi vùng biển bị cấm. Có trường hợp tàu đánh cá Trung Quốc đâm thủng và đánh chìm một tàu Việt Nam. Ngày 16 /06, Trung Quốc đã chận bắt 3 tàu Việt Nam, vớI 37 thủy thủ ở vùng biển gần Hoàng Sa. Sau khi trả tự do cho 2 chiếc tàu và thủy thủ đoàn, Trung Quốc giử lại chiếc thứ 3 cùng 12 thuyền viên, đòi tiền phạt 31.700 đôla.
Hành động Trung Quốc đã khiến chính quyền điạ phương Quảng Ngãi, nơi xuất xứ của ngư phủ bị bắt, bất bình, và họ tuyên bố không chấp nhận trả phạt. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gởi văn kiện phản đối đến Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, yêu cầu trả tự do cho ngư dân bị bắt giữ...
Trong bối cảnh đó, một bài viết của bộ Thương mại Trung Quốc chỉ trích đòi hỏi của Việt Nam đã xuất hiện trên một website chung của 2 bộ Thương mại Trung Quốc và Việt Nam. Điều này đã khiến Việt Nam tạm thờI đóng Website này.
Trong tháng 8, khi hai chiếc tàu đánh cá Việt Nam vớI 25 ngư phủ, đã tìm nơi trú ẩn ở vùng Hoàng Sa để tránh bão, đã bị Trung Quốc bắt giữ. Việt Nam không những đòi phả trả tự do cho tàu của mình mà còn tăng sức ép, đe doạ hủy bỏ một cuộc họp đã đươc dự kiến để thảo luận về các vấn đề trên biển. Trung Quốc trả tự do cho ngư phủ Việt Nam và cuộc họp được tiến hành ở cấp thứ trưởng từ ngày 12 đến 14/08/2009 ở Hà Nội.

Mở rộng thềm lục điạ
Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Ranh giới Thềm Lục điạ (UNCLCS) đưa ra thờI hạn ngày 13/05/2009, là hạn chót để các quốc gia gởi đề nghị về việc nớI rộng thềm lục điạ của mình vượt ra ngoài mức 200 hải lý quy định trong luật về Biển của Liên Hiệp Quốc. Ngày 06/05, Malaysia và Việt Nam đã đưa một đề nghị chung và cũng cùng ngày Việt Nam đưa một đề nghị riêng rẽ khác.
Trung Quốc đã lập tức phản đối, nhưng không đưa một đề nghị chính thức. Theo quy định của UNCLCS thì không thể xem xét những đề nghị bị nước khác phản đối. Việt Nam đã phản ứng bằng cách đưa ngay bằng cách đệ trình lên phần phản đối riêng của mình.
Để bảo vệ cho các đòi hỏi của mình, Trung Quốc đã trưng ra một bản đồ vớI '9 đường kẻ hay đường gián đoạn kèm theo lời phản đối của họ, 9 đường này tạo thành một vùng chữ U, bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công bố cụ thể đòi hỏi của mình.
Chưa bao giờ một tấm bản đồ như vậy đươc trưng ra và đính kèm theo 3 thông cáo quan trọng và một đạo luật mà Trung Quốc thường sử dụng để hỗ trợ cho đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc về biển : Tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc (tháng 09/1958), Tuyên bố của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa về Lãnh hải và Vùng Lân cận (1992), Tuyên bố của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa về Đường cơ sở Lãnh hải (1996) và Luật của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa về Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục điạ (1998).
Hoa Kỳ đã dứt khoát bác bỏ các cơ sở đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều trần trước tiểu ban Đông Á và Thái Binh Dương của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ, Scot Marciel đã bác bỏ những đòi hỏi về lãnh hải và vùng biển không có xuất phát điểm từ một vùng đất nào đó. Ông khẳng định : ''Những đòi hỏi như thế không phù hợp vớI luật quốc tế.''

Bản đồ tranh chấp lãnh hải tại biển Đông. Nguồn: eia.doe.gov
http://www.rfi.fr/actuvi/images/116/Ownership_Claims_Middlebury_432bis.jpg

Chính sách của Hoa Kỳ và 4 cản lực đối với Trung Quốc
Về chính sách của Hoa Kỳ thời tổng thống Obama, giáo sư Thayer đặc biệt nhắc lại cuộc điều trần tại Thượng Viện Hoa Kỳ vào tháng 07/2009 trong đó Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Scot Marciel đã nhấn mạnh đến quyền lợi thiết yếu của Hoa Kỳ trong việc duy trì ổn định và quyền tự do lưu thông, quyền hoạt động thương mại hợp pháp trên các tuyến đường thủy của vùng Đông Á. Một cách cụ thể hơn, ông Marciel còn điểm lại các hành động hù dọa của Trung Quốc nhắm vào các công ty dầu khí Mỹ làm việc với đối tác Việt Nam : ''Chúng tôi phản đối mọi mưu toan dọa nạt công ty Mỹ".
Về phần bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng thế, giáo sư Thayer nhắc lại việc Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Robert Scher nhấn mạnh đến chiến lược duy trì ưu thế quân sự của Mỹ trong vùng, khẳng định quyền tự do đi lại của chiến hạm Mỹ, củng cố quan hệ an ninh với các đối tác khu vực, và tăng cường các cơ chế đối thoại ngoại giao-quân sự với Trung Quốc để ngăn ngừa sự cố.

Nhìn chung, theo giáo sư Thayer, chính quyền Obama đã cố gắng nâng cấp quan hệ với Trung Quốc, thế nhưng về phiá Bắc Kinh, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu đã nhấn mạnh đến 4 cản lực ngăn chặn việc cải thiện quan hệ song phương :
''Trở ngại trước tiên và quan trọng nhất là quan hệ quân sự Hoa Kỳ - Đài Loan... Kế đến là phải chấm dứt việc cho phi cơ và tàu quân sự Mỹ xâm nhập vào vùng Đặc quyền Kinh tế trên Biển của Trung Quốc... Thứ ba là còn một số luật lệ tại Mỹ hạn chế việc phát triển quan hệ quân sự Mỹ - Trung... Một trở ngại khác là Hoa Kỳ còn thiếu tin tưởng Trung Quốc về mặt chiến lược".

Kết luận
Trong thờI gian 2007-09, tranh chấp Biển Đông từ hậu trường đã vươn lên mực trung trong các chủ đề an ninh Châu Á, cho dù Bản Tuyên bố năm 2002 về các Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (DOC), đã kêu gọi các bên "tự kềm chế trong việc tiến hành những hoạt động có thể khiến tranh chấp phức tạp thêm hoặc leo thang". Các sự cố trên biển gần đây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nêu lên khả năng Biển Đông một lần nữa có thể trở thành điểm nóng hàng đầu nếu không xử lý tốt.
Có nhiều cách giải thích về thái độ quyết đoán (assertiveness) của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông.
Trước tiên có lẽ Bắc Kinh muốn gây sức ép để Hà NộI chấp thuận một thỏa thuận thăm dò và khai thác chung đối với các mỏ dầu khí nằm ngoài khơi Việt Nam, tương tự như thoả thuận tháng 06/2008, giữa Nhật Bản và Trung Quốc, cùng khai thác mỏ khí đốt Xuân Hiểu trong vùng mà hai bên tranh chấp ở Biển Hoa Đông.
Nếu ý định của Trung Quốc là như thế thì có lẽ họ sẽ không thành công, vì các mỏ dầu khí nói trên nằm ở phiá trong hoặc ở sát đường ranh Vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Hơn nữa tinh thần dân tộc có thể khiến Hà NộI chống lại nỗ lực của Trung Quốc muốn ép Việt Nam chấp nhận những thỏa thuận như thế.
Trong chiến thuật nhằm đạt tới mục tiêu trên, Bắc Kinh đã gia tăng sức ép lên các tập đoàn nước ngoài để họ không ký kết thoả thuận năng lượng vớI Việt Nam. Bắc Kinh ngầm đe doạ là những tập đoàn nào hợp tác với Việt Nam sẽ bị loại ra khỏi những dự án về năng lượng trong tương lai ở Trung Quốc. Nhưng chiến thuật này cũng vô hiệu, vì cả BP lẫn ExxonMobil đều cho biết ý định tiếp tục những cuộc thương lượng hiện hành và Hoa Kỳ đã nói rõ ràng là sẽ chống lại sự hù dọa như thế.
Giải thích thứ hai, Trung Quốc có lẽ muốn cho Việt Nam thấy là họ không tán đồng mối quan hệ sâu sắc hơn trên vấn đề an ninh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hoá bang giao vào năm 1995, Hà NộI luôn tìm cách đo lường một cách thận trọng quan hệ quân sự của mình vớI Hoa Kỳ sao cho Bắc Kinh khỏi phật lòng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tốc độ cải thiện quan hệ quân sự và an ninh Mỹ Việt đã nhanh hơn rõ rệt. Vào tháng 06/2008, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công du Hoa Kỳ nơi ông đã hội đàm với Tổng thống George W. Bush và trở thành thủ tướng Việt Nam đầu tiên từ năm 1975 đã ghé thăm Lầu Năm Góc.
Trong một bản Thông cáo chung sau cuộc gặp Bush-Dũng, cả hai bên đồng ý duy trì các cuộc đối thoại cấp cao về an ninh và chiến lược. Hơn thế nửa, Tổng thống Bush cũng ghi nhận là Hoa Kỳ ủng hộ ''chủ quyền quốc gia, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam". Tuyên bố chưa từng thấy này của ông Bush có nhiều cách lý giải vì không nêu rõ ràng vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên lới nói đó đã củng cố tuyên bố trước đó vào năm 2008 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert gates tại Singapore : Trong các chuyến đi của tôi qua châu Á, tôi thường nghe phàn nàn về tác động của nhu cầu tài nguyên gia tăng đối với vấn đề an ninh, và về kiểu ngoại giao mang tính chất thúc ép, cũng như những áp lực khác có thể dẫn tới tình trạng phức tạp gây nên đổ vỡ... Tất cả chúng ta ở Châu Á phải bảo đảm sao cho các hành động của chúng ta không bị xem như là những thủ thuật gây sức ép, kể cả khi chúng tồn tại song song với những biểu hiện hợp tác được thấy rõ''.
Quan điểm của Hoa Kỳ là không công nhận yêu sách chủ quyền của bất kỳ bên nào tại vùng Biển Đông; thế nhưng, nếu nhận định của các ông Bush, Gates và Marciel được kết lại với nhau, thì điều đó cho thấy là Washington cảnh cáo Bắc Kinh là không nên bắt bí các công ty dấu khí Mỹ, buộc họ không hợp tác với Việt Nam.
Một nguyên nhân thứ ba khiến Bắc Kinh thay đổi thái độ, trở nên quyết liệt hơn tại vùng Biển Đông, đó là vì họ ngày càng thèm khát các trữ lượng dầu khí ngoài khơi, vì các tuyến lưu thông hàng hải ở vùng Đông Nam Á càng lúc càng quan trọng đối với Trung Quốc, và vì các tham vọng Đại Cường. Trung Quốc không chỉ xúc tiến một chương trình quy mô nhằm hiện đại hoá lực lượng hải quân của họ, mà còn xây đụng một căn cứ hải quân trọng yếu trên đảo Hải Nam, để từ đó yểm trợ cho các đòi hỏi chủ quyền trên biển và tung lực lượng xuống Biển Đông.

Đề xuất hợp tác
Sau phần phân tích, giáo sư Thayer đã gợi lên một số hướng hợp tác nhằm bảo đảm an ninh ổn định cho khu vực.
- Mọi quốc gia trong vùng đếu có lợi khi Trung Quốc vươn lên và quan hệ Mỹ Trung được xử lý một cách hoà bình. Các nước cùng với các định chế an ninh đa phương khu vực phải tác động lên hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc để họ giải quyết bất đồng thông qua đàm phán và các biện pháp xây dựng niềm tin. Hai cường quốc này cần phải duy trì các cuộc gặp gỡ cấp cao thường kỳ giữa quân đội hai bên, và đề ra được một thỏa thuận hữu hiệu nhằm dự phòng các sự cố trên biển.
- Khởi động cơ chế Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc phòng ASEAN Cộng (ADMM Plus) để giúp Diễn Đàn An ninh khu vực Asean ARF hoạt động hữu hiệu hơn, đặc biệt trong lãnh vực minh bạch hoá vấn đề quân sự, qua đó giải quyết được các mối quan ngại về các chương trình cải tổ và hiện đại hoá quân đội của Trung Quốc.
- Trung Quốc và các nước hạt nhân khác nên ký kết Hiệp định Khu vực Đông Nam Á Không Vũ khí Hạt nhân của Asean. Trung Quốc từng ngỏ ý muốn tham gia Hiệp định này từ lâu, nhưng sự hiện diện của tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc tại Tam Á đòi hỏi làm sáng tỏ phạm vi địa dư của Đông Nam Á.
- Trong khuôn khổ Bản Tuyên bố về Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông, nều Trung Quốc lo ngại về nguồn cá tại Biển Đông, họ cấn phải lôi kéo các nước tranh chấp khác (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) vào những công trình nghiên cứu khoa học chung về quản lý nghề cá. Trung Quốc nên tránh việc đơn phương ra lệnh cấm đánh cá rồi dùng võ lực buộc các nước khác tuân thủ [...]. Vào năm 2009, khi Trung Quốc đánh đuổi táu đánh cá Việt Nam ra khỏi khu vực, thì Đài Loan lại than phiền là ngư dân Trung Quốc lấn vào vùng biển của họ. Nếu có một cơ sở khoa học cho việc tạm ngưng đánh cá một thời gian, thì điều đó phải được áp dụng cho mọi quốc gia.
- ASEAN cần phải hậu thuẫn cho các nước ven biển Đông để kéo Trung Quốc vào một vòng đàm phán ngoại giao mới để nâng Bản Tuyên bố về Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông thành một Bộ Quy tắc Ứng xử thực thụ.

Sau cùng, giáo sư Thayer còn đề nghị các nước làm rõ những điểm còn mơ hồ hay gây tranh cãi trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, cũng như xem xét các đề nghị của Úc hay Nhật Bản về việc liên kết với nhau trong một cơ cấu Châu Á Thái Bình Dưong hay Đông Á rộng lớn.



No comments: