Monday, November 30, 2009

DƯ LUẬN ĐỒNG TÌNH ?

Dư luận đồng tình ?
Trần Khải
Đăng ngày 30/11/2009 lúc 02:10:58 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4376
Có một khái niệm thường được các xã hội dân chủ đề cao: đó là chuyện “dư luận đồng tình”. Có nghĩa là, đa số lòng dân muốn thế nào, thì đất nước sẽ được định hướng như thế. Nghĩa là, không phảỉ để cho một thiểu số cưỡng bức ý nguyện của đa số. Đó là lý do căn bản để có những cuộc trưng cầu dân ý và bầu cử, nơi đó người dân sẽ qua lá phiếu cho biết một cách đúc kết thế nào là dư luận đồng tình. Đó cũng là nền tảng rất dân tộc của Hội Nghị Diên Hồng năm xưa.
Từ lâu rồi, người ta không nghe nói tới chuyện dư luận đồng tình nữa, xem như đó là chuyện của thời nhà Trần. Bất ngờ, mới mấy ngày qua, một quan chức Hà Nội đã thốt lên cụm từ “dư luận đồng tình” trong khi “bức xúc”. Thế mới biết, dù đã trải qua bao nhiêu thập niên sinh ra, học tập và trưởng thành trong chế độ xã hội chủ nghĩa, người ta vẫn mơ hồ le lói một ước mơ về một ngày “dư luận đồng tình”, điều rất hiếm nghe tới bên cạnh những cụm từ của bạo lực cách mạng và chuyên chính vô sản. Tuy nhiên, khi thảng thốt nói lên kháí niệm dư luận đồng tình, quan chức này không nói về các chuyện như trưng cầu dân ý hay bầu cử dân chủ.
Quan chức đó là Uông Chu Lưu, hiện giữ chức Phó Chủ Tịch Quốc Hội CSVN. Ông nói về một bản án mà ông cho là cần xem xét lại.

Bản tin trên báo mạng VnExpress hôm Thứ Tư 25-11-2009 viết:
“...'Vụ án bà Sương cần được xem xét ở cấp cao hơn'
"Sau phiên xử phúc thẩm mà dư luận vẫn phản ứng, chứng tỏ vụ án này phải được xem xét ở cấp cao hơn nữa", Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá về vụ án lập quỹ đen tại Nông trường Sông Hậu liên quan đến Người phụ nữ Ấn tượng châu Á 2002 Trần Ngọc Sương.
Sáng 25/11, trao đổi với báo chí tại kỳ họp Quốc hội, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, một bản án được dư luận xã hội đồng tình mới là nghiêm minh, đúng pháp luật, đúng người đúng tội. Còn sau khi được tuyên mà dư luận không đồng tình thì phải xem lại. Ông Lưu cho biết, ông rất quan tâm theo dõi vụ án xảy ra tại Nông trường Sông Hậu. Với kinh nghiệm nhiều năm đứng đầu Bộ Tư pháp, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng về nguyên tắc trước khi kết án bà Sương 8 năm tù tội lập quỹ đen, toà án đã phải cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ như nhân thân, thành tích trong công tác.
Nhưng "vấn đề là yếu tố định tội như thế nào, cái này phải xét lại hồ sơ", Phó chủ tịch nêu quan điểm...”.


Ở đây chúng ta không bàn về chuyện cụ thể bà Sương vô tội hay có tội, cũng không bàn chuyện toà này có bị áp lực Thành Uỷ Cần Thơ để kết tội bà Sương hay không, cũng không bàn chuyện có phải các quan cấu kết đưa bà Sương đi tù để sẽ chiếm đất Nông Trường Sông Hậu nhằm bán cho tư bản quốc tế thầu làm các khu đô thị mới với siêu lợi nhuận... Điều chúng ta muốn bàn là chuyện ông Uông Chu Lưu đánh giá cao về khái niệm dư luận đồng tình, và đòi hỏi cần có dư luận này. Nghĩa là cần “hợp lòng dân”.
Chúng ta cũng không muốn bàn chuyện toà án có cần dư luận đồng tình hay không. Bởi vì nếu là toà án độc lập như ở Hoa Kỳ và Tây Phương, thì chỉ cần phù hợp luật pháp, mà không cần dư luận đồng tình, bởi vì luật pháp là bản văn đã được dư luận đồng tình từ lâu rồi, và không thể vì xúc động nhất thời mà bóp méo. Thêm nữa, trường hợp toà án tại VN thì không hề có tính độc lập, vậy thì cần đồng tình là từ “dư luận nào”? Có phải là dư luận của Bộ Chính Trị, hay dư luận của Thành Uỷ Cần Thơ, hay dư luận của “lề phải”, hay dư luận của “lề trái”, hay dư luận của một cuộc trưng cầu dân ý cần thực hiện? Ông Uông Chu Lưu không nói cụ thể.

Ông Uông Chu Lưu không phải là dân lớp ba trường làng. Thực ra, ông có bằng cấp cao tột, mà lại có kiến thức và thẩm quyền lớn về ngành tư pháp trong nước. Theo tự điển bách khoa Wikipedia, ông được kể như sau:
“Uông Chu Lưu (20 tháng 7 năm 1955 - ?) là Tiến sĩ luật học, phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khóa XII, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX, X.
Quê quán: xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, dân tộc: Kinh
Ngày vào Đảng: 03 tháng 12 năm 1983. Ngày chính thức: 03 tháng 12 năm 1984
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XII ngày 23-7-2007, ông trúng cử Phó chủ tịch Quốc hội với tỷ lệ gần 94%...”.


Chỉ đọc sơ như thế, cũng thấy rằng tỉ lệ phiếu 94% là cao tột trong lĩnh vực “dư luận đồng tình”. Còn 6% phiếu không đồng tình hẳn là dân lề trái Sài Gòn.
Nơi đây, nhân lúc ông Uông Chu Lưu đề cao khái niệm “dư luận đồng tình”, thiết tưởng cũng nên mời ông bước xuống phố để tìm nghe dư luận từ hai người từng là cán bộ, từng tham dự cuộc chiến năm xưa, từng một thời yêu Đảng CS tha thiết, và rồi một thời rời bỏ Đảng. Tất nhiên, chúng ta không mong đợi nhà nước CSVN sẽ mở ra những cuộc trưng cầu dân ý hay là bầu cử trung thực để tìm biết là “dư luận có đồng tình” với chế độ hay không, mà chỉ muốn trình bày với nhà luật học Uông Chu Lưu, một người bày tỏ thiết tha với khái niệm “dư luận đồng tình”, về một số dư luận không được nhà nước đếm xỉa tới bao giờ.

Trước tiên là xin mời ông Uông Chu Lưu đọc vài câu thơ của Trần Vàng Sao, người được Lý Đợi giới thiệu qua bài “NXB Giấy Vụn xuất bản thơ Trần Vàng Sao” trên mạng Talawas hôm 26-11-2009:
“Nhà thơ Trần Vàng Sao tên thật Nguyễn Đính, sinh năm Tân Tỵ 1941, quê quán làng Đông Xuyên, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế, sinh sống từ thuở ấu thời đến nay tại phường Vỹ Dạ, thành phố Huế. Năm 1962, ông đậu tú tài ở Huế và dạy học ở Truồi. Thời gian này ông bắt đầu tham gia phong trào chống Mỹ ở Huế. Năm 1965 ông thoát ly lên rừng chiến đấu. Năm 1970 ông bị thương, được đưa ra miền Bắc chữa bệnh an dưỡng...”.

Về sau, nhà thơ Trần Vàng Sao bị Đảng CSVN vuì dập. Xin mời nghe “dư luận” sau từ nhà thơ họ Trần, qua bài “bài thơ của một người yêu nước mình”:
“...tôi yêu đất nước này cay đắng
những năm dài thắp đuốc đi đêm
quen thân rồi không ai còn nhớ tên
dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
áo mồ hôi những buổi chợ về
đời cúi thấp giành từng lon gạo mốc
từng cọng rau hột muối”.

Đó là dư luận về “thắp đuốc đi đêm, dĩ vãng đè lưng, cúi thấp giành từng lon gạo mốc...”

Ông Uông Chu Lưu hẳn nhiên là không chia sẻ được dư luận này, vì nhà thơ Trần Vàng Sao chỉ nói lên được có 94% dư luận, trong khi ông Lưu thuộc về giới thượng lưu 6% cao tột.
Nhưng chuyện của nhà thơ Trần Vàng Sao lại là chuyện xưa cả nhiều thập niên. Bây giờ xin mời ông Lưu nghe dư luận của một người vừa lên tiếng mấy ngày qua.

Đó là trường hợp nhà văn Phạm Đình Trọng
“Thông báo về việc từ bỏ đảng tịch đảng viên Đảng Cộng sản”. Bản văn này đề ngày 20-11-2009, gửi cho “Chi Uỷ và Chi Bộ 4, Đảng Uỷ Phường 15, quận Tân Bình, TPHCM” và mới đăng trên mạng trong đó có đoạn:
“...Tôi là Phạm Đình Trọng, nhà văn, là đảng viên Cộng sản lớp Hồ Chí Minh từ 19.5.1970. Đến nay, 20.11.2009, tôi tự thấy đảng Cộng sản không còn phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ và giá trị nhân văn mà tôi theo đuổi nên tôi tự rút ra khỏi đảng. Thiếu vài tháng nữa, tôi tròn 40 năm là người Cộng sản.(...)
...tôi đã lên tiếng thẳng thắn chỉ ra sự mua quan bán chức của ông Thứ trưởng kiêm Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam Tào Hữu Phùng và ông Phó tổng biên tập Đào Ngọc Hùng đã đưa một người bị đào thải ở nơi khác và không viết nổi một mẩu tin lên trưởng chi nhánh phía Nam Thời báo Tài chính Việt Nam dẫn đến những đổ vỡ, bê bối lớn và làm tê liệt chi nhánh phía nam đến tận hôm nay. Đầu tư lớn để có chức thì phải triệt để dùng chức nhanh chóng thu lại vốn đầu tư. Trong lúc nhiều tờ báo cảnh báo việc hủy diệt môi trường của công ty Vedan thì ông trưởng chi nhánh Thời báo Tài chính không viết nổi một mẩu tin đã cùng một cộng tác viên đến Vedan viết bài đăng Thời báo Tài chính Việt Nam tấm tắc ngợi ca môi trường Vedan trong lành.(...)
...Nỗi đau li tán còn khoét sâu trong lòng dân tộc lại lộ ra mỗi khi lãnh đạo nước ta đến Mĩ đều có những đoàn người của cộng đồng người Việt ở Mĩ rầm rộ biểu tình chống đối. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phải đi cổng sau vào Nhà Trắng gặp Tổng thống Mĩ vì cổng trước bị đoàn người biểu tình phong tỏa! Đau quá! Người đứng đầu nhà nước đã đánh thắng Mĩ phải đi cổng sau Phủ Tổng thống vào gặp người đứng đầu nước chủ nhà thua trận! Nỗi đau li tán dân tộc dẫn đến nỗi đau quốc thể! Đặt giai cấp lên trên dân tộc nên đến nay đất nước thống nhất đã hơn 30 năm mà vẫn chưa thể hoà giải, hoà hợp dân tộc! (...)
... Nhìn thấy cuộc chiến tranh chống Mĩ của ta rất có lợi cho Trung Quốc. Cuộc chiến tranh ấy vừa làm cho Mĩ sa lầy, yếu đi, để Trung Quốc vượt lên, vừa làm cho Việt Nam kiệt quệ càng phải phụ thuộc vào Trung Quốc, Trung Quốc liền trù tính thiết kế cuộc chiến tranh ấy theo công thức: Đánh Mĩ = Máu người Việt Nam + Vũ khí, trang bị Trung Quốc. (...)
...Trung Quốc sát nhập quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào phủ huyện Tam Sa của họ. Học sinh, sinh viên Hà Nội liền mang cờ Tổ quốc, mang băng chữ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam tập hợp đông đảo nhưng ôn hoà và trật tự trước sứ quán Trung Quốc. Ngày 9. 1. 2008 có mặt ở Hà Nội, tôi đã được chứng kiến cuộc tập hợp của lòng yêu nước đó. Tôi đã được nghe tiếng hô Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đó là tiếng nói của lịch sử dựng nước Việt Nam, tiếng nói của những người Việt Nam ở những thế kỉ xa xưa đã dong buồm cánh dơi ra nhận đất Hoàng Sa, Trường Sa, tiếng nói của Lê Quý Đôn, nhà bác học Việt Nam từ thế kỉ 18 đã vẽ chuỗi đảo cát vàng Hoàng Sa, Trường Sa trong bản đồ Việt Nam, tiếng nói của đội binh Hoàng Sa được triều đình nhà Nguyễn phái ra giữ đất Hoàng Sa, tiếng nói của những người lính Việt Nam đã bỏ mình ngoài biển Đông trong cuộc chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là tiếng nói của ý chí mọi thế hệ người Việt Nam khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ với mảnh đất đã thấm đẫm máu xương tổ tiên người Việt, là tiếng nói vô cùng cần thiết trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Nhưng một lực lượng công an hùng hậu được huy động đến quyết liệt và nhanh chóng giải tán cuộc tập hợp của lòng yêu nước, bắt đi những người nồng nhiệt bộc lộ lòng yêu nước. Nhìn sắc áo xanh, áo vàng công an giăng kín che chở sứ quán Trung Quốc và sát khí đằng đằng xua đuổi, giằng kéo bắt bớ thanh niên ta, giật xé băng chữ Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam, trong lòng tôi nghẹn một nỗi đau xót, tủi nhục! (...)
...Báo Du Lịch đăng bài tri ân chiến sĩ quân đội ta đã chiến đấu hi sinh để bảo vệ Trường Sa thì báo bị đình bản! Blogger viết blog bày tỏ sự bất bình trước việc dân ta đánh cá trên vùng biển của ta bị lính Trung Quốc bắt giữ, đánh đập, cướp bóc, thì Blogger bị bắt! Còn báo Điện tử đảng Cộng sản Việt Nam sốt sắng tiếp sóng tuyên truyền cho Trung Quốc khẳng định Hoàng Sa là của Trung Quốc thì báo bình thản vô can! (...)
...sự phân tích thấu đáo của các nhà khoa học chỉ ra sự thua thiệt về kinh tế, mối nguy cơ về môi trường, về văn hóa, nỗi bất an về thế chiến lược quốc phòng của dự án bô xít Tây Nguyên đã cho thấy chủ trương lớn này của đảng không vì dân tộc Việt Nam! Cũng không vì dân tộc Việt Nam những đoàn người Trung Quốc lũ lượt đến Tây Nguyên, đào bới bô xít, đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hoà làm cảng biển, những người Trung Quốc sục sạo khắp rừng sâu núi thẳm với danh nghĩa thăm dò khai thác khoáng sản nhưng thực chất họ làm gì chúng ta không biết! Càng không vì dân tộc Việt Nam những đoàn ô tô tải sức chở trên 20 tấn đêm đêm ầm ầm chở khoáng sản hiếm, tài nguyên quí của nước ta kìn kìn chạy sang phương Bắc!(...)
...Tất cả những điều tôi trình bày ở trên bộc lộ sự thất vọng của tôi về đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Vì thế tôi xin từ bỏ đảng tịch đảng viên Cộng sản”.

Xin mời ông Uông Chu Lưu hãy tìm nghe dư luận đồng tình.

Hãy lắng nghe. Xin mờì lắng nghe. Không chỉ dư luận từ một cá nhân bà Sương bị ép án oan, không chỉ dư luận từ một nhà thơ Trần Vàng Sao bị đày đoạ, không chỉ dư luận từ một nhà văn Phạm Đình Trọng từ bỏ đảng tịch, không chỉ dư luận từ một báo Du Lịch bị đình bản vì nói về Biển Đông, không chỉ dư luận từ các sinh viên biểu tình ở Hà Nội vì Hoàng Sa...

Mà còn vì dư luận từ các chiến sĩ đã tử trận để giữ đảo, giữ biển. Hãy lắng nghe, xin mời lắng nghe. Khi cả một dân tộc không được phép lên tiếng.

Trần Khải
© Thông Luận 2009




No comments: