Tranh chấp giữa Việt Nam, ASEAN và Trung Quốc tại Biển Đông cần được quốc tế hóa vì không còn giới hạn trong khu vực
Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 27/11/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 27/11/2009 17:19 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/119/article_5840.asp
Cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội kết thúc ngày 27/11/2009 với một nhận định chung : tranh chấp chủ quyền trong vùng biển này không còn giới hạn giữa Trung Quốc, Đài Loan và 4 nước ASEAN, mà càng lúc càng mang quy mô quốc tế. Trong tình hình đó, vấn đề đưa vấn đề này ra trước các diễn đàn quốc tế đang được đặt ra.
Tính chất quốc tế của tranh chấp Biển Đông đã được rất nhiều chuyên gia nêu bật tại cuộc Hội thảo Hà Nội, đặc biệt sau những hành động cứng rắn của Trung Quốc trong thời gian gần đây nhằm áp đặt chủ quyền đang bị tranh cãi của họ. Nhiều chuyên gia đã nêu bật một số diễn biến tại Biển Đông trong năm 2009 để nhấn mạnh đến tính chất quốc tế của hồ sơ này.
Trung Quốc đe dọa quốc tế qua việc áp đặt chủ quyền ở Biển Đông
Nổi cộm nhất việc Bắc Kinh công bố bản đồ chủ quyền hình chữ U của họ, được nhắc đến từ lâu, nhưng lần đầu tiên được trình ra Liên Hiệp Quốc vào tháng 5/2009. Căn cứ vào tấm bản đồ này, hầu như toàn bộ Biển Đông thuộc về chủ quyền của Trung Quốc. Vấn đề là không chỉ đòi hỏi chủ quyền trên giấy tờ, Trung Quốc ngày càng sử dụng đến những biện pháp có thể gọi là ''cưỡng chế'' đối với các nước khác để buộc họ phải tôn trọng chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực.
Việt Nam là nạn nhân cụ thể của các hành động này, với việc ngư dân, tấu thuyền đánh cá bị bắt giữ, khi hoạt động trong những vùng bị Trung Quốc xem là của họ. Không những thế, nhiều đối tác ngoại quốc trong lãnh vực dầu khí của Việt Nam đã liên tục bị sức ép của Trung Quốc, buộc họ phải đình chỉ công việc làm ăn với Việt Nam tại những vùng biển mà Bắc Kinh tự nhận chủ quyền. Tranh chấp Việt Nam Trung Quốc như vậy đã mang thêm kích thước quốc tế do việc các đối tác này lại là các tập đoàn đa quốc gia Anh, Mỹ, như BP, Exxon... Vấn đề hù dọa nói trên đã khiến cho những nước như Hoa Kỳ chẳng hạn phải lên tiếng.
Tại Hà Nội, Gìáo sư Anh Geoffroy Till xác định rằng tranh chấp Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp nhất là khi ngày càng dính líu đến các tác nhân phi nhà nước như các tập đoàn đa quốc gia, các ngư dân..
Một sự kiện khác còn nêu rõ hơn quy mô quốc tế của tranh chấp Biển Đông. Đó là việc Trung Quốc, căn cứ vào các đòi hỏi chủ quyền của họ, đã gây khó dễ cho việc tự do lưu thông trong khu vực. Biểu hiện cụ thể nhất là sự kiện Trung Quốc xách nhiễu tàu của Hải quân Hoa Kỳ với lý do là các quân hạm này xâm nhập ''trái phép'' vào vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc. Yêu sách của Bắc Kinh lẽ dĩ nhiên đã bị Washington bác bỏ.
Giới phân tích cho rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục đơn phương hành xử quyền làm chủ trên khu vực Biển Đông mà họ tuyên bố chủ quyền, điều đó tức khắc gây cản trở cho quyền tự do lưu thông, đặc biệt tại những khu vực trước đây thuộc hải phận quốc tế.
Quốc tế hoá vấn đề Biển Đông để không bị Trung Quốc lấn lướt
Nhân cuộc hội thảo Hà Nội, Giáo sư Nhật Bản Kazunime Akimoto thẩm định rằng tất cả các quốc gia Đông Á đều liên quan đến Biển Đông. Nếu khu vực này bị một quốc gia nào đó độc chiếm (hàm ý nhắc đến Trung Quốc), tác hại không chỉ xẩy ra cho khu vực mà cả cho an ninh toàn thế giới.
Do tranh chấp Biển Đông đã trở thành một vấn đề quốc tế, công việc tìm giải pháp, theo nhiều nhà quan sát, nên được quốc tế hoá. Đây là một hướng mà Việt Nam hay các nước Đông Nam Á cần phải xúc tiến để tránh tình trạng bị nước lớn Trung Quốc lấn lướt như trong thời gian gần đây.
Quốc tế hoá không chỉ là đưa vấn đề ra các cuộc đàm phán đa phương, các định chế quốc tế, mà còn là đánh động dư luận thế giới thông qua các Hội nghị hay diễn đàn thảo luận mà cuộc Hội thảo quốc tế trong hai ngày 26-27/11 ở Hà Nội là một thí dụ.
Đây cũng là ý kiến của ông Vũ Quang Việt, nguyên chuyên gia thống kê Liên Hiệp Quốc, từng theo dõi sát sao hồ sơ tranh chấp Biển Đông. Vừa tham gia một cuộc hội thảo do Đại Học Yale Hoa Kỳ tổ chức hôm 18/11 về ''Biển Đông trong bối cảnh Việt Nam'', ông Việt đã hoan nghênh sáng kiến của Việt Nam khi tổ chức sự kiện này.
Chuyên gia Vũ Quang Việt tại Hoa Kỳ
27/11/2009
NGHE : http://www.rfi.fr/actuvi/articles/119/article_5840.asp
''Vấn đề tranh chấp này không chỉ là giữa Việt Nam và Trung Quốc hay với một vài nước khác như Philippines, Malaysia, mà đây là một tranh chấp mang tính quốc tế, do Trung Quốc gây ra để đòi hỏi quyền biến Biển Đông thành một khu vực của họ. Tranh chấp như vậy mang tính quốc tế, và ngày càng trở nên nguy hiểm hơn nếu ta không biến nó thành một vấn đề quốc tế.
Do đó, mới đây chúng tôi đã làm việc với các giáo sư và những người trong đại học Yale, và trong tương lai sẽ còn làm việc nhiều hơn để làm sao đẩy mạnh việc nghiên cứu cũng như trao đổi ý kiến, nhằm tạo áp lực trên thế giới, giúp quốc tế hiểu rõ vấn đề hơn, đồng thời tác động đến bản thân các chính trị gia nước Mỹ để họ có những hành động nhằm bảo vệ hoà bình cho khu vực Biển Đông
Tôi biết có một cuộc họp về Biển Đông ở Việt Nam do chính Việt Nam tổ chức. Cuộc họp đã mời cả các chuyên gia của Trung Quốc thì đấy là một điểm tốt, vì nó là một cái quá trình biến cuộc tranh chấp này thành một cuộc tranh chấp đa phương.
Đây cũng là một bước tiến rất tốt vì Việt Nam cũng đã thay đổi thái độ. Từ xưa đến giờ Việt Nam cũng giống như Trung Quốc, luôn luôn coi vấn đề Biển Đông là vấn đề song phương, và kiếm cách giải quyết song phương với Trung Quốc hay với Mã Lai hay Phi Luật Tân. Dĩ nhiên song phương cũng tốt, nhưng mà đưa song phương thành nguyên lý, là sai.
Vấn đề tranh chấp này, nếu giải quyết được song phương như vừa rồi giải quyết được với Mã Lai thì rất tốt. Trong tương lai, cũng phải giải quyết với Phi Luật Tân, vì nếu không giải quyết, thì ASEAN khó có thể đoàn kết với nhau để có một thế đứng chung đối phó với Trung Quốc. Thế nhưng song phương không có nghiã là bác bỏ đa phương.
Và như chúng tôi làm ở Đại học Yale, đồng thời được Đại học Yale ủng hộ, trong tương lai một số Đại học khác có thể tham dự, đó là để mở rộng thảo luận giữa các chuyên gia, xem vấn đề cần giải quyết thế nào để mang lại hoà bình. Hòa bình này thì dĩ nhiên phải có công lý, không thể nào chỉ dùng sức mạnh để ép người khác chấp nhận giải pháp của mình.
No comments:
Post a Comment